VIBrand 2012 hướng đến giá trị “Uy tín chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong"
(ICTPress) - Ngày 15/11/2013, “Chương trình sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt” - Vibrand 2012 lần thứ hai đã được khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng tham quan gian hàng tại Triển lãm Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt 2012 (Ảnh: VGP/Mạnh Hùng) |
Đây là hoạt động sẽ được tiến hành hàng năm theo như ban tổ chức chương trình nằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ban Chỉ đạo Trung ương và chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động này. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì phối hợp với Bộ Công thương và Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức sự kiện này.
Đến dự buổi khai mạc có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà, Vụ CNTT - Bộ TT&TT, Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương, cùng các chuyên gia thuộc lĩnh vực CNTT.
Chương trình Vibrand nhằm thúc đẩy phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp (DN), xây dựng thương hiệu quốc gia về CNTT, đẩy mạnh phát triển thị trường CNTT trong nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một nước có nhiều sản phẩm và dịch vụ chất lượng. Nội dung hoạt động của chương trình Vibrand diễn ra trong 3 ngày từ 15 đến 17/11/2012 gồm các nội dung chính như sau:
Hội thảo phát triển thương hiệu quốc gia về CNTT đánh giá Chương trình Công nghiệp CNTT đến 2012 và định hướng Chương trình đến 2020,Tọa đàm Chuyên đề về Phát triển thị trường dịch vụ phần cứng Việt Nam, Phát triển dịch vụ trên nền CNTT.
Bên cạnh đó là Triển lãm của hơn 50 gian hàng giới thiệu hơn 200 sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt như của QTSC, VDC, VTB, CMC, Misa, Netnam, Huetronic, Saigontech,… và sản phẩm của các công viên phần mềm như Khu công viên phần mềm Quang Trung, phần mềm Đà nẵng, phần mềm Cần Thơ, Khu công nghệ phần mềm ĐHQG TP. HCM.
Lễ trao giải Phần thưởng nữ sinh viên CNTT tiêu biểu và tuyên dương các tập thể có thành tích xuất sắc trong phát triển và ứng dụng phần mềm nguồn mở.
Cũng tại Chương trình VIBrand 2012, Bộ TT&TT đã công bố phát hành ấn phẩm “Danh mục sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt năm 2012". Đây là tài liệu tham khảo phục vụ việc đầu tư mua sắm các dịch vụ CNTT đặc biệt dành cho các đơn vị sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Buổi sáng ngày 15/11, diễn ra cuộc hội thảo Phát triển thương hiệu Quốc gia về CNTT do Bộ TT&TT cùng Bộ Công thương đồng chủ trì tổ chức. Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương đã giới thiệu về chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG). Chương trình THGQ được ra đời theo Quyết định số 253 ngày 25/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ, giao cho Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ ngành triển khai. Mục tiêu và nội dung chính là giúp các DN Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu; Lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam để hỗ trợ và phát triển theo các giá trị của Chương trình là "Uy tín chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong" và quảng bá hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị này trên thị trường trong nước, thị trường thế giới tới các đối tượng mục tiêu. Năm 2008 có 30 DN có thương hiệu sản phẩm hàng đầu thỏa mãn được các giá trị của Chương trình. Năm 2010 đã chọn được 43 DN có thương hiệu sản phẩm đạt THQG.
Chương trình VIBrand có tác động tương hỗ và góp phần thực hiện Chương trình THQG. Việc công nhận nhãn sản phẩm VIBrand là nhánh của hệ thống biểu trưng THQG Vietnam Value giúp các DN CNTT tham gia VIBrand sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận Chương trình THQG và hướng tới việc đạt THQG trong tương lai, từ đó khẳng định vị thế của sản phẩm đại diện cho hình ảnh quốc gia về CNTT.
Sản phẩm đạt THQG được tham gia các hoạt động có hỗ trợ của Chương trình THQG từ nguồn ngân sách nhà nước; được hỗ trợ tư vấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước; được sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, sản phẩm và khách hàng của Chương trình. Các DN có sản phẩm đạt THQG được đề xuất sáng kiến xây dựng chiến lược, chương trình hành động cụ thể của Chương trình; được sử dụng biểu trưng THQG và hệ thống nhận diện THQG trong công tác quản trị kinh doanh và truyền thông thương hiệu (theo Quy chế riêng của Chương trình); được tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia do Hội đồng THQG đề xuất; được hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp thương mại về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.
Trong bài trình bày của mình tại Hội thảo phát triển thương hiệu quốc gia về CNTT, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: Kinh phí mua phần mềm năm 2011: 351 tỷ đồng, tại các Bộ: đầu tư 188 tỷ đồng, tỷ lệ mua phần mềm trong nước chiếm 24,2%, tại các địa phương: đầu tư 163 tỷ đồng, tỷ lệ mua phần mềm trong nước chiếm 34,3%. Các phần mềm phổ biến đầu tư như: phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm một cửa điện tử… Các phần mềm mua của nước ngoài là các phần mềm Hệ điều hành Windows Server, Hệ điều hành cơ sở dữ liệu SQL, phần mềm an ninh… Kinh phí mua phần cứng năm 2011: 904 tỷ đồng, tại các Bộ: kinh phí mua phần cứng là 591 tỷ đồng, tỷ lệ mua phần cứng trong nước chiếm 75,8%. tại các địa phương: kinh phí mua phần cứng: 313 tỷ đồng, tỷ lệ mua phần cứng trong nước chiếm 65,7%. Đa phần sản phẩm phần cứng được mua là máy tính để bàn do các công ty trong nước sản xuất, như: FPT Elead, CMS, VTB… Các sản phẩm phần cứng phải mua của nước ngoài, bao gồm: máy chủ, máy tính xách tay, Firewall, Switch, UPS.
Bà Hương cũng khẳng định Chính phủ đã có những quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước vì các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước phù hợp với người Việt Nam và có hướng dẫn sử dụng cụ thể, linh kiện thay thế dễ tìm kiếm nên thuận lợi trong việc sử dụng và bảo hành sau này.
Đáng giá về sản phẩm phần mềm, bà Hương cho rằng DN trong nước đã chú trọng phát triển một số sản phẩm chủ lực như: thư điện tử, một cửa điện tử, văn phòng điện tử,… đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ TT&TT quy định nên đang được triển khai, ứng dụng ở hầu hết trong các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì còn có nhiều khó khăn như DN chủ yếu thực hiện lắp ráp, sản phẩm chưa đa dạng, khó khăn trong cạnh tranh với thiết bị nhập ngoại. Chủ đầu tư dự án CNTT chưa có nhiều thông tin về hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ CNTT của các DN trong nước, các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt thường yếu kém về thương hiệu. Các nhà thầu khi tham gia dự thầu thường có khuynh hướng chào thầu những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài hơn là hàng trong nước.
Về định hướng phát triển sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt, Bộ TT&TT sẽ tham mưu lên Chính phủ xây dựng chính sách ưu đãi các dự án đầu tư, sản phẩm CNTT sản xuất trong nước; Xây dựng chương trình quảng bá các sản phẩm CNTT do DN trong nước sản xuất tới các Bộ, ngành, địa phương; Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ TT&TT phối hợp với các Bộ, ngành khác giảm mức thuế áp cho DN khi nhập linh kiện phục vụ cho việc sản xuất, lắp ráp; Có những ưu đãi về giá thuê xưởng sản xuất, lắp ráp nhằm khuyết khích DN hạ giá thành sản phẩm CNTT; Xây dựng các Chương trình phối hợp nhằm quảng bá sâu rộng sản phẩm CNTT trong và ngoài nước.
Ông Phạm Huyền Kiêu, thành viên hội đồng Haki Group, người đã chủ trì nhiều dự án sáng tạo và quản trị thương hiệu như Chương trình THQG, SEA Games 22,…chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược thiết kế trong chiến lược thương hiệu lĩnh vực CNTT với trường hợp của Đài Loan. Ông cho biết Đài Loan đã “tái định vị hình ảnh sản phẩm biến Đài Loan thành trung tâm sáng tạo thông qua các chiến dịch toàn cầu” và xem “Thiết kế là điểm chính của chiến lược thương hiệu trong tương lai”. Tại Đài Loan có hơn 50 trường thiết kế, hàng năm có 35.021 sinh viên tốt nghiệp so với 77 trường công nghệ (Yodex 2005) và gần 20 hiệp hội nhà nghề thiết kế, tham vấn về chiến lược phát triển sản phẩm thông qua chiến lược thiết kế quốc gia và các hoạt động hợp tác với các hiệp hội chuyên ngành mọi lĩnh vực đặt biệt là CNTT.
Ban Tổ chức dự kiến trên 1.000 lượt đại biểu tham gia hội thảo, tọa đàm cũng như 15.000 lượt người tham quan triển lãm trong ba ngày từ 15 đến 17/11/2012.
Trung Thành