Lý do khách quan và chủ quan của số vụ hành hung nhà báo tăng
(ICTPress) - Ngày 12/6/2012, tại tọa đàm chủ đề “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Hội nhà báo Việt Nam đưa ra thống kê cả nước có hơn 40 vụ nhà báo bị xâm phạm, cản trở, thậm chí hành hung gây thương tích khi tác nghiệp trong 5 năm qua.
Sáng 14/3/2012 khi tiếp cận hiện trường, các PV báo chí bị nhóm bảo vệ cản trở việc tác nghiệp (Ảnh: Đạt Lê/laodong.com.vn). |
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà báo bị hành hung, đánh đập và bị cản trở khi tác nghiệp ngày càng nhiều, một số ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý bảo vệ nhà báo còn lỏng lẻo, việc xử lý các đối tượng vi phạm chưa nghiêm khắc, một số nhà báo còn thiếu kinh nghiệm…
Nhà báo Phan Quang tại Hội thảo khoa học “Đạo đức Nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” do Hội nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức mới đây cho biết cần phải khẳng định mặt tích cực của báo chí là đúng. Tuy nhiên, chúng ta nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra những giải pháp, khắc phục những tình trạng không vui như hiện nay.
Các nhà báo tác nghiệp hiện nay thường bị hành hung nhiều hơn so với trước. Đó là một thực tế. Có nguyên nhân khách quan như nhiều côn đồ xấu hơn trước, nhưng ngược lại vai trò, chức năng của nhà báo trong con mắt của nhân dân bây giờ không được như trước đây. Trước đây nhà báo rất được kính trọng, rất được vị nể nhưng bây giờ không phải khi nói đến nhà báo người dân đã đồng tình ngay. Nói như vậy không phải phủ định "người dân thấp cổ bé miệng" nhờ vào ông "chí" để giải nỗi oan ức và cống hiến của báo chí rất đáng tự hào. Tuy nhiên, có phải tư cách đạo đức của một số nhà báo "con sâu làm rầu nồi canh".
Về tác nghiệp của nhà báo, nhà báo Phan Quang cho biết hai lý luận. Thứ nhất, từ nhận thức đến thực tiễn có khoảng cách. Nhận thức của một số nhà báo không đầy đủ. Chân thực là nguyên tắc, yêu cầu đầu tiên của báo chí. Khi Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) khảo sát quy luật đạo đức báo chí của 60 quốc gia, thì 96% - 97% đều nêu vấn đề chân chân thực là tiêu chí hàng đầu. Còn ở UNESCO đưa vấn đề chân thực của báo chí dưới con mắt truyền thông thì phải thấy là nhà báo thực hiện quyền công dân được tiếp cận thông tin chân thực. Chân thực không phải có tự thân mà chân thực có mục đích. Mục đích của báo chí là phục vụ nhân dân.
Thứ hai, thông tin đúng và nhanh là yêu cầu của báo chí trên thế giới. Tính nhanh là rất tốt. Trong truyền thông có nguyên lý bất di bất dịch: Thông tin đến sớm công chúng sẽ có tác động sâu rộng (nguyên lý triết học). Đảng và Nhà nước khi ban hành một chính sách mới hiện nay hay trước đây trong chiến tranh giao thông liên lạc khó khăn đều muốn truyền thông nhanh nhất nếu không tin đồn làm nhân dân hoang mang. Người ta ví người dân háo hức chờ tin giống như ruộng khô chờ nước, luồng nước đến đầu tiên thì ngấm sâu cho dù nguồn nước đó bẩn, nước sạch phủ lên trên. Nhưng người dân không phải là đồng ruộng, mà là người dân có phản ứng của con người và đưa tin không đúng là người dân không chấp nhận.
Nhà báo Hà Kim Chi, Trưởng Ban Kiểm tra - Hội nhà báo Việt Nam cho biết một số vụ việc phóng viên bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp, báo chí đồng loạt lên tiếng, phản đối, về phía Hội cũng bày tỏ quan điểm và có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh đúng theo Pháp luật. Nhưng khi tìm hiểu thì nguyên nhân do thái độ của phóng viên không đúng mực gây bức xúc và dẫn đến những vụ việc đáng tiếc. Có khi nhà báo vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng xử lý thì chìa thẻ nhà báo ra để dọa nạt lại, trong đó nhiều tường hợp chỉ là cộng tác viên hoặc mới tập sự, chưa có thẻ (chưa được công nhận là nhà báo) đã tự xưng danh nhà báo để sách nhiễu doanh nghiệp, dọa nạt nhân dân và chống lại người thi hành công vụ. Khi các "nhà báo" đó không "quậy" được nữa thì báo chí cũng im ắng luôn, khi các cơ quan chức năng làm rõ sai phạm của nhà báo thì những tờ báo vội vàng thông tin sai không "tiếp tục lên tiếng bảo vệ", cũng không đính chính lại thông tin đã đăng.
"Mỗi nhà báo ở cương vị của mình cần rà soát một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng việc thực hiện 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người cầm bút trên mặt trận tư tưởng văn hóa, thực hiện và hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của nhà báo cách mạng", nhà báo Hà Kim Chi kêu gọi.
Hải Lâm