5% báo chí đưa tin sai gây bức xúc xã hội
(ICTPress) - "5% báo chí đưa tin sai đã gây cho bức xúc cho xã hội".
Trong 3 năm liên tục gần đây, những thông tin, vụ việc mà báo chí đưa ra yêu cầu các Bộ, Ban, Ngành xử lý có tỷ lệ đúng là 90%, 95%, 95%. Như vậy, tỷ lệ báo chí phản ánh cho các cơ quan xử lý đúng là rất cao nhưng 5% báo chí đưa tin sai đã gây cho bức xúc cho xã hội là những thông tin Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền (TT&TT) Đỗ Quý Doãn cho biết tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” tại Hà Nội.
5% của việc đưa tin sai nhất là trong môi trường lan tỏa không biên giới Internet tạo sự quan tâm hay thực chất là gây bức xúc trong xã hội rất lớn. Trong một thông tin phê bình đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực chỉ 1 tin đưa sai trong toàn bộ bài viết cơ bản đúng nhưng giá trị của toàn bộ bài, nội dung đó không có giá trị và người đọc chỉ bám vào 1 nội dung sai đó.
TS. Trần Bá Dung, Phó Trưởng Ban thường trực Hội nhà báo Việt Nam đưa hai ví dụ điển hình đưa tin sai gây bất bình xã hội vào năm 2006 và 2011 như: Vụ án PMU 18 năm 2006, đã có nhiều thông tin sai sự thật, xâm phạm nghiêm trọng đời tư của một số người. Một báo điện tử đã phải trả giá hơn trăm triệu đồng bồi thường danh dự cho việc đăng tin sai sự thật, xúc phạm một nhà hàng trên phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Hay một sự việc khác là vào tháng 3/2011, hàng triệu khán giả truyền hình, nhiều nhà hảo tâm và dư luận xã hội bất bình về chuyện một cô gái bịa ra cả một quá khứ bất hạnh để lừa khan giả truyền hình, trong câu chuyện “Đời cô Lượm” được phát trên sóng truyền hình quốc gia.
Và mới đây nhất, dư luận xã hội cũng như trong báo giới ngỡ ngàng, xấu hổ việc một phóng viên bịa tin giật gân câu khách một cách thiếu hiểu biết và thiếu nhân văn về câu chuyện “bố chồng dính chặt nàng dâu” ở Tiền Giang (đăng báo điện tử vov.vn). Sau đó, một báo điện tử khác “ăn theo” bịa ra phỏng vấn người hàng xóm của nhân vật về chuyện này.
Tại Hội thảo này và các hội thảo về báo chí gần đây, các sai phạm đã được nhận diện và phân loại: Thông tin không phù hợp lợi ích quốc gia, nhân dân; Nhận thức chính trị còn non kém; Không xác minh thông tin gây bức xúc xã hội; Thông tin sai sự thật thiếu sự kiểm chứng nguồn tin; Xâm phạm đời tư, nhân phẩm của cá nhân, công dân; Thông tin vụ việc điều tra chưa kết thúc, chưa có xác minh đã đưa tin gây ảnh hưởng của cả ngành, cả giới, địa phương; Đặt tít bài không phù hợp với nội dung của bài báo; Thông tin quảng cáo sai quy định, không phù hợp.
Trong bài tham luận “Thật và Nhanh” gửi đến Hội thảo, nhà báo lão thành Hữu Thọ cho biết khuyết điểm phổ biến dẫn đến thông tin sai sự thật là do phong cách làm báo không cẩn trọng, thiếu trách nhiệm… Một số người thu thập thông tin theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”, theo tin đồn, theo kiểu “làm báo a dua, theo đuôi”, không theo lời dặn của Bác Hồ: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ, chớ nói, chớ viết” mà Bác gọi là “nói bừa”, “viết càn”. Những người làm báo nổi tiếng thường rất thận trọng khi thu thập thông tin, xem ra họ càng nổi tiếng càng thận trọng.
Hải Lâm