Thật và Nhanh

Xem ra, đã làm báo thì ai cũng quan tâm hai từ Thật và Nhanh.

Trong công việc phản ánh hiện thực, có nhà báo luôn luôn cho rằng mình hết lòng vì sự thật và chỉ vì sự thật mà thôi, phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ và cả nguy hiểm để tiếp cận và thông tin sự thật. Đồng thời với việc công bố thông tin thì nhanh lại là điều rất quan trọng, “thông tin ban đầu” luôn luôn là phẩm chất quan trọng trong thông tin mà nhà báo nào cũng tìm cách đạt tới vì những dấu ấn sâu sắc của nó tới người đọc, người xem trong quá trình cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt. Chiến đấu cho thông tin sự thật và nhanh chóng công bố thông tin là cuộc chiến đấu sinh tử trong cuộc cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt hiện nay. Thông tin sai là thua mà thông tin chậm cũng là thua.

Nhiều năm hoạt động và nghiên cứu các văn kiện của Đảng về thông tin, tôi thấy có những điều suy nghĩ và muốn trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp.

Bác Hồ và Đảng ta luôn quan tâm thông tin sự thật và thông tin nhanh nhưng không chỉ nói sự thật mà phải tới sự chân thật, không chỉ yêu cầu nhanh để khỏi bị động nhưng nhấn mạnh đến thông tin kịp thời. Bác Hồ dặn các nhà báo phải “viết cho hay, cho chân thật và hùng hồn”. Văn kiện Đại hội VI mở đầu thời kỳ đổi mới yêu cầu cơ quan truyền thông đại chúng “phải đảm bảo tính chân thật” trong thông tin. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI vừa diễn ra yêu cầu cơ quan truyền thông đại chúng phải thông tin “chân thật, đa dạng, kịp thời”. Với sự giống nhau và khác nhau giữa sự thật và chân thật, giữa nhanh và kịp thời là gì?

Theo từ điển tiếng Việt thì sự thật là “cái có thật, cái có xảy ra” còn chân thật là “đúng hiện thực khách quan”. Do đó theo tôi hiểu thì sự thật hay chân thật đều là sự kiện có thật, không bịa đặt, phỏng đoán, nhưng khác nhau về mức độ, chân thật là tới bản chất sự thật.

Rồi việc thông tin nhanh. Người làm báo nào cũng muốn phấn đấu để công bố thông tin nhanh vì lợi thế của nó và uy tín của người đưa thông tin như trên đã phân tích, nhưng nhanh với kịp thời xem ra không hoàn toàn giống nhau. Nhanh chỉ nhịp độ, tốc độ trong so sánh, còn kịp thời là đúng lúc. Theo tôi hiểu thì nhanh và kịp thời đều không chấp nhận sự chậm chạp, nhưng kịp thời là tính tới bối cảnh công bố có lợi nhất, có hiệu quả xã hội cao nhất do đó kịp thời có thể phải nhanh, không dễ để lỡ cơ hội, hoặc bị động nhưng lại không nhất thiết phải nhanh khi ở bối cảnh cụ thể nào đó việc công bố sẽ không có lợi cho nhân dân và đất nước.

Thật ra, trong các văn kiện Đảng, cũng có lúc đề cập tới thông tin “sự thật”. Chắc mọi người đều nhớ, Đại hội Đảng lần thứ VI nêu rõ thái độ của Đảng trong đánh giá tình hình là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Thái độ đó cũng là thái độ của những người làm báo chúng ta trước việc tìm hiểu thông tin và công bố thông tin. Tuy nhiên chỉ “nói rõ sự thật” (nên hiểu là công bố thông tin) khi đã “đánh giá đúng sự thật” tức là tới bản chất sự thật với đầy đủ nhiều mặt của nó, gần với khái niệm chân thật trong lời dặn của Bác Hồ.

Phân tích dài dòng như trên để nhìn lại những đánh giá hoạt động của báo chí trong thời gian qua. Bên cạnh những ưu điểm, theo tôi cơ bản thì cũng có những khuyết điểm, có khuyết điểm nghiêm trọng. Trong các khuyết điểm có khuyết điểm thông tin “sai sự thật” gây ảnh hưởng xấu hoặc xâm phạm uy tín danh dự của tổ chức, nhân phẩm công dân, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, và làm mất uy tín của giới báo chí trong xã hội.

Trong tin sai sự thật có nhiểu loại, có số ít do bịa đặt, thêm bớt là sai phạm nặng nề nhất về mặt đạo đức của người làm báo, không cần bàn đến.

Có trường hợp thông tin “sai sự thật” do suy diễn chủ quan dẫn đến sự thật bị thổi phồng, bóp méo cũng không còn là sự thật như nó vốn có, gây hiểu lầm tai hại trong xã hội, xa rời tính chân thật của báo chí.

Theo tôi, khuyết điểm phổ biến dẫn đến thông tin sai sự thật là do phong cách làm báo không cẩn trọng, thiếu trách nhiệm… Một số người thu thập thông tin theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”, theo tin đồn, theo kiểu “làm báo a dua, theo đuôi”, không theo lời dặn của Bác Hồ: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ, chớ nói, chớ viết” mà Bác gọi là “nói bừa”, “viết càn”. Những người làm báo nổi tiếng thường rất thận trọng khi thu thập thông tin, xem ra họ càng nổi tiếng càng thận trọng. Peter Arnett, nhà báo được giải thưởng Pulitzer danh giá hay nhắc lại lời khuyên của bạn đồng nghiệp: “Chỉ viết ra những gì trực tiếp quan sát” (chứ không viết theo tin đồn hoặc qua báo cáo. TG). Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Market cũng nói: “mỗi tin tức cũng phải điều tra”, nghĩa là không chỉ hoạt động điều tra khi viết phóng sự điều tra mà khi công bố những thông tin nào cũng phải điều tra để thông tin chính xác, chân thật. Những nguyên nhân dẫn đến  thông tin sai nêu trên thuộc về phong cách, là một đạo đức khi hành nghề.

Khi hoạt động nghề nghiệp nhiều khi rất mâu thuẫn, phải chọn lựa. Để đến được sự thật nhất là chân thật nhiều khi cũng phải mất thời gian, không phải lúc nào cũng có thể nhanh, nhưng lại không thể chậm chạp. Ai cũng muốn thông tin vừa nhanh, vừa đúng đắn chân thật nhưng nếu phải chọn lựa giữa nhanh và đúng, thì những nhà báo nổi tiếng trên thế giới đều không ngần ngại chọn lựa đầu tiên việc thông tin đúng, vì về cơ bản thông tin đúng, chân thật là phẩm chất hàng đầu của thông tin, và chỉ luôn luôn thông tin, bình luận đúng mới có thể trở thành cây bút tin cậy trong lòng bạn đọc.

Trong những sai sót của hoạt động nghề nghiệp thời gian qua còn có những thông tin quan hệ tới trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trong việc thông tin những vấn đề tế nhị, nhạy cảm, chủ yếu khi thông tin các vấn đề kinh tế, xã hội và hoạt động đối ngoại… không có lợi, thậm chí có hại cho nhân dân và sự nghiệp ổn định và phát triển của đất nước, sẽ bàn trong một bài khác.

Xin được trình bày một số ý kiến về thông tin chân thật và kịp thời liên quan tới đạo đức nghề nghiệp để đồng nghiệp tham khảo.

Nhà báo Hữu Thọ

Hội thảo khoa học Đạo đức Nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin tháng 10/2012

Tin nổi bật