Bill Gates ra sách mới về thảm họa khí hậu

Không chỉ chống chọi với đại dịch COVID-19, chúng ta cũng đang tiếp tục phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ của sự biến đổi khí hậu như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt cùng với mùa bão kỷ lục - khiến cuộc sống nhiều nơi trở nên điêu đứng và gây ra mối đe dọa cho sự ổn định kinh tế của nhiều quốc gia.

Ngay lúc này, biến đổi khí hậu đã không chỉ còn là lý thuyết. Với những mùa hè thiêu đốt, bão tố dữ dội và nước biển dâng, nó đang thực sự đe đọa đến sự tồn tại của con người. Một Thảm họa khí hậu sẽ không còn xa… nếu chúng ta không làm được những điều cần thiết.

Những con số nhức nhối

Cuốn sách mới nhất của Bill Gates Thảm họa khí hậu: Chúng ta đã có gì và chúng ta phải làm gì để đối phó? đã xuất hiện sau một năm thế giới chứng kiến loạt thảm họa thời tiết để lại hậu quả nặng nề bậc nhất trong lịch sử này.

Tác phẩm cũng xuất bản đúng vào lúc các vấn đề về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo đang được thảo luận rộng khắp trên thế giới cũng như ở Việt Nam trước thềm Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Liên hiệp Anh vào tháng 11/2021.

Cuốn sách được phát hành nhân Ngày Môi trường Thế giới thường niên 5/6/2021 - một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên Hợp Quốc để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.

Để hoàn thành cuốn Thảm họa khí hậu, Bill Gates đã dành một thập kỷ để điều tra nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu lên hành tinh. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, kỹ thuật, khoa học chính trị và tài chính, ông tập trung vào những gì phải làm để ngăn chặn sự trượt dốc của hành tinh đối với thảm họa môi trường. Bill Gates đặt ra một bảng tính, thế giới cần loại bỏ 51 tỉ tấn khí nhà kính để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Mở đầu cuốn sách, Bill Gates đã đề cập đến một vấn đề luôn nhức nhối: “Có hai con số bạn cần biết về biến đổi khí hậu. Con số đầu tiên là 51.000.000.000. Con số còn lại là 0.

51.000.000.000 là số tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà thế giới trút vào bầu khí quyển mỗi năm. Mặc dù con số này có thể tăng hoặc giảm một chút qua các năm, nhưng nhìn chung, nó đang tăng lên. Đây là thực trạng hiện nay.

Còn 0 chính là mục tiêu chúng ta cần hướng tới. Để ngăn chặn tình trạng gia tăng nhiệt độ và tránh những tác động tồi tệ nhất, thực sự tồi tệ, của biến đổi khí hậu, con người cần ngừng trút thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển.”

Chúng ta cần làm gì?

Theo Bill Gates, phát thải khí nhà kính chính là nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu, và nếu chúng ta không làm gì, một thảm họa khí hậu sẽ là điều không thể tránh khỏi.

 Trong cuốn sách, tác giả đã đưa ra một kế hoạch lớn, thực tế về cách toàn cầu giảm thiểu khí thải nhà kính, tránh thảm họa khí hậu. Ông tập trung mạnh vào các giải pháp năng lượng để đưa lượng phát thải khí nhà kính “về 0” càng sớm càng tốt, đó là ‘khiến năng lượng sạch có giá thấp đến mức mọi quốc gia sẽ chọn nó thay vì nhiên liệu hóa thạch.’

Cụ thể, trong các chương từ 4 - 9, Bill Gates phân tích các biện pháp kỹ thuật để làm giảm lượng phát thải, và thúc đẩy việc đưa các biện pháp này vào thực tiễn bằng cách làm giảm Chi phí Xanh – một thuật ngữ mà tác giả nhắc đến rất nhiều lần trong cuốn sách, nghĩa là chi phí chênh lệch giữa việc sử dụng phương thức cũ (ví dụ như sử dụng ô tô chạy xăng) với phương thức mới (ô tô chạy điện).

Bên cạnh đó ông cũng nhắc đến việc thích nghi với biến đổi khi hậu, tuy nhiên không đi quá sâu vì cho rằng biện pháp chính vẫn là giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Nội dung cuối cùng của cuốn sách chỉ ra kế hoạch chi tiết để làm được những điều trên. Trong đó Bill Gates đề cập cụ thể đến vai trò của chính sách, tổ chức và cá nhân trong việc giảm phát thải.

Cuốn sách Thảm họa khí hậu của Bill Gates hướng đến những độc giả quan tâm đến biến đổi khí hậu, những nhà hoạt động trẻ và những người muốn chung tay vào giải quyết vấn đề đó.

Với cuốn sách này, không những họ được truyền nhiệt huyết để giải quyết vấn đề, mà còn có cái nhìn rộng hơn, hiểu được rằng để giải quyết vấn đề khi hậu, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở thay đổi nhận thức và hành vi ở mức độ cá nhân; mà còn phải có tác động lớn của chính phủ, các tổ chức tư nhân trong việc tìm kiếm và thúc đẩy các phương pháp về cả kĩ thuật lẫn chính sách.

 Tờ The Economist đánh giá về cuốn sách:  “Khía cạnh mới mẻ nhất của cuốn sách này nằm ở sự kết hợp giữa cái nhìn thực tế đến lạnh lùng và sự lạc quan có cơ sở từ số liệu…

Xét cho cùng, cuốn sách này có tác dụng như một phần dẫn nhập về cách tái tổ chức nền kinh tế toàn cầu, nhằm tập trung sự đổi mới vào các vấn đề nguy cấp nhất của thế giới. Nó là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng nếu loài người muốn thực sự nghiêm túc với việc giải quyết vấn đề, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để vận dụng một nguồn lực vô tận – đó chính là trí tuệ của chúng ta".

ND

Tin nổi bật