Sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt đã chinh phục thế giới
Đây là đánh giá chung của các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” do Bộ TTTT tổ chức ngày 30/5/2019.
Tham dự Hội nghị có: Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo; Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam Hầu A Lềnh cùng 150 đại biểu thuộc các cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan báo đài, doanh nghiệp (DN)…
Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh bảo (thứ 3 từ bên trái sang) và ông Hầu A Lềnh (thứ 2 từ bên phải sang) trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TTTT cho 9 tập thể, 5 cá nhân đã có thành tích tham gia cuộc vận động |
Báo chí đã tuyên truyền đậm nét về Cuộc vận động
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), cơ quan thường trực Cuộc vận động của Bộ TTTT cho biết: Là cơ quan quản lý báo chí, Bộ TTTT đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí in, điện tử, báo nói, báo hình, thông tin đối ngoại... trong cả nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền liên quan đến cuộc vận động (các đề án, dự án, chương trình) trong giai đoạn 2009 – 2019 tới toàn thể các tầng lớp nhân dân trên mọi miền Tổ quốc và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT |
Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, hàng trăm ngàn tin, bài, ảnh, phóng sự và hàng trăm chuyên mục về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cơ quan báo, đài sản xuất, đăng tải, phát sóng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Đặc biệt, đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 4 loại hình báo chí và truyền thông 3 cấp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để người tiêu dùng nhớ, tin và đi tìm sản phẩm trong nước. Việc tuyên truyền được làm thường xuyên, liên tục, đậm đặc và thuyết phục để tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt.
Các cơ quan báo đài địa phương còn phối hợp với các DN Việt Nam trên địa bàn tổ chức tốt công tác tuyên truyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; quảng bá các DN kinh doanh và sản xuất trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về năng lực sản xuất, kinh doanh của Việt Nam; tuyên truyền để các DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt đã chinh phục thế giới
Trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động, Bộ TTTT luôn chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, DN hoạt động trong ngành TTTT tập trung cho đầu tư phát triển, điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất, cung ứng dịch vụ để chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.
Các DN trong ngành TTTT đã tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, qua đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt thuộc lĩnh vực TTTT.
Các dịch vụ TTTT thiết yếu như: dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay đều do DN trong nước cung cấp và làm chủ. Sản phẩm thiết bị đầu cuối của TTTT do Việt Nam sản xuất ngày càng được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận như: Tập đoàn VNPT, Viettel đã sản xuất nhiều sản phẩm, dịch vụ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và vươn ra thị trường các nước Lào, Campuchia, Haiiti, các nước vùng Caribe, Châu Phi.
Hàng năm Bộ TTTT đều xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức Chương trình Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt - Vietnam ICT Brand (VIBrand) theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam, đẩy mạnh văn hóa tiêu dùng hàng Việt, khuyến khích các DN CNTT Việt Nam sản xuất, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt.
Để thúc đẩy phát triển công nghệ Việt Nam, Bộ TTTT đã chủ trì tổ chức nhiều Hội thảo, Hội nghị lớn như Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TTTT Việt Nam, Diễn đàn quốc gia về phát triển DN công nghệ Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây, Bộ TTTT đang tham mưu cho Chính phủ triển khai chương trình “Make in Việt Nam” với trọng tâm nhằm phát triển hệ sinh thái các DN công nghệ, hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.
Ông Hầu A Lềnh phát biểu |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hầu A Lềnh khẳng định: Cuộc vận động có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, xã hội, có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tạo cho người Việt Nam ý thức tự cường, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước và là cơ hội để cho cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội để khẳng định mình để phát triển các sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho người tiêu dùng trong nước, tiến tới từng bước thâm nhập thị trường khu vực cũng như quốc tế.
Ông Hầu A Lềnh cũng chúc mừng và bày tỏ "ngưỡng mộ quyết tâm của Bộ TTTT và các DN ICT vừa qua đã hết sức cố gắng, nỗ lực để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ CNTT để cung ứng, phục vụ cho khách hàng, người tiêu dùng, cho các cơ quan, đơn vị trong nước và hiện nay chinh phục rất nhiều nước".
Ông cũng mong muốn các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương ngoài việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm của cuộc vận động đến các đối tượng trong toàn xã hội còn tuyên truyền hỗ trợ cho cộng đồng DN thông tin quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Đây là một sự hỗ trợ quý báu cho cộng đồng DN.
Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh để phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái cũng cần phải được báo chí đấu tranh quyết tâm, để chúng ta bảo vệ chính cho người tiêu dùng và cộng đồng DN làm ăn chân chính.
Toàn cảnh Hội nghị |
“Cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo vệ, phê phán, xây dựng được làm đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa sản phẩm có giá trị nhất đến người tiêu dùng trong và ngoài nước”, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Cần ủng hộ, hỗ trợ DN công nghệ Việt
Tại Hội nghị, ông Trường Sơn, công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Vĩnh Cửu đã giới thiệu phần mềm quản trị DN Việt PERP, sản phẩm hoàn toàn do người Việt làm, thể hiện khát vọng, tâm huyết của những người Việt.
PERP có đầy đủ các chức năng của một hệ thống quản trị tổng thể dành cho DN, tổ chức quy mô vừa nhỏ trong nhiều ngành khác nhau. PERP đáp ứng các tiêu chí quy định trong Thông tư 47/2016/TT-BTTTT, đáp ứng các tiêu chí được ưu tiên đầu tư, mua sắm trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Sản phẩm PERP đã được thực hiện các thủ tục theo quy định trong Thông tư 47/2016/TT-BTTTT đã được đăng tải lên website của Bộ TTTT.
Mặc dù là sản phẩm hoàn toàn do người Việt sản xuất, nhưng ông Sơn cho biết các tổ chức, DN Việt Nam chưa nhìn thấy lợi ích rõ ràng khi người sử dụng sản phẩm, giải pháp công nghệ Việt nên có xu hướng thích chọn sản phẩm, giải pháp nước ngoài. Sản phẩm cũng chưa được các cơ quan nhà nước sử dụng mà phần lớn là các DN, tổ chức tư nhân.
Theo đó, ông Sơn đề xuất cần có chính sách hỗ trợ các DN CNTT, đặc biệt DN nhỏ có sản phẩm, giải pháp công nghệ được chứng minh trên thị trường như khả năng tiếp cận các quỹ R&D, hỗ trợ bảo lãnh, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Ngoài ra cũng cần có chính sách khuyến khích các DN công nghệ quy mô lớn của Việt Nam hợp tác, liên kết với các DN công nghệ Việt quy mô nhỏ để giải quyết các bài toán lớn tầm quốc gia và quốc tế.