Tăng giá hay giảm giá tạo nên động lực phát triển?

(ICTPress) - Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011 – 2015 sẽ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng giúp người dân sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp viễn thông cũng có quyền lợi khi tham gia chương trình.

Hầu như chúng ta ai cũng nhận thấy rằng điện, điện thoại, internet và phương tiện giao thông đang trở thành những thứ không thể thiếu được trong cuộc sống. Thông tin về dịch vụ viễn thông nào đang khuyến mại, giá điện hay giá xăng lại tăng, sắp tới các phương tiện giao thông phải đóng thêm vài loại chi phí… trở thành chủ đề thường xuyên của câu chuyện bên bàn nước cơ quan, trong bữa ăn gia đình và trên các tờ báo in, báo mạng.

Trong khi giá điện, giá xăng và chi phí giao thông cứ lăm le tăng tiến hoặc lùi một bậc rồi leo phắt lên dăm ba bậc, thì chỉ có giá các dịch vụ viễn thông là liên tục giảm. Giữa những lo toan cân đối chi phí xăng dầu xe cộ sao cho vừa vặn trong phạm vi đồng lương hạn hẹp, các tin khuyến mại di động khiến chúng ta nhẹ nhõm hơn. Có khi nào chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao giá điện, xăng và các loại phí giao thông cứ ngày càng tăng trong khi giá dịch vụ viễn thông ngày càng giảm? Việc tăng giá, tăng phí hay giảm giá, giảm phí mới thực sự tạo nên động lực phát triển?

Bài viết này gom lại vài điều tản mạn để chúng ta cùng suy nghĩ:

 Câu chuyện về Điện:

Đầu năm 2012, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán năm 2011: Tập đoàn điện lực EVN lỗ hơn 8000 tỷ đồng.

Chỉ riêng trong năm 2011, đã hai lần EVN tuyên bố nâng giá điện.       

Thuyết minh cho việc tăng giá điện, EVN trình bày rằng tăng giá là tín hiệu để thu hút đầu tư vào các công trình điện, cũng là cách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy những điều khác hẳn:

Theo số liệu của Học viện Tài chính,  tỷ lệ tiêu dùng điện bình quân đầu người ở Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, chẳng hạn như chỉ bằng 2/5 ở Thái Lan (báo Dân trí, 14/3/2012). Việc sử dụng điện ít hơn sẽ giúp cho cuộc sống chúng ta tốt hơn hay kéo chúng ta ngược trở lại những thập niên trước?

Việc tăng giá điện ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ: Một công ty may xuất khẩu hằng năm phải chi vài tỉ đồng tiền điện, chi phí điện chiếm khoảng 10% trong chi phí giá sản xuất gia công của doanh nghiệp. Khi điện tăng giá, ngoài việc bù chi phí tiền điện thêm hàng trăm triệu đồng, mức tăng của chi phí điện cũng kéo theo hàng loạt nguồn cung đầu vào tăng. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đương nhiên bị suy giảm. Đối phó với tình hình khó khăn, chủ doanh nghiệp phải cắt giảm chi tiêu bao gồm cả việc cắt giảm lương thưởng cho công nhân. Điều này tiếp tục dẫn tới những hệ lụy khác đối với đời sống kinh tế xã hội.

Chuyện xăng dầu và phí giao thông

Lộ trình giá của xăng là những bước đi khéo léo với tên gọi điều chỉnh giá, nghĩa là có tăng có giảm. Nhưng mỗi lần giảm chỉ vài trăm đồng, còn khi tăng thì bật lên hàng ngàn đồng trên một lít. Gần đây nhất, xăng giảm giá 500 đồng/lít, tháng 8/2011; để rồi tháng 3/2012 - xăng tăng giá 2.100 đồng/lít. Đúng là lùi một bước rồi tiến hơn bốn bước.

Mỗi đợt tăng giá xăng là cơ hội để nhiều đại lý ung dung bỏ túi hàng tỉ đồng. Đối với các công ty kinh doanh xăng dầu, lời lãi bởi những vụ tăng giá thật khó tính nổi một cách chính xác.

Người dân thì không thể không dùng đến xăng dầu, khi xe máy hay ô tô là phương tiện di chuyển, thậm chí là phương tiện kiếm sống của họ. Đối với các doanh nghiệp khác thì xăng tăng giá cũng kéo theo vô số hệ lụy không kém việc tăng giá điện. Mặc nhiên, có vẻ như xăng vẫn sẽ tiếp tục lộ trình lùi và tiến khéo léo của nó.

Không chỉ vấn đề xăng dầu, các phương tiện giao thông còn đối mặt với các chi phí giao thông. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện ô tô đang phải chịu 8 loại thuế, phí bao gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí bảo hiểm vật chất, phí bảo hiểm dân sự và phí xăng dầu. Nhiều chuyên gia cho rằng biện pháp thu nhiều loại phí trên đầu phương tiện chỉ nhằm đánh vào túi tiền người dân mà không thể giảm ùn tắc. Thuế và chi phí cao, doanh nghiệp sẽ không có tích luỹ để tái sản xuất, người dân không có cơ hội tiêu dùng. Điều đó triệt tiêu động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyện ngành Viễn thông

Từ năm 2004, cước phí viễn thông của Việt Nam đã bằng và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Người dân có nhiều cơ hội tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ viễn thông. Điều này tạo động lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài nước; sản xuất kinh doanh viễn thông ngày càng phát triển.

Năm 2011, tổng doanh thu của Viettel và VNPT gộp lại đạt 237.800 tỉ đồng, trong đó VNPT đạt 120.800 tỉ đồng và Viettel đạt 117.000 tỉ đồng. Mỗi tập đoàn đều cho biết đạt lợi nhuận 1 tỉ USD, và nộp thuế lần lượt là 7.880 tỉ đồng và 10.000 tỉ đồng. Dù kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, khối kinh doanh của ngành thông tin truyền thông vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 20% trong những năm gần đây. Công nghiệp phần mềm và nội dung số đứng thứ 8 trong 50 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Sản xuất kinh doanh viễn thông phát triển khiến dịch vụ càng phong phú và chi phí cạnh tranh khiến người dân được hưởng lợi. Các dịch vụ thông tin mang đến cho người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, nhiều cơ hội mới, xóa dần khoảng cách nông thôn-thành thị.

Đặc biệt, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) giai đoạn 2011 – 2015 sẽ hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng giúp người dân sử dụng dịch vụ VTCI, phát triển hạ tầng viễn thông…Với sự hỗ trợ của chương trình, sẽ có thêm 1 triệu hộ gia đình tại các xã đặc biệt khó khăn có thuê bao điện thoại cố định, người dân được truy nhập miễn phí khi sử dụng một số dịch vụ viễn thông cơ bản. Doanh nghiệp viễn thông cũng có quyền lợi khi tham gia chương trình VTCI với tỷ lệ 21% kinh phí của chương trình dành cho đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, 29,5% hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì cung cấp dịch vụ VTCI…

Chương trình VTCI là sự kết hợp hài hòa giữa quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông, điều tiết hợp lý quyền lợi của doanh nghiệp và người sử dụng, nhằm mang đến lợi ích cho đông đảo người dân và toàn xã hội, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Chương trình đặt mục tiêu đến 2015, 100% số xã được kết nối bằng đường truyền dẫn băng rộng đa dịch vụ.  

Và túi tiền người dân

Dù đã được cải thiện nhiều do đổi mới và mở cửa cách đây hơn một phần tư thế kỷ, thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc. Trong một vài năm gần đây, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn về tính bền vững của quá trình tăng trưởng.

Đây là cảnh báo của một đề tài khoa học cấp nhà nước mang tên “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020: từ nhận thức với hành động” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện theo yêu cầu của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Báo cáo này cũng trích dẫn số liệu về thu nhập của Việt Nam và các quốc gia khu vực do Quỹ Tiền tệ Quốc tế thực hiện năm 2010. Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới và mở của, Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, căn cứ vào tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính theo giá cố định trong giai đoạn 2001 – 2007 của các quốc gia, Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng: thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.

Quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2010 đạt 1.061 đô la tính theo tỷ giá hối đoái, và 2.948 đô la theo PPP.

Rõ ràng là đại đa số người dân Việt Nam đang sở hữu túi tiền eo hẹp.

Chính sách quản lý của Nhà nước cần tạo sự dung hoà lợi ích các bên để mang lại hiệu quả cho toàn xã hội.

Với thu nhập khiêm tốn của đại đa số người tiêu dùng, chắc chắn việc tăng giá, tăng phí không phải là biện pháp kích cầu phát triển sản xuất.

Việc giảm giá, tăng cường khả năng cạnh tranh sẽ giúp người dân có thêm cơ hội tiêu dùng, tạo nên thị trường tiềm năng cho việc kêu gọi đầu tư, tạo nên động lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

QM 

Tin nổi bật