Nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8
Chiều 30/8, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng dự phiên họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chúc sức khỏe, chúc thành công đến các nhà báo nhân dịp Quốc khánh 2/9.
Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, trong ngày 30/8, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, tập trung vào hai nội dung lớn là về xây dựng, hoàn thiện thể chế và về tình hình kinh tế xã hội.
Trước khi vào phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những thành tích mà Đoàn thể thao Việt Nam đã đạt được tại ASIAD (đến hết ngày 29/8, đã đạt 4 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 13 huy chương đồng, đứng thứ 13 trên 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt mục tiêu đề ra), đặc biệt là đội tuyển bóng đá Olympic lần đầu tiên có mặt tại bán kết ASIAD. Thủ tướng khen ngợi tinh thần thi đấu kiên cường của các cầu thủ, huấn luyện viên Đội tuyển Olympic Việt Nam vì màu cờ sắc áo, mong các cầu thủ trẻ chúng ta “bại không nản”, mong muốn đội tuyển bóng đá tập trung hồi phục sức lực để thi đấu trận tới với quyết tâm cao nhất, giành được Huy chương Đồng đáp ứng sự mong mỏi của cổ động viên nước nhà.
Liên quan đến nội dung phiên họp Chính phủ tháng 8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết:
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã thảo luận Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, tiến độ cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Chính phủ đánh giá, kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7, với những điểm nổi bật như:
- Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát: CPI tháng 8/2018 tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.
- Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%). Các lĩnh vực như sản xuất phân phối điện, sản xuất xe hơi, dược, dệt may… đều tăng trưởng tốt.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại 8 tháng duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8%.
- Giải ngân vốn đầu tư phát triển được cải thiện rõ nét, 8 tháng ước bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ 2017 đạt 38,4% dự toán).
- Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới. Tính đến 20/8, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD, số vốn FDI giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đánh giá bước đầu về tình hình kinh tế-xã hội cả năm 2018, kế hoạch năm 2019, tình hình kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Dự kiến, chúng ta sẽ đạt và vượt 12 chỉ tiêu của năm 2018, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.
Về tình hình kinh tế-xã hội 5 năm, Chính phủ đánh giá, kinh tế trong nước giai đoạn 2016-2018 đã được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và FDI đạt mức kỷ lục. Kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5-7%).
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về các nhiệm vụ - giải pháp thời gian tới, Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2018, các Bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Giải pháp thực hiện đã khá đầy đủ, đồng bộ (nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh), cần tập trung chỉ đạo vào khâu thực thi, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.
Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tính chung 8 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 15.028 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 6.973 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.858 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 197 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,74%, giảm 1,6% so với tháng trước).
Về Chương trình công tác, theo kế hoạch, 8 tháng có 209 đề án các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hết tháng 8, các Bộ đã trình 163 đề án (đạt 78%), trong đó 63 đề án đã được ban hành (chiếm 38,65% số đề án đã trình); 46 đề án đã quá thời hạn chưa trình theo tiến độ.
Về cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh, trong tổng số 6.213 điều kiện, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện. Đến nay đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện (đạt 31,6% so với dự kiến) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, VHTT&DL...
Còn 2.839 điều kiện đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 Bộ.
Về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có tổng số 9.936 dòng hàng phải kiểm tra, các Bộ dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng. Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng (đạt 34% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đã cải thiện hơn so với tháng trước (tăng 18,9% ) nhưng tỷ lệ cắt giảm đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với so với yêu cầu đặt ra.
Văn phòng Chính phủ kiến nghị các Bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ thông qua hoặc ban hành theo thẩm quyền. Các Bộ cần tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Nội dung hỏi-đáp tại Họp báo
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
PV Hoài Thu (báo điện tử VnExpress): Hà Nội và các bộ, ngành dự kiến đưa giải đua công thức F1 về Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ ra sao? Chi phí để tổ chức giải đua này rất tốn kém, Bộ KH&ĐT đánh giá như thế nào về hiệu quả nếu giải đua này nếu được tổ chức tại Việt Nam?
Liên quan đến vụ việc Con cưng, xin Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết về kết quả rà soát của Bộ KH&ĐT liên quan đến kết quả kiểm tra của quản lý thị trường?
Liên quan đến đất đai Thủ Thiêm, thời hạn báo cáo là trước 25/7, xin hỏi Thanh tra Chính phủ về kết quả giải quyết vụ việc này?
Việc xây dựng ga ngầm C9 gần Hồ Gươm sẽ làm mất cảnh quan đô thị và làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử Hồ Gươm. Xin được hỏi về đánh giá tác động của việc xây dựng này ra sao?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Theo Luật Thể dục và thể thao năm 2003, việc này là thẩm quyền của Thủ tướng. Nhưng Luật mới sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2019, việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Luật cho phép chúng ta tổ chức thể thao quốc tế, đua xe công thức 1 là một nội dung. Sau khi có ý kiến của UBND TP. Hà Nội, Thành uỷ Hà Nội, Thủ tướng giao cho Bộ VHTT&DL, Bộ KH&ĐT và các bộ cho ý kiến, xem xét, đánh giá tác động, đặc biệt là dân cư xung quanh nơi diễn ra đua xe F1.
Đầu tiên TP. Hà Nội đưa ra phương án tổ chức đua tại xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số tuyến đường gần đó. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của các bộ và tính toán thì không đạt yêu cầu và chi phí rất lớn. Sau đó, Hà Nội báo cáo phương án tổ chức điểm đua ở khu trung tâm thể thao Mỹ Đình, địa điểm đã đồng bộ hạ tầng, tuyến đường có sẵn. Tinh thần là chúng ta xã hội hoá toàn bộ, không dùng ngân sách. Ví dụ những giải phân cách giữa tuyến đường đua và nhà dân là xã hội hoá hết.
Đây là công thức thể thao quốc tế rất mới. Các nước đã tổ chức rất tốt. Khi UBND TP. Hà Nội xin ý kiến của tất cả người dân có tuyến đường đi qua thì đều đồng tình cao việc tổ chức để thu hút khách quốc tế. Đây là điểm mới rất phù hợp với nhu cầu của người dân nếu đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Thủ tướng yêu cầu nếu tổ chức được thì phải xã hội hoá 100%. Các bộ, ngành đều ủng hộ tổ chức, tạo nét mới cho Hà Nội. Trong quá trình đàm phán với các nhà tổ chức sự kiện thì chúng ta sẽ theo dõi tiếp. Hiện nay mới đang là chủ trương ban đầu đồng ý cho Hà Nội tiếp cận với các nhà tổ chức sự kiện. Vấn đề ký kết hợp đồng, cam kết… liên quan đến thu phí thế nào, tổ chức thế nào, thu quảng cáo thế nào sẽ tiếp tục được đặt ra. Thu quảng cáo sẽ rất lớn, bù đắp cho chi phí. Đây chỉ là những thông tin ban đầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Về vụ Con Cưng, qua khiếu nại của người tiêu dùng và phản ánh của báo chí về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của Công ty CP Con Cưng, Cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra sơ bộ về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của Công ty CP Con cưng.
Từ 30/7 đến 10/8, sau khi tiến hành kiểm tra sơ bộ, đoàn đã có báo cáo cụ thể. Căn cứ vào kết quả kiểm tra trên các cửa hàng, về sản phẩm hàng hoá và các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của Công ty CP Con Cưng, đoàn kiểm tra đánh giá về cơ bản Công ty CP Con Cưng đã chấp hành đúng quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cả về chất lượng hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ.
Đoàn kiểm tra đánh giá hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, Công ty CP Con Cưng cũng đã có những hành vi chưa tuân thủ pháp luật. Cụ thể, có vi phạm về nhãn mác hàng hoá, về hoạt động khuyến mại, vi phạm các quy định về thương mại điện tử. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đối với Công ty CP Con Cưng, Bộ Công Thương yêu cầu phải có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện và tiếp tục rà soát theo quy định pháp luật của công ty, sau đó có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Với các sản phẩm vi phạm nhãn mác, Bộ Công Thương yêu cầu công ty phải khắc phục vi phạm trước khi lưu thông sản phẩm.
Về quan điểm của Bộ Công Thương, chúng tôi thấy rằng, theo đúng nhiệm vụ thẩm quyền được giao thì kiểm tra chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng là công việc hết sức quan trọng. Đây là việc phải thực hiện thường xuyên trên địa bàn cả nước với tất cả loại hình doanh nghiệp, tất cả các loại hàng hoá, sản phẩm, kể cả dịch vụ có liên quan. Tuy nhiên, việc kiểm tra đó cần phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật quy định, theo đúng quy trình, quy định và quan trọng nhất không được gây phiền nhiễu, không được làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và phải thực hiện theo đúng pháp luật, phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, sau khi có kết luận liên quan đến Công ty CP Con Cưng, Bộ Công Thương ngày 17/8 vừa qua đã hành có Quyết định số 2936 thành lập tổ rà soát đánh giá quy trình kiểm tra, chấp hành quy định pháp luật của Công ty CP Con Cưng và Cục Quản lý thị trường, đánh giá hành vi của từng cán bộ có liên quan đến tổ công tác thanh tra.
Chúng tôi cũng yêu cầu rà soát lại và đánh giá hoạt động của tổ công tác được triển khai theo Quyết định số 334 ngày 28/1/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đây là tổ công tác được thành lập để kiểm tra trên địa bàn toàn quốc về các hành vi có thể gây ra những vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như vi phạm quy định hiện hành. Theo kế hoạch, hết tháng 8/2018 sẽ có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ làm chi tiết, cẩn thận, sẽ có đánh giá chính thức việc vi phạm nếu có của các thành viên đoàn kiểm tra. Chúng tôi sẽ có thông báo chi tiết, rộng rãi trên các cơ quan báo chí, cũng như Công ty CP Con Cưng và đặc biệt là đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Cuộc thanh tra liên quan đến việc đất đai ở Thủ Thiêm đã kết thúc vào 11/7. Chúng tôi đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành chức năng có liên quan và UBND TPHCM. Đến nay kết luận của thanh tra đã có báo cáo. Chúng tôi đang hoàn tất để trong nửa đầu tháng 9 sẽ công khai tới báo chí.
Thứ trưởng Bộ GT&VT Nguyễn Ngọc Đông: Về tuyến đường sắt đô thị số 2, ga Thăng Long, tuyến Trần Hưng Đạo, đây là dự án trọng điểm quốc gia, do Hà Nội là cơ quan chủ quản đầu tư. Với vị trí ga thứ 9 trên tuyến, theo lập dự án của Hà Nội, chúng tôi cũng như các cơ quan bộ, ngành khác được tham vấn lấy ý kiến chuyên ngành. Theo chúng tôi, đây là việc làm hết sức thận trọng của Hà Nội, các ga đều được lựa chọn đánh giá về chuyên môn. Lựa chọn ga có những tiêu chí riêng, về thu hút hành khách, về thuận lợi trong vận tải… Cũng đã có những tính toán, tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền, chuyên gia và các nhà khoa học, đã công khai lấy ý kiến của người dân.
Tuy nhiên có phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích Hồ Hoàn Kiếm. Theo chức năng, Bộ VHTT&DL phải có ý kiến về việc quản lý các di tích. Việc giải quyết phần này, theo tôi, trên cơ sở đánh giá tác động, kể cả tác động của môi trường, tác động tới quản lý di tích, bảo vệ di tích, Hà Nội phải có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và có báo cáo đảm bảo ga đúng công năng vận tải nhưng cũng phải đảm bảo bảo tồn và trong quy định pháp luật cho phép.
PV Thế Dũng (báo Người lao động): Vụ dinh Vua Mèo ở Hà Giang có thu hồi lại sổ đỏ cấp cho nhà văn hoá không? Quan điểm của Chính phủ thế nào và quyền sở hữu nhà đất sẽ giao cho ai quản lý?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Liên quan đến vụ ông Vương Duy Bảo, cháu nội của Vua Mèo Vương Chí Sình có thư gửi Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo, ngày 16/8/2018, Thủ tướng đã chính thức yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang rà soát về kiến nghị này. Tinh thần là việc lập các hồ sơ di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt trên cơ sở đánh giá giá trị văn hoá lịch sử của kiến trúc nghệ thuật nhằm xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di tích đó. Việc quyết định xếp hạng di tích không nhằm mục đích xác lập hay chuyển quyền sở hữu tài sản trên đất và quyền sử dụng đất của di tích.
Chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang đến ngày 31/8 báo cáo Thủ tướng việc này, hiện VPCP vẫn chưa nhận được báo cáo nhưng tinh thần là UBND tỉnh Hà Giang rất nghiêm túc rà soát việc này theo hướng chỉ đạo Sở TN&MT Hà Giang thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giao cho Phòng VHTT&DL của huyện Đồng Văn.
VPCP đang theo dõi việc xử lý này. Đây là di tích lịch sử rất đặc biệt và độc đáo nên hướng xử lý như vậy, không đặt vấn đề cơ quan Nhà nước trưng thu tài sản của di tích đó. Thực tiễn đang xem xét những khía cạnh liên quan đến đầu tư, Nhà nước cấp kinh phí tu bổ… VPCP chưa nhận được báo cáo cụ thể, khi có sẽ công bố với báo chí.
PV Thế Dũng (báo Người lao động): Vụ dinh Vua Mèo ở Hà Giang có thu hồi lại sổ đỏ cấp cho nhà văn hoá không? Quan điểm của Chính phủ thế nào và quyền sở hữu nhà đất sẽ giao cho ai quản lý?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Liên quan đến vụ ông Vương Duy Bảo, cháu nội của Vua Mèo Vương Chí Sình có thư gửi Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo, ngày 16/8/2018, Thủ tướng đã chính thức yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang rà soát về kiến nghị này. Tinh thần là việc lập các hồ sơ di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt trên cơ sở đánh giá giá trị văn hoá lịch sử của kiến trúc nghệ thuật nhằm xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di tích đó. Việc quyết định xếp hạng di tích không nhằm mục đích xác lập hay chuyển quyền sở hữu tài sản trên đất và quyền sử dụng đất của di tích.
Chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang đến ngày 31/8 báo cáo Thủ tướng việc này, hiện VPCP vẫn chưa nhận được báo cáo nhưng tinh thần là UBND tỉnh Hà Giang rất nghiêm túc rà soát việc này theo hướng chỉ đạo Sở TN&MT Hà Giang thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giao cho Phòng VHTT&DL của huyện Đồng Văn.
VPCP đang theo dõi việc xử lý này. Đây là di tích lịch sử rất đặc biệt và độc đáo nên hướng xử lý như vậy, không đặt vấn đề cơ quan Nhà nước trưng thu tài sản của di tích đó. Thực tiễn đang xem xét những khía cạnh liên quan đến đầu tư, Nhà nước cấp kinh phí tu bổ… VPCP chưa nhận được báo cáo cụ thể, khi có sẽ công bố với báo chí.
PV Hoa Trà (VTV24): Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thông tin rõ hơn về lý do tại sao phải khống chế tỉ lệ tăng tưởng tín dụng không vượt quá 17% trong năm nay bởi vì thường nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất nhiều?
Vừa rồi Thủ tướng chỉ đạo về nhập khẩu phế liệu, VTV24 cũng làm rất nhiều loạt bài và phát hiện ra có nhiều nghi vấn trong việc giám định chứng thư được cấp phép nhập khẩu phế liệu và cả việc cấp phép nhập khẩu phế liệu cho các doanh nghiệp. Chúng tôi đã liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều lần nhưng không được trả lời. Nhân cuộc họp báo hôm nay chúng tôi mong muốn Chính phủ thông báo hiện nay qua kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường có phát hiện tình trạng gian lận trong cấp phép nhập khẩu cho các doanh nghiệp và cấp phép cho các lô hàng nhập khẩu có sai phạm nào không?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Có thông tin trên báo rằng Việt Nam có số lượng lớn container phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam hiện đang tồn đọng, gần 6.000 container. Sau khi có thông tin như vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo với Thủ tướng về tình hình liên quan đến nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Ngày 25/7/2018, Thủ tướng cũng chủ trì hội nghị thường trực Chính phủ nghe các bộ báo cáo vấn đề này.
Chúng ta thấy rằng các hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam mục đích làm nguyên liệu sản xuất. Việc cấp tạm nhập, tái xuất phế liệu là thẩm quyền của Bộ Công Thương, nhưng trong quá trình rà soát lại thì Bộ Công Thương không cấp phép tạm nhập, tái xuất phế liệu mà là thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong việc đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường có đánh giá như sau: Rất nhiều container do doanh nghiệp có nhu cầu nhập về sản xuất giấy, thép là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại, các cơ quan hải quan của Bộ Tài chính báo cáo không hẳn tất cả container có chủ, nhiều lô hàng container vô chủ. Ngay cả vấn đề giám định thư, giấy phép nhập khẩu, vấn đề chủ lô hàng, vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra để đánh giá như thế nào là lô hàng phế liệu thì Bộ Tài nguyên và Môi trường không có công bố, chỉ là một văn bản hướng dẫn, không đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Trong quản lý của Nhà nước, cần xem xét lại. Do đó, Thủ tướng có kết luận giao cho Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và Bộ Công an, TPHCM, TP. Hải Phòng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh có liên quan đến cảng biển, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức thanh tra toàn bộ kết quả liên quan đến các lô hàng container nhập khẩu vào Việt Nam. Từ đó, đánh giá chính xác để báo cáo Chính phủ và có phương án giải quyết, xử lý vấn đề này.
Thủ tướng chỉ đạo xem xét rà kỹ lại, đặc biệt là việc lợi dụng cấp phép, lợi dụng danh nghĩa công ty để nhập khẩu, có sự mua bán, thương mại hóa trong vấn đề này hay không.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn có nhu cầu nhập khẩu phế liệu giấy, sắt thép thì tiếp tục được Nhà nước cho phép và cấp giấy phép nhập khẩu để duy trì hoạt động bình thường. Còn tất cả những việc khác yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ. Kết quả thanh tra và báo cáo cụ thể từng vấn đề thì hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra, chưa báo cáo. Đồng thời Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công an tiến hành xem xét điều tra tổng thể vấn đề này. Có thể nói đây là vấn đề rất được Thủ tướng và Thường trực Chính phủ quan tâm, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đồng thời cũng giao cho Bộ Công an xem xét báo cáo Thủ tướng để khách quan hơn.
Từ những sốt ruột, bức xúc như vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ngày 27/8 tiếp tục họp xem xét, đôn đốc các bộ thực hiện công văn 281 ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ khi kết luận tại cuộc họp Chính phủ xem tiến độ thế nào. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ khẩn trương, tiến hành sớm và báo cáo xử lý ngăn chặn ngay vấn đề này.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: VTV24 có đặt vấn đề chỉ số tăng trưởng tín dụng của năm 2018 có phải thấp không khi nhu cầu vốn cho những tháng cuối năm rất cao? Trước hết về chỉ số tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì vậy để có được chỉ số tín dụng hợp lý đối với nền kinh tế là yêu cầu rất cao. Phải thực hiện đồng thời. Thứ nhất là tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Thứ hai phải thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đến thời điểm hiện nay cũng đã hết 8 tháng và tăng trưởng nền kinh tế nhìn chung rất khả quan.
Kiểm soát lạm phát mặc dù vẫn dưới 4% nhưng vẫn cần cảnh giác với việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm. Chính vì vậy việc điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng, đặt ra ngay từ đầu năm là khoảng 17%, thì cũng có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy theo nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Đến thời điểm 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, mới được 50% so với chỉ tiêu 17%. Như vậy, còn lại 8,5% nữa cho 4 tháng cuối năm. Với tính toán hiện nay, ta thấy 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như bảo đảm được kiểm soát lạm phát. Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này.
PV Văn Kiên (báo Tiền Phong): Như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa nói, Chính phủ có xem xét Luật Tổ chức Chính phủ. Vừa rồi Nghị quyết Trung ương 6 có bàn về cải cách bộ máy, trong đó đề cập đến câu chuyện tinh gọn bộ máy, sáp nhập các bộ ngành. Xin hỏi trong phương án xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ có tính đến việc sáp nhập bộ ngành nào không? Thứ hai, tổng cục ở các bộ ngành hiện nay rất là lớn, vậy có giảm số lượng cấp tổng cục không?
Báo Tiền Phong vừa rồi có đăng loạt bài về sách giáo khoa. Có một thực tế là sách giáo khoa cũ hiện nay không thể sử dụng được. Theo phản ánh của một số chuyên gia, các tiểu xảo trong sách giáo khoa yêu cầu học sinh làm bài tập trong sách giáo khoa, dẫn đến toàn bộ sách giáo khoa không thể tái sử dụng được nữa. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận như thế nào về việc này? Bộ có yêu cầu các nhà xuất bản không được đưa những nội dung làm bài tập vào sách giáo khoa để sách giáo khoa có thể tái sử dụng không?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Việc rà soát bổ sung để sửa đổi là việc thể chế được quan tâm đầu tiên của Chính phủ. Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII với tinh thần sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10 để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng. Trong lộ trình này, giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì xem xét, rà soát lại những thể chế với sự tham gia rất tích cực của Bộ Tư pháp và các cơ quan khác. Với câu hỏi có sát nhập bộ ngành nào không, thì có thể nói, trên cơ sở những Luật nói trên, sau này Nghị định cụ thể quy định các cơ quan của chuyên môn cấp tỉnh thì mới cụ thể hóa. Theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 18, có thể xem xét thí điểm những nơi có điều kiện hợp nhất, ví dụ có thể xem xét hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Có thể xem xét thí điểm hợp nhất cơ quan kiểm tra Đảng và cơ quan Thanh tra Nhà nước. Trong quá trình này, hiện các cơ quan chức năng và Bộ Nội vụ đang tiến hành xem xét, nghiên cứu cụ thể, sau đó sẽ tổ chức thí điểm, không làm nóng vội nhưng những cái gì có thể làm được ngay thì tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là phải làm ngay. Về luật pháp, trong thực tiễn tổ chức chúng ta đang vướng về luật pháp hoặc các văn bản điều chỉnh chưa hợp lý hoặc trong quá trình thực hiện chúng ta chưa có pháp luật. Tinh thần của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng là cho thí điểm. Đây là việc rất cần có sự tham gia của cả bộ máy chính trị với sự quyết tâm cao, quyết liệt để sắp xếp và tinh giản bộ máy.
Bộ Công an là bộ tiên phong, gương mẫu đi đầu sau khi có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Bộ Công an có 6 Tổng cục, hiện nay không còn Tổng cục nào, 125 Cục hiện nay còn 58 Cục. Sáp nhập 20 Sở Phòng cháy chữa cháy về Công an Tỉnh, tinh giản được hơn 1.000 phòng thuộc các Cục, các đơn vị cấp Cục.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương là không đặt vấn đề xem xét sáp nhập Bộ, vì đây là vấn đề lớn. Việc cụ thể hóa sáp nhập như thế nào, các tỉnh đăng ký làm, lúc đấy chúng ta sẽ cụ thể hóa và sáp nhập, ngay cả việc đổi dấu, đổi tên, thống nhất tên, chức năng, nhiệm vụ như thế nào. Ví dụ khi một cơ quan kiểm tra Đảng sáp nhập, hợp nhất với cơ quan kiểm tra của Thanh tra Nhà nước, thống nhất một thủ trưởng, một dấu. Khi giải quyết công việc liên quan đến kiểm tra Đảng thì áp dụng theo quy định của Điều lệ Đảng. Khi xử lý vấn đề liên quan đến thanh tra thì áp dụng Luật Thanh tra. Hiện nay tất cả đều chưa đi vào cụ thể, mọi vấn đề đang chuẩn bị để báo cáo Trung ương.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc thực hiện chương trình phổ thông mới từ năm 2000 đến nay, sách giáo khoa cũ vẫn đang được triển khai. Sách giáo khoa cũ đang ổn định và có điều chỉnh một chút, hằng năm có tái bản, bổ sung thêm một số sách. Với chương trình hiện nay, sách giáo khoa cũ vẫn còn hiệu lực, vẫn còn sử dụng khi chương trình mới thực hiện theo Nghị quyết 88 chưa chính thức được ban hành. Thực hiện Nghị quyết 88, Quốc hội cho phép thực hiện chương trình phổ thông mới và theo lộ trình bắt đầu thực hiện từ năm 2019 hoặc năm 2020, có thể triển khai từ lớp 1 và khi có chương trình sách giáo khoa mới, lúc đó chương trình sách giáo khoa cũ không còn hiệu lực nữa. Vừa rồi tôi có đi Lai Châu, vẫn còn đầy đủ các sách giáo khoa cũ và vẫn luân chuyển để cho các thế hệ sau sử dụng.
Thứ hai, các sách bài tập, sách tham khảo có viết trực tiếp lời giải trong sách. Còn sách giáo khoa là sách riêng, đảm bảo có sự luân truyền lâu dài. Sách tham khảo tùy theo từng điều kiện, các gia đình, nhà trường có thể lựa chọn. Tuy nhiên, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra các văn bản 2572, 2372 ban hành ngày 11/4/2013 về việc sử dụng tài liệu tham khảo. Năm 2014 đã ban hành Thông tư 21 về việc quy định và quản lý sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Việc lựa chọn sách tham khảo do Thủ trưởng, Hiệu trưởng các nhà trường sẽ quyết định sử dụng sách nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Bộ cũng chỉ đạo, yêu cầu các sách tham khảo viết trực tiếp vào trong bài là không nên.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
PV Minh Diễn (báo Nhà báo và Công luận): Vừa qua, báo Nhà báo và Công Luận có phản ánh một loạt bài về vụ lừa đảo tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Trong vụ án này, ngoài đối tượng cầm đầu đã bị bắt, còn có những thành phần liên quan, trong đó có những người ở cơ quan công an tỉnh Sơn La. Trong quá trình điều tra vụ án thì theo hồ sơ thể hiện và chứng cứ cung cấp có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình điều tra. Vậy nếu nhận thấy vụ án có tiêu cực trong quá trình điều tra thì Bộ Công an có rút hồ sơ về điều tra lại không?
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam: Về vụ việc này, chúng tôi sẽ trả lời nhà báo sau.
PV Hoài Thu (báo Giao thông): Mới đây, Thủ tướng có chỉ đạo giao Bộ Công an trực tiếp điều tra giải quyết tố cáo của một số cổ đông Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội về vụ việc chiếm đoạt con dấu. Đây là lần 3 Thủ tướng có chỉ đạo nhưng các đơn vị liên quan chưa có bất cứ hồi âm nào, ĐBQH Lê Thanh Vân cũng đã nhiều lần gửi văn bản chất vất. Mới đây nhất, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an trực tiếp điều tra và trả lờicho ĐBQH Lê Thanh Vân trước ngày 15/8, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/9. Nhưng đến nay Bộ Công an chưa có văn bản gửi ĐBQH. Xin lãnh đạo Bộ Công an cung cấp thông tin, vì sao chỉ đạo trên chưa được giải quyết, chưa có báo cáo Thủ tướng về kết quả điều tra?
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam: Vụ việc con dấu Công ty Hữu Nghị xảy ra từ năm 2005 sau khi Công an Hà Nội khởi tố. Năm 2016, Công an Hà Nội đã trả lại con dấu cho bà Nguyễn Thị Bích Lan, Chủ tịch HĐQT mới. Sau đó, bà Mai Thị Khánh viết đơn khiếu nại và đại biểu Lê Thanh Vân có ý kiến chất vấn. Trên cơ sở đề xuất ngày 29/12/2017, cơ quan điều tra thực hiện khởi tố lại. Bộ Công an chỉ đạo Công an Hà Nội làm nghiêm túc, sẽ có báo cáo, thông báo với đại biểu Lê Thanh Vân sớm.
PV Hiếu Công (Zing.vn): Năm học mới sắp bắt đầu nhưng sai phạm thi cử tại Hoà Bình, Sơn La vẫn chưa có kết luận. Xin hỏi bao giờ có kết quả và những sinh viên sai phạm sẽ xử lý thế nào?
Vừa qua Tổ công tác Thủ tướng chuyển 20 vụ tiêu cực đến Bộ Tài chính trả lời, trong đó có hiện tượng các cán bộ hải quan nhận tiền bồi dưỡng.Bộ Tài chính đã xem xét xử lý vụ việc này thế nào?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Về những sai phạm trong kỳ thi quốc gia vừa qua, cơ quan Công an đang điều tra, chưa có kết luận cuối cùng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Công an xử lý theo kết luận cuối cùng. Khi có kết luận, sẽ xác định rõ họ tên cụ thể các thí sinh sai phạm, thực hiện theo quy chế. Nếu đến mức độ huỷ kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu huỷ cũng như yêu cầu các trường đại học không tiếp nhận các em này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Đó không phải là 20 vụ tiêu cực mà là 20 vấn đề, trong đó có những vấn đề kiến nghị chính sách, có kiến nghị về vướng mắc doanh nghiệp và đang được gửi đến cơ quan hải quan xem xét. Có một số phản ánh về thái độ cán bộ hải quan. Bộ Tài chính có chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát 20 vấn đề. Kiến nghị chính sách thì nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách, còn những vấn đề kiến nghị đang gửi đến phải khẩn trương giải quyết. Còn về thái độ cán bộ, thì phải chấn chỉnh, khắc phục làm sao phục vụ người nộp thuế, khai hải quan, các doanh nghiệp với hiệu quả cao nhất.
Trong quá trình thực hiện, trước tiên Bộ Tài chính chỉ đạo ngành hải quan hoàn thiện cơ chế chính sách, liên tục thực hiện hiện đại hoá hải quan, đưa CNTT vào ứng dụng, giảm tiếp xúc giữa DN với cơ quan hải quan. Thứ hai là giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp như Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã nêu.
Hải quan thường xuyên đối thoại với DN, có vướng mắc khó khăn, kịp thời tháo gỡ ghi nhận giải quyết.
Khi chúng tôi nhận văn bản, Bộ đã chỉ đạo hải quan tổ chức mời các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI đối thoại phản ánh thái độ tiêu cực nhũng nhiễu cũng như các vấn đề liên quan để hải quan ghi nhận, xem xét một cách cầu thị.
Chúng tôi đã chỉ đạo hải quan, thuế lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh để kịp thời xử lý. Chúng tôi tăng cường kỷ luật ngành, tăng thanh kiểm tra nội bộ, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm minh.
Phải nói là trong quá trình vừa qua, việc cải cách hiện đại hoá ngành hải quan được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, nơi này nơi khác có thái độ hay còn các vụ việc nhũng nhiễu, chúng tôi ghi nhận lắng nghe, tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ để ngày càng phục vụ tốt hơn.
PV báo Tuổi Trẻ: Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn 132.000 tỷ. Việc xử lý tình trạng đội vốn này như thế nào? Chính phủ tiếp tục đứng ra vay tiền phân bổ cho địa phương thực hiện dự án hay sẽ giao cho các địa phương tự vay vốn để làm các dự án?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung: Việc đội vốn là do phê duyệt ban đầu và việc điều chỉnh tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy mô đều phải theo quy định của Luật Đầu tư công là bao giờ cũng phải xác định rõ nguồn vốn phần nào của Ngân sách Trung ương, phần nào của địa phương nên không phải mọi dự án tăng vốn đều là Chính phủ đứng ra vay tiền cho địa phương triển khai.
Khi đi vay tiền ODA về bao giờ cũng liên quan đến trần nợ công, cân đối xem xét đối với từng dự án, cả án quan trọng quốc gia cũng như dự án địa phương đều phải nằm trong trần nợ công cho phép.