Một ngày về miền Tây
(ICTPress) - Chúng tôi mua tour du lịch hai ngày sông nước miền Tây tại khu phố Đề Thám - Phạm Ngũ Lão, nơi vẫn được gọi là phố “Tây ba lô”. Đúng hẹn, sáng sớm thứ bảy xe ô tô du lịch đón chúng tôi ở phố Bùi Thị Xuân, nơi chúng tôi đang ở. Trên xe đã khá đông. Khách du lịch tây ta, đủ cả. Đón thêm một vị khách nữa rồi xe thẳng tiến về hướng miền tây.
Khi xe chạy ra khỏi ngoại vi thành phố Hồ Chí Minh thì mọi người trên xe đã kịp chào hỏi làm quen nhau. Khách trên xe có mấy bạn sinh viên Mỹ, Úc, Philipin đang tham dự một khóa thực tập ở Sài gòn, một bác kỹ sư người Đức đã về hưu đeo kính trắng nom rất đạo mạo, hai cô gái Thụy điển có mái tóc vàng tuyệt đẹp trong hành trình khám phá Đông Nam Á, một anh người Pháp lớn tuổi nhìn hơi ngô ngố đi cùng một chị người Nha trang không nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, chúng tôi đến từ Hà nội và một gia đình nhà ở quận Tân Bình, Sài Gòn.
Sau một hồi trò chuyện mới biết rằng gia đình nhà ở Sài gòn lại là những người mua tour du lịch với giá đắt nhất. Chương trình du lịch của họ chỉ bao gồm các nội dung như ngày du lịch thứ nhất của chúng tôi, tức là tham quan mấy cù lao, khám phá cảnh quan miệt vườn, nghe đờn ca tài tử, ăn trưa rồi họ phải quay trở về Sài gòn trong ngày. Nhưng họ đã phải trả chi phí bằng giá tour hai ngày của chúng tôi, cho một đại lý du lịch ở quận Tân bình. Đại lý này đã bán khách sau khi “chém” rất quá tay. Chặng đường từ quận Tân bình đến quận 1 đã bị tính tiền bằng cả một đêm ở khách sạn ba sao và chuyến tham quan chợ nổi trên sông ngày hôm sau.
Bà má trong gia đình buồn rười rượi vì tiếc tiền khi biết rằng cả nhà đã bị “chém”. Chúng tôi đành phải hỏi han sang chuyện khác để bà quên đi nỗi bực bội mà tận hưởng ngày du lịch đó.
Đúng là một ngày lên xe xuống ngựa, trên bến dưới thuyền. Chúng tôi chuyển từ ô tô sang đò máy rồi lại sang đò chèo tay luồn lách giữa rừng dừa nước đến tham quan các nhà vườn nằm trên các hòn cù lao. Nếm trà mật ong, nghe đàn ca tài tử rồi tiếp tục lên xe ngựa đến thăm lò sản xuất kẹo dừa...
Một cây cầu khỉ bắc qua con rạch bé tẻo teo chỉ có tý tẹo nước nhưng bùn thì cơ man, đủ êm ái cho những cú ngã chẳng may, nhưng tất nhiên rất bẩn. Đó là nơi thử sức cho những ai muốn nếm trải chút cảm giác lạ. Mấy cậu sinh viên Philipin tỏ vẻ khéo léo hơn hẳn các bạn Mỹ và Úc ở môn chạy nhanh qua cầu khỉ. Một trong hai cô gái tóc vàng khiến mọi người thán phục khi thể hiện dáng vẻ uyển chuyển như một vũ công ở giữa cây cầu. Với sự động viên và cả khích bác của bạn bè, cuối cùng thì cậu sinh viên mập mạp nhất trong số các bạn trẻ cũng rón rén leo lên cây cầu. Bác kỹ sư người Đức trầm ngâm nhìn độ võng của cây cầu. May quá cầu không gãy. Chị người Nha trang chạy lên chạy xuống cây cầu khỉ mấy lần để lôi anh bạn người Pháp trở lại chụp ảnh sau khi gọi ý ới và ra hiệu loạn xạ mà chàng vẫn có vẻ lảng đi.
Lẩu cá kèo |
Hết một ngày xe, ngựa, bến, thuyền, chúng tôi đến Cần thơ khi trời đã tối. Đói.
Chỉ kịp nhận phòng, mở cửa rồi quẳng hành lý vào, chúng tôi lao xuống quầy lễ tân để hỏi và nhờ gọi giúp một chiếc taxi để đi đến nhà hàng lẩu mắm nổi tiếng nhất Tây Đô. Đây là một điểm đặc biệt trong chương trình về miền Tây chúng tôi, mặc dù nó không có trong tour du lịch. Khi ăn lẩu mắm ở Sài gòn, tôi đã được nghe giới thiệu rằng muốn ăn lẩu mắm chính gốc thì phải về miền Tây, ngon nhất miền Tây là ở Cần Thơ, lẩu mắm nổi tiếng nhất Cần Thơ là Dạ Lý.
Anh lái xe taxi tỏ vẻ thông cảm với nguyện vọng của chúng tôi nên chạy xe rất nhanh với hy vọng đến trước giờ quán đóng cửa. Chưa đến 8 giờ tối. Đúng là cửa thì chưa đóng, nhưng anh chàng bảo vệ của quán giơ tay ra hiệu đã hết bán hàng ngay khi taxi vừa kịp đỗ. Thất vọng quá. Cảm giác như dạ dày cũng chùng xuống. Thế là chúng tôi không thực hiện được một mục tiêu du lịch là ăn lẩu mắm tại nhà hàng nổi tiếng nhất miền Tây bởi sáng sớm mai đã phải tiếp tục chương trình đi chợ nổi Cái Răng rồi quay về Sài gòn. Anh lái taxi an ủi rằng ở bến Ninh Kiều cũng có nhiều quán lẩu rất ngon. Làm gì còn sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi đành quay lại bến Ninh Kiều, nơi khách sạn chúng tôi ở chỉ cách vài bước chân.
Bến Ninh Kiều có rất nhiều hàng ăn, nhưng không có quán lẩu mắm nào cả. Thôi chọn đại món lẩu cá kèo để xoa dịu dạ dày và nỗi thất vọng. Nồi nước lẩu nghi ngút khói được bưng ra cùng với một chiếc đĩa lớn đựng cỡ một tiểu đội cá kèo xếp hàng ngay ngắn. Các chú cá kèo trên đĩa có kích cỡ đều tăm tắp và đang trong dáng vẻ hết sức tươi tắn. Tiếp theo là mấy chiếc khay lớn đựng rau xanh các loại và bún.
Đưa một thìa nước lẩu lên miệng. Nước lẩu trong với vị chua dịu và ngọt thanh đã thuyết phục ngay rằng đây là một món rất tuyệt. Màu xanh của lá giang, màu vàng của khóm, màu đỏ của cà chua khiến mắt cũng thấy ngon. Thả lần lượt các chú cá kèo rồi rau đắng, bắp chuối, rau nhút…Màu sắc càng rực rỡ. Mùi thơm của thức ăn tươi roi rói tỏa ra ngào ngạt. Vị đậm đà của cá kèo, vị đăng đắng của rau đắng, vị chan chát của bắp chuối…quyện lẫn với vị chua chua ngọt ngọt của nước lẩu. Ngon quá là ngon.
Trong khi tráng miệng bằng món sinh tố hoa quả, chúng tôi cứ tự hỏi rằng món lẩu cá kèo ở một quán ăn bình thường không tên tuổi trên bến Ninh Kiều đã ngon thế này thì món lẩu mắm nổi tiếng miền Tây sẽ còn ngon đến đâu? Chắc sẽ phải đến Cần Thơ lần nữa để thưởng thức món lẩu mắm trứ danh? Tại sao không? Thế là đủ lý do cho một chuyến đi nữa rồi.
Hiền Minh