Ăn gì ngon ở Nha Trang?
Tiết canh tôm hùm
Ở Nha Trang, hàng đêm đi dọc đường Trần Phú lên phía bắc sẽ thấy ngoài khơi rực rỡ những chùm đèn như một khu phố nổi trên biển. Cứ mỗi thuyền lại có một cụm ba chiếc đèn ống sáng rực, đó là những chiếc thuyền câu mực và câu tôm hùm giống. Tôm hùm giống được nuôi rồi trở thành mặt hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và trong nước. Đó là một món đặc sản chính hiệu Nha Trang bởi thời tiết, khí hậu, địa hình và đặc biệt là biển nơi đây rất phù hợp cho việc nuôi tôm hùm. Khỏi phải nói rằng tôm hùm ở Nha Trang rất sẵn và giá rẻ hơn nơi khác, thậm chí vào mùa hè, tôm hùm đựng trong những chiếc hộp xốp có đá giữ lạnh được bày bán ngay trên bãi biển, có thể mua về hoặc nếu có nhu cầu ăn tại chỗ thì cũng sẽ được phục vụ. Tuy nhiên không có gì đảm bảo về chất lượng của những chú tôm hùm đã qua đông lạnh như thế, và nếu được mời chào với giá quá rẻ thì xin bạn hãy nhớ đến câu "tiền nào của nấy".
Tiết canh tôm hùm |
Muốn ăn tiết canh tôm hùm không dễ như thế. Trước hết là để đánh được tiết canh thì chú tôm hùm đó phải vẫn còn sống, ngoe nguẩy được những chiếc râu và màu sắc phải thật tươi tắn. Các chú tôm đã vào hộp xốp đông lạnh hay những chú "tôm ngất” thì không thể ứng cử cho món tiết canh. Bước tiếp theo là cần một đầu bếp có thể làm món tiết canh này. Cũng giống như các nhà hàng hải sản ở Hà Nội hay Sài Gòn, không có nhiều đầu bếp biết làm món tiết canh tôm. Chắc đây là món khó và thể hiện đẳng cấp của đầu bếp cũng như của nhà hàng bởi nếu làm không khéo món tiết canh sẽ bị hỏng, mà nếu gặp vị khách khó tính nhất định đứng lên không chịu ăn món khác từ con tôm đó thì nhà hàng sẽ mất ngay tiền triệu. Tuy thế nếu thực sự muốn ăn tiết canh tôm hùm thì bạn nên đi theo chiều ngược lại quy trình chế biến: tức là trước hết phải tìm nhà hàng có đầu bếp biết làm món này, sau đó đầu bếp sẽ giúp bạn chọn một chú tôm tươi tắn phù hợp nhất cho việc đánh tiết canh và túi tiền của ban. Hãy yên tâm rằng nếu nhà hàng không có đầu bếp biết làm món tiết canh tôm hùm hoặc hôm đó đầu bếp này vắng mặt thì họ sẽ từ chối ngay đề nghị của bạn bởi họ chẳng muốn dễ dàng đánh mất tiền triệu. Tôi đã hỏi tới ba nhà hàng hải sản rất khang trang nhưng họ đều từ chối và mọi chỉ dẫn tiếp theo cùng hướng đến một nhà hàng có đầu bếp biết làm món tiết canh tôm hùm. Quả thật không phụ công tìm tòi khám phá, món tiết canh tôm hùm có hương vị thật đặc biệt. Chính giữa chiếc khay lớn được trang trí cầu kỳ đẹp đẽ bởi rau thơm, chanh, khế, ớt, gia vị... là một chiếc đĩa nhỏ xinh có thể đặt vừa trong lòng một bàn tay và trong đó chính là món tiết canh tôm hùm mà bạn yêu cầu. Không giống bất kỳ món tiết canh nào khác, tiết canh tôm hùm không có màu đỏ mà trong và có màu trắng ngà như một miếng thạch rau câu. Chậm rãi nhấm nháp giữ trên đầu lưỡi cái hương vị ngọt mát đặc biệt riêng có của tiết tôm, cái ngọt bùi của nhân tôm, cái thơm thơm của gia vị và thêm một chút chát dịu của ly vang trắng... hương vị món ăn này sẽ khiến bạn khó quên.
Cua Huỳnh đế
Có lẽ cua Huỳnh đế là một đặc sản riêng có của biển Nam Trung bộ. Ở những bãi biển phía Bắc như Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò... rất dễ mua cua và ghẹ nhưng hỏi cua Huỳnh đế thì luôn luôn gặp những cái lắc đầu. Khác với cua và ghẹ thông thường, cua Huỳnh đế có phần thân rất to nhưng càng và chân ngắn tủn nên nhìn kỹ và khéo liên tưởng thì những chú cua Huỳnh đế có hình dáng hơi giống chiếc vương miện. Có lẽ do hình dáng mà loại cua này được đặt cái tên sang trọng là cua Hoàng đế, mà từ vài trăm năm trước ở phía nam phải gọi chệch thành Huỳnh đế để kiêng húy tên chúa Nguyễn Hoàng. Vào thời gian trước và sau giải phóng miền Nam, cua Huỳnh đế không phải là món ăn được ưa chuộng và không có tên trong thực đơn của các nhà hàng. Nhiều người kiêng ăn cua Huỳnh đế, đặc biệt là ngư dân vì cua Huỳnh đế được xem như một loại vua của biển cả, một số ngư dân khi đánh bắt được Huỳnh đế thì gỡ ra thả xuống biển. Vào những năm tiếp theo, thời bao cấp thực phẩm khó khăn thiếu thốn nên cua Huỳnh đế có mặt tại các cửa hàng quốc doanh, dần dà có nhiều người ăn và bây giờ trở thành một món đặc sản trong các nhà hàng. Thực ra thì thịt cua Huỳnh đế không chắc thơm ngon hơn thịt cua gạch nhưng có lẽ nó hấp dẫn bởi cái tên và giá cả cũng không chênh nhau là mấy, cùng với việc ngày càng có nhiều thực khách mơ giấc mộng đế vương (mà chỉ với vài trăm ngàn đồng) nên nhờ đó mà các nhà hàng có thêm cơ hội.
Cua Huỳnh đế |
Bánh căn
Lần đầu được rủ đi ăn bánh căn tôi cứ nghĩ chắc là bánh canh Nam Bộ, ra đến miền Trung phát âm thành bán căn, nhưng không phải; bánh căn là một món ăn cổ truyền của người Chăm, nó thực sự đậm đà về hương vị và hấp dẫn bởi cách thức chế biến truyền thống. Nếu muốn khám phá cảm giác thú vị về ẩm thực của một dân tộc nào đó thì cần có cả không gian phù hợp; bởi vậy mặc dù ở trung tâm Nha Trang cũng có vài quán bán bánh căn nhưng muốn giới thiệu món ăn một cách đúng điệu nên cô bạn tôi không ngại ngần chạy xe thẳng về hướng Tháp Bà PoNagar. Theo đúng kiểu khách quen, cô bạn tôi dừng ô tô sát lề đường rồi cả hai xà xuống một quán bánh căn ngay bên hè. Vòm trời đã ngả màu tối sẫm, gió từ biển thổi vào hay gió sông Cái thổi ra hoặc từ đỉnh Tháp Bà thổi xuống thì đều mang theo chút se lạnh, một lò than hồng to tướng đỏ rực khiến thực khách có ngay cảm giác ấm áp dễ chịu. Trên chiếc hỏa lò cũ kỹ là những cái đĩa gốm thô màu đất nho nhỏ, thực ra chúng giống những chiếc nắp ấm hơn là đĩa bởi có núm cầm. Cô bán hàng vừa thoăn thoắt đổ những muôi bột nước vào những cái nắp vừa hỏi chúng tôi ăn bánh căn trứng hay bánh căn mực, tất nhiên là phải nếm cả hai rồi. Trong chốc lát, những miếng bánh tròn nhỏ nhắn vàng ươm đã được bày ra trước mắt, đó là bánh căn trứng có vị bùi thơm khá ngon và lạ. Món bánh căn mực được đưa ra sau, một chú mực ống xinh xắn nằm vừa vặn trên mặt miếng bánh tròn nhỏ nhắn trắng ngà. Wow, thật ngon mắt và ngon miệng. Vị bùi béo của bột bánh nóng hổi quện với vị ngọt của món mực tươi mềm mà giòn lạ, lại thêm món xoài xanh giầm mắm... Cô bán hàng tên Lan đon đả giới thiệu nguồn gốc món bánh này là của người Chăm và nhanh nhảu lấy cho chúng tôi xem những cái nắp gốm đang dùng làm khuôn đổ bánh. Lan khá trẻ chỉ trạc ngoài ba mươi tuổi ấy thế mà đã có thâm niên bán bánh căn ở nơi này từ hơn mười năm nay. Món ẩm thực dân dã này quá ngon khiến chúng tôi ăn hết đĩa này sang đĩa khác và thấy ngon hơn khi trả tiền chưa đến một trăm ngàn cho cả hai suất ăn! Nếu những cái bánh này nằm trong thực đơn của một khách sạn nào đó ắt hẳn giá tiền sẽ được nhân thêm vài lần, nhưng rất có thể nhân viên phục vụ sẽ mang tới bàn ăn những chiếc bánh căn đã được làm từ chiếc khuôn nhôm đặt trên bếp ga và thực khách ăn mà không được biết về xuất xứ của nó. Ăn, mà chưa phải là thưởng thức, chắc gì có được cảm giác thú vị như khi nếm món ăn làm theo lối cổ truyền ngay dưới chân ngôi đền thờ huyền thoại nơi sông và biển gần kề...
Bánh căn |
Hiền Minh