Phát triển 5G cho nền kinh tế số, cạnh tranh quốc gia
(ICTPress) - Các chuyên gia dự Hội thảo Quốc tế 4G/5G 2018 đã nhấn mạnh cần nắm bắt cơ hội từ công nghệ mới, 5G để phát triển kinh tế số, cạnh tranh quốc gia được tổ chức hôm nay 6/4 tại Hà Nội.
Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nền kinh tế số trên nền tảng băng thông rộng: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”, Hội thảo được Bộ TT&TT chủ trì, do Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hội tụ của các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực số hóa, vật lý và sinh học tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất và kinh doanh, có tác động sâu sắc tới nền kinh tế của thế giới.
Thứ trưởng khẳng định quan điểm chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nên kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm vừa qua tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành viễn thông nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Năm 2017, các nhà mạng lớn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ viễn thông 4G, trong tương lai gần là dịch vụ 5G, sự phát triển của các công nghệ này sẽ đặt ra những yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối IoT với số lượng truy cập lớn.
Chính vì vậv, Thứ trưởng lưu ý các doanh nghiệp viễn thông và CNTT cần có bước chuyển mình phù hợp, đồng thời có những phương án đấu tư mang tính chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển.
5G - mạng trụ cột cho nền cách mạng công nghiệp 4.0
Trong phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, 5G đóng một vai trò quan trọng. Nhấn mạnh về tiềm năng 5G, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ cho biết 5G là gì là mạng trụ cột cho cách mạng công nghiệp 4.0. Việc chuyển sang 5G có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Qualcomm đóng vai trò dẫn dắt công nghệ, chuẩn 5G, và hợp tác chặt chẽ với các nước trên thế giới trong hệ sinh thái 5G.
Ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á -Thái Bình Dương và Ấn Độ |
Trong khi đó, theo nhận định của ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Cambodia thì “Cuối năm 2019 tới đây, trên thế giới, mạng 5G sẽ chính thức được thương mại hóa, vì vậy đây chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G”.
TS. Mohamed Madkour, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh Mạng Di động Toàn cầu của Huawei cho rằng ngay từ bây giờ các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam có thể bắt đầu xây dựng các năng lực để hỗ trợ các dịch vụ 5G trong tương lai. Việc mở rộng và phát triển LTE và các phiên bản nâng câp của nó, 4G + 4.5G, đang mở đường cho 5G. Các nhà khai thác viễn thông hiện nay có thể triển khai các hệ thống mạng thương mại 5G với việc tiếp tục thúc đẩy phát triển LTE.
Toàn cảnh hội thảo |
Trao đổi cụ thể hơn về 5G, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết 5G có 3 mục tiêu: băng rộng di động tiên tiến (enhanced mobile broadband), tốc độ cao hơn với hàng chục Gigabit/giây, kết nối IoT lớn (massive IoT connection); cung cấp các dịch vụ có độ tin cậy siêu cao và độ trễ siêu thấp.
Trước vấn đề được đông đảo đại biểu quan tâm tần số cho 5G, ông Hoan cho biết phải đợi đến Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC) 2019 do Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) tổ chức tại Ai Cập năm 2019, các nước mới bàn thảo và xác định băng tần nào cho dịch vụ 5G.
Trước vấn đề được đông đảo đại biểu quan tâm tần số cho 5G, ông Hoan cho biết phải đợi đến Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC) 2019 do Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) tổ chức tại Ai Cập năm 2019, các nước mới bàn thảo và xác định băng tần nào cho dịch vụ 5G.
Về băng tần 700MHz, ông Hoan cho biết đây là băng tần quý cho 4G/5G, có tính hài hòa toàn cầu, khả năng phủ sóng tốt đã được các chuyên gia tần số trên thế giới nghiên cứu trong nhiều năm. Việt Nam đã sớm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hoạt động tích cực trong Tổ chức viễn thông châu Á - Thái Bình Dương (ATP) về sử dụng tần số này cho băng rộng di động. Băng tần này hiện đã được áp dụng hầu hết ở châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương và một số nước châu Âu đang nghiên cứu và sử dụng một phần. Việt Nam cơ bản chấp nhận băng tần này cho băng rộng di động và dịch vụ bảo vệ công cộng.
HM