Giá trị của 5G không đơn thuần là chuyện tiền nong
(ICTPress) - Giá trị của việc triển khai 5G không chỉ đơn thuần là chuyện tiền nong - tăng doanh thu cho các nhà mạng, mà còn giúp Việt Nam cải thiện được năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động để không bị tụt hậu so với các nước ASEAN.
Đó là thông điệp đáng chú ý nhất của ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc Ericson Việt Nam – Myanmar - Lào - Campuchia.
PV: Thời gian gần đây, khái niệm 5G được nhắc đến rất nhiều. Là người giàu kinh nghiệm về triển khai 5G trên thế giới, theo ông, những lợi ích lớn nhất của 5G là gì?
Tổng Giám đốc Denis Brunetti: Chặng đường từ 2G đến 4G đã hỗ trợ phát triển những mô hình kinh doanh truyền thống. 5G tạo nền tảng cho sáng tạo, tạo phương thức kinh doanh mới cho các doanh nghiệp nói chung, và mở cơ hội cho các nhà mạng có thêm nhiều nguổn thu mới.
Trước đây, các nhà mạng trông chờ nhiều từ túi tiền người dùng dịch vụ viễn thông, nhưng từ giờ sẽ chủ yếu trông chờ từ các nhà sản xuất công nghiệp với các dịch vụ số - dịch vụ quan trong trong tương lai.
Theo nghiên cứu của Ericson, đến năm 2023, doanh thu sản sinh thêm cho các nhà mạng trên toàn cầu là 690 tỷ USD, trong đó có 100 tỷ USD từ khái niệm hoạt động sản xuất thông minh. Còn tại Việt Nam, tổng doanh thu viễn thông của các nhà mạng đạt 16 tỷ USD (tính đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 146 triệu thuê bao di động, mức độ tăng trưởng di động 156% so với năm trước). Với việc áp dụng 5G, các nhà mạng của Việt Nam có thể tăng hơn gấp đôi doanh thu vào năm 2023.
Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần chuyện tiền nong, tiết kiệm “đồng tiền bát gạo” cho các nhà mạng khi tăng công năng, năng lực hệ thống mạng, giá trị của 5G còn lớn hơn rất nhiều. Khả năng Việt Nam tụt hậu so với các nước ASEAN do năng suất lao động thấp sẽ có thể cải thiện được nhờ ứng dụng 5G. Về chăm sóc y tế, sức khỏe, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam ở thứ hạng 160/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, và vẫn còn nhiều dư địa có thể cải thiện hơn nhờ 5G như ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa. Bên cạnh đó, 5G còn có thể là câu trả lời cho các vấn đề như giảm thiểu ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông…
Có một điểm tôi muốn lưu ý là tính năng cắt lớp mạng, là việc phân tách mạng theo cách logic để những kết nối riêng biệt được dành riêng phù hợp cho ứng dụng riêng. Chẳng hạn một người muốn tải video xuống sử dụng thì có thể không cần ngay, nhưng một bác sĩ tiến hành phẫu thuật liên quan mạng sống thì phải ưu tiên hơn, phải làm sao để chỉ thị từ bác sĩ đến robot phẫu thuật, vận động của bàn tay bác sĩ và robot diễn ra đồng thời. Phân lớp mạng giúp ưu tiên hóa ứng dụng cần thiết để thực hiện trước. Việc phân tầng các cấp độ như vậy chỉ có ở 5G.
Đâu là điều cần quan tâm hàng đầu khi triển khai 5G?
Đó là tính an toàn bảo mật. Nếu đảm bảo được tính an toàn bảo mật thì mới có hiệu quả sử dụng cao với 5G. Còn nếu thiếu an toàn bảo mật thì sẽ kèm theo nhiều mối đe dọa lớn. Các quốc gia muốn triển khai 5G cần có những đối tác tin cậy. Chúng tôi sẵn sàng làm đối tác tin cậy để triển khai các hoạt động ứng dụng 5G hiệu quả, an toàn, để người dân Việt Nam hưởng lợi từ số hóa những năm tới.
Ông có cho rằng hiện đã là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai 5G?
Ở Việt Nam mới có 3G, 4G gần đây, nhưng giờ nói 5G cũng không quá sớm. Khoảng hơn 1 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong các bài diễn văn của mình đã nhắc đến nhiều lần khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0, bản chất liên quan nhiều đến số hóa, Internet kết nối vạn vật (IoT), gắn kết chặt với quá trình phát triển 5G.
Cũng có ý kiến quan ngại rằng cách mạng công nghiệp 4.0 có thể khiến nhiều người dân mất việc làm. Nhưng thực tế, nếu không nhanh chóng triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc làm cũng sẽ mất vào tay các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… vốn dĩ cũng đang nỗ lực phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và 5G.
Việt Nam đã chuyển từ một quốc gia thu nhập thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình, chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế tri thức nhờ CNTT-TT. Từ nước thu nhập thấp chuyển sang mức trung bình đã khó, nâng lên mức thu nhập cao còn khó hơn bội phần. Chúng tôi sẵn sàng làm đối tác với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi đó.
Tính đến nay, Ericson đã liên hệ thử nghiệm 5G với 38 đơn vị. Về thương mại hóa 5G, cuối năm 2018 sẽ làm ở Hoa Kỳ, Thụy Sĩ. Còn tại Việt Nam, nơi các nhà mạng đã triển khai hệ thống của Ericson khi triển khai 4G (hệ thống này đã được thiết đặt sẵn sàng với 5G), khi vấn đề giấy phép, bản quyền đều đã sẵn sàng, thì hoàn toàn có thể thực hiện thương mại hóa 5G từ cuối năm 2018, đầu năm 2019.
Hiện tất cả các sản phẩm của Ericsson Radio System được cung cấp từ năm 2015 đều đã có thể hỗ trợ năng lực 5G New Radio (NR) nhờ cài đặt phần mềm từ xa, cho phép các nhà khai thác chuyển đổi nhanh chóng và thuận lợi lên 5G trong những băng tần hiện có cũng như nhanh chóng mở rộng vùng phủ sóng dịch vụ 5G.
Ericsson đã bổ sung thêm một loạt sản phẩm vô tuyến mới dành cho các thành phố, có tên gọi Street Macro. Các sản phẩm này sẽ lắp trên mặt tiền các tòa nhà, có kích thước nhỏ hơn nhưng đủ mạnh để đảm bảo hiệu suất và độ phủ sóng của mạng lưới.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những sản phẩm vô tuyến mới hỗ trợ công nghệ Massive MIMO, cho phép phát triển thuận lợi từ 4G lên 5G và giải quyết nhu cầu tăng dung lượng, đồng thời đơn giản hóa việc sử dụng để có thể triển khai rộng rãi hơn.
Cảm ơn ông!
Theo Báo cáo Di động mới nhất của Ericsson, đến cuối năm 2023, tổng lưu lượng dữ liệu toàn cầu được dự kiến tăng 8 lần trong khi thuê bao 5G được dự kiến đạt 1 tỷ. Điều này buộc các nhà khai thác phải tiếp tục tăng dung lượng mạng đồng thời với việc thực hiện chuyển đổi lên 5G. |
Bình Minh