Nhà báo Nga Alexey Syunnerberg: Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi!
Nhà báo Nga, Alexey Syunnerberg nguyên là trưởng Ban tiếng Việt của Đài Tiếng nói nước Nga. Từ thập kỷ 60 đến nay ông đã từng phỏng vấn hầu hết các nguyên thủ và chính trị gia Việt Nam đến thăm và làm việc tại Nga.
Nhà báo Nga Alexey Syunnerberg. (Ảnh: Bích Yến/Vietnam+) |
Cả cuộc đời Alexey đã dành tình yêu thương và các hoạt động chuyên môn cho Việt Nam. Ông cũng đã định hướng cho con trai duy nhất của mình trở thành chuyên gia Việt Nam học. Ông coi Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của mình.
VietnamPlus xin trân trọng gửi tới công chúng cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà báo Alexey tại Liên bang Nga.
-Ông đã lựa chọn nghiên cứu và gắn bó với Việt Nam từ khi nào? Vì sao?
Nhà báo Alexey: Sau khi tôi tốt nghiệp phổ thông năm 1962, tôi có quyết định vào một trường đại học nào đó học ngôn ngữ Phương Đông. Hồi ấy ở Nga chỉ có hai viện đào tạo chuyên gia tiếng Phương Đông, là Viện các nước Á Phi IXXA (Viện ngôn ngữ Phương Đông, thuộc trường Đại học Lomoloxov) và Trường Đại học Ngoại giao MGIMO.
Tôi nghĩ là tôi có khả năng nhiều hơn vào Viện ngôn ngữ Phương Đông. Đúng thế ! Tôi đã dự 5 cuộc thi, kết quả tôi đạt 23 điểm, trong lúc đó, điểm cao nhất là 25 điểm (...). Giám đốc nhà trường cho chúng tôi biết những người dự thi học tiếng Pháp chỉ có thể học một trong hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (...). Như thế là tôi phải chọn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Tôi chọn Việt Nam. Vì đối với tôi thì hồi ấy, tôi biết không nhiều lắm nhưng vẫn biết Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam, về Bác Hồ, về cuộc kháng chiến thứ nhất của nhân dân Việt Nam. Tôi chọn tiếng Việt. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn sung sướng là tôi đã chọn rất đúng.
-Trong quá trình chọn học và làm việc đối với Việt Nam đến ngày nay ông đã gặp gỡ và phỏng vấn bao nhiêu nguyên thủ/chính khách Việt Nam, trong đó cuộc phỏng vấn nào ấn tượng nhất đối với ông?
Nhà báo Alexey: Vào những năm 60,70, 80, 90 tôi đã gặp và phỏng vấn hầu hết các nhà lãnh đạo Việt Nam, trừ Bác Hồ và Tôn Đức Thắng. Tôi đã gặp và làm việc với tất cả các đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, bắt đầu từ đại sứ thứ hai, Nguyễn Văn Kỉnh; Đại sứ Nguyễn Lương Bằng thì tôi không kịp gặp. Tôi đã gặp và phỏng vấn các lãnh đạo của nhà nước và của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ yếu là ở Moskva (...).
Tôi đặc biệt nhớ cuộc gặp với đồng chí Nguyễn Văn Linh, vào năm 1980. Hồi ấy ông là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, sang Matxcova với tư cách là khách mời danh dự của Olympic. Tôi thỏa thuận với đồng chí Nguyễn Văn Linh trước, đồng chí ở khách sạn của Tổng công đoàn, trên đại lộ Leninxki.
Theo kế hoạch, vào ngày 31/10, lúc 12h tôi sẽ đến gặp ông Linh. Đúng vào ngày ấy thì cuộc bay vào vũ trụ của Phạm Tuân và Viktor Vassilyevich Gorbatko đã kết thúc, nhưng đối với tôi thì ngày ấy có một kỉ niệm đặc biệt nữa là sáng sớm vợ tôi đã sinh con. Con tôi bây giờ 37 tuổi và cũng là chuyên gia về Việt Nam. Sáng sớm hôm ấy tôi chỉ kịp gọi điện báo cho bố mẹ là tôi có con rồi, sau đó tôi chạy nhanh đến khách sạn của ông Nguyễn Văn Linh. Tôi chạy vào thì ông Linh hỏi tại sao tôi vui thế, tôi bảo ông là tôi vừa có con đầu lòng đấy. Ông Linh bảo nhân dịp này theo phong tục của Nga và của Việt Nam thì phải uống rượu (...).
Vài năm sau ông Linh làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông lại đến Moskva lần nữa. Tại một cuộc họp báo của Bộ ngoại giao, tôi đã gặp ông lần thứ hai. Có rất nhiều đại diện của báo chí, nhưng ông Linh khi thấy tôi, ông đến gặp tôi và hỏi là ''con trai thế nào''. Nhiều năm trôi qua mà ông Linh vẫn nhớ tôi và nhớ con trai tôi. Đấy là cuộc gặp gỡ cảm động nhất (...). Như thế là con trai tôi ra đời vào ngày kết thúc cuộc bay vào vũ trụ Liên Xô-Việt Nam. Cháu nội của tôi (sau này) lại ra đời vào ngày sinh nhật của Bác Hồ.
- Như vậy là ông và gia đình đã có nhiều kỷ niệm đặc biệt với Việt Nam, vậy ông có xuất bản cuốn sách nào về Việt Nam chưa và vào năm nào? Nếu chưa thì ông có dự định xuất bản trong tương lai không?
Nhà báo Alexey: Tôi chưa bao giờ xuất bản cuốn sách nào về Việt Nam. Về Việt Nam thì hàng ngày tôi viết bài cho đài phát thanh. Trước đó thời Liên Xô đó là đài phát thanh Moskva, là đài đối ngoại, chương trình tiếng Việt. Sau khi Liên xô tan rã thì đài chúng tôi đổi tên là Đài tiếng nói nước Nga.
Cách đây vài năm theo sắc lệnh của Tổng thống Putin thì thống nhất Đài tiếng nói nước Nga và hãng Novoxti thành Công ty truyền thông Nước Nga ngày nay. Trong cơ cấu của công ty này có một trung tâm tên là Sputnik, chuẩn bị những website bằng mấy chục thứ tiếng nước ngoài, trong đó có tiếng Việt. Website tiếng Việt của Sputnik rất đẹp, rất hay, rất bổ ích, rất phong phú. Đó không phải là nhận xét của tôi mà là theo nhận xét của các bạn Việt Nam. Vì nó đổi mới liên tục. Có rất nhiều tin quan trọng về Nga, Việt Nam, về đời sống thế giới, về những vấn đề Nga-Việt, về tình hình của cộng đồng Việt ở Nga, ở nước ngoài. Tôi được biết là khá nhiều người Việt ở Nga cũng theo dõi website Sputnik tiếng Việt của chúng tôi (...).
- Ông đã đến Việt Nam bao nhiêu lần và điều sâu đậm nhất đọng lại trong tâm khảm ông là gì?
Nhà báo Alexey: Tôi đã đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1967, nhân dịp kỉ niệm Cách mạng tháng 10 ở Việt Nam. Bao nhiêu năm rồi! (trầm tư). Sau đó, tôi đến Việt Nam gần hai chục lần, cả trong thời chiến, và có dịp trú bom ở Hà Nội. Khi máy bay Mỹ oanh tạc, tôi ở gần Hồ Hoàn Kiếm. Khi có báo động, thì các bạn Việt Nam bảo là ''anh xuống trú bom ngay''. Sau đó, thì tôi sang Việt Nam nhiều lần vào thời hòa bình, thời đổi mới. Gần đây nhất tôi tới Việt Nam vào tháng 7 năm ngoái (pv-2017).
Tôi rất khâm phục đất nước và con người Việt Nam. Tôi rất khâm phục những thành tích của nhà nước Việt Nam, của nhân dân Việt Nam sau những ngày chiến thắng, sau chiến thắng. Và tất nhiên, tôi cúi đầu trước tinh thần anh dũng của những người Việt Nam chiến đấu với Mỹ và giành được chiến thắng oanh liệt. Bây giờ, khi đến Việt Nam, tôi thấy người dân Việt Nam rất lạc quan, rất là vui vẻ và rất là tin tưởng vào tương lai không những của đất nước mình mà của cả gia đình mình. Tôi thích nhất Hà Nội. Tôi rất thích những ngôi nhà mới được xây dựng của Thủ đô. Đồng thời, tôi rất thích non sông Việt Nam, các làng xã Việt Nam, truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Việt.
-Có thể coi ông là một trong những cây cầu hữu nghị kết nối báo chí-truyền thông, kết nối công chúng Việt Nam và Nga, theo ông công chúng nước Nga nhìn nhận về Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Nga như thế nào và việc nhìn nhận đó hiện nay có gì khác so với vài thập kỷ trước thưa ông?
Nhà báo Alexey: Khi trả lời câu hỏi trước, tôi bảo là tôi không bao giờ viết sách về Việt Nam. Đúng thế đấy ! Nhưng tôi đã có dịp viết một cuộc sách về Cộng đồng Việt Nam ở Nga, đó là vào năm 2002, cùng với đồng chí Thiên Can là tên bút (tên thật là Trần Văn Cơ) - chuyên gia lỗi lạc về tiếng Nga (...). Có một lần ông Cơ đã đề nghị tôi cùng viết sách. Ông ấy có nói là tôi hỏi anh trả lời bằng tiếng Nga, tôi sẽ dịch ra tiếng Việt và sẽ xuất bản tại Moskva. Hồi ấy ở Moskva có nhà xuất bản Sáng tạo của Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Moskva.
Và chúng tôi làm việc mấy tuần tại nhà ông Cơ và trả lời các câu hỏi của ông. Cuối cùng, ông đã dịch ra và đã in ở Moskva (100 cuốn/năm 2002). Trong cuốn sách này tôi viết về tiểu sử của mình và chủ yếu là viết về cộng đồng Việt Nam. Hồi ấy ở Moskva có rất nhiều người Việt Nam và có rất nhiều trung tâm thương mại (chợ người Việt Nam). Giai đoạn này, tình hình tài chính của người Nga rất phức tạp, đặc biệt là vào những năm 90 và cuối những năm 90. Chủ yếu người Nga, đặc biệt là người Moskva mua những thứ cần thiết chính là ở chợ của người Việt Nam. Như thế là tôi đã viết một cuốn sách (cười).
Còn về thái độ của người Nga, người Liên Xô đối với Việt Nam, thì tất nhiên thái độ đó hơi thay đổi. Thời Liên Xô, đặc biệt là khi Việt Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước, thì toàn dân Liên Xô cố gắng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam. Có mấy vạn người Nga đến Sứ quán Việt Nam và xin đưa vào Việt Nam chiến đấu trong hàng ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các nhà máy của Liên Xô sản xuất những đơn đặt hàng của Việt Nam (...). Hồi ấy, mấy chục thành phố lớn nhất của Liên Xô, đều có sinh viên Việt Nam theo học.
Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam gần 50.000 chuyên gia đại học, nhiều Phó Tiến sĩ, Tiến sĩ, giáo sư và cán bộ khoa học. Hồi ấy, Hội hữu nghị Xô-Việt, quan hệ rất rộng rãi, có khá nhiều đoàn Việt Nam sang. Mỗi một tuần lễ, dứt khoát là có một đoàn đại biểu nào đó của Việt Nam sang Moskva.
Những năm 1960 tôi mới bắt đầu làm việc ở đài phát thanh (năm 1966 tôi được nhận vào làm việc ở đài phát thanh). Tôi cùng đi với các đoàn ấy, với tư cách vừa là phóng viên vừa là phiên dịch viên, khắp Liên Xô. Tôi đã đi thăm tất cả các nước cộng hòa của Liên Xô cũ. Năm 1975, khi giải phóng Sài gòn thì đối với nhân dân Liên Xô đây cũng là một ngày hội thực sự. Nhưng tiếp đó Liên Xô tan rã, có rất nhiều khó khăn trong đời sống của nhân dân cả nước. Đối với nhân dân chúng tôi hồi ấy chủ yếu là chú trọng cuộc sống của đất nước mình cho nên coi nhẹ Việt Nam.
Và tôi rất sung sướng là bắt đầu từ những năm 2000, thì quan hệ của hai nước chúng ta bắt đầu phục hồi, đặc biệt là khi Tổng thống Putin sang Việt Nam lần đầu tiên. Hồi ấy, con trai tôi cũng ở Việt Nam với tư cách là thực tập sinh và có kể cho tôi là nhân dân Việt Nam đón tiếp ông Putin rất nồng nhiệt. Sau khi hai nước chúng ta đã ký hiệp ước hợp tác toàn diện, và bắt đầu thực hiện những dự án lớn về một số lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, thì bây giờ những người Nga không phải là như trước - khi chúng tôi coi người Việt Nam là người em, chúng tôi là người anh.
Còn bây giờ chúng tôi có thái độ đối với Việt Nam một cách công bằng. Chúng tôi rất vui là Việt Nam phát triển. Năm ngoái có gần 600 nghìn người Nga sang du lịch Việt Nam, đây là con số kỷ lục. Cách đây 17 năm chỉ có 5.000 người Nga sang Việt Nam/một năm. Nếu trước đây, thì chúng tôi biết (nghe nói) về Việt Nam, thì bây giờ chúng tôi tận mắt thấy Việt Nam là như thế nào. Theo các bạn của tôi sang Việt Nam kể cho tôi, thì tôi biết là họ rất sung sướng vì có một người bạn rất tốt, đáng tin cậy như Việt Nam.
- Cảm ơn ông đã cho chúng tôi biết những nhận xét của công chúng Nga nhìn nhận về nhân dân Việt Nam tích cực như vậy, với tư cách là một người làm báo ông có nhận xét gì về mối quan hệ giữa hai nước Nga-Việt trong lĩnh vực báo chí-truyền thông trong quá khứ, hiện tại và tương lai?
Nhà báo Alexey: Trong quá khứ, thì đại diện báo chí của hai nước chúng ta hoạt động rất chặt chẽ, đặc biệt là trong thời kháng chiến thứ hai ở Việt Nam. Vì hồi ấy thì các tờ báo, các tạp chí của Liên Xô có thể nói là hàng ngày viết về Việt Nam, và về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, về những tội ác của Mỹ(...). Nhưng sau đó, đặc biệt là khi Liên Xô tan rã (...) thì tất cả các cơ quan báo chí là của tư nhân, cổ phần, không phải là của nhà nước nên chủ của một tờ báo muốn viết gì thì viết đấy.
Thời ấy (trước), thì có thể nói là chỉ có một cơ quan báo chí duy nhất là của nhà nước, đấy là Đài tiếng nói nước Nga, và Ban tiếng Việt của Đài tiếng nói nước Nga, chúng tôi hàng ngày viết về sự hợp tác của hai nước chúng ta. Và tiếp tục viết thế cho đến bây giờ. Theo tôi, ở Việt Nam bây giờ cũng ít viết về nước Nga. Tôi hàng ngày xem qua mấy chục tờ báo Việt Nam xuất bản ở Hà Nội, ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh quan trọng nhất thì tôi thấy rất là ít khi có bài báo nào nói về tình hình ở Nga.
Tất nhiên, bây giờ thì đại diện báo chí của hai nước chúng ta có rất nhiều lĩnh vực khác nhau, và quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng có thể nói tôi hơi buồn là bây giờ ở Nga rất ít có bài báo nào đó, hoặc chương trình Tivi nào đó về Việt Nam. Vì Việt Nam là một nước rất đẹp, rất đa dạng. Và theo tôi thì nếu kể về đất nước này thì có rất nhiều người Nga hài lòng. Nhưng đây là ý kiến riêng của tôi. Vì tôi là một người rất yêu và rất thích Việt Nam. Chắc là những người yêu nước nào đó khác thì cũng muốn nói nhiều về nước ấy (cười).
húng tôi được biết con trai và con dâu ông đều theo học Tiếng Việt và trở thành những nhà nghiên cứu Việt Nam, ông cũng vừa nhắc đến trong đoạn đầu cuộc phỏng vấn rồi, tôi muốn hỏi thêm rằng liệu có phải do ông định hướng cho con trai ông không ?
Nhà báo Alexey: Tất nhiên, khi con trai tôi Tốt nghiệp phổ thông, tôi hỏi con trai tôi muốn làm gì, thì Maxim (con trai) trả lời là ''suốt đời mình con nghe bố nói tiếng Việt bằng telephone (tôi thỏa thuận với những người Việt Nam về những cuộc gặp gỡ hay phỏng vấn nào đấy), cho nên con cũng muốn biết tiếng Việt.'' Nên tôi bảo như thế thì con cứ thi vào trường đại học mà tôi đã tốt nghiệp trước đây. Tôi không biết vì sao vợ của Maxim bắt đầu học tiếng Việt, nhưng Maxim là giáo viên của cô ấy.
Và tôi rất tự hào là con trai tôi đi theo con đường của bố, cũng vào trường đại học mà tôi đã tốt nghiệp trước. Và bây giờ là chuyên gia về tiếng Việt và lịch sử Việt Nam, đã soạn một số quyển sách, từ điển Việt-Nga, Nga-Việt, 5, 6 cuốn sách về tên của người Việt Nam. Sau đó là dịch một số sách của các tác giả Việt Nam ra tiếng Nga (...). Năm kia thì vợ chồng con trai tôi đã đẻ con gái, cũng vào ngày rất đáng ghi nhớ, đó là ngày sinh nhật của Bác Hồ (19/5).
-Bây giờ thì ông có cảm thấy hạnh phúc khi cả nhà đều biết tiếng Việt?
Nhà báo Alexey: Vâng, vâng! Vợ tôi không biết tiếng Việt và cháu tôi thì chưa biết gì cả (cười).
-Lời chúc và gửi gắm của ông đến các nhà báo/đồng nghiệp, công chúng Việt Nam, và các nhà báo Việt Nam tại Nga?
Nhà báo Alexey: Đối với các bạn đồng nghiệp của tôi, đối với quần chúng nhân dân Việt Nam khắp mọi nơi, tôi muốn trước hết là chúc mừng nhân dịp ngày Tết sắp tới, chúc mọi điều tốt đẹp nhất, chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành tích trong công tác của mình, phát đạt. Chúc gia đình của các bạn mạnh khỏe. Và tất nhiên là chúc đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh.
Chúng tôi xin ghi nhận tất cả những gì ông đã gây dựng cho mối quan hệ báo chí-truyền thông giữa Việt Nam và Nga. Xin cảm ơn ông và kính chúc ông cùng gia đình luôn mạnh khỏe!
Nguồn: Nguyễn Thị Bích Yến/vietnnamplus.vn