Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang: Niềm tự hào của nghệ thuật Tuồng Việt Nam
(ICTPress) - Hội thảo khoa học “100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang” diễn ra ngày 27/1, tại Hà Nội nhằm tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.
Hội thảo khoa học “100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang” |
Hội thảo cũng mong muốn tìm ra những bài học thiết thực, quý báu cho sự nghiệp xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiên, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự kiện do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp tổ chức nhân dịp ông đại thọ 100 tuổi và vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Gần 30 tham luận gửỉ tới hội thảo là những ý kiến tâm huyết giúp công chúng hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang cho sân khấu Tuồng cũng như nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Có thể nói trong đội ngũ nghiên cứu và sáng tác Tuồng, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là một trong những người đã có nhiều thành tựu to lớn nhất. Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng gọi là Mịch Quang một “lão tướng Tuồng” bởi ông không chỉ có tài đức mà luôn là người xông pha đi đầu, tích cực và triệt để nhất trong việc bảo vệ nền nghệ thuật truyền thống dân tộc, bắt đầu từ nghệ thuật Tuồng.
Nhà nghiên cứu, soạn giả tuồng Mịch Quang (Ảnh: hanoimoi.com.vn) |
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là một tác giả xuất sắc có những đóng góp quý báu cho nghệ thuật sân khấu Tuồng cách mạng Việt Nam. Các sáng tác của ông rất đa dạng từ đề tài lịch sử, dã sử đến hiện đại,... được hầu hết các đơn vị nghệ thuật Tuồng cả nước dàn dựng và biểu diễn. Trong đó các vở: “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Phất cờ nương tử”, “Giấc mộng hồ hoa”, “Thanh gươm hát bội”, “Nỗi lòng người mẹ”, “Bà mẹ làng Sen”… được ghi nhận và trao thưởng cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, khán giả hâm mộ nghệ thuật Tuồng cả nước yêu thích.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ khẳng định: Với các công trình nghiên cứu “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng”, “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và Nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng lý luận sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Ông là nhà nghiên cứu Việt Nam đã nêu ra một số lý thuyết có tính phổ quát được giới nghệ thuật học quốc tế quan tâm.
Cùng chung quan điểm đó, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc ghi nhận: Ngoài các công trình nghiên cứu quan trọng, Mịch Quang còn có hàng trăm tiểu luận giá trị khác đăng trên các báo và tạp chí trong, ngoài nước từ những năm 1960 đến đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Nhiều phát hiện và tổng kết về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã đi vào đời sống nghệ thuật dân tộc, trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc như “hiện thực tả ý”, phương pháp mô hình hoá”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch kính trữ tình”, “cấu trúc động mở”…,
Có được những thành công trên, ngoài năng khiếu bẩm sinh và môi trường nghệ thuật, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang còn nhờ vào tinh thần khiêm tốn học tập không ngừng. Dù đã được coi là bậc thầy, là “lão tướng”, được các Giáo sư, Giáo sư-Viện sĩ , Giáo sư -Tiến sĩ Trần Văn Khê, Trần Bảng, Hoàng Châu Ký, Nguyễn Thuyết Phong, Hồ Sĩ Vịnh, ... kính nể, suy tôn, nhưng Mịch Quang vẫn kiên trì học tập trên sách báo, ở các cuộc tọa đàm, hội thảo, thậm chí ông còn bày ra những cuộc tranh luận để học, làm rõ những vấn đề học thuật.
Cho rằng, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là thần tượng sống động của mình, Phó Giáo sư- Tiến sĩ Trần Trí Trắc nhấn mạnh: Không phải là Nghệ sĩ Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ hay quyền lực lãnh đạo nào nhưng soạn giả Mịch Quang là nhà nghiên cứu chân chính, luôn luôn có tư duy độc lập, biết phát hiện nhiều cái mới cho khoa học. Các công trình của ông đều có tính khám phá, tính chiến đấu cao, đồng thời còn có sự thống nhất biện chứng giữa dân tộc với thời đại, lý luận với thực hành, triết học với nghệ thuật, văn hóa với sáng tạo…
Mịch Quang, là tên chiết tự của Nguyễn Thế Khoán, sinh ngày 1/5/1917 tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ôngbiết hát cải lương, hò giã gạo, bài chòi, hát bội, ngâm thơ từ nhỏ và sau này biết cả nhạc Huế, nhạc Tây. Năm 1945, ông trở thành Chủ tịch Chi hội Văn hóa cứu quốc Ninh Hòa và phụ trách Đội Văn nghệ tuyên truyền lưu động của cách mạng…
Năm 1954, Mịch Quang ra Bắc tập kết, làm biên tập viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam.Sạu đó, ông về Ban Nghiên cứu Tuồng làm việc và được điều động về miền Nam từ sau năm 1975.Suốt cuộc đời mình, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có gần 60 công trình sáng tạo có giá trị. Đặc biệt, từ những năm trên 70 tuổi đến nay, ông liên tục công bố những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của mình.Mịch Quang là người có nhiều phát hiện phát minh được đánh giá cao trong giới nghiên cứu sân khấu và nghệ thuật dân tộc của Việt Nam; người đặt nền móng cho việc nghiên cứu, phát huy danh nhân Đào Tấn.
Với những cống hiến lớn lao cho nghệ thuật truyền thống của đất nước, ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Mỹ Bình