Sàng lọc thông tin với báo điện tử

(ICTPress) - Nếu như Internet ra đời cùng với sự hình thành của báo điện tử đã làm thay đổi toàn bộ nền tảng báo chí truyền thống thì sự xuất hiện của mạng xã hội đã có tác động rất lớn với báo điện tử.

Khi bất cứ ai cũng có thể đăng tải, chia sẻ tin tức, với đông đảo cộng đồng một cách dễ dàng trên Internet thông qua mạng xã hội, báo điện tử đã đứng trước một bước ngoặt lớn: nguồn thông tin được mở ra vô biên, vô tận, phong phú, hết sức dễ dàng nhưng đồng thời cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi khi người người, nhà nhà có thể xuất bản “tin” riêng của mình lên mạng mà không theo bất cứ quy chuẩn nào thì câu hỏi đặt ra là mảnh đất tiếp cận và thu hút độc giả của báo điện tử sẽ còn được bao nhiêu? 

Có rất nhiều người đã từng đặt ra câu hỏi liệu các báo điện tử có nên ngăn chặn sự chiếm lĩnh ngày càng mạnh của mạng xã hội khi xuất hiện ngày càng nhiều tin không lành mạnh, thông tin giật gân chỉ nhằm mục đích câu "like", câu "share" ở đó. Chúng tôi cho rằng không nên và cũng không thể làm như vậy. Các báo điện tử rất nên tận dụng thế mạnh về thông tin nhanh, nhiều, đa dạng của mạng xã hội nhưng lại phải rất cẩn trọng để không bị cuốn theo tính “ảo” của mạng xã hội. Thực tế cho đến nay, không một tờ báo điện tử nào không tận dụng mạng xã hội để hỗ trợ cho công việc của mình. Vấn đề quan trọng là “sàng lọc thông tin” thế nào để báo điện tử không trở thành “nạn nhân” cho những thông tin “rởm” trên mạng. 

Cơ hội cũng là thách thức

Với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, báo chí không chỉ bám theo những nguồn tin truyền thống trước đây mà đã có một nguồn tin phong phú và đa dạng hơn nhiều: thông tin từ mạng xã hội. Ví dụ: khi lũ lụt xảy ra ở miền Trung, phóng viên của báo có mặt tại điểm nóng, kịp thời phản ánh tình hình lũ lụt và những ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, một số lượng phóng viên nhất định của báo không thể nào so với số lượng hàng trăm, hàng ngàn bạn đọc cũng có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm vùng lũ, trực tiếp chụp ảnh nơi họ trải qua và đăng tải thông tin trên trang cá nhân của họ. Có được những hình ảnh quý này, thông tin trên báo sẽ phủ khắp, đa và sinh động hơn nhiều. 

Tuy nhiên, cũng trong những hình ảnh này, đã có những bức ảnh là giả, cũng là hình ảnh rất xúc động về vùng lũ nhưng mà là hình ảnh của mùa lũ năm trước được những người sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức tung lên hoặc cũng do những người sử dụng nhầm tưởng đó là ảnh của mùa lũ năm nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà báo dễ dàng sử dụng những bức hình này trên trang báo của mình. Thái độ của bạn đọc đối với sai sót thông tin của một facebooker nào đó sẽ khác hẳn đối với sai sót của một tờ báo . Đây cũng chính là thách thức “sàng lọc thông tin” của nhà báo trong thời đại “biển” thông tin như hiện nay. 

Thông tin trên mạng rất đa dạng nhưng là thông tin chưa được kiểm chứng. Thông tin đó có thể được chia sẻ một cách vô tư nhưng cũng có thể được đưa với một chủ đích nào đó của người viết, có thể tốt nhưng cũng có thể nhằm mục đích xấu. Với một tờ báo điều này là không thể. Mới đây, một tờ báo đã bị phạt vì đưa thông tin về một dàn siêu xe mang biển xanh, đặt ra nghi vấn về dàn siêu xe này trong khi trên thực tế, đó chỉ là xe mô hình đồ chơi.

Cũng có khi câu chuyện “sàng lọc thông tin” không phải ở chỗ đúng sai mà ở độ “nhạy cảm” của nhà báo. Cách đây vài tháng câu chuyện diễn viên MC Minh béo ra khỏi tù ở Mỹ và về Việt Nam rất "hot" trên mạng xã hội. Nhân vật nổi tiếng này đưa lên trang cá nhân của mình hình ảnh trở về nước, chào hỏi người hâm mộ. Đã có những tờ báo “vô tư” đăng tải những hình ảnh này lên mà không tính đến độ phản cảm của thông tin khi một nhân vật vừa chịu án lại có biểu hiện như một ngôi sao. Những tờ báo này cũng đã phải chịu phạt nghiêm khắc vì đã bị “cuốn” theo mạng xã hội.

 Một trong những sứ mệnh quan trọng của báo chí là định hướng dư luận, tạo niềm tin cho công chúng và hướng công chúng đến những giá trị chân thiện mỹ. Trong những lúc người dân chưa biết tin vào đâu, thông tin nào là chính xác thì vai trò của báo chí là phải lấp đầy khoảng trống nghiêm trọng này, ngay lập tức cung cấp cho công chúng thông tin chính xác từ nguồn tin cậy, được kiểm chứng một cách khách quan. Cách đây chưa lâu, tin đồn lan tràn khắp nơi về việc sắp đổi tiền. Tâm lý người dân hoang mang, lo lắng vì lo ngại những nguy cơ của việc đổi tiền như đã từng diễn ra trong quá khứ. Đến khi báo chí đăng tin chính thức rằng không có chuyện đổi tiền thì tin đồn này ngay lập tức được dẹp bỏ, người dân đã yên tâm hơn. 

Tuy nhiên, làm công việc này không phải lúc nào cũng đơn giản. Bởi thông tin được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội cũng luôn là những thông tin hot, những đề tài ăn khách mà báo chí có thể khai thác nhằm tăng thêm lượng truy cập cho báo mình. Có không ít tờ báo, trang tin điện tử đã chạy theo những thông tin trên mạng xã hội chỉ nhằm một mục đích tăng view.  Cách đây vài năm có tin đồn về câu chuyện bố chồng và con dâu quan hệ bất chính, bị dính vào nhau và phải đến viện cấp cứu ở Tiền Giang. Cũng vì đây là một câu chuyện có yếu tố hút bạn đọc nên đã có những báo đi viết nhiều kỳ về câu chuyện gợi tò mò này và cuối cùng đã bị phạt vì câu chuyện này hoàn toàn không có thực mà chỉ là đồn đại. 

Trước áp lực của kinh tế thị trường, việc báo điện tử phải tăng số lượng bạn đọc để có thể tự nuôi mình là điều dễ hiểu, tuy nhiên báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng vẫn luôn phải đảm báo tính định hướng, có tôn chỉ, mục đích của mình. Nếu báo chí cũng chạy theo mạng xã hội với những thông tin giật gân, câu view thì sẽ sớm đánh mất mình và mất luôn khả năng cạnh tranh với mạng xã hội. 

Hơn lúc nào hết, công việc “sàng lọc thông tin” của báo điện tử phải được đặt lên hàng đầu và phải được thực hiện một cách cẩn thận và chuyên nghiệp. Một thông tin không chỉ kiểm tra, xác minh 1 nguồn mà phải 2-3 nguồn để đảm bảo tính chính xác. Đây cũng chính là điểm có thể giúp báo chí cạnh tranh được với mạng xã hội, với những thông tin trôi nổi. Người đọc có thể tìm được những thông tin chính xác, khách quan và có trách nhiệm trên báo điện tử, họ có thể đặt niềm tin rằng tin đó là chính xác chứ không cần phải phân vân chuyện đó có thật hay không. Làm được điều này cũng chính là thể hiện tính trung thực, lương tâm, trách nhiệm và đạo đức của nghề báo. 

 Bản lĩnh người làm báo

 Để có thể làm tốt công việc sàng lọc thông tin, mỗi tờ báo và mỗi nhà báo cần những gì để có thể vừa đảm bảo được tính nhanh nhạy, hấp dẫn của thông tin, vừa giữ được tính chính xác, khách quan của tờ báo?

Trước hết trên khía cạnh pháp luật, nhà báo phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, luật Báo chí khi hành nghề. Dù là thông tin ở mạng xã hội hay ở bất cứ nguồn nào thì thông tin đó khi đăng lên cũng phải theo đúng quy định của pháp luật. Một tờ báo không thể đăng những thông tin xúc phạm cá nhân giống như một status đầy khiêu khích được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.

 Luôn có một trái tim nóng để có thể xông pha vào những điểm nóng, đề tài khó, những nơi nguy hiểm nhưng cũng cần có một cái đầu lạnh, đủ tỉnh táo để nhận ra những phần “chìm” ở đằng sau mỗi một thông tin “nổi”. Vì sao một loạt tờ báo bị phạt trong vụ nước mắm nhiễm asen. Đối với hoạt động thông thường của một nhà báo, khi được mời đến cuộc họp báo chính thức do một cơ quan trực thuộc nhà nước tổ chức, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia thuộc đúng lĩnh vực đó thì trong đầu phóng viên đã mặc định đó là thông tin chính thống và sẽ sử dụng thông tin từ cuộc họp báo đó mà không cần phải kiểm tra, xác minh thêm nguồn nào nữa.

Những người làm báo khi đó đã không đủ tỉnh táo để xác định rõ rằng cho dù một cơ quan nhà nước công bố ra như vậy nhưng trước một thông tin ảnh hưởng đến hàng triệu người sử dụng nước mắm, hàng trăm, hàng nghìn nhà sản xuất nước mắm như vậy thì vẫn cần phải kiểm chứng, xác minh thông tin từ các nguồn khác nữa. Các nhà báo đã không đủ minh mẫn để nhìn ra được phần chìm là “ai” đã đứng đằng sau để công bố những thông tin này và những thông tin này có lợi cho những người công bố ra sao và có hại cho biết bao người khác ra sao?

Đây là bài học xương máu cho báo chí và bởi vậy mà với mỗi bài báo, chúng tôi bắt buộc các cấp biên tập, trưởng ban, thư ký tòa soạn phải hỏi phóng viên của mình nhiều lần câu hỏi: “Làm sao anh/chị biết điều đó?”. Câu hỏi này để đảm bảo rằng mỗi một thông tin đưa ra đều đã được kiểm chứng, xác minh một cách rõ ràng, chính xác.         

Ngoài trau dồi kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp, hơn lúc nào hết, đạo đức của nghề báo lại càng phải được đặt lên hàng đầu trong tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay. Bên cạnh các chuẩn mực về độ chính xác, về tính khách quan thì một điều không thể thiếu là tin đó có ích gì cho bạn đọc không. Chúng tôi thường xuyên hỏi những người làm báo VietNamNet rằng: tin đó để làm gì, bạn có muốn đưa tin đó cho con cái, người thân của bạn đọc không? Điều này cũng là để tránh việc sa đà chạy theo view mà quên mất trách nhiệm định hướng thông tin, định hướng xã hội của người cầm bút.

Với sự quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, với đội ngũ những người làm báo điện tử trẻ trung, nhiệt huyết, có kỹ năng và lòng yêu nghề, thời gian qua các báo điện tử đã và đang có sự chuyển hướng rõ rệt theo hướng nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn… Chúng tôi tin rằng với bản lĩnh của mình, công việc sàng lọc thông tin của báo điện tử sẽ ngày càng được nâng cao, mỗi tờ báo sẽ thể hiện được trách nhiệm, độ tin cậy của mình và giành được sự tin yêu của độc giả.

               Báo Điện tử Vietnamnet

Tham luận tại Hội thảo “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”

Tin nổi bật