Thông tư Made in Vietnam và những câu hỏi chưa có lời đáp

Những quy định chưa rõ ràng rất khó để doanh nghiệp biết sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu “sản phẩm sản xuất ở Việt Nam” hay không.

Dự thảo thông tư của Bộ Công thương về sản phẩm của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hướng tới mục tiêu lớn lao là phân xử sản phẩm, hàng hóa thế nào là sản xuất tại Việt Nam. Nhưng những quy định tại dự thảo này dường như không đáp ứng được mục tiêu ấy.

Vẫn khó xác định hàng Việt Nam

Gần đây, lo ngại về tình trạng “hàng Tàu đội lốt hàng Việt” được thổi bùng lên đã đặt ra yêu cầu bức thiết cần có một văn bản quy phạm pháp luật để xác định thế nào là sản phẩm của Việt Nam, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam

Đặc biệt, khi Vụ Asanzo nổ ra, nhu cầu đó trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Khoảng trống luật pháp trong việc xác định thế nào là hàng hóa của Việt Nam, được sản xuất tại Việt Nam cần phải được bịt lại, hoặc làm rõ để hỗ trợ hay trừng trị doanh nghiệp này hay hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất.

Doanh nghiệp bị “tố” gian lận xuất xứ vì nhập khẩu hầu hết linh kiện từ nước ngoài, cho dù họ đã nỗ lực chứng minh có hoạt động nghiên cứu, tạo thương hiệu để sản xuất ra sản phẩm TV phù hợp nhu cầu của một bộ phận khách hàng Việt Nam. Việc phân xử đúng – sai là khá mong manh, hay không thể khi khoảng trống pháp lý còn bỏ ngỏ.

Cho nên Thông tư này được xây dựng với một mục tiêu duy nhất, như lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ, là để phân xử trong những trường hợp như vậy. Tất nhiên, thông tư đó còn tác động đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất khác, trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Khi Vụ Asanzo nổ ra, quy định về made in Viet Nam trở nên bức thiết hơn bao giờ hết

Theo dõi những tranh luận gần đây từ nhiều phía đối với dự thảo thông tư này, tôi băn khoăn tự hỏi, liệu những quy định của nó có đảm đương được chức năng phân xử đúng – sai hay không, có tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hay không? Câu trả lời đến giờ là: Chưa chắc!

Chẳng hạn, quy định hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% và vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản thì mới được dán nhãn sản xuất tại Việt Nam. “Hàm lượng giá trị gia tăng” bao gồm nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công trực tiếp, nhà xưởng, các chi phí khác, lợi nhuận… và cả “chất xám”, tức khâu nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo.

Nếu như chi phí nguyên liệu, nhân công… có thể dễ dàng đong đếm được, thì chi phí liên quan đến “chất xám” sẽ là một trở ngại về sau để đánh giá một hàng hóa thế nào là sản xuất tại Việt Nam, hàng Việt Nam.

Câu chuyện ông  Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam chia sẻ tại buổi lấy ý kiến góp ý ngày 25/9 chắc chắn sẽ là thách thức cho bất cứ cơ quan nào “cân đo” hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm.

"Sữa bột cho trẻ em, nguyên liệu bột nhập về nhưng công thức để tạo ra dòng sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam thì phải thuê nhà nghiên cứu. Hàm lượng chất xám cao nhưng hàm lượng nguyên liệu đầu vào thì có lẽ không đạt trên 30%”, đó là trường hợp được ông Trung dẫn ra để băn khoăn loại hàng đó có được ghi là hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hay không.

Ai sẽ định giá “chất xám” bỏ ra trong một sản phẩm, cho dù “chất xám” đó được công nhận bằng một bằng phát minh sáng chế hay giấy chứng nhận bản quyền?

Quá nhiều rắc rối để tuân thủ

Bên cạnh đó, Khoản 2 điều 4 dự thảo Thông tư nói rằng tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ sau đây để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; Hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; Sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; Chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; Chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác. Quy định quá rộng như vậy là rất khó cho các nhà sản xuất.

Nhìn vào cách ghi này, doanh nghiệp chắc chắn không khỏi hoang mang khi không rõ dùng cụm từ nào để ghi lên sản phẩm của mình, nhất là khi cũng chưa có hướng dẫn thế nào là hàng hóa chế tạo tại Việt Nam, chế tác tại Việt Nam.

Nếu doanh nghiệp không chắc ghi như thế nào cho đúng, muốn có một cơ quan nhà nước đứng ra xác nhận thì liên hệ ở đâu? Đó là câu hỏi chính đáng chứa đựng nỗi lo của không ít doanh nghiệp được đặt ra.

Vụ thị trường trong nước, hay Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương hay là đơn vị nào, dự thảo thông tư cũng chưa làm rõ được.

Không giải quyết được việc này, thông tư này sẽ khiến doanh nghiệp lạc vào “rừng quy định”, bế tắc không có lối ra. “Ghi theo sự hiểu biết của doanh nghiệp” như cách đại diện Bộ Công Thương trả lời doanh nghiệp không khác gì đánh đố. Đại diện Asanzo chẳng phải đã nói ghi theo cách hiểu tốt nhất của doanh nghiệp đó sao.

Một điều đáng lo ngại hơn cả là chi phí tuân thủ. Thông tư này nếu ban hành sẽ tác động đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Dù hiện nay doanh nghiệp vẫn phải ghi nhãn hàng hóa thể hiện nội dung xuất xứ theo quy định tại Nghị định 43, nhưng thông tư này ra đời với những cụm từ mới như kể trên sẽ khiến doanh nghiệp phải mất thêm chi phí tuân thủ. Nhất là với doanh nghiệp hiện vừa có hàng xuất khẩu, vừa có hàng tiêu thụ nội địa, có thể họ sẽ phải làm thêm một công việc nữa là phân loại hàng tiêu thụ nội địa riêng để ghi thêm cụm từ “Sản phẩm của Việt Nam”, hay “Hàng hóa của Việt Nam”,  “Sản xuất tại Việt Nam”… nếu muốn đưa hàng ra lưu thông ngoài thị trường.

Liệu sau này có "đẻ" ra thêm cơ quan cấp giấy xác nhận nào đó không"? Cơ quan nào cấp phép? Của Bộ Công Thương hay bộ nào? Cơ quan đó đóng ở đâu? Ở Hà Nội hay các tỉnh? Doanh nghiệp sẽ tốn thêm bao nhiêu chi phí, thời gian và công sức để đăng ký? Và nếu không thể đăng ký, liệu họ có đối diện với rủi ro pháp lý?

Xét cho cùng, ý nghĩa, mục đích của việc ban hành thông tư này là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được những băn khoăn kể trên, thì thông tư này rất khó thực hiện được chức năng phân xử về “xuất xứ hàng hóa” để tiêu thụ nội địa, và vì thế nó chỉ tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp mà thôi.

Đó là chưa kể “cái giá phải trả” khi doanh nghiệp không dám đầu tư nhà máy. Bởi những quy định chưa rõ ràng rất khó để doanh nghiệp biết sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu “sản phẩm sản xuất ở Việt Nam” hay không.

Lương Bằng/vietnamnet.vn

Tin nổi bật