Yêu cầu nhà mạng có giải pháp chuyển đổi IPv4-IPv6 đối với mạng 4G LTE
(ICTPress) - Cả ba nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone vừa cho biết đã sẵn sàng triển khai IPv6 theo đúng lộ trình được Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tại Hội thảo triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức nhân ngày IPv6 Việt Nam 2015 (4/5/2015).
Cụ thể, đại diện cho Viettel, ông Trần Văn Thành cho biết giữa năm 2016, Viettel sẽ thực hiện chuyển đổi IPv6 cho mạng 3G và triển khai IPv6 cho mạng 4G LTE. Theo kế hoạch, cuối năm 2015 đến đầu năm 2017, Viettel sẽ cung cấp dịch vụ trên tập khách hàng thật. Trong khoảng đầu năm 2017, Viettel thực hiện chuyển đổi IPv6 cho mạng 3G và triển khai IPv6 cho mạng 4G LTE.
Trong khi đó, đại diện cho nhà mạng Vinaphone, ông Nguyễn Ngọc Huy cho biết nhà mạng này đã nhận thức rõ cần triển khai IPv6. Hạ tầng mạng Vinaphone hoàn toàn sẵn sàng cho việc triển khai IPv6 cho các dịch vụ hiện tại, các dịch vụ LTE/4G. Cuối năm 2015, chuyển đổi sang IPv6 với việc thử nghiệm dual stack. 2016 cung cấp dual stack. Đến năm 2018, cung cấp toàn trình dịch vụ IPv6.
Đại diện cho nhà mạng MobiFone, ông Nguyễn Vũ, Trưởng ban CNTT MobiFone cho biết nhà mạng này sẽ triển khai đúng lộ trình triển khai của MobiFone cũng sẽ phù hợp với lộ trình IPv6 của Bộ thông tin truyền thông.
Lộ trình chuyển đổi IPv4 - IPv6 sẽ được thực hiện độc lập trên các mạng: Mạng tin học và VAS, Mạng Mobile và mạng IPBB. Hạ tầng mạng VMS hoàn toàn sẵn sàng cho việc triển khai IPv6 cho các dịch vụ hiện tại, cũng như các dịch vụ sắp triển khai khác. Theo lộ trình, MobiFone giữa năm 2016 sẽ chuyển đổi sang IPv6. Năm 2017 sẵn sàng cung cấp dịch vụ và hoàn thiện IPv6, ông Vũ cho hay.
Thông tin về triển khai triển khai IPv6 của các mạng di động lớn trên thế giới, VNNIC cho biết trong những năm gần đây, đã có thể thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc thử nghiệm và triển khai của các nhà mạng lớn. Nhà mạng China Mobile (Trung Quốc) đang trong quá trình hoàn thiện để có thể bật IPv6 trong mạng TE-LTE. Trong khi đó, nhà mạng Verizon Wireless (Mỹ) IPv6 đã là mặc định trong hầu hết các thiết bị của hệ thống mạng LTE và TMobile USA đã triển IPv6 sử dụng công nghệ chuyển đổi 464XLAT và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ IPv6.
Về thử nghiệm IPv6 cho mạng di động 4G LTE trên thế giới, nhà mạng Telstra Australia đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của việc triển khai IPv6 trên mạng LTE trong năm 2012. Mới nhất, năm 2015, T-Mobile USA đã chính thức gia nhập “nhóm” có tỷ lệ triển khai IPv6 vượt qua mức 50%, con số này đối với Verizon Wireless là trên 65% và AT&T là 46% (Theo ISOC - Internet Society). Nhà mạng Deutsche Telekom (Đức) đạt xấp xỉ 30%, KDDI (Nhật Bản) đạt 17%... và con số sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Theo dự báo của gsmmobileeconomy.com về thiết bị di động, dự đoán vào năm 2019 sẽ có 11,5 tỷ thiết bị di động toàn cầu (tốc độ tăng trưởng hằng năm CAGR 9%). Thị phần 3G/ 4G LTE sẽ đạt mức 53% vào năm 2017.
Thị phần của thông tin di động trên nền tảng 3G, 4G đạt mức 53% vào năm 2017 |
Cho biết một số kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Kiên, VNNIC cho biết đã có 44 cơ quan , tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký và được phân bổ IPv6; 16 khóa đào tạo với tổng số gần 400 cán bộ kỹ thuật của các ISP lớn: VNPT, Viettel, SPT, CMC, BIDV... 10 ISP đã tham gia kết nối VNIX IPv4/IPv6 là Viettel, VNPT, Netnam , FPT Telecom, SPT, VTC, SCTV , CMCTI, VTN, VNTT và 6 nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội thảo |
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của dịch vụ băng rộng di động 3G tại Việt Nam và xu hướng phát triển của băng rộng di động trên thế giới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội nghị đã đề nghị Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia xác định cần chú trọng thúc đẩy triển khai IPv6 trên các mạng di động. Với số lượng thuê bao 3G tương đối lớn (trên 30 triệu thuê bao) và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, việc triển khai IPv6 trên mạng di động sẽ là khâu đột phá thúc đẩy lưu lượng sử dụng IPv6.
Về phía nhà mạng Việt Nam, trong đó có 3 nhà mạng lớn, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị nhà mạng xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv4 - IPv6 cho mạng di động băng rộng, đặc biệt mạng 3G hiện đang khai thác. Trong năm nay, Bộ TT&TT cho phép thử nghiệm 4G băng 1800MHz, đề nghị doanh nghiệp tiếp tục xây dựng kế hoạch và giải pháp cho chuyển đổi IPv4 - IPv6 đối với mạng 4G LTE. Đối với mạng băng rộng, thế giới đã có các giải pháp khác nhau, doanh nghiệp thông tin di động Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nhà mạng đã triển khai mạng băng rộng IPv4 - IPv6 để hoàn chỉnh kế hoạch thông tin di động.
Năm 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn 2 - giai đoạn khởi động của Kế hoạch hành động quốc gia về thúc đẩy phát triển IPv6. Mục tiêu đặt ra khi kết thúc giai đoạn này là bảo đảm tính sẵn sàng IPv6 đối với toàn bộ hạ tầng mạng lưới Internet, chính thức cung cấp một số dịch vụ trên nền IPv6. Do đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Trung tâm Internet Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, nâng cấp mạng lưới Internet, cơ sở hạ tầng Internet quốc gia, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn toàn hỗ trợ IPv6. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động năm 2015 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.
Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC cho biết ngày IPv6 là sự kiện thường niên và năm nay Ban Tổ chức tập trung đi sâu vào nội dung trọng tâm công tác. Sau hội thảo, các kết quả, kinh nghiệm, giải pháp được trình bày và chia sẻ sẽ được chuyển biến thành hành động thực tiễn.
Minh Anh