"Điện thoại đồ chơi" Beeline: tưởng rẻ hóa hớ!

Chiếc điện thoại giá "bèo" cùng gói cước Tỷ phú của Beeline khiến khá nhiều người tò mò vì giá rẻ, gọi nội mạng thoải mái. Nhưng nhiều người mua xong lại thấy hớ vì chẳng biết dùng vào việc gì.

Chiếc điện thoại giá bèo của Beeline.

Điện thoại đồ chơi bỗng thành hàng "hot"

Chiếc điện thoại kèm theo gói cước Tỷ phủ được Beeline ra mắt cách đây vài tuần có nguồn gốc từ Trung Quốc, chỉ nhỏ như chiếc điều khiển quạt cây. Beeline áp dụng biện pháp khóa mạng để chiếc điện thoại này chỉ dùng được cho thuê bao của nhà mạng này. Tuy nhiên, cơ chế khóa mạng đã bị bẻ khóa rất dễ. Chỉ với giá vài chục ngàn đồng là có thể dùng được sim của các mạng khác.

Sau khi xem thử, nhiều người đánh giá rằng chiếc điện thoại này chẳng khác gì món đồ chơi cho trẻ con. Nhận xét này cũng không phải là thiếu cơ sở vì bộ vỏ máy được làm bằng nhựa thường rất mỏng manh. Màn hình đen trắng nhỏ chưa đến 1 inch, nên khi nhắn tin nhìn chữ nhỏ li ti, ai mắt kém là chịu không đọc nổi.

Ngoài một khe cắm thẻ sim, một giắc sạc và bàn phím nhỏ xíu thì chiếc điện thoại này cũng không có thêm chi tiết gì đáng chú ý. Các chức năng của điện thoại cũng chỉ gồm nghe, gọi, nhắn tin và báo thức. Chất lượng cuộc gọi ở nơi có sóng tốt thì loa cũng vẫn bị rè, chưa kể máy không có chế độ rung nên nhiều người sau khi sử dụng đều phàn nàn là nếu đi ngoài đường là ai gọi đến đều không biết để nghe máy.

Nhưng nhờ mức giá gốc chưa tới 150 ngàn đồng, mặt hàng này vẫn đang khiến khá nhiều người tò mò tìm mua và bị các cửa hàng bán lẻ đẩy giá lên cao một cách quá đáng. Nhiều người phải đặt tiền trước nhưng vẫn bị hét giá cao lên tới gần gấp đôi.

Ở vào thời điểm ra đời, giá của chiếc điện thoại này chỉ là 149 nghìn đồng nhưng giờ thì "loạn giá". Tại một cửa hàng trên đường Đại La (Hà Nội), chị chủ cho biết, cửa hàng đang bán chiếc điện thoại này với giá 280 nghìn đồng nhưng cũng không còn hàng để bán.

Mua xong vứt xó

Nhiều người vẫn có tâm lý muốn mua một chiếc điện thoại rẻ tiền chỉ với mục đích "làm quà" là chính, mua cho các cháu chơi, cùng với gói cước "sim tiền tỷ", mất không tiếc... chứ không thực sự quan tâm đến giá trị sử dụng hay chất lượng thực sự của chiếc điện thoại này.

Nhiều người sau khi mua "điện thoại tỷ phú" xong chẳng biết dùng làm việc gì. Có đưa cho trẻ con dùng thì cũng phải mua thêm một sim tỷ phú nữa để gọi nội mạng miễn phí, rồi tự dưng lại phải mang theo một chiếc điện thoại nữa kè kè bên người cả ngày.

Chị Hương, biên tập viên một tờ báo than thở sau khi mua một cặp máy điện thoại và sim tỷ phú: "Bình thường đã phải úp tai vào điện thoại cả ngày vì công việc rồi, sức đâu mà gọi nội mạng miễn phí để buôn chuyện với ai được nữa. Đúng là mua xong vứt xó, tội vạ cũng chỉ vì mình ham rẻ".

Tất nhiên, với những người rành về điện thoại thì chỉ việc bỏ ra số tiền tương đương hoặc cao hơn một chút là đã có thể sở hữu chiếc điện thoại nghiêm chỉnh, nhiều tính năng hơn của các hãng có tên tuổi như Nokia, Samsung... Quan trọng hơn, máy không bị khóa mạng nên phần mềm sẽ hoạt động ổn định hơn vì không bị can thiệp bẻ khóa.

Thực tế trước đây tại Việt Nam cũng đã có những thời điểm rộ lên phong trào dùng điện thoại Trung Quốc giá rẻ với đầy đủ các tính năng như nghe nhạc, quay phim chụp ảnh, thậm chí là cả màn hình cảm ứng và bắt được sóng tivi. Nhưng rồi do các mẫu điện thoại này nhanh hỏng, tính năng hoạt động không ổn định và chất lượng cuộc gọi thường không tốt nên người dùng cũng nhanh chóng quay lưng.

Tài khoản tiền tỷ chỉ là con số ảo

Về bản chất, gói cước tỷ phú là hình thức khuyến mại gọi nội mạng miễn phí, nhưng vẫn phải mất phí duy trì gói cước. Hàng tháng, nếu khách hàng không nạp tiền để duy trì gói cước này thì sau 90 ngày, tài khoản tỷ phú sẽ tự động bị hủy và chuyển thành tài khoản bình thường của Beeline. Nhiều người sợ mất con số một tỷ trong tài khoản sim, nên tự dưng phải đều đặn nạp tiền hàng tháng để duy trì gói cước.

Trong khi đó, với các gói cước gọi nội mạng khác, khách hàng có thể chủ động đăng ký thời gian sử dụng theo ý thích, chẳng hạn như gói nội mạng không giới hạn với 5000đ/2 ngày mà Vietnamobile đang cung cấp. Suy ra, khách hàng dùng gói cước tỷ phú sẽ phải nạp tiền đều đặn hàng tháng dù có nhu cầu gọi nội mạng nhiều hay không, chỉ để giữ con số ảo 1 tỷ đồng trong tài khoản.

Mặt khác, khi cần gọi liên mạng, chưa nói đến chất lượng sóng chưa được phủ ở nhiều tỉnh thành và vùng sâu vùng xa, giá cước của Beeline (1350 đồng/phút) cũng đắt ngang ngửa các nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel (1390/phút).

Trong tháng 9/2011, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cũng đã có 2 công văn yêu cầu Công ty cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile) giải trình và ngừng việc cung cấp gói cước tỷ phú do gói cước này đã vi phạm quy định hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động.

Theo thông tin mới nhất, gói cước Tỷ phú của Beeline chắc chắn sẽ bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý sai phạm trong thời gian tới. Khi gọi lên tổng đài Beeline, người dùng cũng được xác nhận là nhà mạng này có toàn quyền thay đổi thuộc tính của gói cước mà không cần báo trước.

Vì thế, trước khi bị lóa mắt vì mức giá rẻ của loại điện thoại đồ chơi và con số 1 tỷ đồng trong tài khoản, người tiêu dùng cần thận trọng xem xét tới nhu cầu sử dụng của mình, cũng như các chi phí phát sinh hàng tháng để nuôi gói cước, tránh để mua xong mới biết mình bị hớ và lại vứt xó vì không biết dùng vào việc gì.

Thanh Phong

Vietnamnet

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật