Mối quan hệ nào cho nhà mạng viễn thông và dịch vụ truyền hình trả tiền?
(ICTPress) - Theo các nghiên cứu đã công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong tổng điều tra toàn quốc công bố năm 2011 và các nghiên cứu độc lập, Việt Nam có hơn 20 triệu hộ gia đình, nhưng lượng thuê bao truyền hình trả tiền lại chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao.
Con số 4,5 triệu thuê bao này nếu tương ứng với 4,5 triệu hộ gia đình thì mật độ thuê bao như vậy là chưa cao, do đó vẫn còn cơ hội cho các nhà cung cấp khác. Mặt khác, khu vực nông thôn dường như bỏ trống. Điều đó cho thấy, mảnh đất của thị trường truyền hình cáp nói riêng, truyền hình trả tiền nói chung vẫn rất lớn cho những doanh nghiệp (DN) muốn đầu tư thực sự.
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2015 sẽ có khoảng 30 - 40% số hộ gia đình có thể xem dịch vụ truyền hình trả tiền; đến năm 2020, phát triển khoảng 60 - 70% số hộ gia đình thu xem dịch vụ truyền hình trả tiền. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 25-30% trong giai đoạn 2012 - 2015 và khoảng 10 - 15% giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, doanh thu truyền hình trả tiền đạt khoảng 800 triệu - 1 tỷ USD. Những con số ấn tượng này đã thực sự hấp dẫn các nhà khai thác viễn thông, những người có nhiều lợi thế khi “nhảy” vào cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hay IPTV bởi họ có lợi thế cung cấp nhiều dịch vụ trên cùng một hạ tầng và có thể nhanh chóng phổ cập dịch vụ truyền hình và Internet băng rộng đến từng hộ gia đình.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang có 1 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất (AVG), hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (VCTV, SCTV...), 3 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh (K+,VTC, AVG), 4 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV (VNPT, FPT, VTC, Viettel) và 4 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình di động (MobiFone, Viettel, VinaPhone, VTC). Số lượng các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hơi nhiều vì theo Dự thảo quy hoạch phát triển dịch vụ Phát thanh, Truyền hình đến năm 2020 của Bộ TT&TT, để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả sử dụng nguồn lực, mỗi loại hình truyền hình trả tiền sẽ chỉ nên có 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc và 3 - 5 nhà cung cấp khu vực. Tuy nhiên, đây chỉ là định hướng và không mang tính hành chính mệnh lệnh mà số các nhà cung cấp sẽ do thị trường điều tiết như từng xảy ra trong thị trường Viễn thông.
Bên cạnh đó, Quy hoạch sẽ quy định về DN cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền chiếm thị phần khống chế trên một loại hình dịch vụ (cáp, vệ tinh, IPTV) để có cơ chế kiểm soát thị trường thông qua kiểm soát giá thành, tránh tình trạng phá giá, bán dưới giá thành, gây đổ vỡ thị trường... vì vậy cần phải có các cơ chế, chính sách kiểm soát giá cước, khuyến mại của các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền hay kiểm soát giá thành của các DN viễn thông khi cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ truyền hình, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các DN cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình khác.
Đến thời điểm này, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc là cách 350 m. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát hộ gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và đặc biệt có thể đến vùng sâu, vùng xa, phổ cập đến các hộ gia đình Việt Nam. Dù chưa chính thức cung cấp dịch vụ, song những toan tính của Viettel cũng đang khiến không ít người kỳ vọng với sự góp mặt của các DN viễn thông sẽ đẩy thị trường truyền hình trả tiền bùng nổ tại Việt Nam. Tuy nhiên, tầng kỹ thuật viễn thông, thông tin của quân đội khác với hạ tầng cung cấp thông tin phục vụ mục đích dân sinh và Viettel chắc cũng hiểu rõ điều này?
Có nên tách bạch đơn vị chuyên về hạ tầng truyền dẫn với đơn vị làm nội dung hay không?
Đó tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng đơn vị kinh doanh, không có công thức chung. Mỗi mô hình đều có lợi điểm và nhược điểm. Nếu tách bạch đơn vị chuyên về hạ tầng truyền dẫn với đơn vị làm nội dung thì các đơn vị sẽ chuyên tâm vào lĩnh vực mà mình am hiểu nhưng không tận dụng được lợi thế cung cấp nhiều dịch vụ trên cùng một hạ tầng đã thiết lập trước. Nếu cho phép các doanh nghiệp chuyên về hạ tầng truyền dẫn làm nội dung thì cần phải có quy định rõ ràng nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ truyền hình, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình khác như nói phía trên. Nhưng bên cạnh đó về phía khách hàng, có lẽ mong muốn của mọi người là thị trường truyền hình sẽ có cuộc cạnh tranh như thị trường di động, để người dân được xem ti vi với nhiều chương trình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, hình ảnh rõ nét.
Tóm lại, phát triển các dịch vụ phát thanh, truyền hình phù hợp với đặc thù công nghệ để mở rộng tối đa phạm vi cung cấp dịch vụ với số lượng hợp lý các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các dịch vụ trên nền tảng hạ tầng viễn thông, tạo điều kiện cho đa số đông đảo người dân tiếp cận được dịch vụ phát thanh, truyền hình, từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.
Trung Thành