Syndicate content

Thời sự ICT

Ứng dụng mạnh mẽ CNTT khắc phục những vấn đề của du lịch

Tóm tắt: 

Theo Phó Thủ tướng, cả thế giới đều đang làm và Việt Nam phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này khi trả lời câu hỏi của đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 6/6.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với một đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Phó Thủ tướng, cả thế giới đều đang làm và Việt Nam phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VHTTDL lập đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu, các lĩnh vực nhằm góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Làm sao để mọi tổ chức, người dân kinh doanh du lịch có thể tự giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, địa điểm du lịch ở trên mạng. Tiếp đó thúc đẩy thanh toán điện tử, qua điện thoại di động (hiện tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, quý I/2019 đã tăng 97% số giao dịch).

Chúng ta cũng đã bắt đầu số hoá các bảo vật quốc gia, các hiện vật quý để đưa lên mạng, giới thiệu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý tiếng nói nhằm khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên những thứ tiếng hiếm để giới thiệu các địa điểm du lịch…”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Phó Thủ tướng cũng nhắc đến tầm quan trọng của môi trường không chỉ cho ngành du lịch mà cả sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhắc đến 14 nhóm tiêu chí với 90 tiêu chí cụ thể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng cho biết chỉ tiêu bền vững về môi trường của Việt Nam đang xếp thứ 128 trên thế giới. Nhiều tiêu chí cụ thể như nước thải, mật độ bụi, độ che phủ rừng, bảo vệ đa dạng… đều rất thấp.

“Ngoài các giải pháp đột phá, chúng ta phải tích cực cải thiện những điểm đang còn yếu, trong đó có vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh. Cùng với đó, cần tiếp tục vận động nhân dân, bằng các hành vi thiết thực của mình, tham gia xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện”, Phó Thủ tướng mong muốn.

Cảnh giác trước những tour du lịch giá rẻ, miễn phí

Nói về những vụ việc lợi dụng uy tín của các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi để tổ chức tham quan giá rẻ, miễn phí với mục đích dụ dỗ, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết mỗi người dân cần cảnh giác với các chiêu bài lừa gạt.

“Bây giờ tham khảo giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ, trong đó có du lịch, đều rất thuận lợi. Người dân cần lưu ý với những tour du lịch, tham quan ‘cho không’ hay rẻ dưới mức bình thường thì cần hết sức cảnh giác.

Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể cần có hướng dẫn xuống bên dưới để không bị lợi dụng. Khi phát hiện hay là nạn nhân trong các vụ việc này, người dân cần báo ngay đến các cơ quan chức năng, và phải xử lý nghiêm từ phạt hành chính cho đến rút giấy phép kinh doanh, thậm chí đối với trường hợp tái phạm nghiêm trọng có thể xử lý hình sự theo quy định…”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cần thiết phải bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt

Về câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), Phó Thủ tướng cho rằng đây còn những khuyến nghị rất đúng của đại biểu về sự cần thiết phải có khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, chuẩn hoá các khái niệm, quan niệm về văn hoá, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Phó Thủ tướng cũng thông tin thêm: Thực ra chúng ta đã có khung pháp lý với các quy định ở hiến pháp, luật, nghị định, thông tư, các quy chế, hương ước mang tính cục bộ ở cộng đồng, cơ quan. Tuy nhiên, những quy định này cần không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, sửa đổi và khi đã ban hành thì tổ chức thực hiện nghiêm túc, xử lý ngay khi có vi phạm.

“Tại kỳ họp thứ tư, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà đã kiến nghị ban hành luật về tiếng Việt. Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Nhân văn Việt Nam, Viện Ngôn ngữ nghiên cứu 10 đề tài cấp bộ về các khía cạnh khác nhau để chuẩn bị luận cứ về thời điểm xây dựng luật này. Trong quá trình biên soạn sách giáo khoa mới, Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến sự trong sáng của tiếng Việt ngay từ bậc mẫu giáo trở lên”, Phó Thủ tướng khẳng định và cho biết tiếp tục chỉ đạo Bộ VHTTDL, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT cùng phối hợp. Gần đây rất nhiều hoạt động được các cơ quan tổ chức nhằm bảo vệ, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Các cơ quan truyền thông đại chúng cũng đã chú ý đến vấn đề này.

Phó Thủ tướng cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng Chính phủ chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ các di sản cấp quốc gia.

Phó Thủ tướng cho biết năm 2018, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Trung ương cấp khẩn cấp 13 tỷ đồng để tu sửa một số hạng mục của một số di tích quốc gia đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng do các quy định về đầu tư công, nên sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước mắt dùng ngân sách của địa phương để tu sửa khẩn cấp, sau đó là các đề án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công để đưa vào kế hoạch trung hạn. 
Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cần tiếp tục theo dõi nhằm giúp không chỉ Bà Rịa-Vũng Tàu mà các địa phương khác có di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần xử lý gấp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động tạm ứng ngân sách để tu sửa trước mắt các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nguồn: Đình Nam/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Thủ tướng: Việt Nam sẽ tạo bứt phá về Chính phủ điện tử trong năm 2019

Tóm tắt: 

ây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược trong triển khai một nền hành chính hiện đại của Việt Nam và cũng là yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, chiều 30/5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đại diện cho hai cơ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và ông Jean-Pierre Marcelli, Giám đốc điều hành dự án của AFD ký kết văn bản này.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa các nội dung mà hai bên đã thống nhất trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe vào tháng 11/2018. Việt Nam và Pháp là hai quốc gia có quan hệ truyền thống tốt đẹp, ngày nay đã nâng lên quan hệ đối tác chiến lược. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

“Tôi đã cử Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đi khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Pháp, tiếp đó, Pháp đã cử chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm sang hỗ trợ VPCP”, Thủ tướng nói. Xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược trong triển khai một nền hành chính hiện đại của Việt Nam và cũng là yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. “Với quyết tâm và nỗ lực của mình, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế nói chung, nước Pháp nói riêng, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tạo sự bứt phá về xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019”.

Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa VPCP và AFD về phát triển Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng đề nghị Đại sứ Pháp tại Việt Nam phát huy vai trò cầu nối quan trọng trong hợp tác song phương, bao gồm cả hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn AFD đã sát cánh cùng các chuyên gia Việt Nam và các cơ quan của Việt Nam, đặc biệt là VPCP trong việc triển khai thực hiện Chính phủ điện tử.

Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholar cho biết, sự hợp tác này thể hiện lòng tin của hai bên dành cho nhau. “Xây dựng Chính phủ điện tử là giải pháp trả lời cho những thách thức mà chúng ta đang phải đương đầu hiện nay, để làm sao cho nền kinh tế cạnh tranh hơn, năng lực sản xuất cao hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”. Việc xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách nền hành chính đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như làm sao đưa ra được các dịch vụ mới, làm sao để có định dạng điện tử hiệu quả, làm sao mang lại cho người dân những dịch vụ dễ tiếp cận, tăng cường chất lượng dịch vụ.

Đại sứ cho biết, thời gian qua, trong khuôn khổ dự án, Pháp đã huy động nhiều chuyên gia đầu ngành về Chính phủ điện tử sang hỗ trợ Việt Nam. Hợp tác Việt-Pháp về Chính phủ điện tử dựa trên 3 trụ cột chính, phù hợp với ưu tiên của hai bên. Thứ nhất, đó là sự hỗ trợ của Pháp giúp Việt Nam xây dựng khuôn khổ chính sách, thể chế phục vụ việc vận hành Chính phủ điện tử. Thứ hai là chia sẻ năng lực, kinh nghiệm giữa các chuyên gia Pháp và Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau để xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử. Thứ ba là việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng cấu trúc cũng như xác định Cổng dịch vụ công quốc gia, tập trung vào phục vụ người dân, người sử dụng. “Các bạn có thể hoàn toàn tin tưởng vào nước Pháp, vào AFD”, Đại sứ nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng gặp Giám đốc điều hành dự án của AFD, ông Jean-Pierre Marcelli. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngay trước lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Giám đốc điều hành dự án của AFD, ông Jean-Pierre Marcelli đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi về xây dựng Chính phủ điện tử.

Đánh giá cao việc Pháp cử chuyên gia đầu ngành sang giúp đỡ Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định quyết tâm vào cuối năm 2019, sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Ông Mai Tiến Dũng cho biết, trong chuyến khảo sát tại Pháp 2 năm trước, đoàn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của phía Pháp như khi ban hành một văn bản mới thì phải hủy 2 văn bản cũ, một việc làm cần thiết để giảm sự chồng chéo.

Ấn tượng trước nỗ lực của Chính phủ và VPCP trong xây dựng Chính phủ điện tử, ông Jean-Pierre Marcelli cho biết, “đây là một trong những dự án tốt nhất mà chúng tôi triển khai trên toàn thế giới”. Pháp rất quan tâm đến vấn đề Chính phủ điện tử để cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn cho công dân, làm sao người dân không cần thiết phải đến gặp cơ quan Nhà nước. Ông khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với VPCP trong triển khai dự án này.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Bản ghi nhớ giữa VPCP và AFD, hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên gồm: Hỗ trợ Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, trọng tâm là xây dựng các chỉ số chủ yếu về theo dõi và đánh giá kết quả; xây dựng giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính quyền và bảo vệ dữ liệu; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng giải pháp xác thực định danh cá nhân và doanh nghiệp; xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của VPCP. 

Ngoài những hướng hợp tác ưu tiên vừa nêu, về lâu dài, quan hệ đối tác giữa các bên có thể hợp tác về các chủ đề có cùng quan tâm như: Hỗ trợ thay đổi hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng; Chính phủ số và dữ liệu mở; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia...

Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Nhà mạng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với các đầu số lạ

Tóm tắt: 

Thời gian gần đây, một số người dùng di động đang bị nhầm lẫn giữa tổng đài chăm sóc khách hàng của VinaPhone 18001091 với các đầu số 1900xxxx khác dẫn đến bị trừ cước điện thoại.

Thời gian gần đây, một số người dùng di động đang bị nhầm lẫn giữa tổng đài chăm sóc khách hàng (CSKH) của VinaPhone 18001091 với các đầu số 1900xxxx khác dẫn đến bị trừ cước điện thoại.

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, VinaPhone khuyến cáo: VinaPhone chỉ có một đầu số chăm sóc khách hàng duy nhất 18001091 miễn cước cho toàn bộ khách hàng trên toàn quốc.

Theo phản ánh của khách hàng hiện có một số tổng đài mạo danh VinaPhone bằng hình thức chạy quảng cáo trên mạng, ví dụ khi khách hàng tìm kiếm các từ khóa như “tổng đài hỗ trợ CSKH VinaPhone”; “tổng đài VinaPhone”... ngay lập tức kết quả tìm kiếm hiện ra đầu tiên sẽ là các website của đầu số 1900xxxx (đây là đầu số cung cấp dịch vụ tính phí của doanh nghiệp khác không phải của VinaPhone).

Sau khi bấm vào các đường link trên và thực hiện cuộc gọi đến các tổng đài này sẽ bị trừ cước phí rất cao. Các tổng đài này đều có đầu số hiển thị dưới dạng 1900xxxx cung cấp dịch vụ tính phí, do nhiều doanh nghiệp khác quản lý.

Đặc biệt các thông tin phát trên lời chào của các tổng đài 1900xxxx trên đều không rõ ràng, không nói rõ tổng đài gì, cung cấp thông tin và nội dung nào... Người dùng nên tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi gọi đến các đầu số 1900xxxx để tránh nhầm lần dẫn đến bị trừ tiền cước không mong muốn.

Tất cả các tổng đài khác, không phải đầu số 18001091 đều không phải tổng đài hỗ trợ chăm sóc khách hàng của VinaPhone. Vinaphone lưu ý các khách hàng để tránh tinh trạng bị trừ tiền oan từ các tổng đài mạo danh tổng đài chính thức của VinaPhone.

Để sử dụng tổng đài chăm sóc khách hàng 18001091, VinaPhone hướng dẫn như sau:

  • Nhánh 1 Báo khóa máy khẩn cấp, hỗ trợ thông tin về khuyến mại, ưu đãi;
  • Nhánh 2 Hướng dẫn các vấn đề liên quan SIM, truy cập mạng 3G, 4G, nạp thẻ;
  • Nhánh 3 Hỗ trợ về các sản phẩm, dịch vụ, chính sách chăm sóc khách hàng.
  • Nhánh 4 Hỗ trợ Đại lý và Điểm bán lẻ.
  • Nhánh 5 Tư vấn chuyển mạng giữ số

Đồng thời, nhằm giúp khách hàng dễ dàng nhận diện cuộc gọi chính thức từ VinaPhone, cuộc gọi từ tổng đài 18001091 tới máy khách hàng sẽ hiển thị số 0888001091. Khách hàng nên lưu ý để tránh những cuộc gọi giả mạo tổng đài lừa đảo thu cước hay cung cấp thông tin sai lệch.

Tổng đài 18001091 nhánh 1,2,3 hỗ trợ các khách hàng của VinaPhone 24/24h. Riêng nhánh 4,5 phục vụ từ 7h đến 21h hàng ngày.

QA

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Chuyến thăm 3 nước với hơn 50 hoạt động của Thủ tướng

Tóm tắt: 

Chuyến thăm chính thức Nga, Na Uy, Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thành công tốt đẹp, là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng...

Sáng nay (29/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Điển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev - Ảnh: VGP

Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nga tổ chức Năm chéo (Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam trong các năm 2019-2020) nhân dịp 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1950-2020); hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Na Uy (1971-2021) và kỷ niệm nửa thế kỷ hợp tác Việt Nam-Thụy Điển (1969-2019). Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Na Uy và Thụy Điển sau 20 năm.

Trong chuyến thăm 09 ngày tới 03 nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình làm việc với hơn 50 hoạt động, như: Các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao 3 nước (hội đàm với Thủ tướng, hội kiến với Nhà Vua, Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội); dự các diễn đàn doanh nghiệp, gặp mặt các nhà đầu tư, bà con kiều bào, thăm và làm việc tại địa phương; thăm một số cơ sở sản xuất, trung tâm công nghệ cao của doanh nghiệp, tập đoàn lớn; gặp gỡ tri ân những người bạn Nga, Thụy Điển có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ đất nước. Tại mỗi nước, các cuộc hội đàm, hội kiến đã diễn ra thẳng thắn, chân thành, hiệu quả, thực chất; nhiều văn kiện hợp tác giữa hai bên được ký kết.

Thực hiện chuyến thăm Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi riêng và hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, hội kiến Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Duma quốc gia Nga, Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Medvedev cùng dự lễ khai mạc Năm chéo 2 nước Việt Nam, Nga 2019-2020.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức Năm chéo, với hơn 200 hoạt động đa dạng tại nhiều địa phương, cho đây là sự kiện trọng đại đối với quan hệ song phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định dù bất cứ hoàn cảnh nào của thế giới, Nga đã, đang và sẽ luôn là người bạn lớn, tin cậy của Việt Nam.

Hai bên khẳng định năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng của hợp tác Việt-Nga; nhất trí thúc đẩy doanh nghiệp dầu khí hai nước hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh theo các cơ chế đã ký. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam; đánh giá Việt Nam và Nga còn nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư với nhiều dự án được đề xuất và triển khai thời gian qua. Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, bao gồm cổng dịch vụ công trực tuyến, trung tâm an ninh an toàn thông tin, mô hình thành phố thông minh.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã đến thăm các “địa chỉ đỏ” tại TP. Saint Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga: Đến viếng, đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm-Nghĩa trang Piskaryovskoye, nơi chôn cất những người đã hy sinh bảo vệ thành phố Leningrad (Saint Petersburg ngày nay) trước sự bao vây, tấn công của phát xít Đức, thăm Khu lưu niệm của Lenin, thăm Chiến hạm Rạng Đông, dự triển lãm về văn hóa Việt Nam tại Cung điện Mùa Đông (Bảo tàng Hermitage). Thủ tướng đã đặt vòng hoa viếng Đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh, vào Lăng viếng Lenin tại Quảng trường đỏ-Thủ đô Moscow.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg - Ảnh: VGP

hăm chính thức Na Uy, một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Erna Solberg, hội kiến Nhà Vua Harald đệ Ngũ, Chủ tịch Quốc hội Tone Troen.

Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), trong đó Na Uy là nước điều phối đàm phán; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng mặt trời, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, kinh tế biển xanh, trong đó hai bên thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng hải sản của nhau (cá tra Việt Nam, cá hồi Na Uy)… Thủ tướng Na Uy hoan nghênh việc Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Đại dương của chúng ta sẽ được tổ chức tại Oslo trong tháng 10/2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven - Ảnh: VGP

Thăm chính thức Thụy Điển, nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (tháng 8/1966) và tiếp tục là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, Thủ tướng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Stefan Löfven, hội kiến Quốc vương Carl XVI Gustav, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển. Thủ tướng khẳng định nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ tình đoàn kết mà nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng khốc liệt của kháng chiến chống Mỹ và hình ảnh Thủ tướng Olof Palmer dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối cuộc chiến tranh này tại thủ đô Stockholm.

Hai Thủ tướng khẳng định quan hệ thương mại-đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác song phương và đã có bước tiến đáng kể, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Để khai thác tiềm năng còn lớn trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Điển quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, thông tin truyền thông, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ bền vững, xử lý rác thải, dược phẩm, công nghiệp phụ trợ xe ô tô.

Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU (EVIPA) trong những tuần tới và nhanh chóng phê chuẩn, triển khai sau đó, để mang lại lợi ích của tất cả các bên và góp phần tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển. Thủ tướng Thụy Điển trao Ý định thư về tín dụng xuất khẩu hơn 1,2 tỷ USD vào Việt Nam.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Nga, Na Uy, Thụy Điển, Thủ tướng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định, duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Thủ tướng cũng đề nghị chính phủ các nước tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống và hội nhập ổn định, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước.

Trong chuyến thăm 3 nước, Thủ tướng đều dành thời gian gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu, cũng như thăm các cơ sở kinh tế tiêu biểu của Nga, Na Uy, Thụy Điển và dự các diễn đàn doanh nghiệp, nơi cộng đồng doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội hợp tác, để giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam về các chính sách, quan điểm phát triển của Việt Nam và kêu gọi doanh nghiệp mang vốn, công nghệ hiện đại đến Việt Nam.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, con số đầu tư của doanh nghiệp Nga vào Việt Nam mới đạt 1 tỷ USD, trong khi của Việt Nam vào Nga là 3 tỷ USD và đặt vấn đề tại sao doanh nghiệp Nga chậm chân trong một số dự án đầu tư vào Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các bạn nhưng chính các bạn sẽ người quyết định mở ra chương mới trong hợp tác đầu tư thương mại Việt-Nga”.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy, Thủ tướng cũng khẳng định, doanh nghiệp chính là chủ thể quyết định thành công của hợp tác song phương. “Việt Nam, một đất nước thanh bình, ổn định, hội nhập sâu rộng với quốc tế đang chờ đón các bạn”, Thủ tướng mong muốn có sự kết hợp “Made by Na Uy” về thiết kế, công nghệ mới và “Make in Việt Nam” sản xuất, thương mại tại Việt Nam.

Cùng Thủ tướng Stefan Löfven dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta hiểu nhau, tin nhau cùng mở ra hướng đầu tư mới, đúng như câu Kiều mà Thủ tướng Stefan Loefven đã lẩy: “Gian nan mới tỏ lòng người”. Thủ tướng tin tưởng doanh nghiệp hai bên sẽ hiểu nhau hơn, kết nối các cơ hội hợp tác thành công trong tương lai.

Và trong chuyến thăm của Thủ tướng, các doanh nghiệp hai bên đã tiến hành nhiều hoạt động kết nối hợp tác như hãng dược hàng đầu Thụy Điển Astra Zeneca công bố đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024; Công ty NutiFood (Việt Nam) có thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Backahill về việc chính thức vận hành nhà máy sữa mang tên NutiFood Sweden AB - một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Thụy Điển; Tập đoàn Scatec Solar (Na Uy) có thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời; Vietnam Airlines kỷ niệm 15 năm bay thẳng Việt Nam-Liên bang Nga và chuyển đổi khai thác sân bay; Tập đoàn T&T (Việt Nam) mở công ty tại Nga để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường này; Tập đoàn VNPT ký thỏa thuận hợp tác với Ericsson về sáng tạo công nghiệp 4.0 và Internet…

Nhân dịp này, các bộ, ngành, địa phương hai nước cũng có các cuộc làm việc, trao đổi với phía đối tác để cùng hòa nhịp vào sự phát triển quan hệ hợp tác song phương như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm việc với Bộ trưởng Bộ Phát triển số, Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga về phát triển Chính phủ điện tử; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga Rostom; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc với Quốc vụ Khanh Bộ Quốc phòng Thụy Điển; lãnh đạo thành phố Hà Nội làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Na Uy để tìm hiểu cơ hội hợp tác…

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt tại Nga, Na Uy, Thụy Điển; khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đóng góp phát triển đất nước và mong muốn “mỗi bà con là một đại lý tiêu thụ hàng Việt”.

Thủ tướng cũng đã gặp gỡ, tri ân những chuyên gia, bạn bè Nga, Thụy Điển, những người đã giúp Việt Nam trong chiến tranh và trong công cuộc đổi mới. “Từ trái tim đến trái tim, chúng ta không bao giờ quên nhau, luôn nhớ nhau với sự chân thành, da diết và biết ơn các bạn”, Thủ tướng bày tỏ.

Có thể nói, chuyến thăm chính thức Nga, Na Uy, Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thành công tốt đẹp, là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng góp phần tiếp nối và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và mở ra hướng hợp tác mới với các chương trình, dự án cụ thể trên cơ sở sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân các nước.

Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Chấp nhận Mobile Money mang lại lợi ích lớn cho đất nước, người dân

Tóm tắt: 

“Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Câu chuyện ở đây là công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước...".

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế “Tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) - giải pháp sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển tài chính toàn diện” do Cục Viễn thông, Bộ TTTT chủ trì tổ chức trong 2 ngày 23 – 24/5/2019.

Với chủ đề “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”Hội thảo có tham luận của các chuyên gia quốc tế tới từ Hiệp hội các nhà khai thác di động (GSMA), các hãng Comviva, NTT DoCoMo và Wave Money.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Book Công thương, Bộ TTTT và các nhà mạng đã tham dự để trao đổi, chia sẻ hệ thống thanh toán điện tử cũng như khả năng triển khai dịch vụ tiền di động tại Việt Nam. Hội thảo cung cấp cái nhìn toàn diện về dịch vụ tiền di động hiện đã và đang được triển khai rộng rãi trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam.

Mobile money mang lại lợi ích lớn cho đất nước, người dân, doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2019, nếu Việt Nam cấp phép thử nghiệm Mobile Money, thì Việt Nam là nước thứ 91 có nền tảng thanh toán Mobile Money.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Hết năm 2018, thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile Money, gần 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày là 1,3 tỷ USD, tăng trưởng 20%, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Có nhiều nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money tới trên 50%.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam không phải các nước thuộc nhóm đầu chấp nhận một nền tảng mới do công nghệ tạo ra nhưng đi sau thì thuận lợi lớn nhất là có thể học hỏi từ những người đi trước.

“90 nước đã triển khai, hiệu quả đã nhìn thấy rõ, khung pháp lý cũng đã hình thành, có cả những tổ chức quốc tế lớn như GSMA thường niên nghiên cứu tổng kết và khuyến nghị, thì không có lý do gì mà Việt Nam chúng ta lại không thể làm nhanh trong năm nay”.

Để thúc đẩy thương mại điện tử, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng nhấn mạnh, không thể không nói đến nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán.

Theo nhận định của Bộ trưởng, muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. “Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay”.

Tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. “Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Câu chuyện ở đây là, công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới”, Bộ trưởng nhận xét.

Thực tế cho thấy, nhiều người dân bị gạt ra ngoài hệ thống tài chính chính thống. Đó là những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng khẳng định: “Mobile Money sẽ là giải pháp để đưa họ tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội”.

Mobile Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hoá chuỗi giá trị nông nghiệp. Tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số họ nhận tiền mặt, hình thức thanh toán rủi ro, không hiệu quả và bất tiện khi thu tiền. Họ cũng không thể bán nông sản cho một người ở xa.

Mobile Money giúp chúng ta ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao.

Toàn cảnh Hội thảo

Bộ trưởng cũng nhận định Mobile Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực số, những công ty khởi nghiệp công nghệ. Mobile Money sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp. “Chúng ta kỳ vọng Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các start-up Việt Nam”.

Không chỉ khuyến kích sự phát triển của các DN kinh doanh kỹ thuật số, Mobile Money còn đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Thí dụ, tại Kenya, sau 3 năm triển khai Mobile Money thì tỷ lệ sử dụng ngân hàng tăng 19%. Mobile Money với các giao dịch nhỏ chính là sự đào tạo người dân để trở thành khách hàng của ngân hàng. Ngân hàng không phải quá lo lắng về Mobile Money.

Bộ trưởng cũng cho biết Mobile Money là một thí dụ thuyết phục về việc nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, chứ không chỉ là hạ tầng viễn thông như hàng trăm năm nay. Chúng ta cũng sẽ kỳ vọng nhiều hơn nữa vào các nhà mạng trong việc tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của Computing, của nội dung số, của xác thực, của dịch vụ IT, của IoT, v.v...

Còn nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết cho Mobile Money, cũng có những thách thức, rủi ro đi kèm, nhưng Bộ trưởng khẳng định: "Lợi ích của Mobile Money là lớn hơn rất nhiều".

Dịch vụ tiền di động là gì

Theo Hiệp hội GSMA, một dịch vụ được gọi là dịch vụ mobile money nếu nó đáp ứng được các tiêu chí: Cung cấp khả năng chuyển tiền, thanh toán cũng như nhận tiền thông qua tài khoản của điện thoại di động; Có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng không có tài khoản ngân hàng.

Dịch vụ mobile money cũng cần có một mạng lưới các điểm giao dịch vật lý, bao gồm các đại lý, ngoài các chi nhánh ngân hàng và máy rút tiền tự động, cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ một cách rộng rãi tới tất cả người dân;

Dịch vụ không bao gồm dịch vụ thanh toán thông qua thiết bị di động hay các dịch vụ thanh toán như Apple Pay và Google Wallet mà sử dụng điện thoại di động như một kênh để truy cập dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Hiện có 90 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai dịch vụ Mobile Money với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký. Ngành công nghiệp tiền di động hiện giao dịch trung bình 01 tỷ USD/ngày.

Diễn ra trong hai ngày, Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Tổng quan về tiền di động; Thách thức, quản trị rủi ro và các vấn đề pháp lý đối với tiền di động; Trung gian thanh toán và các vấn đề về tiền di động ở Việt Nam; Triển khai Mobile Money tại một số nước, kinh nghiệm từ các nhà quản lý và DN quốc tế; Giải pháp của DN trong cuộc cách mạng thanh toán số tại Việt Nam.

Lan Phương/ictvietnam.vn
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Số lượng tấn công DDoS tăng mạnh sau thời gian “trầm lắng”

Tóm tắt: 

Trong Quý I năm 2019, số vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đã tăng 84% so với Quý IV năm 2018.

Trong Quý I năm 2019, số vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đã tăng 84% so với Quý IV năm 2018.

Số liệu từ báo cáo Kaspersky Lab’s DDoS Quý I năm 2019 cho thấy số cuộc tấn công kéo dài hơn một giờ cùng thời gian trung bình cho mỗi cuộc tấn công cũng đã tăng vượt bậc.

Kỹ thuật tấn công DdoS cũng được nhận định đã cải thiện đáng kể, đồng thời hacker cũng tập trung kéo dài thời gian cho mỗi cuộc tấn công hơn.

Năm ngoái, số vụ tấn công DDoS liên tục giảm, và các chuyên gia của Kaspersky Lab cho rằng tội phạm mạng thay vì kiếm lợi từ các cuộc tấn công DDoS thì đã chuyển sự chú ý sang những loại tấn công khác (như khai thác tiền điện tử).

Vào Quý I năm 2019, số liệu cho thấy số lượng các cuộc tấn công DDoS bị phát hiện bởi Kaspersky DDoS Protection đã tăng 84% so với Q4 năm 2018, nghĩa là hacker vẫn đang đặt nhiều chú ý vào những cuộc tấn công này. Đặc biệt khi thị trường cho thuê DDoS (DDoS-for-Hire websites) vừa xuất hiện, số lượng các cuộc tấn công DDoS cũng đã tăng theo cấp số nhân.

Tỷ lệ tấn công DDoS theo quốc gia

Đáng chú ý, có các cuộc tấn công DDoS kéo dài hơn một giờ. Những cuộc tấn công này tăng gấp đôi về số lượng, và thời lượng trung bình cũng tăng 487%.

Các chuyên gia từ Kaspersky Lab cho rằng các tin tặc đang phát triển kỹ thuật tấn công và hiện có thể thực hiện các cuộc tấn công dài hơn với cơ chế phức tạp hơn.

Ông Alexey Kiselev, Giám đốc phát triển kinh doanh của nhóm Bảo vệ DDoS Kaspersky cho biết: “Tình hình tấn công DDoS đang thay đổi. Các tấn công DDoS mới dường như đang thay thế cho những dịch vụ đã bị đóng cửa bởi cơ quan luật pháp. Khi tổ chức còn đang thực hiện các biện pháp đối phó cơ bản, hacker đã chuyển hướng tập trung vào những cuộc tấn công có thời gian kéo dài hơn.

Chưa thể khẳng định số lượng cuộc tấn công DDoS sẽ tiếp tục tăng, nhưng ông Alexey Kiselev cho biết thêm có khả năng chúng sẽ ngày càng phức tạp. “Chúng tôi khuyên các tổ chức nên đề ra những kế hoạch hiệu quả để chống lại tấn công DDoS tinh vi có thể xảy ra.”

Kaspersky Lab khuyến nghị các tổ chức nên thực hiện những bước sau để bảo vệ doanh nghiệp khỏi các cuộc tấn công DDoS đm bảo rằng tài nguyên web và CNTT trong tổ chức có khả năng ứng phó tốt khi lưu lượng truy cập tăng cao.

Bên cạnh đó, cần sử dụng các giải pháp chuyên nghiệp, có khả năng chống lại tất cả các loại tấn công DDoS bất kể độ phức tạp, sức mạnh hoặc thời lượng của chúng. như Kaspersky DDoS Protection để bảo vệ tổ chức chống lại các cuộc tấn công.

QA

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Huawei tiếp tục cập nhật bảo mật, hậu mãi cho smartphone

Tóm tắt: 

Vừa qua, Google có thông báo ngừng một số hoạt động kinh doanh với Huawei.

Vừa qua, Google có thông báo ngừng một số hoạt động kinh doanh với Huawei.

Trước động thái này từ Google, Huawei cho biết sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ hậu mãi cho tất cả các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei và Honor hiện có, bao gồm những sản phẩm đã được bán hoặc vẫn còn tồn kho trên toàn cầu.

Huawei cho biết trong thời gian qua có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển và tăng trưởng của Hệ điều hành Android trên toàn thế giới.

Là một trong những đối tác toàn cầu quan trọng của Android, Huawei cho biết đã hợp tác chặt chẽ với nền tảng mã nguồn mở của họ để phát triển một hệ sinh thái có lợi cho cả người dùng và ngành công nghiệp di động.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái phần mềm an toàn và bền vững, nhằm cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho tất cả người dùng trên toàn cầu", Huawei cho biết.

QA

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Công khai điều kiện chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao cho toàn dân

Tóm tắt: 

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đối với các nhà mạng tại cuộc họp sơ kết 6 tháng...

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đối với các nhà mạng tại cuộc họp sơ kết 6 tháng triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số thuê bao (MNP) chiều 17/5, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu

Mở đầu cuộc họp Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết sơ kết là dịp nhìn lại quá trình triển khai MNP và thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ này tốt hơn nữa.

Dịch vụ MNP được cung cấp nhằm thúc đẩy cạnh tranh, buộc các nhà mạng phải chăm sóc khách hàng tốt hơn và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Trên thế giới, dịch vụ MNP đã được triển khai từ lâu và là một dịch vụ viễn thông cơ bản. Dịch vụ cũng đáp ứng quyền cơ bản cho người sử dụng bởi số điện thoại di động ngày càng quan trọng.

Được biết dịch vụ MNP đã được triển khai trong 6 tháng. Tháng 11 và 12/2018, dịch vụ khả thi đối với các thuê bao trả sau và từ tháng 1/2019 cho các thuê bao trả trước.

Theo Cục Viễn thông - Bộ TTTT, dịch vụ MNP sau khi triển khai đã được xã hội và dư luận đặc biệt quan tâm. Lượng thuê bao đăng ký có xu hướng tăng trưởng, đặc biệt sau thời điểm 01/01/2019 khi dịch vụ được triển khai cho cả thuê bao trả sau và trả trước.

Sơ kết sau 6 tháng triển khai, đã có 424.455 thuê bao đăng ký chuyển mạng (chiếm 0,32% trên tổng số 133,3 triệu thuê bao đang phát sinh cước), chưa thực sự gây ra ảnh hưởng, biến động lớn trên thị trường di động.

Cụ thể, nhà mạng Viettel vẫn có tỉ lệ chuyển đi cao nhất từ thời gian đầu chuyển mạng đến nay. Trong 04 tháng gần đây Viettel liên tục duy trì và đạt được tỉ lệ chuyển mạng thành công trên 80% theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TTTT. Mạng Vinaphone đạt xấp xỉ 63% (tháng 3, 4/2019); Mobifone đã tăng dần tỷ lệ từ ~ 24% (tháng 1/2019) lên xấp xỉ 70% (tháng 4/2019). Cả 2 nhà mạng tiếp tục cải thiện tỷ lệ chuyển đi thành công để đạt được mục tiêu trên 70% theo chỉ đạo của Bộ trưởng.

Mạng Vietnamobile hiện đang là nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng đi thành công thấp nhất trong 04 mạng hiện đang cung cấp dịch vụ, tính đến hết tháng 4/2019 tỷ lệ này mới đạt được gần 48%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu mà Vietnamobile từ chối cho thuê bao chuyển mạng đi là do thuê bao có cam kết số đẹp (DNO07) và nhà mạng này mới bắt đầu cung cấp dịch vụ từ tháng 1/2019.

Cũng theo Cục Viễn thông, có nhiều thông tin phản ánh liên quan đến việc chuyển mạng đã được Cục tiếp nhận, trong đó thuê bao chủ yếu bức xúc vì không được doanh nghiệp (DN) chuyển đi hỗ trợ khi thực hiện thủ tục chuyển mạng (ví dụ, thuê bao bị từ chối chuyển mạng do còn cam kết sử dụng dịch vụ nhưng khi gọi điện đến tổng đài thì được trả lời là không có cam kết; hoặc tổng đài viên hướng dẫn ra cửa hàng để giải quyết, thông báo cho thuê bao không còn cam kết nhưng vẫn từ chối chuyển mạng).

Trong tháng 5/2019, số lượng khiếu nại của các nhà mạng đã có xu hướng giảm, tỷ lệ hoàn thành xử lý khiếu nại đúng thời hạn tăng đáng kể (Viettel và Mobifone xử lý 100%, Vinaphone 99%, Vietnamobile đã đạt 76%).

Việc triển khai cung cấp dịch vụ ban đầu gặp nhiều khó khăn với những lý do như: Thời gian chuyển mạng kéo dài, nhiều thuê bao yêu cầu chuyển nhiều lần nhưng vẫn không được điều kiện chuyển mạng chưa rõ ràng, quy trình nghiệp vụ còn nhiều điểm chưa hoàn thiện... đặc biệt là việc DN từ chối sai, gây khó dễ cho thuê bao đăng ký chuyển mạng.

Tuy vậy, Cục Viễn thông cho biết đến nay những vấn đề này đang được giải quyết quyết liệt, tỷ lệ chuyển mạng thành công tăng dần theo từng tuần, tháng.

Đánh giá chung về 6 tháng triển khai dịch vụ, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định các nhà mạng đã tích cực tham gia cung cấp dịch vụ MNP cho khách hàng, đảm bảo quyền của người sử dụng dịch vụ.

Công khai minh bạch điều kiện chuyển mạng và không dùng “tiểu xảo”

Tại buổi sơ kết, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã lắng nghe các vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai.

Toàn cảnh buổi sơ kết

Các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone cũng đã thông tin về tình hình triển khai MNP, trong đó, có nêu đâu đó vẫn có hiện tượng “thủ thuật”, “tiểu xảo” trong việc thực hiện chuyển mạng cho thuê bao.

Cục Viễn thông cho biết còn có thực trạng là thông tin điều kiện chuyển mạng của nhà mạng còn chưa đủ thông tin, khó tìm trên website nhà mạng. Cục đã phối hợp với các nhà mạng thực hiện chế độ đối soát hàng ngày đối với các thuê bao chuyển mạng không thành công, với mục đích để kiểm tra bằng chứng từ chối chuyển mạng. Quá trình đối soát cho thấy, có rất nhiều thuê bao chuyển đi bị DN từ chối sai vì không cung cấp được đủ bằng chứng từ chối (có thời điểm tỷ lệ từ chối sai chiếm tới hơn 40% tổng số thuê bao bị từ chối chuyển mạng), sau đối soát nhiều thuê bao đã được chuyển mạng thành công.

Qua báo cáo của Cục Viễn thông và nhà mạng, Thứ trưởng cho biết dịch vụ MNP ảnh hưởng chưa nhiều đến doanh thu, lợi nhuận của các nhà mạng nhưng đã có dấu hiệu “thủ thuật”, “tiểu xảo”, không thống nhất trong cách làm.

Theo Thứ trưởng, thời gian tới không được để tình trạng này tiếp diễn. Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông tiếp tục giao ban các nhà mạng, nếu phát hiện tiểu xảo thì Cục Viễn thông trước tiên cảnh báo nhà mạng, nếu tiếp diễn thì đưa lên thông tin đại chúng để báo chí vào cuộc. Nếu tiểu xảo quá mức thì Bộ sẽ có ý kiến, thậm chí yêu cầu nhà mạng trả lời báo chí.

Thứ trưởng yêu cầu tinh thần là khi làm việc phải thống nhất, phải trao đổi thẳng thắn. Thống nhất rồi thì phải nghiêm túc thực hiện.

Về việc cần làm ngay, theo Thứ trưởng, là Cục Viễn thông phối hợp với nhà mạng công khai, minh bạch điều kiện chuyển mạng lên website của các nhà mạng theo cách dễ tra cứu để bất cứ người dùng nào cũng hiểu dễ dàng. Các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone và Vietnamobile cần công khai thông tin theo cách dễ dàng truy cập, tra cứu trong tháng 6/2019. Các nhà mạng phải công bố tường minh các điều kiện cho thuê bao muốn chuyển mạng phải làm thế nào hay không được chuyển cũng phải cung cấp thông tin. Thông tin thuê bao phải đền bù để được chuyển mạng cũng phải công khai. Các DN chủ động quyết định điều kiện đền bù.

Thứ trưởng cũng đề nghị nghiên cứu cung cấp công cụ để thuê bao tra cứu, biện pháp để DN có thuê bao được chuyển đến làm các nghĩa vụ với DN có thuê bao chuyển đi như thanh toán, hoàn thành hậu kiểm, chấm dứt hợp đồng (có thể thông qua nhắn tin hay thanh toán số tiền nợ đọng bằng cách thức thế nào để hỗ trợ người dùng). Nhà mạng chuyển đến chắc chắn sẵn sàng làm việc này.

Thứ trưởng nhấn mạnh lại quan điểm và tinh thần làm việc triển khai MNP là thống nhất các công việc thực hiện rồi thì không “tiểu xảo” nữa. Nếu tiểu xảo thì các nhà mạng chuẩn bị sẵn sàng lên mặt báo. Nếu DN nào phát hiện ra “tiểu xảo” của nhà mạng khác thì báo, điện thoại cho Cục Viễn thông. Cục Viễn thông kiểm tra thấy có dấu hiệu không ổn thì đưa lên mặt báo để thúc đẩy nhanh MNP.

 Lan Phương/ictvietnam.vn
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia có thế mạnh như nông nghiệp, chế tạo, CNTT

Tóm tắt: 

Cần phải xác định KHCN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước...

Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc và Liên minh Đổi mới sáng tạo Phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức. Các Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp (DN) đã tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Sau khi dành hơn 3 tiếng lắng nghe các ý kiến từ đại diện của các tổ chức quốc tế, Thủ tướng cho biết: Trên hành tinh này thứ tài nguyên càng khai thác sẽ càng nảy nở chính là chất xám, là sự sáng tạo. “Tôi nhớ một khẩu hiệu của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc nêu rằng: “Tài nguyên là luôn có hạn, còn sự sáng tạo của con người là vô hạn”.

Theo Thủ tướng, các mô hình tăng trưởng tân cổ điển nhấn mạnh vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng. Trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ cho con người.

Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng.

Thủ tướng dẫn chứng mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là cái gì? Thủ tướng nêu rõ, yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt chính là con người và công nghệ.

Sự sáng tạo của con người là vốn quý giá nhất

Nếu như tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi, nảy nở. Trong DN hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, mà chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất.

Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. “Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, tôi tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc và tâm huyết đóng góp cho đất nước vì sự phồn thịnh của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Vẫn còn ít hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực kinh doanh. Số lượng DN theo đuổi các chiến lược về đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia.

Cả khu vực Nhà nước và tư nhân, chi cho KHCN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%).

Theo đó, Thủ tướng nêu rõ, nếu không mạnh dạn đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KHCN và ưu tiên chi cho KHCN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn, chú trọng tính thiết thực, không làm theo phong trào, gây lãng phí, ứng dụng thấp.

Các DN cũng cần hiểu rằng đầu tư cho R&D là con đường ngắn nhất để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. “Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích DN hăng hái đầu tư cho R&D chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói”,Thủ tướng nhấn mạnh.

Tập trung cho sản phẩm quốc gia có thế mạnh như nông nghiệp, chế tạo, CNTT

Để thúc đẩy R&D khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược.

Cần phải xác định KHCN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp; là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển KHCN, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển KHCN, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách; Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với DN là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với DN nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KHCN làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ một số vấn đề lớn như đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực DN, coi DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. 

Đồng thời cần tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, CNTT...

Cần xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động KH&CN. Cần nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa KHCN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Áp dụng mô hình đối tác công-tư (PPP) nhằm khuyến khích DN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, Nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở KHCN và đổi mới, sáng tạo.

Đưa DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho biết Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định KHCN có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về KHCN đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa KHCN không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết: Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa DN trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tiềm lực KHCN quốc gia được củng cố. Thị trường KHCN bước đầu gắn kết hoạt động KHCN với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Minh chứng rõ nét cho điều này thể hiện ở thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực nổi bật như: Nông nghiệp, công nghiệp, tài chính ngân hàng, xây dựng, giao thông, y tế, an ninh quốc phòng… trong thời gian qua đều có sự đóng góp của KHCN.

Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 02 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28).

Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về KHCN với pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KHCN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho KHCN không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ DN; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và DN cũng cần tăng cường liên kết, đưa DN thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hoạt động hợp tác với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo như: Israel, Canada, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… để từng bước hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa KHCN và đổi mới sáng tạo vào phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lan Phương/ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Thủ tướng nêu sứ mệnh lịch sử của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Tóm tắt: 

Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045.

Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn quốc gia đầu tiên về phát triển doanh nghiệp công nghệ vào sáng nay, 9/5, tại Hà Nội.

Nhắc lại phát biểu cách đây một tuần tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh: “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục động viên doanh nghiệp khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn cho phát triển. Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu” với “chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà xông vào tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý”.

Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân thực hiện khát vọng “hóa rồng”

Đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn về “khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề.

Thứ nhất, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.

Vấn đề lớn đặt ra hiện nay và thời gian tới, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 50% dân là ở tầng lớp trung lưu. Và làm thế nào để có bước tiến dài, mạnh mẽ như vậy? Theo Thủ tướng, phải chăng đó là một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là khoa học và công nghệ, là doanh nghiệp công nghiệp. Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì điều đầu tiên là phải làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao.

Nhất trí với ý kiến đại biểu rằng Việt Nam chúng ta mới đang trong giai đoạn chủ yếu là mua các dây chuyền công nghệ, việc mua công nghệ nguồn còn rất ít, Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, Việt Nam không chỉ hấp thụ công nghệ để làm chủ công nghệ và tích lũy năng lực mà cần phải phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.

Vấn đề thứ hai mà Thủ tướng gợi mở là doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045. Với xu thế sôi động không thể đảo ngược của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số thì các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, vai trò bản lề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nền kinh tế dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế lâu dài. Vì vậy, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng dẫn chứng một vài số liệu như hiện thương mại trên nền tảng số đem lại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP và dự báo sẽ đạt 42 tỷ USD vào năm 2030 thông qua thúc đẩy công nghệ số để tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Con số và tỷ lệ này cần cao hơn nữa, cần tăng theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.

Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), có gần 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới là có 100.000 doanh nghiệp và thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới với doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó, đi ra nước ngoài.

“Chúng ta qua phân tích đều thấy tiềm năng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn, không cần phải bàn cãi. Con người Việt Nam thông minh, sáng tạo, cần cù lao động. Một thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ sẽ đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, sẽ tạo ra một quốc gia thông minh”, Thủ tướng nói.

Thứ ba, chính cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo mới thay đổi trật tự kinh doanh. Các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy. Nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thu hẹp sản xuất. Cơ hội cho chúng ta trong cuộc cách mạng này đến từ chính sự nỗ lực giải quyết những thách thức đó, kết hợp tối đa với lợi thế của Việt Nam trong thời đại số. Do đó, chúng ta cần tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng tin tưởng với không ít lợi thế về phát triển công nghệ thông tin và lợi thế nguồn lực dân số vàng, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, chương trình hành động cụ thể, kịp thời triển khai, thực thi quyết liệt, hiệu quả.

Thứ tư, chúng ta cần phải vượt qua rào cản, thách thức với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức sẽ là khởi đầu quan trọng, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.

Vì vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ thực hành khẩu hiệu hành động: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.

Do đó, những câu hỏi đặt ra như doanh nghiệp Việt Nam có thể giải quyết bài toán của Việt Nam mang ra nước ngoài được hay không? Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới đã có chiến lược xây dựng hệ sinh thái xung quanh các sản phẩm cốt lõi, thế mạnh của họ để duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm gì, tham gia thế nào? Và nâng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lên tầm khu vực và thế giới bằng cách nào?

Vấn đề thứ năm, theo Thủ tướng, thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến cho nên phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong thời đại kỹ thuật số. Việc bứt phá từ tư duy đến hành động, những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần phải nhường chỗ cho phương thức kinh doanh dựa trên công nghệ và sáng tạo là một yêu cầu đặt ra tại Diễn đàn lần này.

Thủ tướng tham quan Triển lãm công nghệ Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh tuyên bố “Make in Việt Nam”

Thủ tướng nhắc lại câu “cơ hội đến và không bao giờ trở lại, cái chúng ta cần làm và làm ngay là hành động, hành động và hành động kịp thời hơn nữa”. Vì vậy, sau Diễn đàn quan trọng này, chúng ta sẽ nhận một sứ mệnh lịch sử với tên gọi “phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” để vượt qua thách thức, bẫy thu nhập trung bình, đưa đất nước tiến tới sự thịnh vượng.

Sau 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc và chúng ta có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt. Người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Việt Nam). Đây là tuyên bố của chúng ta tại Diễn đàn hôm nay, Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ tinh thần ấy, Thủ tướng nêu ra một số giải pháp. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần phát huy được tinh thần "có công mài sắt, có ngày nên kim”. Doanh nghiệp cần nhận thức đúng về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không phải đơn thuần chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm mà thực sự nó làm thay đổi chính chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp lớn đã thành công trong môi trường quốc tế về Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm dẫn dắt phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần đặt sứ mạng doanh nghiệp gắn liền với sứ mạng quốc gia.

Đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm ban hành trong năm 2019 Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. 
Muốn có doanh nghiệp công nghệ, việc tạo ra thị trường là quan trọng nhất. Không có gì lan tỏa nhanh công nghệ bằng sức mạnh của thị trường, vì vậy, để “Make in Việt Nam” thành công thì đầu tiên, then chốt nhất phải là hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển của từng cấp, từng ngành và từng doanh nghiệp. “Mọi doanh nghiệp, mọi ngành, trong nhân dân, các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương đều ứng dụng sử dụng công nghệ thì chắc đó là thành công của các bạn”, Thủ tướng nói.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng việc thí điểm xây dựng các khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo có nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ. Thủ tướng cho biết, sẽ có văn bản giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc đổi mới giáo dục dạy ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp tiểu học để nâng cao năng lực tiếp cận và kỹ năng công nghệ thông tin.

Thủ tướng bày tỏ ủng hộ về nguyên tắc cho thí điểm triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số tại một số địa phương, một số ngành, nghiên cứu tổng kết để áp dụng trên toàn quốc.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp nêu ra các kinh nghiệm, vướng mắc, kiến nghị hết sức sâu sắc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tin soạn thảo chỉ thị hoặc chiến lược hay chương trình hành động về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để trình Thủ tướng trong tháng 6, từ đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai.

Nguồn: Đức Tuân/chinhphu.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT