Thúc đẩy xác thực điện tử, tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử

Hội thảo “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số” do Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển quốc tế Australia tổ chức tại Hà Nội ngày 22/3.

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong, ngoài nước, đại diện các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các mô hình định danh và xác thực điện tử đang được triển khai tại một số quốc gia như Estonia, Singapore, Thái Lan, Đan Mạch; kinh nghiệm và các thách thức trong quá trình triển khai. Các đại biểu cũng thảo luận giải pháp, sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện khung thể chế cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu

Chủ trì hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đánh giá mức độ quan trọng của việc định danh và xác thực điện tử trong việc trỉển khai Chính phủ điện tử (CPĐT); xác định đây là một nội dung cần thiết, cấp bách cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tính tin cậy của các giao dịch điện tử, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, có gần 1 tỷ người trên toàn cầu thiếu hình thức định danh, 6,6 tỷ người còn lại có một số hình thức định danh nhưng hơn một nửa không thể sử dụng hiệu quả trong hệ sinh thái số hiện nay. Thực tế ở Việt Nam, cá nhân, tổ chức có nhiều mã số như mã số bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, mã số thuế, mã số gửi tiền ngân hàng...

Trong khi chưa có dữ liệu quốc gia về dân cư, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước giúp Chính phủ Việt Nam xác thực định danh thông qua các mã số trên để có thể làm ngay, làm nhanh, không chờ đầy đủ dữ liệu quốc gia về dân cư mới tiến hành xác thực định danh.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan đi đầu trong ứng dụng CNTT, theo dõi hệ thống ngành dọc kết nối hệ thống bảo hiểm từ Trung ương tới địa phương và các cơ sở khám bệnh. Nhờ đó, Bảo hiểm xã hội đã giải quyết được tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế.

Chính phủ mong muốn dùng những mã số này để xác thực định danh cá nhân. Hiện những mã số này chỉ phục vụ cho cơ quan chủ quản, không kết nối và chia sẻ với nhau; trong thời gian tới, cần được tận dụng để kết nối, chia sẻ. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vào quý IV/2019 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, khai trương nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu trên cơ sở nâng cấp trục liên thông văn bản quốc gia đã thực hiện từ ngày 12/3 vừa qua.

Tại cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin và việc định danh, xác thực phần lớn thực hiện đơn giản thông qua tài khoản và mật khẩu, không đảm bảo định danh xác thực. Về mặt thể chế, Việt Nam đang tiến hành xây dựng thể chế để đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, kết nối, chia sẻ, đảm bảo định danh và xác thực nhưng phải tuyệt đối an toàn thông tin, bí mật trong quá trình giao dịch. Việc nghiên cứu bổ sung cơ sở pháp lý sẽ sớm hoàn thiện.

Trong việc xây dựng hạ tầng số hiện thực hóa các chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, Việt Nam khuyến khích đổi mới sáng tạo trong hoạt động triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Quý IV/2019 Việt Nam sẽ thông qua cổng dịch vụ công thì cũng thực hiện ngay dịch vụ công kết nối từ Trung ương xuống địa phương ở một số dịch vụ cụ thể. 

"Những gì người dân, doanh nghiệp cần nhất chúng ta sẽ tập trung làm trước. Chúng ta không làm đồng loạt mà làm một, hai dịch vụ trọng tâm, trọng điểm để rút kinh nghiệm nhưng cần có mã định danh, nếu không có sẽ không thực hiện được vấn đề chia sẻ kết nối của các cá nhân. Đây là vấn đề khó, nếu không thực hiện sẽ không thành công CPĐT, không thể tiến tới Chính phủ số" - ông Mai Tiến Dũng khẳng định. 

Giám đốc Điều phối danh mục và hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới Achim Fock đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam có nhiều bước tiến trong việc tạo nền tảng xây dựng CPĐT; chúc mừng Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông - những đơn vị đi đầu trong việc giúp Việt Nam thúc đẩy hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng Chính phủ số.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Achim Fock khuyến nghị Việt Nam cần tập trung thực hiện một số hoạt động khi xây dựng CPĐT. Theo đó, Việt Nam cần tránh phân tán nhiều cơ sở dữ liệu có sử dụng định danh số, trong đó phải đảm bảo hệ thống eID (hệ thống định danh điện tử) sạch, đáng tin cậy, có thể cung cấp được hệ sinh thái xác thực và định danh số.

Thứ hai, tính bảo mật cần được đặt lên hàng đầu bới thông tin cá nhân sẽ gặp phải rủi ro khi xác thực số. Việc tạo ra hệ sinh thái định danh số là cần thiết và cần được thực hiện kết hợp với việc tăng cường khung pháp lý bảo vệ dữ liệu.

Cuối cùng, hệ thống định danh và xác thực điện tử hiệu quả đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên có liên quan, được sử dụng có trách nhiệm vào việc áp dụng các chương trình công nghệ thông tin số.

“Làm tốt được những điều này sẽ có nhiều lợi ích. Ngân hàng Thế giới đang cùng với các đối tác phát triển gồm CPĐT, Đại sứ quán Australia đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tiếp tục cùng nhau thực hiện những cải cách, phát triển Chính phủ số”- Achim Fock nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được chia sẻ các nguyên tắc định danh cho Chính phủ số - thực tiễn tốt của thế giới; kinh nghiệm của Thái Lan trong triển khai định danh và xác thực điện tử; giải pháp xác thực trên cổng dịch vụ công quốc gia. Nhiều đại biểu đề xuất nên triển khai thí điểm xác thực và định danh điện tử trong lĩnh vực y tế, giáo dục vì đây là những lĩnh vực có dịch vụ được nhiều người sử dụng. Một số đại biểu cho rằng trước khi định danh hãy xác định đâu là nguồn dữ liệu gốc và làm sạch dữ liệu này để tham chiếu, bởi dữ liệu gốc không chính xác sẽ kéo theo nhiều rắc rối về sau…

Định danh và xác thực điện tử là yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng thành công CPĐT. Việc triển khai định danh và xác thực điện tử trên thế giới hiện vẫn ở giai đoạn đầu. Tùy theo điều kiện thể chế, cơ sở hạ tầng công nghệ-dữ liệu, yếu tố văn hóa-con người, mỗi quốc gia sẽ nghiên cứu, lựa chọn một mô hình để phát triển định danh và xác thực điện tử phù hợp nhất với thực tiễn quốc gia mình.

Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 nêu ra quan điểm chỉ đạo cụ thể xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số  phải “gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức”. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế về định danh và xác thực điện tử là một giải pháp để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử mà vẫn đảm bảo các vấn đề về quyền riêng tư tính chính xác, minh bạch, khả năng kiểm soát, trách nhiệm giải trình và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và nêu rõ những ý kiến này sẽ được tổng hợp để trình lên Chính phủ ngay sau hội thảo. Trước mắt, các bộ, các cơ quan được Thủ tướng giao nhiệm vụ phải hoàn thiện thể chế; Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định về bảo mật thông tin cá nhân; Bộ TT&TT sớm trình Chính phủ để ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định về kết nối và chia sẻ. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) được giao nhiệm vụ triển khai Cổng thông tin điện tử quốc gia phải nhanh chóng hoàn thành để quý 4/2019 cổng chính thức khai trương. 

Ông Mai Tiến Dũng mong rằng Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia, các chuyên gia quốc tế tiếp tục ủng hộ Việt Nam triển khai xây dựng CPĐT. Các doanh nghiệp trong nước tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài tạo thành một thể thống nhất để triển khai công tác này.

Mỹ Bình

Tin nổi bật