Phải chuyển đổi sang IPv6 để hỗ trợ triển khai 5G, IoT, thành phố thông minh

Ngày 5/3/2019, tại Hà Nội, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác đã chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải cho biết tỷ lệ người sử dụng IPv6 của Việt Nam được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới là thành tích lớn của Việt Nam, của các doanh nghiệp (DN), tổ chức, đơn vị và Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia với nhiều hoạt động thúc đẩy IPv6 trong năm 2018. 

Theo Thứ trưởng, tình hình triển khai IPv6 trên thế giới có nhiều thay đổi như triển khai IPv6 only cũng còn chậm. Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã tích cực hoạt động, kết quả về lưu lượng và người dùng không kém với thế giới. Tuy nhiên, tốc độ triển khai IPv6 chưa đạt như mong muốn

Triển khai IPv6 là nhu cầu tự thân, các nhà mạng đã nhận thức được rằng muốn tồn tại, muốn cung cấp nhiều dịch vụ trong thời gian tới, an toàn và đơn giản chắc chắn phải chuyển đổi sang IPv6 nhất là trong bối cảnh việc triển khai 5G, IoT, dữ liệu lớn, thành phố thông minh ngày càng gia tăng.

Lúc đầu các nhà mạng Việt Nam cũng thận trọng và lo ngại ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ nhưng khi chuyển đổi sang IPv6 thì nhận thấy đây là một quá trình bình thường, không phức tạp, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và các nhà mạng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. “Đây là kết quả quan trọng nhất trong thúc đẩy IPv6 quốc gia. Từ giờ trở đi, các nhà mạng phải hỗ trợ cho các đối tượng kết nối vào nhà mạng trên tinh thần sẵn sàng cho IPv6 để hướng tới tiếp cận các công nghệ mới…”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TTTT cho 3 tập thể là Ban Công nghệ mạng - VNPT, Tổng công ty hạ tầng mạng thuộc VNPT (VNPT-Net), Viettel và 2 cá nhân đã có thành tích trong triển khai IPv6 năm 2018

 

Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về triển khai IPv6

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thường trực Ban Công tác trong năm 2018, Việt Nam có kết quả triển khai IPv6 tốt. Tỷ lệ ứng dụng triển khai IPv6 tăng nhanh, đặc biệt trong khoảng thời gian cuối năm. Tính đến cuối tháng 12/2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 25,85% (tăng trưởng 258,5% so với cùng kỳ năm trước), đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 6 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Đài Loan và Nhật Bản) đứng thứ 2 khu vực ASEAN, với hơn 14.000.000 người sử dụng IPv6.

Kết quả này vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2018 là tỷ lệ ứng dụng IPv6 đạt 20%. Việc cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 tới người sử dụng đã góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới”, VNNIC cho biết.

Về mở rộng cung cấp dịch vụ IPv6, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các DN để thúc đẩy mở rộng việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.

Đối với dịch vụ băng rộng cố định, Ban đã phối hợp với hai Viettel, VNPT mở rộng việc cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng FTTH. Năm 2018, có thêm 5,2 triệu thuê bao FTTH được cung cấp dịch vụ IPv6 (bởi Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT), bên cạnh đó là 1,3 triệu khách hàng FTTH IPv6 từ năm 2016 được duy trì bởi FPT Telecom.

Đối với dịch vụ băng rộng di động, tính đến cuối năm 2018, có tổng số 2.700.000 thuê bao di động (của Vinaphone, Viettel) được cung cấp dịch vụ IPv6. 

Đối với dịch vụ nội dung, Báo điện tử VnExpress hoạt động ổn định với IPv6. 34 website của cơ quan nhà nước hoạt động tốt với IPv6, trong đó có 14 website do VNNIC quản lý và 22 website của các đơn vị dưới “gov.vn”, tiêu biểu là website của Bộ TTTT (mic.gov.vn) và một số website là cổng thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, Nhà Xuất bản Tài chính, Ban Quản lý dự án Lâm nghiệp tỉnh Bình Dương. Việt Nam đã có trên 5.988 website dưới tên miền .vn hoạt động tốt với IPv6.

Trong năm 2018, hai DN tiêu biểu nhất và có đóng góp quan trọng cho kết quả tăng trưởng IPv6 Việt Nam là VNPT, Viettel. Tập đoàn VNPT hiện là DN dẫn đầu về kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Tập đoàn đạt hơn 35%, đóng góp khoảng 56% cho kết quả triển khai IPv6 Việt Nam (nguồn APNIC).

Trong khi đó, Tập đoàn Viettel có kết quả tăng trưởng đột phá về triển khai IPv6. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 trung bình đạt khoảng 25% (tăng 1195 lần so với cùng kỳ năm trước) và đóng góp hơn 22% vào tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam (nguồn APNIC).

Kết quả ứng dụng triển khai IPv6 chung của Việt Nam còn có sự đóng góp của những DN duy trì dịch vụ từ các năm trước là FPT Telecom - DN đầu tiên triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 (năm 2016); đang duy trì tốt dịch vụ IPv6 cho 1,3 triệu khách hàng FTTH, tỷ lệ IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 25%. FPT Online là DN cung cấp dịch vụ nội dung đầu tiên ứng dụng IPv6; đã chuyển đổi hỗ trợ IPv6 cho Báo điện tử tin nhanh VnExpress (năm 2017).

Đối với các đơn vị nhà nước, điển hình Trung tâm Thông tin - Bộ TTTT đã triển khai thành công hoạt động IPv6 cho cổng thông tin điện tử của Bộ TTTT từ năm 2013; triển khai IPv6 cho mạng WiFi; duy trì tốt các hoạt động truyền thông cho hoạt động của Ban Công tác trên chuyên trang của Bộ. Năm 2018, Trung tâm Thông tin đã thực hiện các công tác chuẩn bị, thử nghiệm triển khai IPv6 cho mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của Bộ; hướng tới triển khai hỗ trợ IPv6 cho dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Kế hoạch năm 2019, Trung tâm Thông tin sẽ triển khai IPv6 cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ công của Bộ hướng tới là đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi IPv6 trong khối cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, Cục CNTT và dữ liệu tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập kế hoạch, xây dựng phương án chuyển đổi IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến cũng như mạng ứng dụng CNTT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2018, Cục đã thử nghiệm thành công phương án cấu trúc lại hệ thống mạng sử dụng địa chỉ IPv4, IPv6 độc lập từ VNNIC, kết nối multi-home đa hướng đến các ISP, thử nghiệm IPv6 cho phân mạng riêng hướng tới chuyển đổi hệ thống chính sang IPv6 hoàn thành các mục tiêu theo Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Sở TTTT Đà Nẵng đã có các bước thử nghiệm quan trọng cho mạng Internet của Sở, bước đầu có chỉ số IPv6 trên hệ thống đo kiểm quốc tế. Các Sở TTTT Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bình Dương cũng đã được tư vấn, hỗ trợ để xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 tổng thể; đăng ký sử dụng địa chỉ IP độc lập từ VNNIC; thử nghiệm thành công phương án cấu trúc lại hệ thống mạng sử dụng địa chỉ IPv4, IPv6 độc lập, kết nối multi-home đa hướng đến các ISP, thử nghiệm IPv6 cho phân mạng riêng hướng tới chuyển đổi hệ thống chính sang IPv6.

Thường trực Ban công tác nhấn mạnh “Các kết quả thúc đẩy IPv6 năm 2018 có được nhờ hoạt động hiệu quả của Ban Công tác, sự hưởng ứng tích cực của các DN tiêu biểu như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel và sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Công tác và các đơn vị nhà nước, đặc biệt là các Sở TTTT trong công tác thúc đẩy triển khai IPv6, trên cơ sở bám sát Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018 (ban hành theo Quyết định số 227/QĐ-BTTTT ngày 12/02/2018 của Bộ TTTT)”.

Lan Phuong/ictvietnam.vn

Tin nổi bật