Viễn thông di động: Thời hoàng kim sắp qua?
Các chuyên gia viễn thông cho rằng thời kỳ hoàng kim kéo dài 20 năm qua của lĩnh vực di động đã đi gần đến những ngày cuối cùng.
Ngày dịch vụ thoại của lĩnh vực viễn thông bị khai tử là không còn quá xa? Ảnh minh họa. |
Trong vòng 5 năm tới, số lượng kết nối (thuê bao) của các nhà mạng di động trên thế giới sẽ cao hơn khoảng 30%. Nhưng số thuê bao lớn hơn lại không đi kèm với mức doanh thu và lợi nhuận cao hơn bởi đà giảm giá cước đang ngày càng lao nhanh.
Khảo sát mới được công bố hồi đầu tháng 9/2011 của công ty nghiên cứu thị trường và marketing J.D. Power (Mỹ) cho thấy, thời gian gọi điện của người dùng di động Mỹ ngày càng giảm theo từng năm. Có lẽ, đến một lúc nào đó người ta sẽ thay thế câu nói cửa miệng quen thuộc: "Gọi cho tôi theo số...." bằng câu nói "Nhắn vào số di động của tôi". Và nếu tình trạng này tiếp diễn, ngày mà dịch vụ thoại của lĩnh vực viễn thông bị khai tử là không còn quá xa. Bản báo cáo này cho biết, trong nửa đầu năm 2011, trung bình mỗi thuê bao di động Mỹ nghe gọi khoảng 450 phút mỗi tháng, giảm khá sâu so với mức 527 phút của năm 2009. Thay vào đó, mỗi thuê bao gửi – nhận trung bình khoảng 500 SMS mỗi tháng.
Một báo cáo khác của hãng nghiên cứu Nielsen cũng chỉ ra một kết quả tương tự. Qua nghiên cứu thói quen sử dụng di động của giới trẻ (teen), Nielsen nhận thấy trung bình mỗi thuê bao gửi 3.339 SMS và gọi 646 phút mỗi tháng trên di động – giảm khoảng 14% so với thời kỳ 2009 -2010. Có ít nhất 1/4 số thuê bao trẻ tuổi khẳng định họ dần dần chuyển sang hình thức nhắn tin thay vì gọi điện bởi nhắn tin "dễ và nhanh" hơn gọi. Nghiên cứu của dự án PEW cũng khẳng định 73% số người trưởng thành Mỹ cho biết họ chủ yếu dùng điện thoại di động để nhắn tin.
Trong khoảng thời gian 5 năm tới, hầu hết số thuê bao mới của các mạng di động sẽ xuất phát từ các nước đang phát triển. Có điều, tại thị trường này mức cước lại thường khá thấp và đang tiếp tục giảm mạnh trong khi dung lượng thoại cũng "tuột dốc không phanh". Chưa hết, các dịch vụ Internet miễn phí ra đời ngày càng nhiều khiến doanh thu từ mảng dịch vụ dữ liệu dù có tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp.
Theo các chuyên gia viễn thông của hãng nghiên cứu Ovum (London, Anh), đến năm 2016, thế giới sẽ có khoảng 7,8 tỷ thuê bao di động – cao hơn 30% so với hiện nay - nhưng tổng doanh thu của toàn ngành sẽ chỉ tăng khoảng 10% lên mức 1.047 nghìn tỷ USD.
Tại các thị trường Tây Âu, thậm chí doanh thu còn giảm từ mức 193 tỷ USD hiện nay xuống còn 186 tỷ. "Chúng ta có thể nói một cách khá chắc chắn rằng ngành công nghiệp viễn thông đã bão hòa và sắp thoái trào", Emeka Obiodu, chuyên gia của Ovum nói. Trong 2 thập kỷ trước, cuộc cách mạng viễn thông di động bùng nổ đã giúp cho tới 6 hãng viễn thông lọt vào top 100 công ty lớn nhất thế giới như Vodafone, Telefónica... Có điều, các nhà mạng của châu Phi, Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương với 51% tổng số thuê bao di động toàn cầu sẽ không thể đủ sức tạo ra một cuộc cách mạng thứ 2.
Trong bối cảnh này, mobile Internet không thể làm được gì nhiều thậm chí nó còn dần dần thay thế các dịch vụ thoại truyền thống. Số liệu nghiên cứu ước đoán, doanh thu từ thoại của các nhà mạng sẽ giảm từ mức 69% xuống còn dưới 60% còn doanh thu của mobile Internet lại tăng từ 31% hiện nay lên 40% trong vòng 5 năm tới. Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng dịch vụ thoại qua giao thức Internet (VoIP) mà điển hình là Skype và Viber với khả năng gọi điện miễn phí rất thuận tiện và ngày càng trở nên phổ biến trên môi trường di động, đe dọa trực tiếp đến vùng đất màu mỡ của ngành công nghiệp viễn thông.
"Dù muốn hay không đã đến lúc các nhà mạng cần phải chấp nhận một sự thật là doanh thu từ thoại của họ sẽ bị thay thế bởi doanh thu từ dịch vụ dữ liệu với mức lợi nhuận thấp hơn rất nhiều", chuyên gia Obiodu nói, "Có điều các mạng di động vẫn phải duy trì một ngân sách khá lớn cho các chiến dịch marketing. Họ sẽ phải cạnh tranh với nhau cả về giá cước, về thương hiệu và chất lượng. Đây là một việc làm hơi quá sức khi bầu sữa ngày một cạn hơn".
Trần Du Phong
Theo ICTNews/Telegraph, Wireless Week