Chuyển động ngành
Huawei công bố thương hiệu Tiêu dùng toàn cầu tại MWC 2013
Submitted by nlphuong on Tue, 26/02/2013 - 14:09(ICTPress) - Huawei Device, nhóm kinh doanh sản phẩm tiêu dùng của Huawei Technologies vừa công bố chiến dịch thương hiệu toàn cầu của hãng tại sự kiện Mobile World Congress (MWC) 2013.
Được xây dựng trên nền tảng thành công của năm 2012, chiến lược thương hiệu mới “Make it Possbile” của Huawei nhắm đến người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ là trọng tâm hàng đầu trong năm nay khi công ty quyết định đẩy mạnh việc nhận diện thương hiệu như là một thương hiệu tiêu dùng toàn cầu.
“Tại triển lãm MWC năm trước, chúng tôi đã giới thiệu thương hiệu sản phẩm Ascend, cùng hàng loạt những sản phẩm tiên phong. Tại sự kiện này, chúng tôi tiếp tục phát triển thương hiệu các sản phẩm với chiến lược thương hiệu mới mang tên ‘Make it Possible. Điều này tạo động lực mạnh mẽ cho chúng tôi để tập trung nỗ lực trở thành một thương hiệu smartphone hàng đầu trong những năm tới. Tôi tin tưởng rằng ‘Make it Possible’ không chỉ xác định chúng tôi là ai, mà còn thể hiện khát vọng về những trải nghiệm vô cùng đặc biệt từ người tiêu dùng trên khắp thế giới”, ông Richard Yu, CEO Nhóm Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei cho biết.
Chiến dịch thương hiệu ‘Make it Possbile’ thể hiện tinh thần của Huawei khi kết hợp tinh hoa công nghệ với trí tưởng tượng và sự sáng tạo để biến điều không thể thành có thể. Bắt đầu tại MWC 2013, chiến dịch sẽ được thực hiện tại một số thị trường được lựa chọn trên khắp thế giới trong năm nay, với những hoạt động như trưng bày sản phẩm để người dùng được trải nghiệm thực tế, các hoạt động trực tuyến (online) và các hoạt động truyền thông.
‘Make It Possible’ là kết quả của những nghiên cứu người dùng tại các thị trường trên toàn cầu, nơi mà người tiêu dùng thể hiện những nhận xét và đánh giá cũng như mong muốn của họ về những sản phẩm tiên tiến của Huawei Device.
Trong năm 2012, Huawei đã xây dựng hơn 5.000 cửa hàng bán lẻ sản phẩm tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Công ty cũng vừa kết thúc một chiến dịch marketing sản phẩm toàn cầu đầy tham vọng, nhắm đến hàng triệu người tiêu dùng tại 45 thị trường ở 15 khu vực khác nhau.
Trong những ngày đầu tiên của Triển lãm MWC 2013 tại Barcelona, Huawei đã giới thiệu Ascend P2, chiếc smartphone nhanh nhất thế giới hiện nay với bộ xử lý lõi tứ (quad-core) 1.5 GHz và công nghệ LTE Cat 4 mang đến trải nghiệm web siêu nhanh với tốc độ tải đạt tới 150 Mbps. Sản phẩm này sẽ có mặt trên thị trường toàn cầu trong Quý 2 năm 2013.
Huawei Device cũng công bố tổng doanh thu mảng thiết bị đầu cuối trên toàn cầu đạt 7,5 tỉ USD trong năm 2012, tăng 10% so với năm trước và đã bán ra hơn 127 triệu thiết bị đầu cuối.
Trong năm 2012, trong số 52 triệu máy di động (handset) được bán ra có 32 triệu máy là điện thoại thông minh (smartphone), tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng bán ra 50 triệu thiết bị băng rộng di động (MBB) và 25 triệu thiết bị gia đình (home device) trong 12 tháng. Huawei đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc trong Quý 4 năm 2012 với 10,8 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo vị trí thứ ba trong danh sách các nhà cung cấp smartphone toàn cầu, theo số liệu của IDC.
X.T
Qualcomm giới thiệu 3 giải pháp đáng chú ý tại MWC 2013
Submitted by nlphuong on Sat, 23/02/2013 - 09:15(ICTPress) - Từ ngày 25 - 28/2/2013, Mobile World Congress 2013 - Triển lãm di động thế giới hàng năm được tổ chức tại Barcelona với sự tham gia trình diễn sản phẩm, giải pháp của nhiều hãng công nghệ di động tên tuổi.
Tại MWC lần này, Qualcomm cho biết sẽ giới thiệu 3 giải pháp chính:
RF360 giúp các OEM lần đâu tiên sẽ phục vụ thị trường LTE đa chế độ với một thiết kế duy nhất
Giải pháp ngoại vi Qualcomm RF360 (Qualcomm RF360 Front End) giúp giải quyết thách thức lớn nhất trong việc phát triển các thiết bị di động LTE trên toàn cầu ngày nay, đó là sự phân mảnh băng tần vô tuyến di động.
Với hơn 40 băng tần vô tuyến di động hiện đang được sử dụng trên khắp thế giới, các hãng sản xuất thiết bị gốc (OEM) phải phát triển nhiều phiên bản khác nhau cho từng thiết bị LTE mà họ sản xuất. Qualcomm RF360 Front End sẽ thay đổi điều này, giúp cho các nhà OEM phát triển một thiết kế duy nhất mà có thể hỗ trợ cho tất cả các tần số, nhưng lại tiêu thụ ít điện năng hơn và chiếm ít diện tích hơn.
Bạn đọc có thể xem mô tả sơ lược về thách thức này và giải pháp duy nhất của Qualcomm trong đoạn video ngắn tại: http://www.qualcomm.com/media/videos/qualcomm-rf360-front-end-solution-video.
Bộ Qualcomm RF360 Front End tích hợp các thành phần sau:
Bộ dò đài anten động: mở rộng phạm vi và gia tăng cường độ tín hiệu thích hợp, giúp khắc phục các trở ngại từ những vật thể bên ngoài như bàn tay người sử dụng
Bộ theo dõi năng lượng bao phủ: giảm sự tỏa nhiệt và tiêu thụ điện năng, giúp thiết bị mỏng hơn trong khi thời gian sử dụng pin dài hơn
Bộ khuếch đại nguồn và chuyển đổi anten: giảm diện tích bảng mạch và đơn giản hóa việc định tuyến.
Tần số vô tuyến gói-đến-gói (RF POP - package-on-package) - tích hợp bộ khuếch đại điện năng và chuyển đổi anten với tất cả các bộ lọc liên quan và những bộ chuyển mạch thu phát cần thiết để hỗ trợ LTE trên toàn cầu và cả khu vực trong một gói duy nhất.
Bộ vi xử lý Snapdragon 400 và 200 mới được thiết kế cho các loại điện thoại tiện dụng, hiệu suất cao, mức giá hợp lý dành cho các thị trường mới nổi
Vào tháng 1 vừa qua, tại CES, Qualcomm đã giới thiệu bộ vi xử lý Snapdragon 800 và 600 dành cho các loại điện thoại thông minh cao cấp, máy tính bảng và các thiết bị điện toán di động. Qualcomm cũng đã cam kết sẽ phục vụ cho mảng smartphone trung cấp và phổ thông, đặc biệt là dành cho các khu vực mới nổi, chẳng hạn như Trung Quốc, nơi có hàng triệu người đang truy cập Internet lần đầu tiên bằng điện thoại di động.
Phó giám đốc Tiếp thị của Qualcomm Tim McDonough cho biết công ty vừa đưa ra những bộ vi xử lý Snapdragon 400 và 200, được thiết kế cho các loại điện thoại tiện dụng, hiệu suất cao, với mức giá hợp lý dành cho các thị trường mới nổi.
Theo Qualcomm hiện có hơn 450 thiết kế dùng Snapdragon đang được phát triển và hơn 100 thiết kế dưa trên các giải pháp QRD của Qualcomm.
Công nghệ Quick Charge 2.0 giúp smartphone và máy tính bảng sạc pin nhanh hơn 75%
Qualcomm vừa ra mắt công nghệ kích hoạt bằng giọng nói, Snapdragon Voice Activation, và công nghệ sạc nhanh Qualcomm Quick Charge 2.0.:
Là một tính năng mới nằm trong các giải pháp âm thanh được tích hợp trên chip của công ty và lần đầu tiên được đưa vào các thiết bị Android, Snapdragon Voice Activation - hay còn được gọi là “Hey Snapdragon!” - là giải pháp được tích hợp đầu tiên trên thế giới có khả năng lắng nghe luôn hoạt động và tiêu thụ ít điện năng mà vẫn đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả điện năng cho người dùng.
Công nghệ sạc nhanh Qualcomm Quick Charge 2.0, phiên bản nâng cao và là thế hệ tiếp theo của Qualcomm Quick Charge 1.0, là giải pháp tích hợp trên thiết bị cho phép smartphone và tablet sạc pin nhanh hơn đến 75% so với các sản phẩm không sử dụng công nghệ Quick Charge. Phiên bản giúp tăng tốc độ và vô cùng linh hoạt này sẽ có mặt trong tất cả các smartphone hoặc máy tính bảng sử dụng bộ vi xử lý Snapdragon 800 cũng như trong bộ sạc của thiết bị.
HM
CEO Facebook tài trợ chính cho giải thưởng 33 triệu USD về khoa học sự sống
Submitted by nlphuong on Thu, 21/02/2013 - 07:30(ICTPress) - Một số tên tuổi lớn ở thung lũng Silicon vừa công bố một giải thưởng riêng như giải Nobel.
CEO Facebook Mark Zuckerberg và vợ Priscilla đã tham gia cùng với người đồng sáng lập Google Sergey Brin và nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Yuri Milner để cùng
công bố “Giải thưởng đột phá về khoa học sự sống, trị giá 33 triệu USD dành cho các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực “chữa trị các căn bệnh khó chữa và kéo dài sự sống con người”. Chủ tịch Apple Art Levisohn sẽ là chủ tịch của quỹ giải thưởng.
“Priscilla và tôi vinh dự là một phần của giải thưởng này. Tôi tin rằng Giải thưởng đột phá về khoa học sự sống sẽ mang đến một nền tảng cho các mô hình từ thiện khác, theo đó mọi người ở bất cứ đâu đều có một cơ hội cho một tương lai tốt hơn”, Zuckerberg cho biết trong một thông báo ngày 20/2 khi công bố giải thưởng.
Giải thưởng đã lựa chọn 11 người cho năm nay trong đó có nhà nghiên cứu sinh học an thần Cornelia Bargmann, nhà di truyền học Hans Clevers và nhà nghiên cứu sinh học phân tử Napolean Ferrara - mỗi người sẽ nhận 3 triệu USD. Trong thời gian tới, giải thưởng sẽ trao 5 giải thưởng thường niên giống như các giải thưởng Nobel - mỗi người 3 triệu USD.
Trong cuộc họp báo công bố giải thưởng, Zuckerberg đã đánh giá giải thưởng như là giải lớn nhất được trao cho lĩnh vực nghiên cứu này trên thế giới và hy vọng đóng góp cho xã hội công nhận nhiều kỹ sư và như khoa học như là “những anh hùng”.
HY
Yahoo công bố trang chủ mới thú vị và ngạc nhiên hơn
Submitted by nlphuong on Thu, 21/02/2013 - 06:55(ICTPress) - Yahoo đã thiết kế lại trang chủ của mình, một sự thay đổi lần đầu tiên của công ty này trong 4 năm.
Thiết kế mới cũng mở rộng sang các phiên bản di động của trang, theo cách nào đó thì không hẳn là thay đổi toàn diện. Menu chính của nhiều dịch vụ của Yahoo vẫn ở góc cao bên trái của trang chủ, và phần chính của trang vẫn là dành cho những tin tức nóng.
Có lẽ sự thay đổi lớn nhất là tính năng cuộn liên tục, hiển thị nhiều nội dung khi người sử dụng cuộn trang xuống phía dưới.
Một thay đổi khác gồm nội dung thực được hiện diện: Yahoo cho phép người sử dụng thay các hạng mục tin mà họ không thích và hiểu được các thói quen đọc.
Bên phải của trang chủ trình bày các widget (Yahoo gọi là “các tiện ích”) hiển thị thông tin thời tiết, tài chính, và thể thao cũng như các video và ảnh Flickr nổi bật. Những tiện ích này cũng có thể được đóng lại nhờ một nút bấm khi lướt chuột.
“Trang chủ mới sẽ cá thể hóa và linh hoạt hơn nhiều. Nhiều người nói rằng “Cho tôi một lý do để quay lại Yahoo! Vài lần trong ngày”. Và nay nội dung luôn được cập nhật và luôn dễ chịu, mang đến cho bạn tất cả các thông tin bạn muốn. Và vài điều thú vị và đôi chút ngạc nhiên”, CEO Yahoo Marissa Mayer đã công bố thiết kế mới của Yahoo trên chương trình Today của NBC.
Bên lề là việc thông báo trang chủ mới của Yahoo trên chương trình Today của NBC không phải như thông lệ khi công ty này đã hợp tác với ABC và chương trình chào nước buổi sáng - Good Morning America - của ABC. Chưa kể tới Google Morning America đã đánh bại chương trình Today về lượng khán giả gần đây và có số lượng khản giả lớn nhất trong vòng 7 năm.
HY
Doanh nghiệp CNTT TP. HCM kiến nghị nhiều đề xuất phát triển trong năm 2013
Submitted by nlphuong on Wed, 20/02/2013 - 16:15(ICTPress) - Nhân dịp đầu năm mới Quý Tỵ 2013, ngày 19/2/2013 Đoàn đại biểu của TP.Hồ Chí Minh do TS. Lê Mạnh Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM dẫn đầu đã tới thăm và chúc tết một số doanh nghiệp (DN) CNTT.
Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Mạnh Hà thăm công ty HPT |
Cùng đi có ông Lê Thái Hỷ-Thành ủy viên, Giám đốc Sở TT&TT; Chủ tịch Hội tin học TP.HCM (HCA) - ông Chu Tiến Dũng và các Phó Chủ tịch (HCA); đông đảo phóng viên các báo, đài… trong câu lạc bộ phóng viên CNTT-TT.
Đoàn đã đi thăm 4 công ty có yếu tố nước ngoài như: KMS; IVC/ISB; TMA; Global Cyber Soft và hai công ty Việt Nam là FPT Soft Ware (Fsoft - TP.HCM); HPT và 2 đơn vị quản lý: Ban quản lý Khu công nghệ Etown và Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM - Quận 9 (SHTP).
Theo ông Lê Mạnh Hà, đây là chuyến thăm các đơn vị CNTT đầu tiên của Lãnh đạo thành phố năm mới 2013 nhằm chúc tết, thăm hỏi, động viên CBCNV… vững tin, vượt qua những thử thách, để gặt hái được thành công mới. Ở mỗi nơi Đoàn tới, đại diện lãnh đạo các đơn vị đều báo cáo tóm tắt những nét lớn trong năm 2012 vừa qua và một số định hướng sẽ làm trong năm 2013.
Theo đó, năm 2012 các DN nói chung, trong đó hầu hết các DN CNTT nói riêng đều bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế trong và ngoài nước. Riêng chỉ một số công ty có yếu tố nước ngoài, có mối quan hệ với thị trường quốc tế được xây dựng từ nhiều năm nay có phần tương đối ổn định và có những triển vọng tốt trong thời gian tới, một khi nền kinh tế dần được hồi phục.
Trong số đơn vị có công ty KMS 100% vốn nước ngoài, chuyên gia công phần mềm cho thị trường Mỹ, hai năm liên tiếp (2011 và 2012) được bình chọn danh hiệu dịch vụ xuất sắc, riêng 2012 thêm danh hiệu sản phẩm phần mềm tiềm năng (4 sao) cho sản phẩm qTrace. Đứng thứ 5 trong top 50 công ty tăng trưởng hàng đầu tại Atinata - tiểu bang Georgia, Mỹ. KMS được thành lập tháng 1/2009, nay đã có 340 nhân viên, trong 3 đến 5 năm tới sẽ phấn đấu đạt 1.000 nhân viên. Một trong ba kiến nghị của KMS thời gian tới là, cơ quan hành pháp đẩy mạnh việc thực thi bảo vệ bản quyền phần mềm.
Tại công ty IBS, Nhật Bản, lãnh đạo công ty đã nêu một số kiến nghị, trong đó vấn đề thủ tục thuế quan còn phức tạp, gây khó hiểu cho các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng là trăn trở chung của cộng động người Nhật tại TP. HCM.
Trong khi đó, công ty TMA mặc dù vào thị trường Việt Nam khá lâu, xong thời gian qua cũng gặp nhiều gian nan, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT cho biết công ty này hiện có 1.200 kỹ sư có 11 văn phòng giao dịch và khách hàng ở khắp 25 nước, trong đó khách hàng và thị trường truyền thống ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, nhưng công ty đã và đang phát triển sang thị trưởng mới: Úc, châu Á. Tốc độ tăng trường cố gắng duy trì mức 20%. Đặc biệt 2012, cho ra một số sản phẩm mới như: cung cấp miễn phí ứng dụng trên điện thoại di động một số dịch vụ về giao thông tại TP.HCM, ứng dụng CNTT về giải pháp sách giáo khoa tương tác trên máy tính bảng…
Hiện trong khu vực đang nổi lên một số thị trường có sự cạnh tranh mới rất gay gắt như: Malaysia; Indonesia; Philippins và ngay các doanh nghiệp ở TP.HCM cũng phải đối đầu cạnh tranh với các địa phương khác: Hà Nội và Đà Nẵng-ông Lệ cho biết thêm và đề xuất cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến thương mại trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. Việc xuất bản sách trắng hàng năm cũng phải cập nhật mới hơn, chi tiết rõ hơn, phát hành rộng rãi hơn…
Thăm công ty Fsoft (TP. HCM), tại đây Lãnh đạo đơn vị cho biết, nhân sự hiện có khoảng 1.000 đến 1.200 người, dự kiến năm 2013 sẽ tăng lên khoảng 5.000 người. Doanh thu phấn đấu đạt 100.000.000 USD, cố gắng giữ vững thị trường Nhật, Mỹ và Đức.
Còn tại HPT, nét nổi bật năm qua là đã hoàn thành việc chuyển đổi địa điểm làm việc để “an cư” - đó là việc lớn rất đáng ghi nhận. Mặc dù HPT có bề dày truyền thống hơn 18 năm, song năm 2012 cũng rất lao đao, mặc dù lợi nhuận có suy giảm (lãi ròng -42% so với 2011) nhưng HĐQT đã năng động nhạy bén điều hành các hoạt động của công ty không bị lỗ, người lao động có công việc đều đều, doanh thu đạt 702 tỷ đồng, năm 2013 phấn đấu đạt 800 tỷ đồng.
HPT sẽ vươn sang thị trường Campuchia, qua Đông-Ti-Mo và Mozambique, ông Ngô Vy Đồng (Chủ tịch HĐQT) cho biết thêm: ở vị trí CEO CNTT lúc này rất khó khăn, phải chịu nhiều sức ép, từ việc tìm kiếm hợp đồng, lo doanh thu, lo việc làm cho người lao động. Thêm vào đó, là Cty cổ phần còn phải lo về lợi tức của các cổ đông.
Trong suốt ngày 19/2/3013 -mồng 10 tháng Giêng Quý Tỵ - như dân gian thường nói ngày của thần tài. Tuy Đoàn chỉ tới một số DN CNTT tiêu biểu cho hàng trăm DN ở TP.HCM, nhưng đều ghi nhận và thấy rõ không khí làm việc của người lao động ở những nơi này hết sức tập trung và khẩn trương, mọi người đều nhận thấy được 2013 còn nhiều khó khăn phải vượt qua.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cũng như các thành viên trong Đoàn đều chia sẻ với đơn vị. Những kiến nghị, đề xuất của DN đều được ghi nhận. Ông Lê Mạnh Hà, cũng đề nghị các DN những kiến nghị, đề xuất cần phải chi tiết bằng văn bản cụ thể để các cơ quan chức năng trình Lãnh đạo xem xét có hướng cùng tháo gỡ.
Ông Hà cũng giao cho Sở TT&TT và HCA làm đầu mối tổng hợp. Bên cạnh đó, theo chủ trương của thành phố và Bộ TT&TT trong thời gian tới cần khẩn trương chuẩn bị hạ tầng và có những cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các DN phát triển tốt nhất. Hy vọng một “Công viên Phần mềm Quang Trung 2” sẽ được hình thành và đi vào hoạt động trong nay mai, dù đó là ở tại TP. HCM hay ở các tỉnh khác. Hoạt động lĩnh vực CNTT cần có sự “đột phá” bởi “Việt Nam không thể tiến lên mạnh mẽ được, không thể đi tắt đón đầu được, và nếu như không phát triển ngành công nghiệp có chất xám cao là CNTT thì rất khó cho nền kinh tế nói chung”.
Riêng với TP.HCM đã đặt CNTT là một trong những ngành mũi nhọn của năm 2013. Các DN CNTT và Lãnh đạo TP.HCM cũng nhưng các đơn vị chức năng cần sớm ngồi lại với nhau để tìm ra những giải pháp tốt nhất, khả thi nhất để phát triển, mở rộng ngành CNTT Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, ông Hà mong muốn.
Nguyên Trí
Kingston điều chỉnh nhà phân phối chiến lược mới tại Việt Nam
Submitted by nlphuong on Tue, 19/02/2013 - 07:15(ICTPress) - Kingston Technology, hãng sản xuất bộ nhớ độc lập của Mỹ, vừa chính thức thông báo về sự điều chỉnh nhà phân phối trong kênh bán hàng.
Theo đó, Kingston chỉ định hai nhà phân phối mới (MTC, SPC) và tạm ngừng hợp tác với hai nhà phân phối (FPT, PSD) đối với sản phẩm Bộ nhớ máy tính (RAM).
Đối với Bộ nhớ máy tính, Công ty Cổ phần Tin học Minh Thông (MTC) và Công ty Cổ Phần Máy tính Vĩnh Xuân (SPC) là hai nhà phân phối mới của Kingston cho toàn bộ sản phẩm Bộ nhớ máy tính trong năm 2013.
Đây là lần đầu tiên MTC phân phối các sản phẩm của Kingston và công ty sẽ phụ trách khu vực từ Đà Nẵng xuống toàn bộ phía Nam. Trong khi đó thị trường từ Huế đến toàn bộ miền Bắc, SPC sẽ phân phối đầy đủ dòng sản phẩm Bộ nhớ máy tính của Kingston.
Bên cạnh đó, kể từ ngày hôm nay Kingston Technology sẽ ngưng hợp tác với hai nhà phân phối: Công ty TNHH phân phối FPT (FPT) và Công ty CP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu Khí (PSD) đối với riêng sản phẩm Bộ nhớ máy tính.
Đối với các sản phẩm lưu trữ Flash, bên cạnh việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác hiện tại là FPT, PSD và SPC, Kingston tiếp tục chỉ định thêm đối tác MTC - nhà phân phối mới cho toàn bộ sản phẩm lưu trữ Flash của Kingston từ Đà Nẵng xuống toàn bộ khu vực phía Nam. Cụ thể, SPC cũng sẽ tiếp tục phân phối độc quyền các sản phẩm SSD của Kingston từ Huế đến toàn bộ miền Bắc. Bên cạnh đó tại thị trường phía Nam, ba đối tác FPT, MTC, PSD là ba nhà phân phối với vị thế ngang bằng đối với các sản phẩm lưu trữ Flash Kingston, bao gồm ổ USB, ổ cứng thể rắn SSD, Thẻ nhớ và Đầu đọc thẻ.
Chia sẻ về việc điều chỉnh nhà phân phối trong kênh bán hàng, bà Tawny Phan, Giám đốc Điều hành của Kingston tại Việt Nam cho biết: “Cả hai đối tác MTC và SPC đều cam kết sẽ mang đến cho khách hàng các sản phẩm đa dạng với hiệu suất cao và dung lượng lớn như Bộ nhớ Server và ổ SSD cho các khách hàng thuộc lĩnh vực tài chính/chính phủ/doanh nghiệp hoặc bộ nhớ HyperX cho game thủ và giới đam mê công nghệ v...v… Ngoài ra, các khách hàng trung thành của Kingston từ nay có thể dễ dàng sở hữu những sản phẩm bộ nhớ yêu thích của họ khi kênh phân phối được điều chỉnh”.
Đại diện đối tác chiến lược mới, ông Nguyễn Khắc Sơn - CEO SPC nhận định: "Với kinh nghiệm lâu năm trong việc phân phối các sản phẩm công nghệ và mạng lưới đại lý rộng khắp, Vĩnh Xuân cam kết sẽ đem lại cho khách hàng những dịch vụ chăm sóc hậu mãi tốt nhất bên cạnh những sản phẩm chất lượng cao nhất của Kingston.”
Các đại diện phân phối FPT, MTC, PSD, SPC được chọn lựa và tin cậy bởi bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ cũng như các cam kết hậu mãi tuyệt vời cho các sản phẩm bộ nhớ và lưu trữ. Ngoài ra, với các mạng lưới phân phối rộng khắp, kỹ năng tư vấn bán hàng chuyên nghiệp và sự am hiểu tường tận thị trường của các đơn vị này, Kingston có thể cung cấp trọn vẹn các sản phẩm trên toàn quốc và đạt được sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Toàn bộ dòng sản phẩm Bộ nhớ máy tính của Kingston, gồm: Bộ nhớ dành cho hệ thống chuyên biệt, Bộ nhớ phổ thông ValueRAM, Bộ nhớ cao cấp HyperX.
Toàn bộ dòng sản phẩm lưu trữ Flash của Kingston, gồm: Ổ cứng thể rắn SSD, Ổ USB, Thẻ nhớ và Đầu đọc thẻ.
X.T
5 điều trông đợi tại Triển lãm công nghệ di động lớn nhất năm 2013
Submitted by nlphuong on Tue, 19/02/2013 - 07:06(ICTPress) - Bắt đầu từ ngày 25/2, dự kiến hơn 65.000 người sẽ đổ về Barcelona, Tây Ban Nha tham dự Triển lãm Di động thế giới (MWC): một triển lãm thương mại của ngành di động trình diễn các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng, các ứng dụng và dịch vụ mới nhất.
Đây là cuộc triển lãm lớn nhất về công nghệ di động, và đặc biệt khi di động hiện là chủ đề “nóng”, và có thể nói đây là triển lãm quan trọng nhất về công nghệ. Phần lớn các công ty xem triển lãm này như là một cơ hội để khởi động chương trình trong năm và mang đến những sáng tạo mà mỗi chúng ta mong đợi được chứng kiến, nhưng thực sự có một lý do tại sao triển lãm này lại thu hút nhiều công ty đến trình diễn.
Có một cuộc chiến hết sức khốc liệt hiện nay về các máy điện thoại thông minh mới và các khách hàng máy tính bảng, với sự vượt trội của Samsung và Apple. Theo hãng nghiên cứu IDC, Apple và Samsung hiện chiếm hơn nửa thị trường điện thoại thông minh trên toàn thế giới. Điều này làm cho triển lãm trở nên quan trọng đối với tất cả các công ty sản xuất phần cứng lớn để có một MWC thuận lợi hoặc đối mặt với sự không phù hợp. Dưới đây là những triển vọng của MWC năm nay mà người xem có thể được chứng kiến:
Ảnh sẽ là chủ đề chính của các công bố của Nokia và HTC. Nokia đã nhận được nhiều quan tâm lớn nhất tại MWC năm ngoái với điện thoại máy ảnh PureView, một model với bộ cảm ứng máy ảnh cao không thể tưởng tượng là 42 megapixel. CNET đã tổng kết điều này sau khi triển lãm đã kết thúc, và chiếc máy ảnh đã được yêu thích nhưng thiếu hệ điều hành Symbian.
Năm nay, Nokia đang được kỳ vọng sẽ đưa công nghệ máy ảnh tương tự vào điện thoại Windows, để làm nên một sản phẩm hấp dẫn hơn nhiều. Nền tảng điện thoại Windows chắc chắn sẽ được quảng cáo mạnh - cho tới nay, số lượng bán ra chưa làm dậy sóng thế giới.
HTC hiện cũng thực sự cần một cú “hích” và không có cơ hội nào khác tốt hơn cuộc họp báo MWC một tuần trước triển lãm để đảm bảo một sản phẩm bóng bẩy mà sẽ tạo nên một đợt truyền thông. Để thông báo công bố này vào hôm nay ngày 19/2, HTC đã tung ra một hình ảnh được gọi là “một lịch sử ngắn gọn về hình ảnh”. Điều này không mang lại gì nhiều nhưng tổng kết là các nhà sản xuất điện thoại đã và đang tập trung vào số lượng megapixel trong điện thoại máy ảnh sẽ ngày càng tăng, dĩ nhiêu là để đạt chất lượng ảnh.
Màn hình lớn sẽ thống trị: Nếu những bức ảnh đã rò rỉ về những chiếc máy cầm tay khác nhau là sự thực, nhiều hãng sẽ trình diễn những chiếc điện thoại 5 inch với độ phân giải 1080p - số pixel mà tivi HD có.
Thậm chí một màn hình 5 inch là chưa đủ cho một số người. Một mình Samsung đã tạo ra một tiêu chí sản phẩm mới gọi là (phablet) trong năm 2011 với Galaxy Note. Đây là sản phẩm lai điện thoại – máy tính bảng kết hợp một màn hình gần 6 inch với một chiếc bút và hàng triệu chiếc đã được bán ra. Bất cứ ai cũng sẽ muốn có được một sản phẩm tại khu vực trình diễn này tại MWC.
Một khu vực sản phẩm mà ai cũng muốn tham quan tại MWC là máy tính bảng. Chưa hãng nào sản xuất ra được một chiếc máy tính bảng tuyệt đối hoàn hảo: iPad là một sản phẩm lớn nhưng vẫn có một số giới hạn khi vẫn muốn sử dụng một chiếc máy tính để thực hiện một số tác vụ nhất định. Các máy tính bảng Windows 8 thú vị và đang thử nghiệm, nhưng vẫn chưa phải sản phẩm “đỉnh”.
Lĩnh vực này sẽ vẫn mở rộng cửa cho một công ty sáng tạo ra một sản phẩm có thể thay thế một laptop truyền thống và một máy tính bảng phong cách iPad. Nokia được cho rằng có thể công bố một sản phẩm tại MWC. Samsung tại MWC năm ngoái để trình diễn máy tính bảng chạy được nhờ một chiếc bút, do đó chúng ta có thể được chứng kiến một số sản phẩm. Nhưng cũng có một công ty nhỏ hơn đáng để quan tâm như công ty như Asus, sẽ trình diễn cho cả thế giới sản phẩm này sẽ được sản xuất như thế nào.
Nói về các công ty nhỏ hơn, Mozilla, sản xuất ra trình duyệt web Firefox, đang tạo ra một hệ điều hành điện thoại di động và dự kiến sẽ trình diễn phần cứng mà công ty này sẽ tổ chức tại cuộc họp báo của công ty này.
Không chắc thế giới cần một hệ điều hành di động khác: Nếu Microsoft vật lộn để sản xuất Windows Phone cạnh tranh với iOS của Apple và Android của Google, cơ hội nào sẽ dành cho Mozilla. Nhưng đối với những người ghiền công nghệ, thật luôn tuyệt vời để có một số thứ mới để là đề tài bàn luận.
Về dịch vụ, người xem sẽ tìm kiếm bất cứ sản phẩm nào tận dụng kết nối Internet 4G đang dần được phủ khắp châu Âu. Hứa hẹn của 4G tốc độ sẽ sẽ dẫn tới những chiếc điện thoại sẽ thực hiện được nhiều khả năng hơn. Nhưng tới nay, các công ty đã cho rằng họ chưa thể nói những chiếc điện thoại này sẽ như thế nào, ngoài trình duyệt web và tải video nhanh hơn.
Một vài điều chúng ta sẽ không thấy: Samsung sẽ không công bố sản phẩm kế tiếp Galaxy S3 đã khá phổ biến tại MWC. Sản phẩm này sẽ được công bố tại một sự kiện riêng của công ty này cuối năm do đó có thể tối đa hóa tiếng vang cho sản phẩm này. Bên cạnh đó, dù chúng ta sẽ nghe nhiều về các ứng dụng cho iPhone của Apple, nhưng chính Apple sẽ không trình diễn tại MWC.
Việc quan tâm cuối cùng sẽ là xem Huawei trình diễn gì. Bạn chưa được chứng kiến nhiều loại như trong các cửa hàng điện thoại, nhưng công ty lớn của Trung Quốc này muốn thống trị thị trường phương Tây. IDC dự báo Huawei như giữ vị trí thứ 3 trên thế giới về mặt về mặt bán smartphone. CNET đã cho biết sự quan tâm tới thương hiệu đã tăng hơn 800%/năm, được dựa trên dữ liệu nội bộ, khi công ty này đã tung ra một loạt điện thoại Android giá rẻ mà thực tế khá ổn. MWC sẽ chứng kiến công ty này thử nghiệm và xây dựng dựa trên sự thành công và mở rộng toàn diện.
QM
Theo CNN
Cách nào Samsung từ công ty xuất khẩu cá khô trở thành công ty công nghệ tên tuổi
Submitted by nlphuong on Tue, 12/02/2013 - 11:00(ICTPress) - Trong một năm rưỡi qua, Samsung, một công ty sản xuất mọi thứ từ máy rửa bát tới điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành một trong những tên tuổi công nghệ hùng mạnh và nổi tiếng.
Đã có nhiều người thậm chí đã đánh giá Samsung cùng với Apple, Facebook, Microsoft, Amazon, và Google nhưng một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất hiện nay.
Samsung đã bằng cách nào để đạt được những thành tựu như ngày nay?
Chúng ta hãy cùng quay trở lại lịch sử của công ty này, bắt đầu vào năm 1938 khi Samsung là một công ty xuất khẩu cá khô sang Trung Quốc.
Samsung được ông Byung-Chull Lee thành lập vào năm 1938 tại Taegu, Hàn Quốc. Công ty này khởi sự từ một công ty xuất khẩu thực phẩm và vận tải đường biển các hàng hóa như cá khô và bột mì tới Trung Quốc.
Samsung tham gia vào các ngành nghề kinh doanh khác trong suốt những năm 1950 và 1960, trong đó có bảo hiểm nhân thọ và dệt.
Samsung Electronics khởi động vào năm 1969. Bộ phận này chủ yếu sản xuất tivi. Chiếc tivi đen trắng đầu tiên của Samsung được bán vào năm 1970.
Samsung bắt đầu mở rộng sang nhiều lĩnh vực hơn vào những năm 1970, trong đó có hóa dầu. Công ty này cũng đã bắt đầu sản xuất máy giặt, tủ lạnh và lò vi sóng.
Samsung bắt đầu tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực điện tử vào những năm 1980. Công ty này bắt đầu sản xuất tivi màu, máy tính cá nhân, VCR, và các máy ghi âm. Đây cũng là thập kỷ Samsung bắt đầu xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn sang Bắc Mỹ.
Samsung hợp tác với BP vào năm 1989 để hình thành Samsung BP Chemicals, công ty bán các sản phẩm hóa học ở Hàn Quốc.
Vào đầu và giữa những năm 1990, Samsung bắt đầu sản xuất các ổ nhớ và cứng để sử dụng trong máy tính cá nhân. Đây vẫn là một lĩnh vực kinh doanh chính của Samsung cho tới nay.
Theo lịch sử của công ty ghi lại, một trong những chiếc điện thoại di động đầu tiên của Samsung không hoạt động khi ra đời vào năm 1995. Khi chủ tịch Kun-Hee Lee của Samsung phát hiện ra, ông đã đi thăm nhà máy nơi sản xuất những chiếc điện thoại và được biết toàn bộ sáng chế này đã bị hỏa hoạn đốt cháy rụi.
Sau sự khởi đầu không thành công này, Samsung đã bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực di động nghiêm túc hơn vào cuối những năm 1990. Di động đã nhanh chóng trở thành lĩnh vực kinh doanh có doanh thu lớn nhất của Samsung.
Vào cuối những năm 1990, Samsung đã đạt được những cải tiến nhiều hơn về tivi. Công ty này đã sáng tạo ra chiếc tivi số được sản xuất đồng loạt đầu tiên trên thế giới vào năm 1998 và có một dòng tivi số toàn diện vào năm 1999.
Samsung bắt đầu sản xuất tivi HD vào đầu những năm 2000 và tiếp tục sản xuất các máy nghe nhạc Blue-Ray và các thiết bị nhà hát trong gia đình khác. Hiện nay, Samsung sản xuất một số tivi HD chất lượng nhất mà bạn có thể mua.
Samsung đã giới thiệu chiếc điện thoại Android hàng đầu đầu tiên, Galaxy S, tại Hội nghị Di động Thế giới năm 2010. Chiếc điện thoại này hiện đã có phiên bản thế hệ 3 và được xem là một trong những smarphone cao cấp.
Samsung đã tung ra Galaxy Tab vào mùa thu năm 2010. Thiết bị 7 inch này là máy tính bảng Android chủ đạo đầu tiên.
Samsung trình diễn tương lai tivi của công ty mình tại Hội chợ Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng 2013 được tổ chức tại Las Vegas, Mỹ tháng 1/2013. Những chiếc tivi thông minh mới của Samsung có thể lập trình dữ liệu từ nhà cung cấp cáp hay vệ tinh của bạn và giới thiệu các chương trình và các bộ phim.
Đó là những gì chúng ta biết về Samsung cho tới nay. Nhờ một phần thành công trong tiếp thị và các sản phẩm lớn, Samsung đang sản xuất nhiều điện thoại thông minh hơn bất cứ đối thủ nào khác. Và công ty này tiếp tục sản xuất các loại hàng điện tử và các cấu kiện. Nếu công ty có hoạt động trong lĩnh vực điện thì Samsung cũng có khả năng thành công.
Quang Minh
3G Việt Nam vẫn tăng trưởng thuê bao 25% trong khủng hoảng
Submitted by nlphuong on Mon, 11/02/2013 - 15:30Trong khi nền kinh tế đang suy giảm, thị trường viễn thông cũng đã bước vào thời kỳ bão hòa thì thuê bao 3G vẫn tăng 25%. Có nhà mạng di động đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ 3G tới 60%. Đây thực sự là pha lội ngược dòng suy thoái ngoạn mục của các nhà mạng.
Thị trường 3G “lội ngược dòng”
Năm 2012, kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm gần đây, giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống mức 5,2%. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn kinh doanh thua lỗ, hiệu quả đầu tư thấp. Tiêu dùng chung của nền kinh tế giảm sút.
Thị trường viễn thông cũng đã bước vào thời kỳ bão hòa tương đối, tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc tính đến hết tháng 12/2012 là 148,5 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Tốc độ tăng trưởng thuê bao ngày càng giảm sút so với các năm trước, cạnh tranh giữa các nhà khai thác ngày càng trở nên quyết liệt, tập trung rõ nét vào cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Một số doanh nghiệp viễn thông nhỏ đã phải dừng cung cấp dịch vụ do không đủ năng lực cạnh tranh.
Đi ngược lại sự suy giảm này, chỉ trong khoảng thời gian nửa năm, lượng thuê bao 3G tăng mới trên toàn Việt Nam đã lên tới 25% là một con số đáng ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam khủng hoảng, nhu cầu tiêu dùng nói chung giảm sút. Đặc biệt, VinaPhone, mạng di động đầu tiên tại Việt Nam cung cấp 3G, còn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 3G tăng tới 60% trong năm 2012. Vậy điều gì đã khiến cho 3G của các mạng di động nói chung tăng với tốc độ cao như vậy bất chấp khó khăn từ nền kinh tế?
“Vũ khí thoát hiểm” của nhà mạng
Các nhà mạng đã tận dụng tối đa những tiềm lực sẵn có của mình cùng với thế mạnh của công nghệ thế hệ thứ 3 này để thoát khỏi vòng xoáy suy thoái kinh tế và đạt mức tăng trưởng mạnh.
Trong hơn 3 năm qua, tổng vốn đầu tư của các mạng di động vào mạng lưới 3G đã đạt 27.779 tỷ đồng. Vùng phủ sóng 3G theo dân số và theo diện tích lãnh thổ của các doanh nghiệp trung bình đạt 212%. Tổng số thuê bao 3G đạt xấp xỉ 20 triệu. Với hạ tầng 3G phủ rộng khắp, người dân có thể sử dụng được dịch vụ một cách dễ dàng là nhân tố giúp thị trường này tăng trưởng.
Hầu hết các hãng viễn thông đều đầu tư mạnh cho việc tối ưu hóa mạng lưới, tăng tốc độ truy cập 3G khiến cho việc dùng dịch vụ thuận tiện và nhanh hơn nhiều. Công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin di động 3G được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp đã triển khai trên phạm vi toàn quốc 97.013 trạm BTS và 44.100 trạm Node B 3G. Trong số đó, điển hình là việc VinaPhone đi tiên phong trong việc nâng cấp mạng 3G lên 3,5G với tốc độ download lên tới 21,6 Mbps, còn upload là 5,76 Mbps.
Mặt khác, tất cả các mạng di động đều đẩy mạnh việc phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, đặc biệt là những tiện ích trên nền 3G, giúp cho người dùng có thể nhiều lựa chọn khi sử dụng dịch vụ này. Tính đến hết năm 2012, MobiFone có tới 50 dịch vụ giá trị gia tăng nói chung, còn VinaPhone có tới 80 dịch vụ trong đó có nhiều tiện ích 3G. Việc phát triển nhiều dịch vụ gia tăng cũng là nguyên nhân quan trọng giúp khách hàng hào hứng hơn và tăng cường sử dụng 3G trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài việc đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của Internet trên điện thoại di động, 3G cùng các dịch vụ đi kèm đó còn đóng góp quan trọng vào việc tăng doanh thu trong năm 2012 cho các mạng di động. Từ chỗ roaming chỉ có thoại và tin nhắn, đến nay người dùng di động Việt Nam có thể roaming internet 3G qua máy tính bảng, điện thoại di động và đặc biệt mới đây nhất là qua thiết bị USB 3G. Điều này đồng nghĩa với việc, người dùng có thể truy cập internet 3G trên máy tính, laptop vẫn dùng hàng ngày ngay cả khi đã ra nước ngoài. Trên bản đồ vùng phủ data roaming của các nhà mạng Việt Nam đã xuất hiện tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Song song với việc mở rộng vùng phủ data roaming, các doanh nghiệp trong nước còn đưa ra mức phí trọn gói để khách hàng sử dụng 3G không giới hạn khi đi nước ngoài (tại một số mạng nhất định). Mức cước dao động từ 199.000 đồng (Viettel) đến 219.000 đồng (Vinaphone) hay 249.000 đồng (Mobifone) cho 1 ngày sử dụng. Chi phí này phù hợp với những ai đi du lịch hoặc công tác nước ngoài cần duy trì công việc, giữ số điện thoại và thiết bị truy cập internet thường ngày
Để tăng tính cạnh tranh, các mạng di động đều tung ra các gói cước 3G giá siêu rẻ, kèm theo đó là nhiều chương trình khuyến mại khủng, giảm cước mạnh để kích cầu tiêu dùng. Hiện tại, có những gói cước 3G của mạng di động mà người dùng chỉ mất 15.000 - 20.000 đồng là có thể sử dụng không giới hạn để lướt web tốc độ cao. Với mức giá như hiện tại, 3G Việt Nam có xếp vào những nước có cước rẻ nhất thế giới. Đây là chưa kể tới việc vùng phủ sóng 3G được lan tỏa đến cả các vùng sâu, vùng xa - điều khó làm ngay cả ở những nước có nền viễn thông phát triển.
Cùng với nhiều dịch vụ tiện ích trên nền 3G, theo số liệu thống kê của VinaPhone, các khách hàng của nhà mạng này đã tăng mạnh tiêu dùng, đưa doanh thu dịch vụ phi thoại của VinaPhone chiếm tới 52% số cước thu được của toàn mạng, tăng trưởng doanh thu 3G là 60%, nhà mạng này cũng có số lượng thuê bao 3G lên tới gần 6 triệu. Đây là một con số đáng ngạc nhiên, bởi nó đột biến so với các năm trước nhưng lại hợp logic với sự phát triển mạnh mẽ của doanh thu 3G và các dịch vụ gia tăng mà nhà mạng này có được trong năm 2012. Chưa hết, sự phát triển mạnh mẽ của 3G cũng góp phần đẩy mạnh tăng trưởng VinaPhone, đưa mạng này lọt vào “câu lạc bộ tỷ đô” với doanh thu gần 25.000 tỷ đồng trong năm 2012. Phó Tổng giám đốc VNPT, Giám đốc Công ty Vinaphone Lâm Hoàng Vinh cho biết: “Năm 2012 là năm khó khăn nhất đối với các ngành cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế tuy nhiên cũng là năm đánh dấu Vinaphone có tốc độ tăng trưởng tốt nhất so với 17 năm vừa qua tính theo kết quả doanh thu thực”. Nguồn tin từ Viettel và MobiFone cho biết, 3G của họ cũng có tốc độ tăng trưởng rất mạnh.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường smartphone có hỗ trợ 3G là một điều kiện quan trọng giúp người sử dụng có công cụ để tiêu dùng các dịch vụ, giúp 3G phát triển mạnh mẽ hơn. Gần đây, các mạng di động, hãng sản xuất điện thoại cũng liên tiếp tung ra các mẫu smartphone giá rẻ chỉ có 1,5 triệu đồng. Đây được cho là là điểm nhấn quan trọng làm 3G tiếp tục bùng nổ trong năm 2013.
Thống kê của GfK cho thấy số lượng điện thoại chính hãng bán ra trong nước năm 2012 đạt gần 16 triệu máy với tổng doanh thu khoảng 27.000 tỷ đồng. Dấu ấn của năm 2012 là sự lên ngôi mạnh mẽ của các điện thoại thông minh, đặc biệt là smartphone hoạt động trên nền tảng hệ điều hành Android. Thị phần dòng sản phẩm này chiếm tới 18% về số lượng và gần 50% về giá trị.
Dự báo của Ericsson tại Việt Nam chỉ ra rằng, tỉ lệ người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 16%-21%, máy tính bảng tăng từ 2% lên 5%. Sự tăng trưởng này sẽ tạo tiền đề cho ngành kinh doanh dịch vụ 3G trong nước. Ông Denis Brunetti, Phó tổng giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam cho rằng, sự phổ cập smartphone với giá thành hợp lý đi kèm với các gói dịch vụ 3G sáng tạo, dịch vụ dữ liệu và ứng dụng có tính chất địa phương sẽ là những yếu tố kiên quyết giúp kinh doanh 3G phát triển mạnh và bền vững.
Trong ngành viễn thông Việt Nam, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ tiện ích cũng như doanh thu 3G từ các mạng di động có thể coi là điểm sáng của năm 2012. Theo dự kiến, năm 2013, xu hướng này vẫn có thể tiếp diễn bởi các mạng di động tiếp tục đặt các mục tiêu tăng trưởng cao cho 3G (có mạng dự kiến tăng 100% về doanh thu).
Minh Thiện
Ngành TT&TT tự hào đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế - xã hội
Submitted by nlphuong on Sun, 10/02/2013 - 00:35(ICTPress) - Xuân Quý Tỵ đang gõ cửa từng gia đình Việt Nam, trước thềm Xuân mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son thay mặt Bộ TT&TT qua các phương tiện thông tin đại chúng gửi đến tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước lời cám ơn chân thành nhất và lời chúc Năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và nhiều thành công mới trong cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son |
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: “Năm 2012, trong điều kiện khó khăn, nhiều thách thức, song Bộ TT&TT đã hoàn thành nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước trên cả 5 lĩnh vực Báo chí, Xuất bản, Viễn thông và CNTT. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự quyết tâm, cố gắng của toàn thể cán bộ, Công nhân viên trong toàn ngành, chúng tôi còn nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ, giúp đỡ của toàn xã hội”.
“Trong năm 2012, ngành TT&TT có thể tự hào đã cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức và đã có những đóng góp xứng đáng vào kết quả chung về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã cho biết những thành tựu nổi bật của Ngành năm 2012:
Báo chí, xuất bản nhất là 4 loại hình báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ là phương tiện thông tin, tuyên truyền thiết yếu, là công cụ chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, làm cho nhân dân tin tưởng và ủng hộ các quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, cả nước có 812 cơ quan báo in với hơn 1084 ấn phẩm, 59 báo điện tử, 11 tạp chí điện tử, hơn 1000 trang thông tin điện tử tổng hợp, hàng trăm mạng xã hội trực tuyến đã thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình KTXH, an ninh - quốc phòng; phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; thông tin đầy đủ về bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo.
Báo chí, xuất bản nhất là 4 loại hình báo chí In - Nói - Hình - Điện tử đã trở thành lực lượng chủ lực trong xoá nghèo về thông tin, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; góp phần nâng cao dân trí; ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh, thúc đẩy tiến bộ xã hội… Trong thời kỳ bùng nổ CNTT hiện nay, các loại hình báo chí, xuất bản rất đa dạng và đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền thụ hưởng thông tin của người dân.
Báo chí, xuất bản điện tử là công cụ hữu hiệu cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền quốc gia... khi đưa kịp thời và đầy đủ thông tin chính thống về Việt Nam đến với thế giới.
Trong lĩnh vực viễn thông (VT), Internet, công nghệ thông tin (CNTT), với tư duy quản lý phải theo kịp sự phát triển của xã hội và thúc đẩy cạnh tranh, ngành TTTT đã thành công trong việc phát triển một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, đặc biệt đã hình thành được một hạ tầng mềm tạo môi trường hoạt động cho nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Đây chính là nền tảng cho việc gắn kết và nâng cao hiệu quả khai thác các hạ tầng kinh tế-xã hội theo tinh thần NQ TW số 13 Khóa 11.
Phổ cập dịch vụ VT - Internet: Cả nước hiện có trên 31,2 triệu người sử dụng Internet, đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng internet lớn nhất thế giới.
DN VT kinh doanh hiệu quả và đóng góp lớn cho ngân sách: Trong bối cảnh hàng loạt DN thua lỗ, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, 2 tập đoàn VT chủ lực của Nhà nước là VNPT và Viettel vẫn đạt tăng trưởng tốt, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. VNPT đạt doanh thu trên 130 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 8,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 7,5 nghìn tỷ đồng. Doanh thu của Viettel là 141 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 27.514 tỷ đồng và nộp ngân sách trên 11.377 tỷ đồng. Các DN VT Việt Nam đã làm chủ sân nhà; Mật độ thuê bao điện thoại đạt trên 100%. Dịch vụ VT là dịch vụ duy nhất có giá dịch vụ ngày càng rẻ, góp phần thiết thực trong việc thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 100% người Việt trong nước dùng dịch vụ điện thoại của các DN VT nước nhà.
Công nghiệp CNTT xuất khẩu gần 20 tỷ USD: Cùng với VT, công nghiệp CNTT tiếp tục đóng góp lớn cho xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại và các loại linh kiện,… đạt hơn 18 tỉ USD.
Ứng dụng CNTT cải cách hành chính: Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, 100% các Bộ, tỉnh đã có Cổng thông tin điện tử trực tuyến cung cấp thông tin và dịch vụ công phục vụ người dân và DN. Qua đó, ứng dụng CNTT đã đóng góp thiết thực cho đổi mới phương thức làm việc, hướng tới nền hành chính công minh bạch và hiệu quả. Theo báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử năm 2012 của Liên hiệp quốc, xếp hạng của Việt Nam tăng 7 bậc, đứng thứ 83 thế giới, thứ 4 Đông Nam Á, thứ 9 châu Á.
HM