Chuyện dọc đường
7 đặc điểm không tìm thấy ở châu Á nhưng có ở thung lũng Silicon
Submitted by nlphuong on Sat, 21/09/2013 - 07:00(ICTPress) - Có một vài điều khá độc đáo về thung lũng Silicon nhưng bạn không tìm thấy ở châu Á.
Những điều này đóng một vai trò lớn trong việc công ty mới loại nào tham gia vào hệ sinh thái. Mặc dù thời hoàng kim của châu Á vẫn chưa tới, và thung lũng Silicon vẫn là một thánh địa Mecca không phải bàn cãi của những công ty mới, chúng ta hãy xem xét những điều có vẻ mơ hồ của một văn hóa độc đáo ở châu Á. Dưới đây là 7 điều ở thung lũng Silicon mà bạn không thấy có ở châu Á:
Ảnh: Justin Wyne |
1. Văn hóa chấp nhận cái mới mạnh mẽ
Tôi ngồi với một nhóm bạn không phải là dân công nghệ vào một ngày, khi một người trong số họ bỗng rút ra chiếc iPhone của cô và nói “Hỡi các bạn, hãy kiểm tra ứng dụng mới được gọi là VendMo, cho phép bạn có thể chuyển tiền tới các bạn bè của bạn sau khi bạn nhận được hóa đơn”. Tôi đã bị thôi miên. Bạn không thấy tình huống này ở Việt Nam. Phần lớn thời gian, nếu bạn sẽ nghe thấy những chuyện tương tự ở châu Á, bạn có thể thè lưỡi với những người làm công nghệ khác. Ở San Francisco, các công ty non trẻ có ưu điểm lợi thế là có thể nhận thấy những người chấp nhận cái mới đều giàu có.
Không có sự may mắn như thế ở châu Á. Còn hơn cả không, các ý tưởng tắt lụi trước khi các ý tưởng đó có thể được triển khai bởi vì không có văn hóa chấp nhận cái mới. Có thể là một ý tưởng tuyệt vời nhưng không ai muốn thử. Có nghĩa là các công ty non trẻ thực hiện ý tưởng phải làm việc cật lực để chắc chắn ý tưởng của họ thực sự có giá trị cho cả doanh nghiệp hay khách hàng. Các công ty non trẻ ở thung lũng Silicon liệu có làm việc phù phiếm như thiết kế UX, các sách lược tiếp thị thú vị hay như chúng ta thấy tại một cuộc thi sản phẩm phần mềm trong thời gian ngắn (Hackathon) của TechCrunch Disrupt, các ý tưởng ban đầu như TitStare.
2. Mong muốn chia sẻ và cùng phát triển
Tôi ngả mũ chào công chúng thung lũng Silicon: họ thực sự quan tâm lẫn nhau theo cách tôi không thấy có ở châu Á. Không kể đến Apple, bạn chỉ phải dành một vài giờ ở Quora và chủ đề các công ty non trẻ ở đây và bạn sẽ thấy bao nhiêu người mong muốn thông tin về làm cách nào để thành lập công ty mới, văn hóa công ty mới, các thử nghiệm và các vất vả của một người đang cố gắng thành lập công ty. Con người ở thung lũng Silicon, được nuôi dưỡng ở trung tâm văn hóa thoải mái của California, đã được gây dựng là sự chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.
Ở châu Á, chúng tôi chắc chắn thấy một số khác biệt, với kinh nghiệm là bắt buộc, nhưng văn hóa châu Á không chỉ là non nớt trong cách làm việc với nhau mà còn ở tính cách phòng thủ để cạnh tranh. Nếu bạn có dịp gặp gỡ các cộng đồng non trẻ châu Á, bạn sẽ từ từ được nghe tất cả các câu chuyện chẳng ăn nhập của từng người. Về cơ bản, điều này hạn chế cách phát triển chúng ta thấy ở thung lũng Silicon. Ở đây mọi thứ được bỏ sang một bên và cảm giác chung là mọi người đều có thể giúp đỡ lẫn nhau do đó tất cả cùng thành công. Tóm lại tất cả đều cùng có lợi.
3. Thất bại là mẹ của thành công
Mọi người đã và vẫn lặp lại câu nói này thường xuyên và đó là câu vì ý tốt. Thất bại, ở châu Á vẫn là một hổ thẹn. Như nhà đầu tư đáng kính Dave McClure đã phát biểu ở Nhật Bản: “Liệu có ai ở vào một ví trí cao mà gặp thất bại để người khác có thể học hỏi được cách để thất bại”. Không ai muốn thất bại nhưng điều này ăn sâu vào tiềm thức văn hóa châu Á. Nói một cách khác, nó không thể một sớm một chiều mà có thể tiếp nhận văn hóa mới.
Ảnh: TVrage.com |
4. Mọi người đều muốn giúp đỡ nhau
Với hầu hết mọi người tôi gặp trong chuyến đi này, dù đó là một lính mới hay là một nhà đầu tư hay một nhà báo, ai ai cũng muốn giúp tôi theo cách nào đó. Và tôi đã nhận thấy rất nhanh là họ giúp đỡ bất cứ ai họ gặp.
Cạnh tranh như ở châu Á, thì việc giúp ai đó cũng có thể là giúp đỡ cho một đối thủ tiềm năng. Nhưng con người không thể nhìn vào quá khứ mà nhìn các lợi ích dài hạn.
5. Thung lũng Silicon là một mảnh đất của hạ tầng
Mỗi lần tôi đến Mỹ, Mỹ vẫn chính xác như vậy. Phong cảnh không thay đổi nhiều trừ thêm một vài quán café Starbucks mới và một công trình hay một bức tượng mới đâu đó. Các văn phòng vẫn có điện thoại cố định và mọi người lái xe vẫn ở trên các đường cao tốc đó. Mọi thứ đều đặn như đồng hồ. Đó là nền tảng vững chắc mà các công ty non trẻ ở thung lũng Silicon có thể gây dựng ở đó.
Uber là một ví dụ điển hình của việc này. Công ty này tận dụng các nguồn lực và con người hiện tại và hình thành một mô hình doanh nghiệp mà đứng vững trên nền hạ tầng đã có sẵn.
Ở châu Á, đặc biệt ở các nước đang phát triển, hãy quên đi hạ tầng. Quên đi việc sử dụng điện thoại cố định và cao tốc có sẵn. Các công ty mới ở châu Á đang phải xây dựng cho một mảnh đất không có hạ tầng, do đó họ buộc phải làm hạ tầng cho chính họ. Nhắn tin là một ví dụ tuyệt vời của việc châu Á bỏ qua cố định đi thẳng vào các công nghệ mới mà thế giới phương tây chỉ bắt kịp vài năm qua. Và hiện tại, chúng ta đang chứng kiến những ví dụ rất riêng của việc này với thanh toán, logistic và thương mại điện tử đang ở tuyến đầu.
6. Các công ty non trẻ ở thung lũng Silicon tạo ra các vấn đề để giải quyết bởi vì họ không có bất cứ vấn đề nào
Các vấn đề đầu tiên của thế giới gồm không mua trứng theo cách bạn muốn và mất thêm vài phút để vẫy được taxi mà bạn muốn. Nếu bạn để ý người du lịch Mỹ bỏ qua châu Á, thậm chí khá sức sống. Họ phàn nàn về những điều mà người địa phương cho là bình thường. Trong khi chat với Kevin Chen từ Technode, anh đã nhận xét trên Spinlister, một công ty mới xuất hiện tại Disrupt, đó là công ty tư nhân Airbnb về những xe đạp. “Họ đang tìm kiếm những vấn đề để giải quyết”.
Ở châu Á, chúng ta có nhiều vấn đề hơn là chúng ta có thể dự tính. Có quá nhiều trái cây mọc thấp để công ty mới hái nhưng phần lớn đã bị ủng.
7. Các giấc mơ hệ sinh thái là vô cùng, vô cùng lớn
Tôi lúc đầu xem xét câu “những người sáng lập mơ giấc mơ thực sự, thực sự lớn” khi tôi nhớ đến Mark Zuckerberg đã chỉ muốn có một mạng xã hội cho những sinh viên vào những ngày đầu. Và như Paul Gramham từng nói, khởi đầu với một vấn đề nhỏ thực tế là cho dài hạn hơn. Do đó, trong nhiều cách, đó là toàn bộ hệ sinh thái hoàn toàn xung quanh những người sáng lập này mà kết thúc khởi đầu từ mơ ước lớn.
Bong bóng và đại dương
Mọi thứ trên thế giới này là một con dao hai lưỡi. Bong bóng của thung lũng Silicon cũng là một tài sản lớn nhất. Tất cả những thành tố trên cộng lại tạo nên thung lũng hùng mạnh như ngày nay. Loo Cheng Chuan, lãnh đạo của Cuộc sống nội địa và cuộc sống số của Singtel, đã thâm nhập vào nơi thung lũng Silicon có lợi thế so với châu Á và tất cả đều thực. Một mặt khác, bong bóng của thung lũng Silicon đã tạo ra đôi chút biệt lập. Sau tất cả, khi người Mỹ nghĩ tới World Series, thực sự chỉ có Mỹ và Canada.
Với châu Á, thời điểm sẽ tới. Chỉ khoảng 4 thành phố châu Á là được chú ý trên toàn cầu trong hệ sinh thái công ty mới toàn thế giới. Nhưng nền móng vẫn thách thức. Các công ty châu Á mới buộc phải bơi trong một đại dương để tồn tại. Những công ty đó có thể bơi nhanh nhờ động lực sinh tồn.
Đỗ Anh Minh
techinasia.com
‘Legends of the Fall’, tình yêu làm nên huyền thoại
Submitted by nlphuong on Sat, 21/09/2013 - 06:30Mỗi mùa thu về, bộ phim nổi tiếng của tài tử Brad Pitt lại làm đắm say hàng triệu con tim đa cảm luôn mơ về những điều lãng mạn.
Legends of the Fall bắt đầu bằng cảnh One Stab, người chiến binh da đỏ dũng mãnh thuở nào giờ đã là một ông lão già nua, ngồi kể chuyện bên ánh lửa bập bùng. Những nếp nhăn khắc khổ trên khuôn mặt ông biểu hiện một cuộc đời nhiều biến động, khắc họa một tính cách đã sống đủ lâu, trải qua đủ chuyện, để giờ đây có thể nhìn thấu suốt mọi vật. Giọng kể trầm sâu trong cổ họng hòa cùng ánh lửa trong đêm và khuôn mặt minh triết của người già tạo một bầu không khí hoàn hảo của những huyền thoại, truyền thuyết cổ xưa.
Brad Pitt trong vai người con thứ Tristan và Anthony Hopkins trong vai Đại tá Ludlow. |
Phim tiếp tục duy trì hiệu ứng huyền thoại sử thi ấy bằng cách đặt câu chuyện vào bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vùng Montana xa xôi. Dưới tài nghệ tuyệt vời của nhà quay phim John Toll, tác phẩm mở ra những đồng cỏ mênh mông, những đàn gia súc lớn, những rặng núi xanh tươi trập trùng… John Toll đã giành được một giải Oscar cho “Quay phim xuất sắc” với Legends of the Fall. Cảnh thiên nhiên tuyệt vời như lời gợi mở về một câu chuyện cũng rực rỡ và mạnh mẽ không kém.
Legends of the Fall là một dòng chảy miên man của các giọng kể khác nhau. Nhiều giọng người cất lên - đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, những kẻ còn sống, những kẻ đã chết. Điều này tạo cho bộ phim một không khí thân mật riêng tư giữa những tiếng thủ thỉ, thì thầm về số phận của một con người mà tất cả từng yêu - Tristan Ludlow.
Tristan là con thứ trong gia đình ba anh em. Cha của chàng, đại tá Ludlow, thất vọng vì sự thối nát của chính phủ nên đã đưa cả gia đình đến sống tại vùng Montana hẻo lánh. Mẹ của chàng không chịu được khổ cực đã rời bỏ gia đình đến sống ở thành phố. Alfred, người con cả của gia đình, thì nghiêm túc, trách nhiệm và cứng nhắc. Samuel, người con út, lại ngây thơ, trong sáng, luôn muốn chứng tỏ bản thân và tìm cách thoát khỏi sự bao bọc quá đáng của hai người anh.
Tristan, nhân vật trung tâm của bộ phim, là người sống gần gũi với thiên nhiên nhất, chịu nhiều ảnh hưởng từ những tập tục của người da đỏ nhất. Chàng liều lĩnh, bất kham, cương trực và giàu tình cảm. Tristan như một hòn đá tảng nơi xoáy nước, hấp dẫn tất cả những người xung quanh bằng một sức hút không thể cưỡng lại. Người ta không thể tự ngăn mình đến với chàng, không thể ngừng yêu chàng một cách vô điều kiện, cho dù những người yêu chàng nhất thường phải nhận số phận bi thảm nhất.
Nhiều nhà phê bình nghi ngờ câu chuyện mà Legends of the Fall kể có xứng đáng được gọi là huyền thoại như nhan đề của bộ phim hay không. Quả thật, Legends of the Fall không phải là một kiểu huyền thoại mẫu mực vẫn thường được in trong sách giáo khoa. Nhân vật chính không thay đổi lịch sử, không làm những điều phi thường hay chinh phục đủ thứ vinh quang mà người đời vẫn thường trông đợi ở các nhân vật anh hùng.
Vẻ lãng tử của Brad Pitt trong "Huyền thoại mùa thu" từng đốn tim hàng triệu cô gái vào thập niên 1990. |
Nhưng Tristan Ludlow, linh hồn của bộ phim, đã sống, đã yêu, đã chết một cách dữ dội và mãnh liệt như cách một người trần mắt thịt có thể làm. Tristan Ludlow xứng đáng với cái tên của mình, vốn trùng với tên của một nhân vật nổi tiếng trong thiên tình sử Tristan và Isolde của Pháp. Chàng đã đi qua cuộc đời mình một cách rực rỡ và bạo liệt. Riêng điều đó đã xứng đáng được coi là vĩ đại và theo một nghĩa nào đó, có thể được coi là huyền thoại của một con người.
Với vai diễn Tristan Ludlow, Brad Pitt đã đánh cắp bao trái tim thiếu nữ với vẻ ngoài lãng tử và phong trần. Mái tóc bất trị luôn rối tung, ánh mắt xanh thăm thẳm, nụ cười ngạo nghễ luôn thường trực trên môi, dáng cưỡi ngựa ngang tàng… Tất cả ở Brad Pitt tạo nên một hình mẫu hoàn hảo của sự nổi loạn và sự mạnh mẽ đầy nam tính mà phái yếu vẫn thường chờ đợi ở một người đàn ông. Thật dễ hiểu là tại sao phụ nữ trẻ lại đặc biệt thích bộ phim này đến thế.
Một nhân vật khác cũng được phụ nữ tìm thấy sự đồng cảm là nàng Susannah, người đã mang cả tình yêu và nỗi bất hạnh vào gia đình Ludlow. Sunnannah của Julia Ormond xinh đẹp như thiên thần với mái tóc bồng bềnh thường để xõa sau lưng, giọng nói nhỏ nhẹ như tiếng thì thầm. Cô thường mặc đồ trắng - màu sắc tinh khiết nhất và cũng dễ nhiễm bẩn nhất - tượng trưng cho sự trong trắng, yếu mềm, không kiên định, dễ thay lòng. Julia Ormond có vẻ ngoài mong manh, khiến người khác muốn che chở và bảo vệ. Cô đã đóng khá tròn vai nàng Susannah vừa đáng thương, vừa đáng giận. Cùng với Brad Pitt, cô đã tạo một mối tình đẹp để lại nhiều tiếc nuối trong lòng khán giả.
Legends of the Fall gây bối rối cho khán giả vì tính đa nghĩa của từ “Fall”. Một tờ báo nọ từng dịch nhan đề của bộ phim là “Huyền thoại ngọn thác” khiến độc giả được một phen cười chảy nước mắt. Phần lớn khán giả Việt Nam biết đến bộ phim với tựa đề “Huyền thoại mùa thu”. Đó cũng là cách dịch phổ biến ở Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc và nhiều nước khác.
Trong phim cũng có chi tiết nói Tristan Ludlow được sinh ra vào “Moon of the Falling Leaves” (Mùa lá rụng). Đó là thuật ngữ đặc biệt của người da đỏ dùng để chỉ khoảng thời gian cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi mùa thu gần cạn và mùa đông sắp sang. Phần lớn sự kiện trong phim cũng được thuật lại vào thời điểm cuối thu đặc biệt ấy khi khắp nơi rờm rợp màu cỏ úa và bầu trời lồng lộng trên cao.
Tristan và nàng Susannah. |
Legends of the Fall cũng có thể được coi là một huyền thoại của sự sa ngã. Bộ phim có lời đề tựa là “After the Fall from Innocence the Legend begins” (tạm dịch: Từ sau sự Sa ngã, Huyền thoại bắt đầu). Trong phim, cả ba anh em nhà Ludlow đều cùng yêu một người đàn bà. Chính thứ tình yêu tội lỗi đó đã làm sứt mẻ, chia rẽ tình cảm cha con, tình anh em ruột thịt trong gia đình và cũng là khởi nguồn của hầu hết bất hạnh và bi kịch trong phim.
Legends of the Fall, theo mọi nghĩa, là một bộ phim của tình yêu. Trong trái tim bạn phải có sẵn chỗ cho tình yêu thì mới có thể dễ dàng yêu thích được kiểu phim như thế này. Còn đối với giới phê bình khó tính, Legends of the Fall là một bộ phim quá đà. Quá lạm dụng nhạc, hình ảnh quá đẹp kiểu nhiếp ảnh, câu chuyện quá phức tạp, ít thuyết phục. Nhưng xét cho cùng thì điều đó có sao? Chẳng phải gần như tất cả những huyền thoại được kể lại đều rực rỡ mê đắm và là một chuỗi hành động phi lý, thiếu logic đó sao?
Legends of the Fall có thể không được lòng giới phê bình nhưng đã giành chiến thắng trước trái tim của hàng triệu khán giả. Nếu bạn hâm mộ Brad Pitt và yêu thích mùa thu, thì lại càng thêm lý do để Legends of the Fall là một bộ phim huyền thoại.
Anh Trâm
Nguồn: vnexpress.net
Liên hoan “Châu Âu gặp châu Á trên sân khấu Múa đương đại”
Submitted by nlphuong on Thu, 19/09/2013 - 08:50(ICTPress) - Một nghệ sĩ múa trẻ đầy tài năng và triển vọng của Nhật Bản tham gia Liên hoan “Châu Âu gặp Châu Á trên sân khấu Múa đương đại” 2013 với vở múa đặc biệt của cô.
Nhân kỷ niệm Năm Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam 2013, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hân hạnh giới thiệu một tác phẩm múa đơn ngắn với tên gọi “Alphard” (Trái tim của Rắn) của nữ nghệ sĩ Mikiko Kawamura, vào ngày thứ Năm 26/9. và thứ Sáu 27/9/2013, tại Liên hoan “Châu Âu gặp Châu Á trên sân khấu Múa đương đại” 2013 ở Hà Nội.
Sau khi đoạt Giải Nghệ sĩ Mới xuất sắc tại Liên hoan múa Yokohama năm 2011, Mikiko Kawamura nhanh chóng giành tiếp loạt Giải Nghệ sĩ mới tại Liên hoan “Dance ga Mitai! New Figure Dance Festival 10” (2011), Giải HARAJUKU PERFORMANCE+ DOMMUNE (2012) và Giải Japan Dance Forum (JaDaFo) (2013), v…v.
Vở múa Alphard, lần đầu tiên được công diễn tại Yokohama, Nhật Bản vào tháng 2/2012, được Kawamura sáng tác qua cảm hứng của cô về ngôi sao sáng đơn độc cùng tên, ngôi sao cô đơn ở vị trí trái tim của rắn trong chòm sao Trường Sà. Với những sắp đặt ánh sáng, nữ biên đạo trẻ (đồng thời là diễn viên múa) chia sân khấu thành 9 ô vuông, mỗi ô với một chủ đề âm nhạc khác nhau. Vũ điệu này giống như “bước vào nhận thức”, theo statement của Kawamura.
Alphard giới thiệu về giá trị khả năng vận động cơ thể một cách hoàn hảo của Kawamura cũng như tài năng sáng tác của cô. Vở múa tinh tế nhưng cũng đầy mạnh mẽ này chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho các bạn, quý vị khán giả Việt Nam nói riêng, để suy nghĩ về “sự đương đại” trong lĩnh vực múa ở châu Á bao gồm cả Nhật Bản.
Mikiko Kawamura, Biên đạo múa, diễn viên múa sinh năm 1990. Cô bắt đầu múa đường phố ở tuổi 16.
Khi đoạt Giải Nghệ sĩ Mới xuất sắc tại Liên hoan múa Yokohama năm 2011, cô vẫn còn là sinh viên của Trường Cao đẳng nữ sinh Nhật Bản ngành Giáo dục thể chất. Sau khi công diễn vở múa đơn Alphard vào tháng 2 năm 2012 tại Liên hoan múa Yokohama năm 2012, đồng thời giới thiệu trong chương trình Tiêu điểm Nhật Bản tại Dance Triennale Tokyo vào tháng 10 năm 2012, cô nhận được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông và khán giả.
Cô đã tích cực giới thiệu các tác phẩm múa tại Nhật Bản và nước ngoài, trong đó có các tác phẩm Muku (2010), Gambattanda-ne, Omae no naka de wa (2011), Alphard (2012), Fantastic One-man Ping Pong (2012), và euphoria (2013). Cô đã được mời tới Liên hoan múa quốc tế Seoul ở Hàn Quốc (SIDance 2011), JoJo-Oulu Dance Festival tại Phần Lan (2013) và Malta Festival Poznan ở Ba Lan (2013), v.v.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, cô đã dễ dàng giành được loạt Giải Nghệ sĩ Mới tại Liên hoan “Dance ga Mitai! New Figure Dance Festival 10” (2011), Giải Múa đương đại của Elsur Foundation (2012) và Giải Japan Dance Forum (JaDaFo) (2013), v…v.
Cô được chọn là một trong những hội viên trẻ kỳ 2012 - 2013 của Saison Foundation.
Mới đây, cô cũng được mời tham gia một số dự án khác, trong đó có This is a Domino Project của Domino ở Croatia, Eastern Connection của Gabriel Tudor Foundation ở Rumani, và Tokyo Dance Today #9 ở Tokyo của the National Children’s Castle Aoyama theatre / Aoyama round theatre.
Vở múa Alphard của nữ nghệ sĩ Mikiko Kawamura, với thời lượng 25 phút, sẽ được giới thiệu vào các ngày thứ Năm 26/9 và thứ Sáu 27/9/2013, tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).
Vé miễn phí được phát từ 14h00 ngày thứ Năm 19/9/2013 tại các Trung tâm Văn hóa: Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung), Viện Goethe (56 - 58 Nguyễn Thái Học), L’Espace (24 Tràng Tiền) và Hội đồng Anh (20 Thụy Khuê).
Bảo Ngọc
Biển Đông: Từ Đảo Cô Lin hồi tưởng trận chiến ở Trường Sa năm 1988
Submitted by nlphuong on Thu, 19/09/2013 - 08:25Câu chuyện về con tàu HQ 505 do Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy đã ủi bãi, dưới mưa đạn của kẻ địch và bảo vệ thành công đảo Cô Lin sẽ còn được kể mãi như một huyền thoại không thể nào quên - Huyền thoại đảo Cô Lin.
Lá cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay trên đảo Cô Lin ngày giông gió (Ảnh Hồng Chuyên) |
Bước chân đến đảo Cô Lin nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, chúng tôi thấy tự hào và rưng rưng như muốn khóc. Phải hiểu về trận chiến Gạc Ma, về con tàu dũng cảm ủi bãi bảo vệ thành công chủ quyền đảo Cô Lin mới hiểu được cảm giác của chúng tôi lúc bấy giờ. Và càng xúc động hơn khi được chứng kiến lễ thắp hương giản dị của đoàn công tác trên đảo Cô Lin, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trận chiến Gạc Ma (ngày 14/3/1988).
Trưởng đoàn công tác Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 146 cùng đoàn công tác thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma (Ảnh Hồng Chuyên) |
Trong khói hương nghi ngút linh thiêng, trầm mặc và tôn kính, chúng tôi nguyện cầu cho các anh an giấc và tự nhủ thầm: “Chúng tôi sẽ không quên các anh, Tổ quốc và nhân dân sẽ luôn luôn ghi tạc công ơn các anh”. Hình ảnh về trận chiến Gạc Ma năm xưa, hình ảnh về con tàu lao lên thềm đá san hô để giữ vững chủ quyền Cô Lin (thuộc quần đảo Trường Sa) lại tái hiện trong ký ức rõ mồn một.
Tàu HQ 505 và chiến tích anh hùng
Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân về việc thực hiện nhiệm vụ CQ88, ngày 13-3-1988 tàu HQ 505 do đồng chí Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng đã đến đảo Cô Lin đưa vật liệu lên đảo làm nhà đóng giữ đảo.
Thuyền Trưởng Vũ Huy Lễ (hàng đầu bên trái) cùng thủy thủ đoàn và tàu HQ 505 anh hùng |
Đúng 6h30’ ngày 14/3/1988, ta cắm hai lá cờ Tổ quốc trên đảo Cô Lin. Lúc này phía bên ngoài, đối phương dùng một số tàu chiến được trang bị vũ khí hiện đại khiêu khích, ngăn cản hoạt động của bộ đội ta. Nhưng cán bộ, chiến sỹ đảo và các tàu kiên quyết giữ vững đối sách, không mắc mưu địch. Nhưng đối phương ngang nhiên dùng vũ lực tấn công lực lượng của ta làm tàu HQ 505 bị hỏng máy chính.
Trước tình thế nguy cấp không thể do dự, 8 giờ 19 phút ngày 14-3-1988 đồng chí Vũ Huy Lễ thuyền trưởng đã lệnh cho tàu HQ 505 ủi lên bãi cạn. 2 phần 3 thân tàu bị bốc cháy, bộ đội trên tàu vừa dập lửa cứu tàu vừa giữ đảo, cuộc chiến đấu bảo vệ đảo giữa ta và địch không cân sức, song cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm, kiên cường bảo vệ đảo với tinh thần “còn người còn đảo”.
Gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường, quyết đoán, chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ của đồng chí Vũ Huy Lễ trong chiến đấu bảo vệ đảo Cô Lin đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND vào tháng 1/1989.
Khi chúng tôi đến đây, dấu tích về con tàu anh hùng HQ 505 đã hòa vào sóng biển. Mặt biển xanh trong, hiền hòa trên bãi san hô. Ai biết rằng nơi đây đã có ngày ngập máu, lửa và tiếng súng. Ai biết rằng: Nơi đây, dã tâm, tham vọng của kẻ địch đã bị chặn đứng bằng sự dũng cảm mưu trí của các anh - người lính Trường Sa.
Phỏng vấn các chiến sĩ trên tàu 505, con tàu mặc dù đã bị quân Trung Quốc xâm lược bắn cháy vẫn lao lên đảo Co Lin giữ đảo, khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Ảnh Nguyễn Vinh Quang (cựu phóng viên Báo Ảnh Việt Nam) chụp năm 1988 |
Ngay sau chuyến công tác Trường Sa, tôi may mắn được gặp cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (người sống sót sau trận Gạc Ma, quê Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh) ngay tại Hà Nội, với tư cách là một nhân chứng sống. Hôm đó, cánh báo chí vây lấy anh hỏi han, chia sẻ về chuyện đã qua. Ai cũng như muốn khóc.
Khóe mắt đỏ hoe, người cựu chiến binh Trường Sa nghẹn ngào kể lại trận chiến Gạc Ma. Hôm đó, anh là người một tay ôm liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, cùng AHLLVT Nguyễn Văn Lanh kiên quyết giữ lá cờ trên đảo Gạc Ma. Những người chiến sĩ đã nắm tay nhau thành vòng tròn bất tử trước họng súng của địch. Lực lượng quân sự Trung Quốc đã không thắng nổi ý chí kiên cường của các anh, họ đã lên tàu và xả súng vào các anh. Nhiều đồng đội của anh hy sinh và bị thương. Sau đó anh Lê Hữu Thảo cùng đồng đội xé áo nút xuồng bị Trung Quốc bắn thủng đưa được liệt sĩ Nguyễn Văn Phương và một số anh em khác về đảo Cô Lin.
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo trở về từ Gạc Ma đang kể chuyện (Ảnh Hồng Chuyên) |
Đảo Cô Lin, cờ đỏ sao vàng vẫn mãi tung bay
Đảo Cô Lin nằm cách bán đảo Cam Ranh 313 hải lý, ở 90 45’ 00” vĩ độ Bắc, 1140 15’ 19” kinh độ Đông, cách đảo Sinh Tồn 8 hải lý về phía Đông Bắc, cách đảo Len Đao 7 hải lý về phía Tây Nam, phía Nam cách đảo Gạc Ma 4 hải lý.
Khi thủy triều xuống thấp nhất, độ cao của đảo so với mực nước biển 1m, xung quanh đảo có thềm san hô hình elip theo hướng Bắc Nam, dài 1,8km, rộng 1,2km, mặt bãi cạn tương đối bằng phẳng. Là đảo chìm nên việc tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi của cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Khác với các đảo nổi, ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước mưa. Những năm gần đây do được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt.
Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh lực lượng hải quân phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, song nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm khoa học và phù hợp trong sinh hoạt cán bộ chiến sỹ đảo Cô Lin đã thực hiện tốt công tác trồng rau xanh và chăn nuôi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như đảm bảo yêu cầu về sức khỏe.
Đàn vịt bơi lội ở đảo Cô Lin (Ảnh Hồng Chuyên) |
Khi chúng tôi đến thăm, Cô Lin đang xây dựng gia cố thêm công trình, những vật liệu xây dựng còn ngổn ngang nhưng cũng hứa hẹn một ngày Cô Lin sẽ đẹp đẽ khang trang hơn nữa.
Lính công binh hải quân sống trên nhà tạm để xây dựng công trình đảo Cô Lin (Ảnh Hồng Chuyên) |
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và sự ủng hộ của đồng bào cả nước cho đến nay đảo đã được xây dựng nhà lâu bền khang trang, sạch đẹp, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác, đưa cán bộ, chiến sỹ trên đảo về gần đất liền thân yêu hơn nữa.
Hiện nay đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sỹ đảo Cô Lin từng bước được cải thiện. Đảo được trang bị tivi, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới. Trên đảo có tủ sách, báo với gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật... qua đó nâng cao nhận thức..
Phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của Đoàn Trường Sa anh hùng. Trong hơn 25 năm xây dựng và trưởng thành lớp lớp cán bộ, chiến sỹ đảo Cô Lin kế tiếp nhau và đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn cảnh giác , vững tay súng sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 1989, cán bộ, chiến sỹ đảo Cô Lin, được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Từ năm 2000 đến năm 2004 cán bộ, chiến sỹ đảo Cô Lin luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Lữ đoàn tặng bằng khen. Năm 2004, 2005 và 2008 và 2012, Đảo được Bộ quốc phòng tặng Bằng khen; Năm 2005, 2006, 2008, 2010, 2011, 2012 với những nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sỹ đảo đã vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Các năm 1996, 1997, 2000, 2001 và 2009 đảo được Bộ tư lệnh vùng 4 tặng bằng khen và giấy khen.
Nhìn ngôi nhà kiên cố trên đảo, nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, nhìn bia chủ quyền mang tên đảo Cô Lin, ai cũng tự hào về chiến sĩ Trường Sa hôm qua và chiến sĩ Trường Sa hôm nay. Để giữ được lá cờ tung bay trên đảo Cô Lin, người lính Trường Sa đã không tiếc máu xương của mình giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Câu chuyện con tàu ủi bãi giữ thành công đảo Cô Lin sẽ là huyền thoại minh chứng hùng hồn cho sự anh hùng quả cảm ấy.
Hồng Chuyên - Lại Hà (ghi)
Infonet
Life & English: “Celebrate Mid-Autumn Festival”
Submitted by nqmhien on Wed, 18/09/2013 - 00:58Sofitel Plaza Hanoi celebrates Mid-Autumn Festival on Thu 19 Sep 2013, 6:30pm
Make this year’s full-moon festival one to remember for the whole family by celebrating at the salubrious Sofitel Plaza Hanoi.
As part of the party, kids and parents will enjoy a sumptuous buffet of seafood and BBQ, along with fun-filled entertainment performances including a traditional lion dance, lantern parade, modern magic tricks and a live band. Under the expert eye of the hotel’s Master Chef, youngsters can get further into the festival spirit by trying their hands in our mooncake making competition.
Leave your worries at the door and soak up the party atmosphere to share some truly precious festive family moments.
(From: Sofitel Plaza Hanoi)
Seoul có nhà chọc trời vô hình đầu tiên trên thế giới
Submitted by nlphuong on Tue, 17/09/2013 - 06:55(ICTPress) - Một tòa nhà chọc trời mới sẽ xuất hiện ở Seoul, Hàn Quốc nhưng bạn có thể không thể nhìn thấy tòa nhà này.
Các kiến trúc sư của công trình này đã nhận được sự đồng ý xây dựng với chiều cao cho phép là 442,8m, có tên Tower Infinity (Tháp vô tận) theo một thông cáo báo chí cho biết.
Công trình này sẽ sử dụng một mặt tiền LED và các máy quay phía sau để chiếu các vùng phụ cận phía sau công trình lên phía trước. Khi được bật lên, hệ thống sẽ làm cho đường nét của tòa nhà không thể thấy được.
Các trình chiếu này cũng để quảng bá các sự kiện hoặc các quảng cáo đặc biệt lên công trình.
Thậm chí khi các trình chiếu này được tắt đi, tòa nhà cũng trong suốt. Tòa nhà cũng sẽ được xây dựng nhờ sử dụng rất nhiều kính trong suốt và có một mặt sàn mở do đó các du khách có thể nhìn xuống nhiều tầng.
Tower Infinity chủ yếu được xây dựng cho mục đích giải trí và thư giãn, theo công ty kiến trúc GDS ở Mỹ. Tòa nhà này dự kiến có một công viên nước, các rạp chiếu phim và nhà hàng. Bàn quan sát của công trình này sẽ cao thứ 3 trên thế giới và dự định mọc lên ngay bên ngoài sân bay quốc tế Incheon của Seoul.
T. Dương
NXB Kim Đồng đưa sách khoa học 2.0 đến với thiếu nhi Việt Nam
Submitted by nlphuong on Mon, 16/09/2013 - 23:10(ICTPress) - Bộ sách IMAGIA tạo hứng thú khám phá thế giới cho thiếu nhi qua những kiến giải thú vị về thế giới xung quanh đang được Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đưa đến tay các độc giả nhỏ tuổi Việt Nam.
Cùng với chuỗi hoạt động chào mừng năm học mới và Tết trung thu, NXB Kim Đồng vừa phối hợp Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace tổ chức tọa đàm “IMAGIA - Sách khoa học cho thế hệ 2.0” nhằm giới thiệu bộ sách IMAGIA với 5 cuốn khởi đầu gồm: Các nền văn minh cổ đại, Kì quan thế giới, Kì quan thiên nhiên, Khám phá rừng, và Khám phá biển.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia về sách khoa học cho trẻ em cùng trao đổi với các thầy cô dạy khoa học, các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của dòng sách này trong việc tạo hứng thú khám phá thế giới tự nhiên cho thiếu nhi.
Các em sẽ biết về thế giới từ những điều từ đơn giản như bằng cách nào để biết được tuổi của cây? Có loài cây ăn thịt không? tại sao khi ta chạm tay vào cỏ trinh nữ, lá cây lại khép lại? những loài sinh vật nào đang sống ở dưới đáy đại dương? 7 kì quan thế giới là những công trình nào? bức tượng Nữ thần Tự do đã được đưa từ Paris sang New York ra sao?... đến những hiện tượng phức tạp như hiệu ứng nhà kính là gì? vì sao lại có động đất? cây sinh trưởng như thế nào?...
Mỗi cuốn sách là một bách khoa thư về một chủ đề chuyên biệt với hàm lượng kiến thức phong phú, minh họa đẹp mắt, nhiều chỉ dẫn khoa học hữu ích. Bộ sách không chỉ là công cụ đắc lực cho các thầy cô giáo dạy khoa học trong nhà trường, mà còn thực sự là một người bạn thông thái với bạn đọc nhỏ tuổi.
Buổi tọa đàm “IMAGIA - Sách khoa học cho thế hệ 2.0” |
Ông Nguyễn Huy Thắng, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng cho biết ngay từ ngày đầu thành lập, NXB đã rất quan tâm tới việc đưa sách khoa học tới tay độc giả Việt Nam. Năm 1957, sau khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik, NXB Kim Đồng đã có chuyện “Cô chó Laika”,... Từ năm 1998, NXB Kim Đồng bắt đầu hình thành việc xuất bản sách khoa học có hệ thống, bài bản qua việc thành lập riêng Ban Khoa học chuyên biên tập sách khoa học. Năm 2004, Việt Nam tham gia Công ước Berne, NXB Kim Đồng lại thành lập Phòng Bản quyền chuyên khai thác sách bản quyền quốc tế, từ đó luôn cập nhật bộ sách mới nhất trên thế giới để đáp ứng nhu cầu đọc của bạn đọc nhỏ tuổi.
“Ước tính mỗi năm, NXB Kim Đồng đã xuất bản khoảng 80 đầu sách khoa học mới, trong đó có một số sách cho thiếu nhi, bao quát mọi lĩnh vực, đề tài, thể loại như phổ biến kiến thức, tra cứu, tham khảo, sách chữ, truyện tranh,… Nhằm giúp trẻ em ở vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể tiếp cận những đầu sách khoa học này, NXB đã triển khai dự án cung cấp miễn phí 1 triệu cuốn sách trong 3 năm. Dự kiến thời gian tới, NXB sẽ triển khai Dự án Giới thiệu các công trình khoa học đỉnh cao cho thiếu nhi, cụ thể là sẽ xuất bản sách giới thiệu nhanh chóng các thành tựu khoa học chỉ một thời gian ngắn sau khi giải Nobel được công bố”, ông Thắng cho biết thêm.
Tọa đàm “IMAGIA - Sách khoa học cho thế hệ 2.0” được diễn ra cùng ngày với sự kiện Ra mắt nhà sách Kim Đồng thứ 8 của NXB Kim Đồng tại Thanh Xuân, Hà Nội.
BM
Đèn biển - đôi điều muốn kể…
Submitted by nlphuong on Mon, 16/09/2013 - 08:00(ICTPress) - Từ cả ngàn năm trước, cứ mỗi khi màn đêm bắt đầu buông thì bên bờ biển lại thấy có các ngọn đèn bắt đầu được thắp sáng.
Người ta đồ rằng đó chính những người phụ nữ trong các gia đình chài lưới ven biển đã làm việc này. Những đốm sáng giữa đại dương đêm tối mênh mông như đôi mắt người thân đang ngóng đợi đã giúp cho người đi biển nhanh chóng tìm đường về bến... Rồi khi con người vươn ra khơi xa, cùng với sự phát triển hàng hải nhộn nhịp, những ngọn đèn biển đơn lẻ đó dần được thay thế bằng cả một hệ thống đèn biển xây dựng qui mô, có tầm chiếu sáng xa hơn và phân rải trên khắp các vùng ven biển để chỉ dẫn chung cho tầu bè qua lại …
…Không biết có phải rồi vì là những người dẫn đường tận tụy, cần mẫn, là ánh sáng hy vọng đối với những người đi biển đang lạc trong đêm tối mịt mùng hay dáng vẻ hiên ngang kiêu hãnh của các công trình kiến trúc độc đáo trước bão giông... hay là vì cuộc sống cô quạnh kiên cường của những người giữ đèn mà đèn biển nhanh chóng trở thành một nguồn cảm hứng cho văn chương, thi ca, hội họa và các tác phẩm điện ảnh…? Và khi các cây đèn biển được đưa lên tem thì đề tài “Đèn biển” cũng đã nhanh chóng quyến rũ không ít người sưu tập.
… Đèn biển Việt Nam
Theo Cục Hàng Hải Việt Nam "vinamarine" cho hay chúng ta có 92 ngọn đèn biển trải dài suốt dọc từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái và trên hầu hết các đảo thuộc lãnh hải Việt Nam. Một số ngọn tính tới nay đã vượt quá trăm năm tuổi, nhưng cũng có ngọn còn rất trẻ và cũng có những ngọn vẫn đang còn tiếp tục được xây dựng…
“Đội ngũ đèn biển Việt Nam” là một tập hợp qua nhiều thời kỳ xây dựng khác nhau. Những ngọn đèn biển kiểu hiện đại đầu tiên được dựng lên là cùng với quá trình xâm lược và khai thác Đông dương của người Pháp [1] Tiếp đó, để phục vụ cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hệ thống đèn biển còn được củng cố và bổ sung ngay trong thập kỷ 1960 [2] để đảm bảo giao thông trên biển cũng như phát triển nghề cá. Rồi khi cuộc chiến tranh chống Mỹ mở rộng trên cả nước, mặc dầu đèn biển là những mục tiêu bị đánh phá hàng đầu nhưng chẳng những vẫn giữ vững được vị trí chiến đấu mà còn tiếp tục được triển khai thêm [3] … Và từ ngày đất nước hòa bình thống nhất hệ thống đèn biển Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao và mở rộng để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
…"Đèn biển” không chỉ là “đèn biển”
Trong cuốn “Côn Lôn quần đảo của Việt Nam từ một nhà tù lịch sử đến một vùng phát triển kinh tế mới” [4] của Nhà xuất bản Harmattan Paris có đề cập tới một câu chuyện lý thú có liên quan đến các cây đèn biển của ta như sau: “Trong bức thư ngày 10/7/1861, Bộ trưởng Bộ Hàng hải Pháp Chasse Loup Laubat đã thúc dục đô đốc Charner phải tiến hành khảo sát để lập đề án xây dựng Côn Lôn. Ông ta e rằng rốt cuộc thì một nước phương tây khác, mà chủ yếu là nước Anh, sẽ đặt chân lên nơi đây trước Pháp. Charner đã không nghĩ về tầm chiến lược của quần đảo này như ngài bộ trưởng. Vì vậy, ông ta phải chỉ thị rõ hơn qua một trung gian là đô đốc Bonard khi ông này được cử sang Nam Kỳ thay thế Charner. Nội dung của chỉ thị đó là: chiếm Côn Đảo và ngay sau đó, khởi công xây dựng sớm nhất khi có thể một cây đèn biển. Nhận được chỉ thị ngày 23/11/1861, Charner lập tức ra lệnh mở chiến dịch ngay trong ngày và bàn giao cho người kế nhiệm trong đêm trước khi lên đường trở về Pháp” . Điều đó nói lên rằng sự tồn tại một cây đèn biển nhiều khi còn mang ý nghĩa rộng hơn một công trình kỹ thuật đảm bảo giao thông.
Cách đây hai năm tình cờ được đọc một bài báo, tên báo và tác giả thì không nhớ nhưng tên bài báo còn lưu lại trong ký ức tôi tới hôm nay. Đó là: “Những ngọn đèn biển: Nguồn sáng biểu tượng chủ quyền biển Việt Nam”. Và vì thế khi sưu tầm tem về chủ đề này tôi thấy hình như bên trong vẻ đẹp của những cây tháp cổ còn ẩn chứa biết bao điều sâu sắc khác nữa.
Bên cạnh các cây đèn cổ:
Bên cạnh các cây đèn cổ thật quả khi nói về hệ thống đèn biển Việt Nam mà chúng ta chỉ chú ý tới những cây đèn cổ thì thấy còn điều gì đó chưa được đầy đặn. Vâng thực vậy, ngay trên quần đảo Trường Sa của chúng ta, từ ngọn đèn biển đầu tiên được xây dựng trên đảo Song Tử Tây năm 1993, con số đó tính đến năm 2012 đã tăng lên thành 9 [5].
Mỗi ngọn đèn biển xuất hiện giữa chốn này đều như một huyền thoại. Đèn biển Đá Lát cao 42m thì dầm chân trong đảo chìm phía cực nam quần đảo thì cách Trường Sa Lớn tới 15 km và cách Mũi Né (Bình Thuận) 220 km. Khi xây dựng, người ta đã phải đóng mới cả một sà lan chuyên dùng có cần cẩu cao 44 m và sức nâng tới 600 tấn mới thi công được…
Đèn biển Tiên Nữ - điểm cực Đông của Tổ Quốc |
Còn hiện nay, đảo Tiên Nữ, nơi được coi là điểm cực Đông của Tổ quốc cũng hiện diện một cây đèn biển. Từ Song Tử Tây muốn tới đây phải vượt qua 160 hải lý trùng dương mất trọn một ngày đêm. Ba người thợ đèn ở đó bao giờ cũng là những người Việt Nam đầu tiên được đón chào một ngày mới ….
Tuy nhiên, tại quần đảo Trường Sa, ngay trên tổng số 21 đảo, 33 điểm mà Việt Nam đã xác lập chủ quyền [5] hiện nay mới có được 9 cây đèn biển phục vụ cho việc đi lại trên biển ở vùng có luồng lạch phức tạp này còn khó khăn [6].
Và những người giữ đèn biển
Tìm hiểu về những cây đèn biển mà chỉ thấy được cái đẹp vô tri vô giác của công trình mà không nhắc gì đến cuộc sống nơi đây thì chưa đầy đủ. Những con người đang sống tại đây để đảm bảo cho chúng hoạt động. Vì vậy, tuy không phải là chủ đích của bài này nhưng cũng xin dành ít dòng để lưu ý lược qua kể. Họ chấp nhận cuộc sống ở những xa xôi biệt lập trong các điều kiện khắc nghiệt nhưng luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và luôn thường trực. có nơi khi đề cập đến đèn biểnmà chúng ta không nghĩ tới những con người đang sống tại đó thì thật là vô tâm. Công việc thầm lặng ấy đã diễn ra hơn nửa thế kỷ qua, không phải ai cũng biết đến. Dù nắng mưa, giá rét, bão tố, những ngọn đèn biển trên núi cao cũng như dưới mặt nước không bao giờ được tắt. Tàu chở khách, chở hàng trong nước và quốc tế; tàu thuyền đánh cá của ngư dân; tàu của hải quân và cảnh sát biển... hành trình trên biển và ra vào các hải cảng an toàn là nhờ có họ - những con người góp phần nhỏ bé của mình giữ gìn chủ quyền biển đảo.
… Đèn biển và chơi tem
Với chức năng để báo hiệu và dẫn đường nên các cây đèn biển được xây dựng bao giờ cũng có hình dáng độc đáo để dễ nhận biết và phân biệt. Phải chăng vì thế mỗi cây đèn biển thường có kiến trúc đa dạng và đẹp nên hấp dẫn người chơi tem. Tem về đèn biển phong phú nên đã thu hút được rất người chơi tem sưu tập về đề tài này. Sự hâm mộ đèn biển của đông đảo người chơi tem còn khiến cho một số nước không hề có bờ biển nhưng cũng có tem về đèn biển như Thụy Sỹ, Liechtenstein, Hungary… Con tem Hungary bên đây mang hình ảnh cây đèn biển Alexandria, một trong bảy kỳ quan đầu tiên của thế giới, cây đèn biển mà khi hoạt động người ta đã phải dùng tới 700 lao động để vận chuyển củi thắp sáng cho nó là một ví dụ.
Bộ tem "Đèn biển" được phát hành ngày 15/5/2013 gồm 4 mẫu tem lần lượt giới thiệu hình ảnh 4 ngọn đèn biển tiêu biểu của nước ta gồm: Đèn biển Diêm Điền (Thái Bình), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đại Lãnh (Phú Yên) và Kê Gà (Bình Thuận). |
Mẫu 1 |
Người sưu tập tem về đèn biển thường chú ý tới tất cả những con tem có hình ảnh liên quan đến một cây đèn biển mà họ đang tìm kiếm. Ngày 15/5/2013, Việt Nam phát hành bộ tem đèn biển thứ 2. Báo chí chúng ta nhất loạt đưa tin: "Đã có 8 mẫu tem bưu chính Việt Nam về đèn biển”. Nhưng đối với những người quan tâm đến vấn đề này thì “đã có 10 mẫu tem bưu chính Việt Nam về đèn biển”. Hai mẫu tem “Kỷ niệm 30 năm giải phóng Hải Phòng” (mẫu 1) và “Kỷ niệm 60 năm ngày Khởi nghĩa Hòn Khoai” đều được kể vào đề tài này, thậm chí mẫu 1 mới được coi là mẫu tem đầu tiên về đèn biển của Việt Nam. Mẫu 2 hình cây đèn ở xa trông rất nhỏ nhưng ngọn đèn biển Hòn Khoai lại là một cây đèn rất nổi tiếng nên những người sưu tầm vẫn ra công tìm kiếm.
Mẫu 2 |
Đèn biển đã xuất hiện hàng nghìn năm nay trong xã hội loài người nên cũng đã trải qua bao thay đổi. Để thắp sáng đèn biển cũng đã có bao thay đổi tiến bộ. Từ khi là những ngọn đền đơn sơ tới khi có hệ thống lăng kính và rồi điện khí hóa, tự động hóa…
Ngày nay trước sự phát triển của công nghệ chắc rồi đây các cây đèn biển cao chót vót mọc lên giữa chốn hoang vu chắc sẽ không còn nữa. Các hệ thống dẫn đường bằng bằng vô tuyến định vị qua vệ tinh… chắc sẽ dần thay thế. Vì vậy một số nước cũng bắt đầu nghĩ tới việc chi phí cho việc bảo tồn các công trình cổ kính này. Thiển nghĩ phát hành tem và sưu tập tem về về đề tài này cũng là một hình thái giúp chúng ta “bảo tồn di sản văn hóa đèn biển”.
Chú thích:
[1]. Các ngọn Bảy Cạnh ở Côn Đảo (1885), Cù lao Xanh, Đại Lãnh và Hòn Lớn ở Nha Trang (1890), Long Châu, Hòn Dáu ở Hải Phòng (1894), Núi Nai ở Kiên Giang (1896), Kê Gà ở Bình Thuận (1898), Hòn Khoai ở Cà Mau (1899), Tiên Sa ở Đà Nẵng (1902), Mũi Dinh ở Ninh Thuận (1904) và Vũng Tàu ở Vũng Tàu Côn Đảo năm (1913)…
[2]. Các đèn cấp I như Đảo Cô Tô (1961), Vĩnh Thực (1962), các đèn cấp II như Ba Lạt, Biển Sơn (1962), …
[3]. Lạch Trào (1965), Quất Lâm (1966), Cửa Hội (1966), Cửa Sót (1969), Cửa Nhượng (1967).…
[4]. Poulo Condore Archipel du Vietnam du bagne historique à la nouvelle zone de developpement economique
[5]. Dọc các đảo và điểm đảo Trường Sa tính tới tháng 9/ 2012 dã có 9 ngọn hải đăng như Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết.
[6]. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm diện tích khoảng 160 đến 180 nghìn km2. Trong số này có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước.
[7]. Theo báo cáo của Tổng giám đốc Tổng Công ty Đảm bảo An toàn Hàng hải miền Nam - Phạm Đình Vận với Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi ra thăm Trường Sa đầu tháng 5/2013. Ông còn “Đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng đèn biển ở những nơi chưa có …".
Tuệ Khang
Tạp chí Tem
Cuối tuần thăm các em học sinh nghèo tại Hậu Lộc
Submitted by nlphuong on Sun, 15/09/2013 - 16:20(ICTPress) - Cuối tuần này, chúng tôi, những đoàn viên thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có dịp về với các em trường tiểu học Hải Lộc và nhà xã hội Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa nhân dịp năm học mới 2013 - 2014 và trung thu.
Hậu Lộc là một huyện ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 25 km về phía Đông Vắc; giáp huyện Nga Sơn, Hà Trung về phía Bắc, Hoằng Hóa về phía tây và nam; phía Đông giáp với biển Đông.
Tại trường tiểu học Hải Lộc, Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT đã tặng 150 phần quà là bút, vở cho các em học sinh khó khăn và tặng 20 học bổng, mỗi học bổng trị giá 500.000 đồng cho các em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, trong đó, nhiều em đã mồ côi cha.
Thăm nhà xã hội Minh Lộc, hiện đang nuôi 9 em đã mồ côi cha, mẹ, chúng tôi không khỏi xúc động khi các em đều đang nỗ lực học tập và các mẹ ở đây đã vượt qua nhiều khó khăn để chăm sóc các em trưởng thành. Cô Nguyễn Thị Bình, một người mẹ nuôi còn khá trẻ cho biết các em đều ngoan và cố gắng học tập. Hầu hết các em đang học phổ thông.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Mạnh Nhường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Minh Lộc cho biết đây là vùng bãi ngang, khó khăn, thường xuyên chịu thiên tai bão lụt, một trong những nghề chính của người dân ở đây là đi biển với nhiều rủi ro, bất trắc. Vì vậy, nhiều em nhỏ đã mồ côi sớm hoặc có bố mẹ bị thương tật, do vậy, nhà xã hội Minh Lộc đã đón các em về chăm sóc.
Ông Hoàng Mạnh Nhường đã nhấn mạnh, tình cảm của xã hội dành cho các em chính là món quà quý giá, lưu lại trong ký ức của các em để cố gắng phấn đấu trở thành con người có ích.
Đại diện cho Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT, Bí thư Lã Hoàng Trung cho biết, công tác tình nguyện của Đoàn Bộ TT&TT được triển khai hàng năm với mong muốn góp phần nhỏ bé của các đoàn viên, thanh niên Bộ dành tặng cho các em để động viên, khuyến khích các em nỗ lực học tập, phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi.
Bạn Đàm Thị Hảo, đoàn viên Chi đoàn Viện Phần mềm và Nội dung số lần đầu tham gia tình nguyện đã rất phấn khởi với hoạt động ý nghĩa này và mong muốn tiếp tục tham gia các hoạt động tình nguyện do Đoàn Bộ TT&TT phát động.
Để chuẩn bị chuyến đi này, Đoàn thanh niên Bộ TT&TT từ cách đây hơn hai tháng đã phát động một đợt quyên góp sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm và trở thành một đợt sinh hoạt đoàn rộng khắp trong toàn bộ các cơ sở đoàn trực thuộc.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT trong chuyến đi ý nghĩa này:
Chuẩn bị quà cho các em nhỏ |
Trao tặng các phần quà cho các em học sinh nghèo trường tiểu học xã Hải Lộc |
Trao tặng 20 học bổng cho các em học sinh tiểu học xã Hải Lộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có thành tích vượt khó trong học tập |
Gặp gỡ các mẹ nuôi và các em mồ côi tại Nhà xã hội Minh Lộc, Huyện Hậu Lộc |
Chụp ảnh với các em Nhà xã hội Minh Lộc |
Bịn rịn chia tay các em |
Thăm di tích lịch sử cách mạng và thắp nén hương cho mẹ Tơm, người mẹ nghèo nuôi giấu cán bộ cách mạng, tại xã Đa Lộc, Huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. |
Tìm hiểu cuộc đời mẹ Tơm qua bài thơ "mẹ Tơm" nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1961. |
Vũ Nhung - Lan Phương
Life & English: “Cupid Festival 2013”
Submitted by nqmhien on Sun, 15/09/2013 - 09:26Cupid Festival 2013 is a wonderful opportunity for you to experience a lively and colorful mid-autumn festival. All the money will be donated to children suffering from severe financial difficulty and life-threatening illnesses.
Today, Sun 15 Sep 2013, 8 am - 10 pm, Cupid Festival 2013 is organized at 9 Tran Thanh Tong Str.,Hanoi.
Activities of the festival:
- Book fair with interesting activities.
- Handmade fair, fancy space to take photos
- Music and street dance with flashmob “Bring it all back”
All the money will be donated to pediatrics of poor families in National Hospital of Pediatrics.
(Source: Hanoi Grapevine)