Mustafa ở Singapore

(ICTPress) - Mustafa là tên gọi thường gặp ở Ả rập cùng với huyền thoại của những câu chuyện được kể trong nghìn lẻ một đêm. Nhưng ở Singapore, Mustafa lại là tên một khu chợ của người Ấn Độ, nhà cửa ở khu phố này vẫn còn giữ nhiều nét của những khu phố Singapore mấy chục năm về trước.

Vài năm gần đây, người Pakistan và các nước Ả rập tham gia buôn bán ngày càng nhiều ở khu vực chợ Mustafa. Có lẽ người Ả rập đã tìm đến Mustafa ở Singapore theo tên gọi quen thuộc và tìm thấy ở đây nhiều nét thân quen và thuận tiện cho việc làm ăn buôn bán. Cạnh chợ, những cửa hàng ăn biển hiệu Pakistan mọc lên ngày càng nhiều, mùi húng quế, hồi và gia vị của các món ăn nấu theo kiểu Trung Đông hòa lẫn với mùi cari Ấn độ tạo nên hương vị đặc trưng của khu phố này. Với gần 80% dân số Singapore là người gốc Hoa, chỉ 8% là người gốc Ấn Độ, khá nhiều người dân Singapore vẫn xem Mustafa là khu vực có nhiều bí hiểm, họ ít đặt chân tới dù sống và làm việc cách đó không xa.

Một chiều đang dạo bộ trên phố Orchard, khu phố mua bán trung tâm và sầm uất nhất của Singapore, chúng tôi được phát tờ quảng cáo các cửa hàng vàng ở chợ Mustafa đang khuyến mại giảm giá 10%. Ô, quả là một quảng cáo thú vị, nhất là khi vàng đang lên giá trên toàn thế giới. Chúng tôi quyết định lấy taxi đến ngay Mustafa mặc cho cô bạn Singapore (gốc Hoa) ra sức can ngăn là không nên đi mua sắm ở Mustafa vì theo cô, khu vực chợ Mustafa khá lộn xộn, hàng hóa “rẻ tiền”, người bán hàng hay nói thách, chất lượng hàng hóa không bảo đảm, tốt hơn cả là nên mua sắm ở khu Orchard… Sau một hồi giải thích với bạn rằng chúng tôi chỉ đi Mustafa để “ngắm” thôi chứ không “sắm” gì cả, và vì đang đi dạo nên cũng không mang nhiều tiền, rút cục chúng tôi cũng lên được taxi với vô số lời dặn dò phải cẩn thận của cô bạn người địa phương.   

Chợ Mustafa đây rồi. Hình bàn chân màu vàng có in quảng cáo vàng giảm giá 10%, được dán ngay từ cửa chợ, dán liên tiếp thành một lối đi, băng qua cả những con  ngõ, đảm bảo cho khách hàng cứ tuần tự đặt bàn chân của mình vào đúng các bàn chân quảng cáo ấy là sẽ đến nơi cần tìm. Một lối đi thú vị đấy chứ. Tiến bước theo quảng cáo, chúng tôi đến siêu thị vàng. Phải gọi là siêu thị vì các cửa hàng rất to với rất nhiều loại trang sức được làm từ vàng. Hầu hết hay toàn bộ vàng bán ở đây là vàng 999 mà người Việt mình hay gọi là vàng ta, có một số trang sức làm từ vàng trắng, không thấy bán vàng tây 585 hay 750 (tỷ lệ vàng 58,5% hay 75%) như ở Nga hay châu Âu. Hỏi mua một sợi dây chuyền vàng, cô chủ hàng người Ả rập có đôi mắt to đen rất đẹp, hỏi khách muốn mua loại trọng lượng bao nhiêu rồi mở quầy lấy ra một nắm dây chuyền được bó lại như kiểu bó “đậu đũa”, chiếc nào chiếc nấy đều tăm tắp đúng trọng lượng yêu cầu. Những loại dây có trọng lượng khác được bó trong các bó “đậu đũa” khác. Có lẽ gom tất cả dây chuyền vàng đang trưng bày ở các cửa hàng trên phố Cầu Gỗ (Hà Nội) thì có thể cũng được một bó “đậu đũa” như ở đây. Được dặn dò là phải mặc cả kỹ càng nên chúng tôi mang theo cả tờ quảng giảm giá 10% để thảo luận giá cả với người bán hàng. Cô Ả rập chỉ tay lên màn hình treo tường đang hiển thị giá vàng thế giới. Té ra là vàng được bán đúng giá thị trường chung, chỉ giảm giá 10% công chế tác mà thôi. Mà công chế tác thì có thể đã được tăng gấp rưỡi rồi giảm giá 10%. Tuy nhiên, chúng tôi lại có thêm ít kinh nghiệm về quảng cáo.    

Vì chỉ định “ngắm” chứ không định “sắm” nên chúng tôi thoái thác bằng cách hỏi mua trang sức vàng tây (58,5 % hay 75%) và lập tức nhận một cái chun mũi rất ấn tượng từ cô bán hàng, cô khuyên chúng tôi sang cửa hàng của người Ấn Độ mà mua vì các cửa hàng  vàng Ả rập không có loại “rẻ tiền” đó. Tiến bước sang khu kinh doanh vàng của người Ấn Độ, chúng tôi diễn lại công đoạn cũ và cũng nhận được cái trề môi ấn tượng không kém từ cô bán hàng người Ấn có đôi mắt cũng to đen nhưng nước da sẫm màu hơn. Cô Ấn Độ khuyên chúng tôi hãy sang cửa hàng vàng Ả rập mà mua vì các cửa hàng Ấn Độ không có loại “rẻ tiền”.

Thực ra thì tôi đã nhìn thấy trang sức làm từ loại vàng “rẻ tiền” đó ở  Orchard lúc chiều nhưng thấy quảng cáo hấp dẫn nên đã bị lôi cuốn về Mustafa. Thú vị thật khi thấy mọi người đều tự tin về hàng hóa của mình là tốt nhất, và chỉ người khác mới bán hàng “rẻ tiền”. Mặc dù không mua được gì trong buổi chiều hôm đó nhưng chúng tôi đã hiểu thêm đôi chút về văn hóa kinh doanh ở Singapore và các kiều dân sinh sống ở đó.

Ngày hôm sau, vẫn bị hấp dẫn bởi bó “đậu đũa”, tôi đã quay lại Mustafa để mua sợi dây chuyền. Cô Ả rập khuyến mại thêm hẳn một cái ví nhung xanh và một cái túi lụa đỏ, made in China, kèm theo rất nhiều nụ cười niềm nở hẹn gặp lại.

Hiền Minh

Tin nổi bật