Syndicate content

Chuyện dọc đường

VMS1 vô địch giải bóng đá Đoàn TN Bộ TT&TT lần thứ 3

(ICTPress) - Sau một tuần thi đấu sôi nổi và kịch tính, Giải bóng đá thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) năm 2013 đã kết thúc với hai trận đấu tranh giải Nhất và tranh giải Ba. Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai đã tham dự lễ bế mạc và trao giải cho các đội bóng.

Tham dự giải có 6 đội bóng thuộc Bộ và 2 đội khách mời là Bưu điện Hà Nội và Trung tâm Thông tin Di động khu vực 1 (VMS1).

Các đội bóng thi đấu theo thể thức loại trực tiếp. Đội bóng của Trung tâm Thông tin Di động VMS1 đã dành chiến thắng trước Bưu điện Hà Nội với tỷ số 3 - 2 ở trận chung kết để đoạt chức Vô địch giải. Đội bóng Trung tâm Thông tin Di động VMS1 cũng được đánh giá là đội có dàn cầu thủ đồng đều nhất giải.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai trao giải Nhất cho đội bóng VMS1

Ở trận tranh giải Ba, Liên quân Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Cục ứng dụng CNTT thi đấu với Liên quân Cục Viễn thông, Quỹ Viễn thông công ích đã hòa 1 - 1 và phải thi đấu luân lưu và chiến thắng đã thuộc về VNNIC, Cục ứng dụng CNTT với tỷ số 5 - 4.

Giải phong cách đã được trao cho Đội bóng Liên quân khối cơ quan Bộ. Ban tổ chức giải cũng đã trao danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất cho cầu thủ Trần Minh Tiến của Trung tâm Thông tin Di động VMS1 và cầu thủ xuất sắc nhất cho cầu thủ Nguyễn Huy Hoàng, Bưu điện Hà Nội.

Thứ trưởng Trần Đức Lai chụp ảnh lưu niệm với đội bóng phong cách của giải - Liên quân cơ quan Bộ

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Lã Hoàng Trung cho biết: Giải bóng đá thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2013 đã thành công tốt đẹp. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động để chào mừng thành công của Đại hội, Hội nghị đại biểu các cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ, tiến tới Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Bộ lần thứ 3, nhiệm kỳ 2013 - 2018 sẽ được tổ chức trong tháng 12/2013.

Bí thư Lã Hoàng Trung trao giải cầu thủ xuất sắc nhất giải cho cầu thủ Nguyễn Huy Hoàng, Bưu điện Hà Nội.

Giải đấu đã thành công tốt đẹp và đọng lại là sự phấn khởi, tin tưởng, vui tươi cho các đoàn viên thanh niên trước thềm Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT lần thứ 3, nhiệm kỳ 2013 - 2018.

 Vũ Nhung - Lan Phương

Đừng chết ở tuổi 25...

"Phần lớn mọi người đã chết ở tuổi 25, chỉ có điều đến 75 tuổi mới chôn mà thôi" (Most people die at 25 and aren’t buried until they’re 75) - Benjamin Franklin.

Thật vậy, rất nhiều người trong chúng ta sống “khổ” từ bé đến lớn, cho cả đến khi chết đi hay nói theo nhận định ở trên là đã chết lâm sàng từ lâu. Khổ ở đây không phải về mặt vật chất mà khổ ở mặt tinh thần. Rất nhiều người đánh đổi tuổi trẻ, sức khỏe, hạnh phúc, thời gian bên người thân yêu lấy cái gọi là công việc, sự nghiệp, địa vị và tiền bạc để rồi khi về già hoặc khi ốm đau bệnh tật thì công việc, sự nghiệp mất, sức khỏe suy sụp và sẵn sàng trả giá cao để “mua lại” sức khỏe, còn tuổi trẻ chắc chắn đã một đi không trở lại.

Trẻ em ở Việt Nam thậm chí bị đánh cắp tuổi thơ, học nhiều hơn tận hưởng thời thơ ấu, những đồng phạm tiếp tay lại chính là cha mẹ và thầy cô. Từ lớp mầm non đã phải học thêm, học nếm, học đọc, học viết, học chuẩn bị trước khi bước vào lớp một, cứ như vậy cả cuộc đời niên thiếu cho đến tận khi tốt nghiệp đại học phải đóng vai những con lừa còng lưng cõng sách vở trên vai, “chữ nghĩa kiểu thầy cô” trong đầu.

Tốt nghiệp đại học xong, những người được "xã hội" cho là may mắn, kiếm được việc làm ngay, bước vào cuộc sống thực tế với cơm áo, gạo tiền, làm việc từ sáng đến tối, 8h/ngày, 6 ngày/tuần. Cứ vậy cày cuốc, lo mua nhà mua cửa, mua xe, lấy vợ sinh con đẻ cái, lo sữa, bỉm, tã lót cho con, lo xin cho con đi nhà trẻ, chạy trường, chạy lớp, lo cho con thi cấp 2, cấp 3, đại học, lo xin việc cho con, rồi lo dựng vợ gả chồng, cứ vậy lo cho đến lúc chết. Một cuộc đời hoàn toàn lo âu và toan tính. Đến khi về già chép miệng thở ra: " Âu cũng là một kiếp nợ đồng lần".

Tôi nghĩ không ai trên đời này muốn sống như vậy cả nhưng thực tế nhiều người đang sống như vậy, chỉ đến khi về già có kinh nghiệm có thời gian ngẫm ra thì đã muộn.

Vậy sao chúng ta không thay đổi? Tại sao chúng ta lại vẫn cứ đi theo lối mòn của các thệ hệ đi trước? Chúng ta sợ sự khác biệt, sợ khác với đám đông?

Tại sao không dám tận hưởng cuộc sống? Tại sao không dám mang lại hạnh phúc cho gia đình mình, cho những đứa con, cho những người thân yêu?

Nhiều người nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể an nhàn, tận hưởng cuộc sống khi đã có trong tay rất nhiều tiền, sau khi đã về hưu, đã phấn đấu một đời. Vâng, thế hệ tôi được dạy như thế. Nhận thức của xã hội là như thế. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ lúc đó chúng ta quá già, không còn sức khỏe, ốm yếu, bệnh tật, ăn không biết ngon, xương cốt đau nhức, nằm trên giường còn thấy khó ở chứ đừng nói làm gì, tận hưởng vào đâu?

Để tận hưởng vật chất cần có nhiều tiền? Đó là một nhận thức sai lầm. Thực tế, tại Việt Nam nhiều đại gia sống trong tòa biệt thự hoành tráng, đất đai vô số, sở hữu Roll-Royce, xài toàn hàng hiệu … nhưng trong lòng lại bất an, ăn nhà hàng hạng sang nhưng không thấy ngon, tối ngủ giường êm, đệm ấm nhưng giấc ngủ chập chờn, không an giấc. Đến khi thức giấc lại phải đối mặt với toàn toan tính. Tất nhiên, nếu có được tất cả là điều tuyệt vời nhưng điểm quan trọng mấu chốt ở đây chính là cân bằng cuộc sống. Bạn hãy bằng lòng với cuộc sống không có thật nhiều tiền như đại gia chỉ có mỗi thứ một chút, nhưng cân bằng cuộc sống chắc chắn sẽ rất thú vị và hạnh phúc.

Angkor Wat - một trong những kỳ quan thế giới, đi từ Sài Gòn bằng xe buýt chỉ vài trăm

Tận hưởng cuộc sống không phải là khái niệm vật chất, vì vậy không liên quan đến vật chất, không cần tiền bạc. Tận hưởng cuộc sống là khái niệm tinh thần. Đó là cảm nhận, là nhu cầu tinh thần. Bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng cuộc sống theo cách của họ, ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào. Ngay bây giờ, bạn có thể tự cho chép bản thân mình thư giãn, nằm trên một đồng cỏ xanh, hay nhâm nhi cà phê góc phố ngắm người qua lại, hay thả hồn trong những trang sách trong góc phòng tĩnh lặng.

Bãi giữa Sông Hồng, bạn có thể đạp xe ra đó nằm phơi nắng, đọc sách hoặc tổ chức ăn nhậu thịt nướng BBQ.

Hãy sống chậm lại, cảm nhận và hưởng thụ cuộc sống! Đừng để xã hội vật chất cuốn trôi bạn đi, dòng đời xô đẩy làm bạn mất kiểm soát. Cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều thú vị, dễ thương nho nhỏ, nhưng chỉ vì bước đi quá vội vã mà chúng ta bỏ qua. Tại sao các nhạc sỹ lại cảm nhận được nốt nhạc trong cuộc sống, tại sao nhà thơ lại có thể rung động trước một nhành hoa? Có thể họ được ông trời thiên phú cho một số tài năng, cảm nhận bẩm sinh nhưng có một điều chắc chắn họ hơn ta trong thực tế là họ đã dừng lại, đóng băng khoảnh khắc đó, cảm nhận, nâng niu, sung sướng, hạnh phúc rồi tìm những ca từ, nốt nhạc, chắt chiu,chọn lọc, chậm rãi để biến những rung động, cảm nhận cá nhân đó thành những khuông nhạc hay áng thơ. Tất cả những cái đó đầu tiên là để thỏa mãn cá nhân, để giúp họ hưởng thụ cuộc sống sau đó mới phổ biến ra xã hội như một cách họ chia sẻ niềm vui. Họ đã dành thời gian để sống chậm lại với những khoảnh khắc, còn ta thì tua nhanh cho đến hết cuộc đời.

Người phương Tây có câu: “Cuộc sống là một món quà” (Life is a gift). Hay trong hậu Tây Du Ký của Phương Đông, sau khi bốn thầy trò Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh về, được đầu thai làm Bồ Tát. Trong đêm cuối cùng của kiếp người, đợi ngày mai trời sáng vào cõi Niết Bàn, Tam Tạng trằn trọc bâng khuâng không ngủ được mà theo lời Tôn Ngộ Không là do ông nhớ cả một kiếp người, Tôn Ngộ Không là một con khỉ đá và thích hưởng thụ cuộc sống, hỉ nộ ái ố của kiếp người hơn là kiếp Phật vô ưu vô lo. Chúng ta là người nhưng lại không cảm nhận được sao?

Hãy tận hưởng những giây phút bạn sống trên cuộc đời này.

Sống là một động từ vì vậy hãy sống sao cho sống động

Hãy cảm ơn cuộc sống vì những gì mình có, cũng như chính sự hiện diện của bạn trên cuộc đời này. Nếu không là người chúng ta là cái gì? Bạn thích sự vô hình, vô tưởng, không biết đó? Hãy hạnh phúc khi mỗi sáng mai thức dậy thấy cơ thể khỏe mạnh, yêu đời. Hãy tận hưởng cuộc sống, hạnh phúc với những điều rất bình dị, như nô đùa cùng con trẻ, tiếng cười khúc khích của trẻ thơ, bữa ăn ấm cúng cùng gia đình, nghe thì đơn giản nhưng nhiều người để tuột qua, khi mất rồi mới thấy tiếc.

Vật chất ư? Ngay cả với những chuyên gia kinh tế học nổi tiếng thế giới như AlfredMarshall, Adam Smith hay Milton Friedman còn cho rằng công việc của họ là tìm hiểu xem con người làm những cái gì và ảnh hưởng của những hành vi này đối với xã hội loài người ra sao và kinh tế học là môn học để làm sao thu nhận được nhiều nhất từ cuộc đời.

Nếu chiếu theo lăng kính này, mỗi chúng ta có một xuất phát điểm như nhau, đều sinh ra và có số vốn bằng nhau đó là cuộc sống, đơn vị đồng tiền chính là thời gian. Hãy làm sao thu lời lớn nhất từ cuộc đời của bạn và hãy hạnh phúc với những gì bạn có. Một trong những kịch bản phim khai thác đề tài này khá thú vị là "In Time", các bạn có thể xem để tham khảo.

Sống là để trải nghiệm

Hãy chấp nhận cuộc sống với những thách thức, những vui buồn, hỉ nộ ái ố, hãy luôn mỉm cười với cuộc sống, gạt bỏ sự nhút nhát, sẵn sàng thử nghiệm và thay đổi chính mình. Thử nghiệm và Thất Bại (Test & Error) là chuyện bình thường. Các nhà khoa học nghiên cứu còn thích thú với quá trình đó. Sao bạn không áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, ví dụ bạn hay ngượng trước đám đông nhưng lại đăng ký tham gia một lớp học nhảy đầm ngoài vườn hoa. Bạn sợ độ cao nhưng đăng ký một lớp học leo núi. Đôi lúc dám làm những điều bạn không thích có thể mang đến cho bạn những niềm vui bất ngờ, những thử nghiệm thú vị, cho bạn kinh nghiệm, kỹ năng và tăng sự tự tin. Hãy sẵn sàng thử nghiệm, vượt qua những thách thức của bản thân, làm những điều bình thường mình sợ không dám làm miễn là không vi phạm luân thường đạo lý và trái với lương tâm.

Trong lần đi chơi trèo thuyền Kayak và leo núi ở Vịnh Hạ Long vừa rồi, người hướng dẫn viên nói với chúng tôi rằng, đoàn của chúng tôi là đoàn người Việt Nam đầu tiên. Vậy hóa ra từ trước đến nay, bao cảnh đẹp và thú vui ở ngay Việt Nam chỉ dành cho Tây chơi thôi sao? Họ phải mất tiền bay máy bay từ một nơi xa xôi đến đây để được trải nghiệm một trong những danh thắng của thế giới, còn chúng ta người bản xứ cơ mà.

Sống chậm không có nghĩa là lười biếng

Sống chậm và tận hưởng cuộc sống không có nghĩa là lười biếng, không làm gì cả mà sự thực là đòi hỏi nỗ lực 100%. Bạn muốn dạy sớm đạp xe dưới anh ban mai, hay trong tiết trời Thu lành lạnh, hít thở không khí trong lành, mùi thơm của hương hoa đất trời, đi về cà phê ăn sáng, tán gẫu cùng bạn bè nhưng lại không muốn chui ra khỏi chăn lúc trời vừa sáng. Bạn muốn lên đỉnh núi ngắm hoàng hôn nhưng không muốn leo núi. Với bất kỳ việc gì hãy nỗ lực hết sức của mình.

Không phải tất cả các phát minh khoa học đến từ lần thí nghiệm đầu tiên. Không phải tự nhiên một ai đó có thể trượt băng, trượt tuyết, đi vòng quanh thế giới, đến được những nơi thâm sơn, cùng cốc, tận cùng của thế giới, những thành phố cổ xưa với nền văn minh đã mất, dám nhảy xuống biển khơi từ những vách đá treo leo dựng đứng, chinh phục những đỉnh cao, nơi không khí loãng có thể làm chết người. Tất cả những thứ đó đều đòi hỏi nỗ lực, nỗ lực chinh phục chính bản thân mình, nỗ lực hoàn thiện bản thân mình, nỗ lực đưa mình ra chấp nhận thách thức của thiên nhiên. Bởi vì kẻ thù lớn nhất của đời người chính là bản thân mình. Một khi bạn đã chinh phục tất cả các kỳ quan của thế giới, cuộc đời có nhiều trải nghiệm, bạn sẽ tự tin hơn, “người” bạn sẽ lớn lên và trái đất sẽ ngày càng nhỏ lại dưới đôi bàn chân bạn. Làm hay chơi cũng thế thôi cần rất nhiều nỗ lực.

Nhà ga xe lửa nơi tận cùng thế giới

Hãy làm tận sức, sống tận hưởng và luôn luôn nỗ lực hết mình!

Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát

Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng,

Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn 

Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.

 

(To see a World in a Grain of Sand

And a Heaven in a Wild Flower,

Hold Infinity in the palm of your hand

And Eternity in an hour.) 

(William Blake) 

Chúc các bạn một cuộc sống nhiều niềm vui!

Steve Tran

Nguồn: tapchi.guru.vn

Ban nhạc cổ điển Nhật Bản AUN J trở lại Việt Nam biểu diễn

(ICTPress) - Nhân kỷ niệm 40 Năm Hữu nghị và Hợp tác ASEAN – Nhật Bản cũng như Năm Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam 2013, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam hân hạnh đồng tổ chức chương trình hòa nhạc của Ban nhạc cổ điển AUN J vào Thứ Năm ngày 12/1212013 tại Hà Nội.

Ban nhạc cổ điển AUN J là một ban nhạc đặc biệt được thành lập năm 2008 với 8 nghệ sĩ nhạc truyền thống xuất chúng của Nhật Bản, nhằm quảng bá thông điệp đơn giản nhưng mạnh mẽ tới khản thính giả trên thế giới, đó là “Các nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản giản dị, đơn giản và tuyệt vời!”

Với nhiệm vụ này và niềm tin của họ về “âm nhạc không biên giới nhưng có cội nguồn”, ban nhạc cổ điển AUN J đã tích cực trình diễn trên hơn 70 địa điểm tại Nhật Bản, cũng như ở nước ngoài, trong đó có Pháp, Ý, Trung Quốc, Papua New Guinea và Nam Tư, để quảng bá nét đẹp của văn hóa Nhật Bản qua âm nhạc.

8 nhạc công trẻ Nhật Bản đều là những nghệ sĩ tích cực, có nhiều giải thưởng âm nhạc tại Nhật Bản và nước ngoài, có thể chơi điêu luyện được nhiều loại nhạc cụ truyền thống quan trọng của Nhật Bản như Taiko (trống Nhật Bản), Shamisen (một loại đàn tì bà 3 dây của Nhật Bản), Koto (đàn tranh 13 dây của Nhật Bản), Shakuhachi (sáo tre của Nhật Bản), Shinobue (sáo ngang của Nhật Bản) và Narimoto (bộ gõ của Nhật Bản).

Thành viên chủ chốt của Ban nhạc cổ điển AUN J, anh em sinh đôi Kohei & Ryohei, nguyên Đại sứ Văn hóa Nhật Bản với song tấu mang tên “AUN” đã tới Đông Nam Á năm 2011. Buổi trình diễn của họ với tay trống Hide (cũng là thành viên của Ban nhạc cổ điển AUN J) tại Hà Nội đã rất thành công.

Hai nghệ sĩ Việt Nam đã tham gia trình diễn cùng với AUN năm 2011, Ngô Trà My và Nguyễn Thanh Thủy, là những nghệ sĩ nhạc truyền thống danh tiếng của Việt Nam, cũng sẽ biểu diễn với Ban nhạc cổ điển AUN J để đóng góp những nét đẹp của văn hóa Việt Nam vào chương trình.

Buổi hòa nhạc sẽ bắt đầu vào 20h00 ngày Thứ Năm 12/12/2013 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội). Vé miễn phí sẽ được phát từ 14h00 hôm nay Thứ Sáu 29/11/2013 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo Ngọc

Triển lãm Nghệ thuật Đồ họa Chữ

(ICTPress) - Với sự phối hợp của Richard Moore Associate, FPT Arena và viện Goethe Hà Nội,  Triển lãm Nghệ thuật Đồ họa Chữ lần thứ 59 của New York Type Directors Club (TDC) sẽ diễn tại viện Goethe với chủ đề rất đỗi quen thuộc với cuộc sống hàng ngày: “Chữ in và Từ”.

Từ ngày 30/11 đến 7/12, khán giả sẽ có cơ hội thưởng lãm hơn 200 tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới đã đoạt giải trong cuộc thi Nghệ thuật Đồ Họa Chữ Quốc tế 2013 được thể hiện trên nhiều vật liệu khác nhau tại Việt Goethe Hà Nội, 56 - 58 Nguyễn Thái .Học.

Cũng trong khuôn khổ triển lãm, lễ trao giải cuộc thi Thiết kế Đồ họa Chữ dành cho sinh viên “It’s your type” sẽ được tổ chức vào ngày 4/12.

 Bảo Ngọc

“Tiếng vọng ngàn năm” - mang Chèo xưa về với ngày nay

(ICTPress) - Chèo vốn từ lâu đã được coi là loại hình sân khấu thuần Việt nhất bởi hiếm có loại hình nghệ thuật nào lại gắn bó, hòa quyện vào cuộc sống lao động, sinh hoạt của nguời Việt ta một cách dung dị, mộc mạc mà tình tứ đến thế.

Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem

Chẳng thèm ăn chả ăn nem

Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo

Cho đến nay, Chèo cùng với ca trù, dân ca quan họ… đã trở thành những “từ khóa” quan trọng cho những ai muốn tìm đến những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Ra đời ở cố đô Hoa Lư bởi một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10 - bà Phạm Thị Trân, từ thủa ban đầu, chèo tồn tại dưới hình thức hát múa dân gian, trải qua năm tháng, chèo tự bao giờ xuất hiện trước sân đình vào mỗi dịp hội hè đình đám, thu hút hết thảy “già trẻ gái trai”, trở thành một môn nghệ thuật đậm chất văn hóa Việt, là một biểu tượng của văn hóa dân gian Việt Nam.

Chèo đẹp là bởi những Xúy Vân, Thị Kính, Thị Mầu, Mẹ Đốp hay anh hề hầu quan,… bởi họ là những con người đời thật, bước vào chèo để nói lên tiếng nói của dân gian. Tích trò trong chèo dù xưa hay nay vẫn luôn là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, mà ở đó cái thiện - cái đẹp luôn chiến thắng, tỏa sáng và cảm hóa cái xấu - cái ác; luôn chứa đựng và gửi gắm ước mơ, tâm hồn người Việt về một cuộc sống hạnh phúc, công bằng, ấm no, viên mãn!

Sau ngần ấy thăng trầm của lịch sử, bao thế hệ người Việt say mê những Quan Âm Thị Kính, Từ Thức gặp tiên, Lưu Bình Dương Lễ,… Ấy vậy mà chiếu chèo nay đã thiếu vắng đi những gương mặt trẻ - cả ở góc độ nghệ sĩ và khán giả. Nguyên do từ đâu? Vì người Việt trẻ không còn yêu chèo? Vì chúng ta đánh rơi tiếng nói chung giữa khán giả hiện đại và cách truyền tải ngàn xưa của nghệ sĩ? Hay bởi sự lên ngôi những loại hình nghệ thuật hiện đại đang vô tình làm mờ dần đi những tinh túy dân tộc vốn vẫn được tôn vinh bao đời?

Đi tìm câu trả lời, “Tôi xê dịch” xây dựng chương trình Windy Day 9 “Tiếng vọng ngàn năm” với mong muốn mang chèo xưa về với ngày nay, nghĩa là tái hiện chèo một cách trọn vẹn nhất.

Khán giả trẻ sẽ về với sân đình, ngồi khoanh chân trên chiếu cói đỏ, học cách thưởng thức chèo cho ra chèo, nghe tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng sáo, tiếng đàn nhị, đàn bầu… hòa chung một điệu vỡ nước, say mê với cái lúng liếng đưa tình của cô Thị Mầu, thấy tim nhói khi chứng kiến Thị Kính bị bà Sùng đổ oan, dở khóc dở cười với cảnh cả làng phạt vạ nàng Mầu lẳng lơ nhưng trái ngang mang lòng yêu Tiểu Kính… để rồi sẽ thắt lòng khi chia sẻ tâm sự với những nghệ sĩ chèo chân chính, và bối rối với những trăn trở nghề chèo…

Bên cạnh việc tham quan các di tích, thắng cảnh, điểm nhấn của các chương trình này là khi các bạn trẻ có thể lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia văn hóa-lịch sử, nhằm có được những bài học sống động, gần gũi và thú vị nhất về đất nước và con người Việt Nam.

Vua chèo Trần Đình Ngôn: “Đi, thấy và phải ngẫm nữa”

“Sở hữu gia tài đồ sộ với 105 kịch bản dài (tính tới năm 2013) với những đề tài phong phú: đề tài khai thác từ văn học dân gian, đề tài lịch sử danh nhân văn hoá, đề tài hiện đại kể cả từ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, đề tài cách mạng và lãnh tụ, các đề tài khác như dã sử, nước ngoài,....”

“...đóng góp kịch bản trong 33% Huy chương vàng, 25% tổng số Huy chương Bạc của các vở chèo được tặng giải thưởng từ 1955 đến 2005”

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. ...

TS. Trần Đình Ngôn

Những con số đầy ấn tượng mà các trang báo dành để viết về TS. Trần Đình Ngôn tưởng đã là nhiều mà vẫn chưa đủ. Là vì đối với bác, con số có giá trị lớn nhất, phải chăng là trên 50 năm đã từng gắn với với những câu thoại, lời hát, những tích xưa; chưa đủ, bởi một lẽ chẳng dễ để truyền đạt: nỗi niềm trăn trở, những đau đáu: phải gìn, phải giữ, phải cưu mang mà người nghệ sĩ ấy dành cho nghệ thuật chèo dân tộc.

Những “nhiều mà chưa đủ” ấy, được bộc lộ dần qua từng dòng chia sẻ về “cái nghiệp chèo” của TS. Trần Đình Ngôn. Người nghệ sĩ vốn sinh ra tại Hải Dương, trưởng thành ở đất Cảng, nhưng lại nảy nở tài năng nghệ thuật tại xứ Hà thành, vẫn nhớ như in từng giây phút trong nghiệp chèo của mình, từ kịch bản chèo đầu tiên “chị Dậu”- chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, với số nhuận bút “đủ mua một chiếc xe đạp Phượng Hoàng”, tới giờ. Cũng đã qua một nửa thế kỉ.... Một nửa thế kỉ, không chỉ giữ lửa cho biết bao sân khấu chèo từ thành phố tới những miền quê Việt, từ trong nước cho tới những cộng đồng văn hóa quốc tế; bác còn mang trong mình niềm nhiệt tâm “truyền lửa” không bao giờ mất: mong mỏi một lớp những người Việt “không già”, trước hết là hay  thích, về sau là yêu, là đam mê, rồi từ đó đau đáu một lòng “tiếp lửa”.

Một phần những ấp ủ không nhỏ của TS. Trần Đình Ngôn được truyền tới người con trai hiện giờ là tác giả chèo uy tín: Trần Đình Văn. Nào khắp những chiếu chèo truyền thống nơi sân đình, với sân khấu ba mặt, với những tích chèo cổ Thị Mầu, Thị Kính gắn liền cùng biết bao đời nông dân Việt; cho đến những vở chèo hiện đại tại sân khấu chèo lớn nhất nhì chốn thành thị, cùng hình tượng vị lãnh tụ, người chiến sĩ, người công nhân trong thời kì đổi mới; hai cho con “hổ phụ”, “hổ tử”- người “thất thập cổ lại hy”, kẻ “trạc tứ tuần” cùng tung hoành “ngang dọc” để làm lớn mạnh hơn, phong phú hơn, sâu sắc hơn “chiếu chèo nước nhà”.

Đã ở tuổi xế chiều, nhưng “cái lòng” với chèo của bác chẳng khi nào ngơi nghỉ: vẫn những bản thảo tự viết rồi mới để con gái đánh lại, vì “muốn giữ lại bút tích”, vẫn những chuyến đi ngang dọc đất nước sang sảng những lời tâm huyết với người trong ngoài nghề, và hơn hết, là vẫn những lời tận tụy gửi gắm tới một thế hệ thanh niên Việt yêu văn hóa: “đi, thấy, và phải ngẫm nữa”.

“Đi, thấy, và phải ngẫm nữa”, phải chăng một lời kêu gọi, nhẹ bẫng đấy, nhưng níu giữ khôn nguôi với thế hệ trẻ Việt, những con người cũng sẵn trong mình mong mỏi “Đi nhiều hơn, sống sâu hơn”.

NSƯT Thanh Ngoan: “Người nghệ sĩ của những nghệ thuật dân gian”

“Sau 35 năm gắn bó với chèo, tôi chưa bao giờ hối tiếc điều gì, không cảm thấy ân hận khi chọn Chèo là con đường sự nghiệp của mình” là lời giãi bày mang đầy tâm huyết của NSƯT Thanh Ngoan khi được hỏi về con đường nghệ thuật chị đã trải qua suốt phần ba thế kỉ.

Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Thanh Ngoan

NSƯT Thanh Ngoan tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngoan, sinh năm 1966 tại Thái Thụy, Thái Bình - một trong những cái nôi của các làn điệu chèo đặc sắc.

Thanh Ngoan bén duyên với Chèo từ năm lên 9 qua những câu Chèo ngân nga vang vọng nếp nhà từ ông, bà, cha, mẹ, cậu, dì… Con đường nghệ thuật thực sự bắt đầu khi năm 13 tuổi, Thanh Ngoan trúng tuyển diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam. Kể từ đó đến nay, cuộc sống của cô “đào lệch” ấy không khi nào vắng bóng tiếng Chèo; tiếng của các loại hình nghệ thuật dân gian, dân tộc như là Ca Trù, như là Xẩm, như là Chầu Văn…

TS. Nguyễn Thị Minh Thái đã không ngớt ca ngợi rằng “đây là một nghệ sĩ Chèo đích thực”, một người nghệ sĩ “biết giữ giá cho chèo và làm sáng giá cho chèo” khi hội tụ đầy đủ các yếu tố “thanh - sắc - thục - tinh -khí - thần”. Điều này không chỉ được khẳng định qua hàng chục huy chương Vàng trong các kì liên hoan sân khấu mà còn được thể hiện trong sự nhiệt huyết của chị suốt mấy chục năm nghề. Thành công đến với Thanh Ngoan ngày hôm nay không được rắc nhung lụa, hoa hồng… đó là con đường đầy chông chênh, vất vả mà phải “vững tay chèo” lắm mới không bị thế thời quật ngã.

Thanh Ngoan là người đầu tiên đưa Ca Trù vào Chèo khi diễn vai chủ quán Hồng Chấu năm 1988; cũng là người đầu tiên mang yếu tố hài hước vào trong những nhân vật tính cách như Hoạn Thư, vợ cả Dọc, Đào Huế… và cũng là một NSƯT hiếm hoi sẵn sàng ngồi chiếu chợ Đồng Xuân suốt mấy năm ròng để hát Xẩm. Sự cố gắng, nỗ lực, hi sinh ấy không gì hơn ngoài mong muốn lưu giữ, truyển tải, phổ biến và phát triển văn hóa truyền thống đang dần bị lãng quên, rơi rớt. Chị tâm sự rằng: “dù là làm gì cũng nhớ đến nghiệp tổ và dù làm gì cũng là để giữ lấy nghiệp tổ”.

Niềm đam mê của Thanh Ngoan với Chèo với văn hóa truyền thống ăn vào máu thịt dường như đã trở thành bản năng sống. Chị tự tin nói rằng nếu niềm đam mê cháy bỏng trong chị mà tắt lịm thì chắc chẳng còn ai đến với Chèo nữa. Qủa thực là thế, người nghệ sĩ ấy đã dành hết tuổi thơ, tuổi thanh xuân của mình bên chiếu Chèo dân tôc. Bây giờ, khi đã trở thành Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam, Thanh Ngoan vẫn luôn đau đáu nỗi niềm với nghiệp tổ. Chị cho phục dựng lại chiếu chèo cổ phục vụ vào thứ 6 hàng tuần diễn các vở chèo cổ, tích chèo xưa hay các tác phẩm chèo hiện đại.

Chặng đường Thanh Ngoan đã đi qua, những thành công đã đạt được khiến ta không khỏi thán phục và tự hào thay cho văn hóa truyền thống của dân tôc. Nhưng có lẽ dù là 35 năm đã qua hay bao nhiêu năm kế tiếp, người NSƯT ấy vẫn sẽ đau đáu nỗi niềm “gắn kết những con người trong làng Chèo lại với nhau, truyền lửa cho họ, nhất là thế hệ trẻ, làm sao để các thế hệ diễn viên sau này nhận thức được việc giữ nghiệp chèo truyền thống như Trung Quốc giữ kinh kịch, Nhật Bản giữ kịch nô.

Với hàng loạt các hoạt động triển lãm và biểu diễn, Tôi xê dịch hy vọng mang lại cái nhìn gần gũi, đầy đủ nhất về nghệ thuật Chèo ngàn xưa tới các bạn trẻ! Tôi xê dịch tin tưởng mạnh mẽ rằng: chính vẻ đẹp mộc mạc mà tình tứ từ những câu hát, những điệu múa chèo sẽ trở thành tiếng nói mạnh mẽ nhất, thôi thúc nhất dành cho thế hệ trẻ chúng ta, từ đó cùng nhau bảo vệ và giữ gìn nghệ thuật chèo - “viên ngọc long lanh sắc màu” tỏa sáng trong lòng tinh hoa văn hóa dân tộc Việt!

Bạn đọc quan tâm tới Chương trình có thể tải nội dung tại đây.

Minh Anh

Life & English: Charity Concert “Love Hanoi”

Charity concert “Love Hanoi” will be organized at Au Co Theatre, Mon 09 Dec 2013, 7.30 - 9.30 pm.

Celebrating Christmas with family and friends in The international Christmas Charity Concert, you can enjoy music performances from classical to modern, from solo to a choir, from African to Korean. All proceeds from ticket sales will go to support the construction of a new proof for the Phu Chau children’s home which is located in Phu Chau commune, Ba vi district, Hanoi.

The tickets will be available on Sundays and also at the following locations: HIFCenter, Joma Cafés, Donkey Bakery, and the HIWC Bazaar “Love Hanoi” booth. All proceeds from tickets go towards the charity. A minimum donation of 200,000 will qualify for one ticket.

(Source: Hanoi International Fellowship)

Giao lưu bóng đá chào mừng Đại hội Đoàn TN Bộ TT&TT lần thứ 3

(ICTPress) - Chiều nay 25/11, Đoàn Thanh niên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức giải bóng đá giao lưu bóng đá thanh niên Bộ TT&TT 2013.

Đây là hoạt động trong Chương trình công tác năm 2013 của Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Thông tin và Truyền thông và thiết thực chào mừng thành công của Đại hội, Hội nghị Đại biểu của các cơ sở Đoàn, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT lần thứ 3.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng trong không khí sôi động của giải bóng đá đã cho biết rất vui rằng cuối tuần qua chúng ta đã được chứng kiến nhiều trận đấu hấp dẫn của Giải vô địch các quốc gia châu Âu sôi động và chiều nay tại đây được chứng kiến giải bóng đá chào mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TT&TT và trang phục ở đây gợi nhớ đến trang phục của nhiều đội bóng đá châu Âu nổi tiếng.

Thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã hoan nghênh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ TT&TT và các cơ quan, đơn vị đã ủng hộ, phối hợp tổ chức một giải bóng đá ý nghĩa này.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu chào mừng Giải bóng đá

Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT Nguyễn Anh Tuấn khai mạc giải cho biết giải bóng đá này là cơ hội để giao lưu, gặp gỡ và tăng cường mối quan hệ trong công tác giữa các đoàn viên, thanh niên trong Bộ và là hoạt động chào mừng Đại hội Đoàn lần thứ 3, sự kiện quan trọng nhất của Đoàn TNCS Bộ TT&TT trong năm 2013.

Giải bóng đá thanh niên Bộ TT&TT 2013 có sự tham gia của 8 đội bóng đá là: Liên quân khối cơ quan Bộ và Trung tâm Thông tin; Liên quân Cục Viễn thông và Quỹ Viễn thông công ích; Liên quân Báo điện tử VietnamNet, Cục Xuất bản, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Báo chí; Liên quân Viện Chiến lược, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ; Liên quân Trung tâm Internet Việt Nam, Cục ứng dụng CNTT; Liên quân Cục Tần số Vô tuyến điện và VNCERT; Bưu điện Hà Nội và Trung tâm Thông tin Di động VMS1.

Ngay sau buổi khai mạc ngắn gọn, 4 trận đấu giữa các đội bóng đã diễn ra. Giải sẽ đá trong 3 ngày và kết thúc vào cuối tuần này 29/11.

Dưới đây là một số hình ảnh của ngày đầu tiên của Giải bóng đá thanh niên Bộ TT&TT 2013:

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT Nguyễn Anh Tuấn và các đại biểu tặng cờ lưu niệm cho các đội bóng
Đại diện vận động viên tuyên thệ
Đại diện trọng tài tuyên thệ
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chụp ảnh lưu niệm với Đội bóng Liên quân khối cơ quan Bộ
Chuẩn bị trước giờ đấu
Bắt đầu những đường bóng đẹp
Hình ảnh những trận đấu đầu tiên

Lan Phương

"Bác sỹ làm hề" lần đầu tiên tới bệnh viện Việt Nam

(ICTPress) - Dưới sự điều phối của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, trong suốt tuần cuối tháng 11 và tuần đầu tháng 12 - David Barashi - “bác sỹ chú hề" (medical clown) đến từ Israel sẽ đến một số bệnh viện Việt Nam.

"Bác sỹ David" sẽ đồng hành với các bác sỹ, các nghệ sỹ, các bệnh nhân thuộc bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. HCM), Trung tâm tim mạch thuộc Bệnh viện E và Viện Huyết học truyền máu trung ương Hà Nội và TP. HCM.  

“Bác sỹ chú hề” - hình thức kết hợp nghệ thuật sân khấu với các kỹ năng điều dưỡng y khoa đã khá phổ biến và trở thành một hiện tượng trên thế giới nhưng lại là một khái niệm mới mẻ với các nước đang phát triển. Ở Israel, “bác sỹ chú hề” không phải là mới mẻ, đã có 10 năm và 90 bác sỹ chú hề được đào tạo bài bản làm việc tại 28 bệnh viện. Các "bác sỹ" này đã trở thành thành viên của nhóm bác sỹ điều trị tại bệnh viện. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được đón nhận hình thức trị liệu tác động vào tâm lý này.

“Bác sỹ chú hề” David tốt nghiệp Trường Nghệ thuật "Thelma Yallin" khoa biểu diễn, đã từng đạt các giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc liên hoan sân khấu Israel tại Akko và Giải thưởng danh dự trong Liên hoan nghệ thuật đường phố Bat Yam.

Từ năm 2003 tới nay, ông là Trưởng dự án "Dream Doctor" tại bệnh viện Hadassah Ein Kerem, Jerusalem, Israel. Năm 2004, ông thực hiện dự án "Dream Doctor" dành cho nạn nhân sóng thần (tsunami) tại Thái Lan. Cũng trong gần 10 năm qua, David đã tình nguyện chăm sóc cho hàng ngàn nạn nhân của thiên tai, chiến tranh và bệnh tật tại nhiều quốc gia như Haiti, Ấn Độ, Ethiopia. Ông cũng cùng với các chuyên gia tổ chức rất nhiều khóa học và hội thảo tại Hoa Kỳ, Bulgari, Pháp.

"Bác sỹ chú hề" với các bệnh nhi ở Israel

Trong vòng 4 ngày từ hôm nay 25/11 đến 28/11/2013 tại bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội), “bác sỹ” David tập huấn kỹ năng làm hề trong điều trị bệnh cho khoảng 25 bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên của bệnh viện và các nghệ sỹ biểu diễn thuộc trung tâm LifeArt, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngoài phần lý thuyết cơ bản, khóa tập huấn chú trọng nhiều tới kỹ năng thực hành, các học viên sẽ được thực tập ngay kỹ năng làm hề để trị liệu cho các bệnh nhân trong bệnh viện.

"Bác sỹ chú hề" David đang hướng dẫn cho các học viên tạo không khí vui nhộn tại lớp học Hy vọng, Bệnh viện Nhi Trung ương

Tạm nghỉ giữa giờ tập huấn của ngày đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương, "bác sỹ chú hề" David vẫn luôn dí dỏm thúc giục các học viên bác sỹ hãy sôi động. Tranh thủ giờ nghỉ ông cũng cho chúng tôi biết thời gian học có 4 ngày là khoảng thời gian quá ngắn và môn học này cần có quá trình và trải nghiệm rất là nhiều nữa. Thực hành thế nào phụ thuộc vào nhận thức và cảm nhận của mỗi người. Nhưng tốt hơn cả mỗi người bác sỹ phải dựa vào bản chất của con trẻ, khi bắt đầu phải đặt mình vào tâm tư, tâm trạng của đứa trẻ. Kỹ năng thứ hai quan trọng nhất là sáng tạo, độc đáo để làm sao thu hút được các em và những trò chơi không chỉ là trò chơi giải trí nữa sẽ trở thành phương thức chữa bệnh, tác động đến tâm lý trẻ con. Tiếp theo là phải biết lắng nghe không chỉ nghe, nhìn không chỉ nhìn mà phải biết quan tâm.

Đối với nhiều bệnh khác nhau của trẻ có thể có nhiều hoạt động tương tác, cách tiếp cận nhưng về căn bản vẫn là cách “chữa trị” theo hướng tích cực, làm cho bệnh nhi mỉm cười, tự tin. Ngay cả bác sỹ, y tá tại bệnh viện cũng cần coi đây là cách tái tạo năng lượng để tiếp tục điều trị và tiếp tục ngày mới với bệnh nhân mới, luôn cau có, mệt mỏi, "Bác sỹ” David cho biết.

Khi được hỏi ông về việc tại sao ông lại chọn “biểu diễn” tại bệnh viện. “Bác sỹ” David cho biết bất kể nghệ sỹ biểu diễn nào cũng muốn mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Riêng cá nhân ông, ông cảm thấy có ma thuật khi làm “bác sỹ chú hề” vì tác động nhanh, tích cực đối với bệnh nhân chỉ sau 5 - 10 phút biểu diễn và cảm thấy hoạt động của mình rất là có ích.

Dưới đây là một thông điệp "Nhanh khỏe nhé!" bác sỹ David gửi đến những người quan tâm đến phương pháp trị liệu thú vị và ấm áp này.

Phó Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam, bà Hila Stern cho biết trong năm kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Israel đã có rất nhiều hoạt động được tổ chức giữa hai nước. Hoạt động của “bác sỹ chú hề” lần đầu tiên tại Việt Nam này là mong muốn của Đại sứ quán Israel mang một khía cạnh phát triển khác ngoài các lĩnh vực có thế mạnh của Israel đã được biết đến như nông nghiệp, công nghệ đến với Việt Nam và với mong muốn trẻ em, bệnh nhi Việt Nam có nhiều nụ cười hơn nữa. Đây là những hạt giống và sẽ được tiếp tục phát triển trong tương lai.

Ngày 29/11/2013, cùng với Đại sứ quán Israel, David sẽ tới tặng quà và biểu diễn phục vụ các bệnh nhi tại Viện Huyết học truyền máu trung ương và Trung tâm tim mạch thuộc Bệnh Viện E Hà Nội.

Tại TP. HCM từ ngày 2/12 đến 5/12/2013, một khóa học tương tự sẽ được thực hiện tại bệnh viện Nhi Đồng 2 với sự tham gia của các y bác sỹ trong viện và các sinh viên trường Đại học sân khấu điện ảnh thành phố.  Ngày 6/12/2013, David sẽ tiếp tục các hoạt động thiện nguyện của mình tại Viện Huyết học truyền máu trung ương TP. HCM.

Dự án này là một phần trong quá trình hợp tác, chia sẻ về y học giữa Israel và Việt Nam. Vừa tuần trước, hai bác sỹ hàng đầu Israel về tim mạch và sản phụ khoa đã tới thăm khám và phẫu thuật cho các bệnh nhân thuộc bệnh viện phụ sản Hà nội, Bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Y Dược TP. HCM.

Minh Anh

Chào đón tất cả mọi người đến với Vesak LHQ 2014 tại Việt Nam

(ICTPress) - Đây là thông điệp được Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (LHQ) 2014 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam chiều 24/11 tại Hà Nội thông báo về Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2014.

Ban tổ chức quốc tế Vesak LHQ 2014 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam công bố Vesak lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam

Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, vào ngày 28 - 29/9/2013, sau khi xem xét thư đăng cai chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam số 177 ngày 23/9/2013 do Hòa thượng Thích Trí Tịnh - Chủ tịch Hội đồng Trị sự đề xuất, tại Văn phòng Viện trưởng của Đại học Mahachulalongkorn, Hoà thượng GS.TS. Brahmapundit Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế ICDV đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak LHQ ủng hộ và chấp thuận Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 11 và Hội thảo Phật giáo quốc tế tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, từ ngày 7 - 11/5/2014.

Đây là lần thứ 2 Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2008, Việt Nam có được vinh dự đăng cai Đại lễ Vesak LHQ lần thứ năm và đã tổ chức thành công tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về đất nước, con người và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Khoảng 10.000 người sẽ tham dự Đại lễ

Chủ đề chính của Đại lễ Vesak LHQ 2014 là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ”. Theo đó, 5 diễn đàn hội thảo khoa học của đại lễ sẽ được tổ chức gồm: Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu - mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.

Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự, đồng Chủ tịch Đại lễ Vesak 2014 Thích Thanh Nhiễu cho biết: “Đại lễ Vesak 2014 và hội thảo lần thứ 2 tổ chức tại Việt Nam lần này dự kiến sẽ tiếp đón khoảng 10.000 người tham dự lễ hội, bao gồm 1500 lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến sĩ, học giả Phật giáo cũng như các phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90 - 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới và 8500 đồng bào phật tử và nhân dân Việt Nam”.

Hòa thượng Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế (ICDV) Brahmapundit cho biết: “Tôi rất tin Việt Nam sẽ tổ chức thành công vì 10 năm qua khi Phật giáo Thái Lan tổ chức Vesak LHQ tại Thái Lan, phái đoàn Việt Nam có nhiều đóng góp ấn tượng cho thấy Phật giáo Việt Nam có một tiềm năng về phật sự và các hoạt động, kinh nghiệm tổ chức Vesak 2008 tại Việt Nam chất lượng và số lượng đại biểu quốc tế Việt Nam mời. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận được sự ủng hộ về các phương diện của Chính phủ Việt Nam, do vậy Vesak 2014 sẽ thành công mỹ mãn".

Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế (ICDV)

“Việc tổ chức Vesak không chỉ dành cho cộng đồng tu sỹ, phật tử trong nước mà là diễn đàn, cơ hội để cho cộng đồng thế giới, trong đó có các nhà chính trị và nhiều người nước ngoài hiểu rõ về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, những nỗ lực to lớn của Việt Nam đã làm được trong những năm qua để có những ghi nhận tích cực cho những thay đổi, đóng góp của Việt Nam cho xã hội nói riêng và thế giới nói chung”, Hòa thượng Brahmapundit cho biết thêm.

Nhiều hoạt động văn hóa sẽ được tổ chức

Đại lễ Vesak LHQ 2014 cũng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tăng cường phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, vận động để UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới. Đại lễ Vesak 2014 còn có các hoạt động về văn hóa và Hoằng pháp sẽ diễn ra trong suốt thời gian tổ chức Đại lễ.

Giới thiệu truyền thống di sản rất phong phú của Việt Nam, Ban tổ chức quốc tế Vesak 2014 cùng với Hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa:

- Triển lãm Di sản văn hóa nghệ thuật gồm tranh - ảnh nghệ thuật và các di sản văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam;

- Chương trình văn nghệ và múa tạp kỹ gồm các sắc thái văn hóa của các dân tộc, các vũ điệu hiện đại hòa quện giữa Phật giáo và cuộc sống và biểu diễn văn hóa nghệ thuật quốc tế của các quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Campuchia nhằm thể hiện sự đồng cảm về các mối quan tâm về văn hóa và sự cam kết duy trì các di sản văn hóa và ý thức cộng đồng và cam kết duy trì các sắc thái văn hóa Việt Nam và thế giới;

- Liên hoan phim Phật giáo thế giới nhằm khơi dậy những đóng góp, quan điểm Phật học được lồng vào phim ảnh nhằm giúp cho công chúng hiểu hơn về Phật giáo, thông điệp giá trị con người;

- Xuất bản các cuốn sách về văn hóa Phật giáo Việt Nam như Chùa Việt Nam, Tượng Phật Việt Nam…

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết những hoạt động văn hóa này ôn lại giá trị văn hóa các nước và Việt Nam và khẳng định việc duy trì các giá trị nhân văn giúp con người có đời sống tinh thần cân bằng với những nỗ lực, giá trị vật chất. Bằng cách này, các phương diện của Vesak 2014 bản sắc hơn và bạn bè thế giới sẽ hiểu Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam hơn.

Đại lễ Vesak LHQ là một trong các hoạt động văn hoá mang tính quốc tế của LHQ nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Ngày 15/12/1999 tại Đại hội đồng LHQ khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự LHQ đã chính thức công nhận Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp (kỷ niệm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn, thời gian tương đương với tháng 5 dương lịch).

Theo đó, Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ đã chính thức trở thành tổ chức trực thuộc Ủy ban Kinh tế - Xã hội của LHQ từ năm 2013. Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, hòa bình, bất bạo động của đức Phật trên khắp thế giới.

Tại hiên họp trù bị đầu tiên về Đại lễ Vesak LHQ 2014 diễn ra đã từ ngày 23 - 24 tháng 11/2013, 60 đại biểu trong nước và 13 đại biểu đến từ  các nước Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn quốc, Campuchia và Malaysia đã tham dự.

Minh Anh

Life & English: “Health”

Do you know that eating many food makes you fat? After you get fat your will be very lazy. You should eat heathy food because it will make you strong and slender. But eating food is not enough, you should have plan to practice. How to eat heathy food?

That is what I want to share . If you think that meat, chesse are unhealthy food so you are wrong. Meat makes you have more protein, protein makes muscles stronger and  you will have more energy. Chesse has much more canxi than milk . It makes you taller. Besides eating  food, you should practice too, you can run, swim, play soccer and other sports that you like. But you should have a plan to practice. If you practice so much, you will be very tired and you can be hurt and you will never want to practice  again, but if you practice inattentively, it is not enough to help you to be slender. Do you think health is very important, it is really important to your life. This is a proveb about health “health is gold’’ and a maxim about health “if you have health you will wish everything, when you don’ t have health you will wish one thing is health”.

Now,you need to eat healthy food, and have a plan to practice balancely.

All for your health!

 

Author: Hoang Quoc Minh

Editor: Maria Aili

Wider World Language Center: widerworld.edu.vn