Bức vẽ trên iPad là phác thảo hoàn chỉnh nhất

Máy tính không chỉ phát huy hiệu quả trong các công việc về thiết kế mà thậm chí còn có thể vẽ tranh với hiệu quả không thua kém so với các cách thức thông thường. Họa sĩ Lương Minh Hòa - Giám đốc Học viện Thiết kế Hoa Lan (Hoalan Studies), một người đã quen với việc sử dụng máy tính bảng iPad cho công việc này chia sẻ:

Theo tôi, việc vẽ tranh trên môi trường máy tính và vẽ tranh theo cách thức thông thường cũng không có gì khác nhau lắm là người hoạ sĩ phải có ý tưởng. Chỉ có điều là ý tưởng đó được thể hiện ra trên môi trường là các phần mềm đồ họa nào đó chứ không phải là trên giấy, toan sơn với chì than, màu nước, sơn dầu… Ngay từ khi các thế hệ máy tính có cấu hình chạy được các phần mềm đồ họa xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người trong đó có các hoạ sĩ đã có những thử nghiệm với môi trường này. Tuy nhiên, việc buộc phải sử dụng con chuột để vẽ là có phần không thuận lợi và phải tới khi có điện thoại di động iPhone với màn hình cảm ứng thì triển vọng này mới mở ra nhưng màn hình của iPhone vẫn là quá bé nên không đáp ứng được. Phải tới khi có máy tính bảng iPad thì mọi việc mới thuận tiện hơn. Người họa sĩ có thể phác thảo ra bức tranh của mình mọi nơi, mọi chỗ và không phụ thuộc vào việc phải có họa phẩm, giấy vẽ, toan sơn… Về cơ bản, việc sử dụng máy tính để vẽ tranh là có thể làm ra một phác thảo hoàn chỉnh trước khi chính thức thể hiện nó trên các chất liệu như sơn dầu, lụa, khắc gỗ…

Họa sỹ Lương Minh Hòa

Bản thân tôi, bên cạnh các công việc làm về thiết kế đồ họa vẫn đang làm thì vẫn thường xuyên nhận được các yêu cầu vẽ minh hoạ của nhiều báo cho các truyện ngắn, thơ, bút ký… Theo quy trình, các hoạ sẽ sẽ được đọc trước nội dung của những tác phẩm này để từ đó nảy sinh các ý tưởng cho bức minh hoạ cần thiết. Đương nhiên là chúng tôi được đọc trước những nội dung này là qua mạng và gửi hình vẽ minh hoạ cho toà soạn cũng là qua mạng nốt sau khi thực hiện xong nó trên iPad của mình. Không chỉ là những bức minh hoạ theo yêu cầu của toà soạn, bản thân tôi và nhiều người còn gửi đăng báo những bức tranh do mình vẽ bằng công cụ iPad.

Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều hoạ sĩ đang thực hiện yêu cầu của các toà soạn qua thư điện tử. Vì thế, nếu không cho họ biết thì các toà soạn cũng không thể phân biệt được giữa bức vẽ bằng tay được chụp hình kỹ thuật số hay bức vẽ được thực hiện trên máy tính. Cũng phải nói thêm là với những bức vẽ đó, chúng tôi vẫn đưa vào môi trường Photoshop để hiệu chỉnh thêm một lần nữa và quả thực là sẽ khác rất nhiều so với bản gốc vẽ tay nếu có.

Có thể nói, với tuyệt đại đa số các hoạ sĩ trẻ thì máy tính đã trở nên thân thuộc với họ. Đó chính là một công cụ tốt cho công việc của người hoạ sĩ dù là để sáng tác hay làm các công việc về thiết kế đồ hoạ theo yêu cầu của khách hàng. Lời khuyên cho số đông này có lẽ không gì khác là hãy chủ động để làm chủ được các công cụ đó cho công việc của mình. Quan trọng là phải có ý tưởng sáng tạo để khai thác được công cụ chứ không phải là lệ thuộc vào nó. Tất nhiên, cũng có những người bảo thủ đã từ chối và tẩy chay việc sử dụng CNTT cho nghệ thuật. Thậm chí, họ còn chẳng cần biết đến việc sử dụng email để liên lạc, giao dịch. Tuy nhiên, phần đa những người này đều đã già và cũng không thể là trở ngại mãi tồn tại cho sự xâm nhập của CNTT vào môi trường nghệ thuật.

Nhân đây, tôi cũng xin đề cập thêm về thực tế là rất nhiều trẻ em dù chưa biết chữ nhưng cũng đã biết khai thác sử dụng iPhone và iPad của bố mẹ chúng, trong đó có việc vẽ tranh, chơi nhạc, chơi game. Đó là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận về năng lực khai thác sử dụng CNTT cho trẻ em và phải có những công trình nghiên cứu một cách nghiêm túc cho vấn đề này để từ đó có thể đưa ra những cải tiến phù hợp cho giáo dục không chỉ với độ tuổi của chúng. 

Những tác phẩm của họa sỹ Lương Minh Hòa

Tân Khoa ghi

Tạp chí iPhone số 2 - XHTT cung cấp nội dung

Tin nổi bật