Đặt phòng khách sạn trực tuyến: Web nội muốn chia thị phần
Công ty Thiên Minh cho biết, năm nay sẽ đầu tư mạnh mẽ để phát triển mạng đặt phòng trực tuyến ivivu.com, trong khi đó, vinabooking.vn đang tìm thêm đối tác để phát triển mạnh mảng kinh doanh online.
Một Website đặt phòng trực tuyến. |
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Khách sạn Majestic, cho biết, kết quả kinh doanh của Majestic trong năm 2011 cho thấy, khách đặt phòng trực tuyến (ĐPTT) chiếm 35%/tổng lượng khách lưu trú. Đồng thời, nếu xét về mặt doanh thu, kênh này chiếm 20%/tổng doanh thu của khách sạn và 35%/tổng doanh thu phòng. Theo như dự kiến, trong năm nay, Majestic sẽ nâng doanh thu phòng thông qua kênh đặt trực tuyến lên 40%.
Với tỷ trọng khách quốc tế chiếm 90%, Majestic cũng đang liên kết chặt chẽ với các mạng đặt phòng trên thế giới như: wotif.com (Úc), expedia.com (Mỹ), agoda.com...
Theo ông Vũ: "Đầu tư mạnh mẽ vào mảng booking online ở thời điểm này trước hết là do xu hướng đi du lịch hiện đã có nhiều thay đổi. Trong khi khách cá nhân tăng, thì khách đoàn lại giảm. Bên cạnh đó, booking online giúp giảm thiểu về chi phí (thường giá đặt phòng qua các mạng trực tuyến thấp hơn các kênh khác từ 15 - 18%".
Tuy nhiên, theo thống kê của tổ chức Euromonitor International, tại Mỹ, doanh thu ĐPTT đã chiếm 35%, tại Úc là gần 20%, trong khi thị trường Việt Nam chỉ dao động trong khoảng 6 - 7%.
Ông Ken Atkinson, Giám đốc Điều hành Grant Thorton Việt Nam, cho rằng, ĐPTT tại Việt Nam vẫn còn "dưới chuẩn" so với quốc tế, do việc đặt trực tuyến không được xác nhận ngay tại thời điểm mà khách có nhu cầu. Nhưng đây cũng chính là thời điểm để các công ty chuyên khai thác về ĐPTT nhảy vào chia sẻ thị phần.
Hiện nay, các trang mạng nước ngoài chiếm lĩnh phân khúc ĐPTT tại Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Priceline (priceline.com), sau khi mua lại Công ty Agoda (agoda.com) vào tháng 11/2007 cũng nhanh chóng "phong tỏa" thị trường châu Á.
Cụ thể, vào năm 2010, agoda.com đã đưa phiên bản tiếng Việt vào hệ thống và đến nay, số đối tác tại Việt Nam liên kết với họ đã lên đến 1.904 khách sạn. Với một số điểm đến quen thuộc, số khách sạn tham gia "đấu giá" trên agoda.com còn nhiều hơn cả các trang mạng trong nước.
Ông Trần Thanh Hiển, thành viên sáng lập vinabooking.vn, cho biết, với hệ thống toàn cầu, thị trường ĐPTT đang nằm trong tay các nhà khai thác quốc tế như agoda.com, booking.com (đều thuộc sở hữu của Priceline), hotels.com (thuộc Expedia) hay wotif.com (Úc)...
Ông Nguyễn Trung Công, Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh, quản lý trang ivuvu.com, giải thích, để tạo chỗ đứng, các trang ĐPTT phải có được nhiều đối tác khách sạn lẫn khách hàng.
Những trang đặt phòng trực tuyến mang lại doanh thu phòng cao cho các khách sạn thường "có quyền" thương lượng về mức phí này (cao nhất có thể lên đến 40% trên mỗi giao dịch đặt phòng).
Khảo sát từ các mạng đặt phòng của Việt Nam trong phạm vi TP.HCM, cho thấy, khoảng 90% lượng khách quốc tế đến lưu trú tại các khách sạn 4 - 5 sao ở TP.HCM được ghi nhận là thông qua các mạng ĐPTT.
Đó là chưa nói đến các khách sạn từ 1 - 3 sao ở "phố Tây" Phạm Ngũ Lão cũng khai thác nguồn khách quốc tế từ kênh này. Riêng các mạng đặt phòng nội địa như: chudu24.com, vinabooking.vn,... đang tập trung khai thác khách nội địa, một phân khúc khá lớn mà các mạng toàn cầu "khó lòng" kham hết.
Đây thực chất cũng là hướng phát triển mà Công ty CP Du lịch Thiên Minh theo đuổi. Thiên Minh đang có tỷ lệ ĐPTT từ khách nội địa chiếm trên 50%.
Vào tháng 8/2011, công ty này đã hợp tác với mạng đặt phòng wotif.com phát triển ivivu.com. Sự đầu tư này của Thiên Minh thể hiện kỳ vọng chia thị phần ĐPTT trong năm 2012 dự kiến là 20%.
Trong khi đó, đại diện của Vinabooking, cho biết cũng đặt trọng tâm vào việc khai thác thị trường nội địa và nâng mức doanh thu lên 30% trong năm nay.
Hải Âu
(Theo DNSG)