Ống kính Carl Zeiss trên 808 PureView - phương tiện tạo bức ảnh để đời
(ICTPress) - Nokia vừa trình diễn chiếc điện thoại 808 PureView, phiên bản kế nhiệm của N8, với cảm biến “khủng” 41 megapixel tại Triển lãm di động thế giới (MWC) 2012. Đây thực sự là chiếc điện thoại chụp ảnh tốt nhất hiện nay. Nokia 808 Pure View sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của ảnh chụp trên smartphone cao cấp.
Điện thoại thông minh Nokia 808 Pureview lại nổi bật tại MWC 2012 với cảm biến "khủng" 41 megapixel và ống kính Carl Zeiss (Ảnh: BBC) |
Đây là smartphone đầu tiên được trang bị những công nghệ hình ảnh cao cấp nhất, cho chất lượng ảnh chụp tốt nhất nhờ cảm biến 41 megapixel, ống kính Carl Zeiss đặc biệt và các thuật toán riêng do Nokia phát triển.
Carl Zeiss là một trong những nhà sản xuất ống kính nổi tiếng nhất của Đức. Công ty được thành lập tại Jena năm 1856 và được gọi là Carl Zeiss Jena.
Trải qua 12 thập kỷ nghiên cứu và phát triển, nhiều ống kính huyền thoại của thương hiệu nổi tiếng Carl Zeiss là nhân chứng ghi lại những thời khắc lịch sử quan trọng, đồng thời trở thành phương tiện được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng để sáng tạo nên những bức ảnh để đời.
Từ Hollywood đến mặt trăng
Ống kính Zeiss luôn có mặt ở những nơi đòi hỏi chất lượng hình ảnh, độ tin cậy và kết quả cao nhất. Trong hành trình lên mặt trăng, Neil Armstrong đã mang theo ống kính Zeiss Biogon 5.6/60. Ống kính này trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi nó chụp những bức ảnh về bước chân đầu tiên của con người trên mặt trăng. Cùng với đó, ống kính Zeiss là công cụ lý tưởng cho phép nhà làm phim phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo. Chúng trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà quay phim nổi tiếng ở Hollywood. Nhiều bộ phim đoạt giải Oscar như "Barry Lyndon", "The Lord of the Rings" (Chúa tể của những chiếc nhẫn) và "Slumdog Millionaire" (Triệu phú khu ổ chuột) được quay bởi ống kính Zeiss.
Tiên phong trong thiết kế ống kính
Không chỉ có vậy, Carl Zeiss còn đi tiên phong trong thiết kế ống kính dưới sự trợ giúp của máy tính. Việc giới thiệu những phát triển ống kính được thiết kế bằng công cụ CAD năm 1961 đã thay thế thiết kế ống kính bằng tay, tạo nên cấu trúc phức tạp hơn, góp phần nâng cao sự tương tác giữa các thành phần của ống kính.
Trong nhóm máy chụp ảnh, Carl Zeiss gia công cho các hãng tiêu biểu như Ikon, LeiCa (thuộc Ricoh, hệ máy Rang Finder), hệ máy DSLR gồm các tên tuổi như Canon (ZE), Nikon (ZF, ZF.2), Pentax (ZK), Sigma (ZS). Các dòng ống kính này mang đặc trưng thiết kế cơ khí một thời, kiểu dáng cổ điển đặc trưng. Đặc biệt, các dòng ống kính này đều lấy nét bằng tay (manual focus).
Hợp tác cùng Sony và Nokia, ống kính Carl Zeiss đã ngày càng phổ biến trên thị trường
Trong hơn 15 qua, sự hợp tác cùng Sony và Nokia đã giúp cho ống kính Carl Zeiss ngày càng phổ biến. Sony đã sử dụng ống kính Zeiss trên dòng máy ảnh compact Cybershot và máy quay Handycam từ năm 1996. Sau khi mua lại bộ phận quang học của Minolta, Sony cùng với Carl Zeiss phát triển dòng ống kính ZA ngàm Alpha có khả năng lấy nét tự động với kết cấu motor SSM (Super Sonic Motor). Dòng ống kính này là đối thủ nặng ký của các tên tuổi phổ biến hơn trên thị trường như: Canon Luxury Lens (L), Nikon Nano... Nhờ tên tuổi của Carl Zeiss mà Sony Alpha đã có thể sánh vai cùng các đàn anh như Canon, Nikon trên thị trường DSLR. Trong lĩnh vực truyền hình, máy quay chuyên nghiệp của Sony vẫn sử dụng ống kính rời của Carl Zeiss.
Còn Nokia đến 2005 cũng bắt đầu sử dụng các ống kính Carl Zeiss trên các máy ảnh của điện thoại thông minh và điện thoại thường của mình.
Giờ đây, khi cầm một chiếc điện thoại như Nokia N82 hay một chiếc máy ảnh cao cấp Sony Cyber-Shot tức là bạn đang được sở hữu những thành tựu và công nghệ tiên tiến mà Carl Zeiss đã phát triển ngay từ trước thế kỷ XX. Mốc thời gian mà con người đang phải suy nghĩ xem làm thế nào để có thể bay bổng trên bầu trời mênh mông.
Những cột mốc đáng nhớ 1896: Giới thiệu dòng ống kính Planar. Đây là cơ sở của nhiều công cụ trực quan trong lĩnh vực nhiếp ảnh chuyên nghiệp cho bề mặt trái đất và trong không gian. Nó mang đến hiệu suất sử dụng cao, màu sắc ấn tượng. 1902: Carl Zeiss nộp đơn sáng chế độc quyền cho dòng ống kính nổi tiếng mọi thời đại: Tessar. Một trong những thành tựu về lĩnh vực sản xuất quang học của con người khi đạt độ nét kinh ngạc. Hàng triệu các thiết bị hình ảnh hiện nay đang được Carl Zeiss gắn cho thương hiệu Tessar như máy ảnh, điện thoại di động. 1935: Đánh dấu sự xuất hiện của lớp phủ T* chống phản xạ cao. 1943: Phát triển phương pháp MTF (Modulation Transfer Function) để đo lường chất lượng ống kính. Rất nhiều nhà sản xuất quang học hiện nay đã dựa vào nó để kiểm soát chất lượng sản phẩm của mình. |
QT