Đưa công nghệ 5G vào triển khai trong thực tế là cấp thiết

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, đi đầu trong nhóm quốc gia triển khai 5G tại Hội thảo trình diễn công nghệ 5G lần đầu tiên tại Việt Nam ngày 12/7 tại Hà Nội.

Hội thảo được Cục Tần số Vô tuyến điện (TT&TT), Bộ TT&TT phối hợp với Ericsson tổ chức.

Thế giới đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc, ngoạn mục của công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) và sự phổ biến mạnh mẽ của Internet kết nối vạn vật (IoT) trong mọi mặt cuộc sống, và đặc biệt gần đây là xu hướng của cách mạng 4.0 đã trải rộng ra khắp thế giới đến tất cả mọi quốc gia. Để có thể thu được thành tựu đó, không thể không kể đến sự phát triển bùng nổ của thông tin di động băng rộng, và chính sự phát triển của công nghệ này là nền tảng quan trọng, tác động mạnh mẽ đến các tất cả các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực Viễn thông - CNTT-TT trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đón bắt định hướng này, các nhà mạng bên cạnh sự phát triển mạng lưới và an toàn thông tin hạ tầng Viễn thông - CNTT cũng đang đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng mới theo các xu hướng tất yếu như điện toán đám mây, IoT, thành phố thông minh, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận định, với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, đến năm 2020 công nghệ 5G sẽ dần được đưa vào triển khai trong thực tế.

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định: “Viễn thông - CNTT có sứ mệnh vô cùng quan trọng, đóng vai trò then chốt về hạ tầng của sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tuy nhiên để vươn lên trong cuộc cách mạng này, Bộ trưởng cho rằng: “Việt Nam phải kịp thời nắm bắt cơ hội để trở thành quốc gia nằm trong nhóm các đi đầu triển khai 5G trong thời gian tới”.

Bởi theo Bộ trưởng, truy cập băng rộng 5G tốc độ cao ngoài mục tiêu phát triển thông tin di động còn nhằm hướng tới thúc đẩy sự phát triển IoT trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, rất nhiều tỉnh/thành quan tâm xây dựng thành phố thông minh trong nhiều lĩnh vực của  đời sống xã hội như quản lý giao thông thông minh, y tế thông minh…, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ cho kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây cũng chính là nội dung mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường nhắc nhở, chỉ đạo các Bộ, ngành quan tâm triển khai thực hiện.

Để có thể thúc đẩy phát triển IoT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì một số yếu tố rất quan trọng cần phải đảm bảo, đó là kết nối với độ tin cậy cao, mật độ kết nối lớn, độ trễ thấp và độ chính xác cao.

Để có thể đáp ứng được các yếu tố này, theo Bộ trưởng: Việc đẩy nhanh tốc độ đưa công nghệ 5G đi vào triển khai trong thực tế là vấn đề hết sức cấp thiết và vấn đề vô cùng quan trọng.

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết 5G là tên gọi thông thường của thế hệ thông tin di động mới, IMT-2020 theo tên gọi của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Năm 2015, ITU đã thông qua khuyến nghị IMT-2020, và tháng 10 năm nay nhóm nghiên cứu 5 của ITU sẽ thông qua yêu cầu kỹ thuật và khai thác cho 5G.

Ông Hoan cho biết hiện nay trên thế giới vẫn đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện tiêu chuẩn cho 5G để có thể thương mại hóa vào năm 2020, đã có các thử nghiệm công nghệ và nghiên cứu triển khai. Các dự án thử nghiệm thương mại đối với 5G sẽ được thực hiện tại Olympic mùa Đông ở Seoul, Hàn Quốc năm 2018 và Olympic mùa hè ở Nhật Bản.

"Với vai trò quan trọng của thông tin di động, các thử nghiệm về 5G luôn nhận được sự quan tâm rộng rãi từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý", ông Hoan cho hay.

Chia sẻ băn khoăn tại sao trình diễn 5G trong khi 4G ở Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu và chưa thực sự phổ biến rộng rãi, ông Hoan cho biết: "4G chỉ mới bắt đầu ở Việt Nam nhưng sự tiếp nối bằng công nghệ 5G là tất yếu. Bản thân 4G hiện tại đã mang trong nó những tiền đề của 5G như khả năng hỗ trợ IoT với mật độ kết nối lớn, độ trễ thấp, độ tin cậy cao".

“Việc giới thiệu sớm các ý tưởng công nghệ 5G cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp thông tin di động, các nhà khoa học nghiên cứu và đào tạo là rất cần thiết để họ sớm hình dung và định hướng chính sách quản lý trong đó có quản lý tần số, sớm định hình mô hình phát triển ứng dụng và kinh doanh dịch vụ, để đào tạo nguồn nhân lực đón đầu việc triển khai. Người Việt Nam có câu trăm nghe không bằng một thấy”, ông Hoan nhấn mạnh.

Trải nghiệm 5G lần đầu tiên tại Việt Nam và Đông Dương

Tại Hội thảo, Ericsson đã trình diễn các giải pháp 5G đầu tiên tại Việt Nam, cũng là lần đầu tiên tại Đông Dương.

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan cho biết buổi trình diễn công nghệ 5G và IoT mang tới cơ hội cho những người tham dự Hội thảo trải  nghiệm năng lực và ứng dụng của 5G và IoT trong tương lai, đặc biệt khả năng của đáp ứng các yêu cầu kết nối cho công nghiệp 4.0, cho thành phố thông minh, cho giao thông thông minh và nhiều ứng dụng thông minh khác. 

Trình diễn hệ thống thử nghiệm 5G thực tế với công nghệ Massive MIMO đạt tốc độ tải 5G (5,7 Gbit/s) và độ trễ cực thấp
Hội thảo đã thu hút đông đảo đại biểu tham dự và trải nghiệm 5G

Ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc công ty Ericsson Việt Nam và Myanmar cho biết: ”5G sẽ mang lại khả năng cung cấp các dịch vụ băng rộng di động tốc độ cao, độ trễ thấp, bao gồm cả việc truyền trực tiếp tín hiệu video 4K đến các thiết bị di động. Nó còn cho phép triển khai các dịch vụ tiên tiến dành cho người dân, từ khả năng truy cập với chất lượng tốt hơn tới dịch vụ y tế trên cả nước, hệ thống giao thông thông minh, bao gồm cả xe ô tô tự lái, cùng với những sáng tạo mới trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, năng lượng và an toàn xã hội”.

Hệ thống thử nghiệm 5G của Ericsson bao gồm tất cả các chức năng cần thiết cho thử nghiệm tiền thương mại, những tính năng như điều hướng (Beamforming) và theo dõi chùm sóng (Tracking), MIMO đa người dùng, truyền dữ liệu từ nhiều trạm cho một máy đầu cuối (Multi-site transmission), thiết kế tối ưu hóa dữ liệu truyền (Ultra-lean design) và TDD động.

Theo ông Denis: “Độ trễ thấp và độ tin cậy cao của 5G, kết hợp với lưu trữ thông minh trên điện toán đám mây, sẽ giúp tăng cường giao tiếp giữa người với máy”. 

Ericsson đã chứng minh điều này với một robot cánh tay cảm ứng chuyển động mà người tham gia có thể kiểm soát trong thời gian thực bằng chuyển động bàn tay và ngón tay. Các ứng dụng này có thể được sử dụng trong rất nhiều công việc, bao gồm phẫu thuật từ xa, quản lý tai nạn đường bộ và các tình huống mà sự có mặt của con người có thể không an toàn. 

Ericsson cũng trình diễn khả năng 5G hỗ trợ phát trực tuyến hình ảnh video 4K. Việc phát lại video 4K không ngắt quãng đòi hỏi tốc độ tải ít nhất là 15 Mbps. Với công nghệ sóng vô tuyến 5G, mỗi tế bào phủ sóng đơn có thể hỗ trợ lên tới hàng trăm người xem video chất lượng 4K cùng lúc.

Các trình diễn khác của Ericsson còn bao gồm những sáng kiến trong các lĩnh vực mạng, các ngành công nghiệp kết nối và các giải pháp kinh doanh số hóa. 

Ericsson là nhà cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông và CNTT, cho phép truyền thông phong phú hơn. Ericsson đã đi tiên phong trong các mạng di động đầu tiên tại Việt Nam, phát triển mạng lưới 2G, 3G và 4G, và nay là 5G.

Trong nghiên cứu của Ericsson mang tên Tiềm năng Kinh doanh 5G, cơ hội cho các nhà khai thác viễn thông, những doanh nghiệp sẽ giải quyết vấn đề số hóa ngành công nghiệp này to lớn bằng việc ứng dụng công nghệ 5G; và dự báo tiềm năng doanh thu trên toàn cầu là 582 tỷ USD vào năm 2026. Báo cáo cho thấy ngành sản xuất, năng lượng/dịch vụ công cộng và an toàn xã hội có cơ hội cao nhất để đẩy mạnh và tạo doanh thu nhờ 5G tại Việt Nam. Để nắm bắt được tiềm năng thị trường, bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ 5G và lập kế hoạch sớm, cần phát triển kinh doanh, các mô hình khả thi với thị trường và sự thích ứng của các tổ chức.

HM 

Tin nổi bật