Đổi mới để tiến lên
(ICTPress) - Cách đây 30 năm, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện cụm từ “Đổi mới”, “Đổi mới hay là chết”, cùng với nó là tác giả có tên NVL có nhiều bài được đăng tải trên báo Nhân dân. Không nói thật tên nhưng ai cũng biết đó là những bài báo của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Nhiều độc giả còn đặt tên cho tác giả là “Nói và làm”… Có thể nói, luồng gió đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI được tổ chức vào cuối năm 1986.
Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của Báo chí Việt Nam, chúng ta thật sự vui mừng, tự hào trước sự vươn mình cùng đất nước. Vẫn còn đó các bậc lão thành của ngành báo chí như: nhà báo Phan Quang, Hà Đăng, Hồng Minh và rất nhiều các anh chị khác đã một thời lăn lộn, một thời đồng cam cộng khổ cùng dân tộc vượt qua bao khó khăn thử thách, gian khổ hy sinh…
Hẳn chúng ta còn nhớ những tháng năm trước đổi mới, những nhà báo đêm viết bài để sáng sớm đạp xe hoặc cuốc bộ đi xếp hàng mua gạo, mua rau, mua dầu, mua mắm muối… Những nhà báo gầy còm ngồi vê thuốc lá cuộn, “căng thẳng” chia cho nhau 3 người 2 đôi tất, 5 người 1 bộ xăm lốp xe đạp để rồi người được cũng không vui, người không được cũng buồn lòng chẳng kém… Mấy ví dụ nhỏ như vậy để mỗi nhà báo chúng ta ôn lại chút kỉ niệm của một thời đã qua, ôn lại để chúng ta có cái mốc để nói và bàn về chặng đường đổi mới sau 30 năm của báo chí cách mạng Việt Nam.
Làn gió mới
Xóa bỏ quan liêu bao cấp, xóa bỏ cấm chợ ngăn sông, thực hiện khoán nông nghiệp… Kết quả bước đầu đạt được là dân hết đói, thóc gạo, ngô khoai, lợn gà, tôm cá ngày một nhiều hơn, nụ cười trên môi người dân tươi hơn…
Trong giai đoạn này, trên tất cả các diễn đàn báo chí đều tập trung viết về vấn đề xóa bỏ quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người có nhiều bài báo với tiêu đề “Những việc cần làm ngay” để định hướng dư luận xã hội, định hướng những bước đi ban đầu của kinh tế Việt Nam. Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở ra một chân trời mới cho cách mạng Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thử thách để cứu nguy cho dân tộc thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu. Khẩu hiệu của thời kỳ đó là: “Đổi mới hay là chết”, “Đổi mới để tiến lên”. Tất cả các báo trong nước và quốc tế đều tập trung viết về nền kinh tế Việt Nam đang khởi sắc. Có thể nói, cùng với sự phát triển vượt bậc của đất nước, nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng vươn mình như Phù Đổng. Từ chỗ bị hạn chế đưa tin và lấy tin, từ viết bài dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ nay chuyển hẳn sang cơ chế thoáng đãng hơn.
Tôi còn nhớ tháng 12 năm 1986, tôi và cơ quan trực tiếp đón và hướng dẫn các đoàn phát thanh và truyền hình các nước đến Việt Nam đưa tin về đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Khi đó các nước XHCN ở Đông Âu chưa tan rã nên nước nào cũng có các nhà báo đi theo đoàn đại biểu của các Đảng anh em đến Việt Nam dự đại hội. Phía “Tư bản” khi ấy chỉ có đoàn ZDF của Cộng hòa liên bang Đức. Không ngờ lần đón các bạn nhà báo các nước XHCN ấy lại là lần cuối cùng. Lý do tại sao thì tất cả chúng ta ở đây đều biết. Khi chia tay các bạn ở sân bay Nội Bài, một số nhà báo đã nắm chặt tay chúng tôi và nói: “Nhất định công cuộc đổi mới của các bạn sẽ thành công”. Đến đại hội VII và VIII, Đảng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, chủ động hội nhập quốc tế. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói trong buổi họp báo rằng “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”… Tuy nhiên sau khi mở cửa nền kinh tế và tiến hành hội nhập sâu rộng, chúng ta đã vấp phải một số khó khăn phức tạp. Nói một cách cụ thể đó là chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nhập quốc tế, đặc biệt là công tác truyền thông.
Những khó khăn của thời kỳ đổi mới:
Mở cửa đi đôi với việc văn hóa ngoại lai ùa vào, từ phim ảnh, sách báo, internet, thời trang, lối sống, phong tục tập quán… nhanh chóng làm cho giới trẻ học theo và làm theo. Cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đi theo đúng quỹ đạo, sự buông lỏng quản lý, buông lỏng về khâu giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ làm báo chưa kịp thời. Tư tưởng chạy theo cơ chế thị trường, thương mại hóa báo chí bắt đầu xuất hiện. Nhiều nhà báo không theo kịp cái mới, còn lúng túng trong công tác chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Một số nhà báo lại quá nhanh nhạy, muốn đi trước thời đại dẫn đến sự sai lệch trong tư tưởng… trong khi đó việc định hướng tư tưởng cho toàn dân trong thời kỳ hội nhập còn chậm, luôn rơi vào thế bị động. Lợi dụng vấn đề này các thế lực thù địch trong và ngoài nước đẩy mạnh việc chống phá chúng ta ở nhiều mặt…
Đứng trước tình hình phức tạp và khó khăn này, Đảng và nhà nước ta đã kịp thời đưa ra những chủ trương đúng đắn và kịp thời. Đảng tiếp tục kiên trì con đường đổi mới, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hội nhập sâu rộng trên tinh thần “ Hòa nhập không hòa tan”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phản bác lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, động viên quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, từng bước đưa đất nước thoát ra khỏi đói nghèo lạc hậu. Chúng ta vừa làm, vừa rút ra kinh nghiệm, có tổng kết 10 năm, 20 năm và 30 năm qua đó chúng ta thấy được kết quả to lớn, thành tích to lớn của công cuộc đổi mới. Góp phần vào thắng lợi chung đó có công sức không nhỏ của lực lưỡng những người làm báo chí cả nước. Họ đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện tất cả chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, giúp định hướng cho nhân dân có cái nhìn đúng, có sự hiểu biết sâu sắc về công cuộc đổi mới đất nước…
Một số nguyên nhân yếu kém của đội ngũ báo chí
Như đã phân tích ở trên, sự yếu kém của đội ngũ báo chí chúng ta đã và còn tồn tại. Nhiều nhà báo ở những năm đầu hội nhập nay đã nghỉ hưu, các nhà báo trẻ còn thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, quá đà để chạy theo cái mới.
Việc bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt trong các cơ quan báo chí còn thiếu chặt chẽ, có những người vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiều nghiệp vụ chuyên môn. Có một số người lợi dụng báo chí để lồng lợi ích cá nhân của mình vào, bất chấp kỷ cương phép nước. Công tác thưởng phạt chưa tốt, đời sống của nhiều nhà báo còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh tế (làm nghề không đủ sống)…
Một số giải pháp
Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo chí, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức người làm báo.
Hoạch định và sắp xếp lại đội ngũ báo chí trong cả nước, cần rút gọn và sát nhập một số cơ quan báo chí ở cả TW và ở các tỉnh thành trong cả nước.
Xem xét lại chế độ nhuận bút, chế độ lương, thưởng để tạo điều kiện cho các nhà báo có cuộc sống tốt để cống hiến cho nghề.
Kiên quyết loại các nhà báo không đủ phẩm chất đạo đức, không đủ trình độ nghiệp vụ ra khỏi các cơ quan báo chí.
Tăng cường công tác quản lý báo chí, tăng cường cán bộ đủ khả năng trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm trong giai đoạn mới của cách mạng hiện nay.
Xiết chặt kỷ luật nghề nghiệp, thực thi pháp luật nhà nước, thực hiện dân chủ trên cơ cở đặt trách nhiệm và nghĩa vụ các nhà báo trước đất nước, trước nhân dân tất cả vì mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Lời kết:
Báo chí Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã có bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Từ hơn 100 tờ báo và tạp chí đến nay chúng ta đã có trên 800 tờ báo và tạp chí, mạng lưới truyền thông đại chúng có thể nói là đã và đang hiện đại sánh tầm với khu vực và quốc tế. Tuy nhiên trước yêu cầu và nhiệm vụ mới trong giai đoạn hiện nay, báo chí Việt Nam cần phải có sự chuyển mình hơn nữa. Hãy bắt đầu từ mỗi nhà báo, hãy nghĩ suy, trăn trở, hãy đặt câu hỏi cho mình mỗi khi viết, mỗi khi nói. Hãy luôn nhớ rằng, báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, mọi thông tin truyền thông đều hướng đến mục đích cuối cùng đó là vì quyền lợi của nhân dân và của đất nước, nghĩ được như vậy hẳn mỗi nhà báo sẽ thấy được trách nhiệm của chúng ta trước nhân dân là vô cùng to lớn.
Trần Bình Tám
Phó Chủ tịch thường trực LCH nhà báo TT&TT
Tham luận tại Hội thảo quốc gia “Báo chí 30 năm đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”