Báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới
(ICTPress) - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh: Báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Hôm nay ngày 29/12, Hội nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Báo chí 30 năm đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đến dự Hội thảo có Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện Bộ TT&TT và đông đảo các cấp Hội nhà báo, Liên chi hội nhà báo trên toàn quốc.
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh: “30 năm qua (1986 – 2016) là chặng đường lịch sử có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/2016) đã thực sự đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, nền tảng để đổi mới toàn diện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, giải phóng mọi năng lượng xã hội vì mục tiêu chung là xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân trong nước và dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao”.
Trong công cuộc đổi mới đó của đất nước, Chủ tịch Thuận Hữu khẳng định báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và chính báo chí với công tác báo chí. Đồng thời, báo chí cũng đã tự đổi mới hoạt động, để theo kịp với sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng.
Tuy nhiên, trước tình hình quốc tế ngày càng có những diễn biến khó lường, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Chủ tịch Thuận Hữu cũng nhận định “báo chí cũng đang bộc lộ những bất cập, yếu kém, bên cạnh cơ hội mới, báo chí cũng đối mặt nhiều thách thức phải vượt qua”.
Nhằm kế thừa và phát huy những thành tựu 30 năm đổi mới đất nước, đổi mới báo chí việc tổ chức Hội thảo này là hết sức cần thiết, vừa có ý nghĩa chính trị sâu sắc, vừa mang đậm chất nghề nghiệp thiết thực và hữu ích, Chủ tịch Thuận Hữu nhấn mạnh.
Hội thảo sẽ nhìn nhận, thảo luận, đánh giá những bài học kinh nghiệm hoạt động báo chí qua 30 năm đổi mới. Đó là những vấn đề về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về báo chí 30 năm qua: Vai trò và đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của đất nước; Những thành tựu và bài học kinh nghiệm; Sự phát triển của lý luận báo chí và những vấn đề đặt ra hiện nay (nhất là những thách thức từ sự ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội đối với báo chí truyền thống; Những vấn đề về nghiệp vụ báo chí. Hội thảo cũng sẽ thảo nhuận những vấn đề về công tác quản lý, chỉ đạo báo chí; Tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin; Những sai phạm, bất cập thường gặp; Trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, đối với báo chí; Những kinh nghiệm, bài học nghiệp vụ trong tác nghiệp; Xử lý mối quan hệ báo chí và mạng xã hội; Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay; Những xu hướng phát triển báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam.
Hội thảo cũng đặt vấn đề đặt ra về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay; liên hệ với thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam thực hiện Luật báo chí năm 2016.
Toàn cảnh Hội thảo |
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam đề dẫn Hội thảo cho biết: Chủ đề của Hội thảo hôm nay vừa mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí hiện nay. Sau một thời gian chuẩn bị nội dung, với sự ủng hộ nhiệt tình và có trách nhiệm của các nhà báo, của nhà quản lý báo chí, nhà khoa học và những người làm báo trong cả nước, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần hơn 90 tham luận gửi đến Hội thảo, đóng góp cho Hội thảo những kết quả nghiên cứu chuyên sâu, những kinh nghiệm nghề nghiệp sinh động và thiết thực nhất, cũng như những đề xuất gợi ý rất hữu ích cho Hội thảo.
Đa số các tham luận gửi đến Hội thảo đã tập trung làm rõ một số nội dung có tầm bao quát cho: quản lý, chỉ đạo báo chí, định hướng báo chí; lý luận về báo chí truyền thông hiện đại; kỹ năng tác nghiệp của nhà báo trong môi trường truyền thông hiện nay; pháp luật báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; kinh doanh báo chí, truyền thông và xu hướng phát triển báo chí, truyền thông hiện đại.
Trước yêu cầu mới của cách mạng, tăng cường công tác quản lý, phát huy vai trò của báo chí là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết “Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí” của TS Trần Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã giúp những người làm nghề và công chúng giải đáp một số thắc mắc, hiểu rõ hơn về những thách thức của báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. TS Trương Minh Tuấn cho rằng, thành tựu của 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng có đóng góp quan trọng của báo chí, đó là sự thật không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp tích cực, đã và đang có một bộ phận người làm báo và cơ quan báo chí bộc lộ không ít tiêu cực, hoặc đang có dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể gây ra tác động khôn lường.
Cùng chung quan điểm trên, PGS. TS. Phạm Văn Linh Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham luận “Công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí năm 2016 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đã chỉ rõ, năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Cùng với cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề, đặc biệt là yêu cầu tuyên truyền, đưa Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương vào cuộc sống.
Tiếp cận ở góc độ hẹp hơn, nhưng rất cụ thể đối với việc đề cao vai trò và trách nhiệm của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, ngôn ngữ báo cchí phải đảm bảo tính chính xác, sinh động, hấp dẫn. Báo chí phản ánh sự kiện, chính xác, nhanh nhạy, đầy đủ, và đương nhiên, phải trung thực, khách quan. Để đạt được các yêu cầu vừa nêu, rất cần đến tư duy, năng lực, trình độ, kỹ năng của người làm báo, trong đó có trình độ, kỹ năng về ngôn ngữ. Coi trọng việc sử dụng tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các loại hình, phương tiện truyền thông, mỗi cơ quan báo chí nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các ấn phẩm, chương trình, kênh sóng, trang báo của mình.
Bên cạnh đó, một số tham luận sẽ đề cập những khó khăn, thách thức của báo chí địa phương trong xu thế truyền thông hội tụ, đó là các tham luận “tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện tại các cơ quan báo đảng địa phương” của nhà báo Ngô Quang Tự, Phó Tổng Biên tập Thanh Hóa, “Báo đảng địa phương trong áp lực thời địa số” của nhà báo Bình Định…
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như vũ bão hiện nay cũng đã tạo nên cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt, đẩy báo chí truyền thống rơi vào “mê trận” của vòng xoáy thông tin, khiến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo thay đổi mạnh mẽ. Tham luận “Vận động của báo chí dưới xu hướng truyền thông xã hội” của PGS. TS. Trương Thị Kiên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bàn về xu hướng vận động của báo chí trong bối cảnh thế giới đang được chứng kiến sự liên ngôi của mạng xã hội; “Quảng bá nội dung báo điện tử của nhà báo Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet; “Mạng xã hội bài toán khó của báo chí” của TS Phạm thị Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, trong đó có cả vấn đề “nóng bỏng”, cấp thiết “Sự cần thiết phải quản lý về lưu chiểu điện tử đối với báo điện tử của Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận Vũ Văn Tiến…
Tại Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số được các tham luận mổ xẻ dưới góc nhìn mới mẻ như “Vấn đề xây dựng Quy định đạo đức của người làm báo hiện nay” của tác giả Thành Huy Long, Tạp chí Người làm báo, “Công tác kiểm tra góp phần ngăn chặn tự chuyển biến và vi phạm đạo đức người làm báo trong thời kỳ mới” của nhà báo Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội nhà Việt Nam, “Một số vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo hiện nay” của Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân…
Đặc biệt, nhiều tham luận cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tích đã đạt được, đội ngũ nhà báo Việt Nam còn không ít hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống đang đặt ra. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phai nhạt lý tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sự thiếu gương mẫu của người đứng đầu như tham luận “báo chí cách mạng – từ lý luận đến thực tiễn” của Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Ban Biên tập, Thư ký Chi hội nhà báo Tạp chí Người Xây dựng.
Hội thảo sẽ diễn ra trong cả ngày 29/12, buổi sáng với phiên toàn thể, Lễ trao giải ảnh báo chí “ASEAN – Một cộng đồng”. Buổi chiều, Hội thảo sẽ thảo luận tại 2 tiểu ban: Những vấn đề Lý luận báo chí và Những vấn đề thực tiễn hoạt động báo chí.
HM