Google tiết lộ “hành vi” người tiêu dùng Việt Nam 2016
(ICTPress) - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: “Tỷ lệ đóng góp của Internet vào tăng trưởng tương ứng với mức tăng số người sử dụng Internet. Điều quan trọng hơn, Internet tạo ra một phương thức sản xuất, cung ứng dịch vụ và quản lý mới”.
Tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam với chủ đề “Sự đóng góp của nội dung số cho nền kinh tế Internet” được tổ chức ngày 21/12, đại diện cho Google tại Việt Nam đã chia sẻ những thông tin về hành vi người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam và gợi ý để các doanh nghiệp (DN) phát triển kinh doanh trong thời đại Internet.
Ông Trung Chinh, Google Việt Nam mở đầu những chia sẻ cho biết trước đây công việc kinh doanh được khởi đầu bằng là tìm địa điểm cửa hàng, trang trí cửa hàng, quảng cáo, lên chương trình khyến mãi, quảng bá cho mọi người biết đến cửa hàng… Công việc kinh doanh theo quy trình này tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, thời đại Internet, quy trình này thay đổi, công việc kinh doanh bắt đầu từ trên mạng Internet mà không phải mở cửa hàng, mà ngay cả trong khi một công ty có cửa hàng rồi thì Internet đóng vai trò cực kỳ quan trọng là đưa khách đến với cửa hàng.
Internet còn là nguồn thông tin quan trọng nhất cho người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm. Theo một điều tra thị trường Việt Nam, 43% người được hỏi dùng Internet để tìm hiểu sản phẩm. Trước đây người dùng đi xem sản phẩm ngoài cửa hàng, bây giờ người mua hàng tìm hiểu thông tin trên Internet. Đây là xu hướng DN cần quan tâm để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Theo khảo sát về số người mua sắm gần đây, có tới 73% số người sử dụng Internet mua sắm tìm kiếm thông tin trên Internet trước mua hàng, nên Internet là công cụ hỗ trợ người mua sắm ra quyết định mua hàng và lựa chọn sản phẩm. Công cụ tìm kiếm thông tin cũng đóng vai trò quan trọng, có tới 93% số người mua sắm sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm thông tin mua sắm. Trang web DN, trang mạng xã hội về cơ sở bán hàng cũng là một nguồn thông tin để tìm hiểu mua sắm nhưng không được người dùng truy cập nhiều. Trong số những người tìm kiếm thông tin để hỗ trợ người mua sắm mua sản phẩm, hàng hóa thì có tới 66% số người tìm kiếm thông tin giá. Do đó, DN cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thì nên nhấn mạnh thông tin về giá. Người dùng cũng sử dụng thiết bị di động để tìm kiếm thông tin gấp 2 lần thiết bị để bàn.
Ngay cả khi đã đến cửa hàng mua sắm, khách hàng vẫn sử dụng smartphone để tìm hiểu thông, cụ thể có tới 82% số người mua sắm vẫn tìm hiểu thông tin nhờ smartphone thay cho việc hỏi nhân viên bán hàng. Theo đó, việc hỗ hỗ trợ người mua, trước trong và sau, và luôn luôn hiện diện trên Internet rất quan trọng.
Việc tiếp cận khách hàng tiềm năng đúng thời điểm, đúng vị trí, và đúng khách hàng là công thức thành công trong kinh doanh hiện nay. Theo phân tích của ông Trung, trước đây khi kinh doanh việc tiếp cận đúng khách hàng là đủ. Nhưng bây giờ cần đúng thời điểm, vị trí. Với sự phát triển của công nghệ định vị, smartphone đã có thể giúp DN tiếp cận đúng khách hàng, đúng địa điểm.
DN cũng cần phải tận dụng phát triển kinh doanh trên tất cả các điểm tiếp xúc như qua cửa hàng, thiết bị di động, mua bán trực tuyến, website, trang mạng xã hội và cả sử dụng các ứng dụng (app) để tiếp xúc khách hàng. Một chiến dịch tiếp thị số vừa mang lại khách hàng mua sắm trực tuyến và cả khách hàng đến cửa hàng.
Kết luận lại ông Chinh lưu ý ba điểm mà các doanh nghiệp cần quan tâm: Người tiêu dùng mua sắm hiện nay đều tìm hiểu trên Internet về hàng hóa sản phẩm. Theo đó, Internet là kênh quan trọng để khách hàng đến cửa hàng. Ngay cả khi khách hàng đến cửa hàng rồi vẫn dùng Internet, đặc biệt là smartphone để hỗ trợ ra quyết định mua sắm. DN khi lên kế hoạch marketing thì cần phải đánh giá đầy đủ hiệu quả trên các kênh khác nhau, đặc biệt không tách biệt doanh số bán hàng trực tuyến (online) và (offline).
Tại Internet Day 2016, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đã nhấn mạnh Internet đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia và tác động lan tỏa của Internet đến tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực khác cũng rất lớn.
Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng theo một nghiên cứu, tỷ lệ đóng góp của Internet vào tăng trưởng tương ứng với mức tăng số người sử dụng Internet. Năm 2010, Internet đóng góp 4,7% vào GDP của Mỹ, 8,3% ở Liên hiệp Vương quốc Anh, 7,3% ở Hàn Quốc. Tính chung lại, với các nước OECD là 4,3% và 3,6% ở các nước đang phát triển. Đến năm 2016, con số này đã tăng lên 5,55% và 4,9%.
Ở Việt Nam, tốc độ phát triển và phổ cập Internet là khá cao. Theo khảo sát của các Tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng thứ 16 trong top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet với 49.064.000 người, chiếm 51,5% dân số. Trong đó, trên 60% là người trẻ - thế hệ quyết định tương lai của đất nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân để từ năm 2000 đến năm 2016 là trên 15% đứng thứ 3 trong số 20 quốc gia này (Số liệu tính đến 30/6/2016).
Ông Tuyển nhấn mạnh “Điều quan trọng hơn, Internet tạo ra một phương thức sản xuất, cung ứng dịch vụ và quản lý mới. Điều mà Mác đã từng khẳng định cách đây gần 2 thế kỷ rằng “Cái phân biệt thời đại kinh tế này với thời đại kinh tế khác không phải ở chỗ người ta sản xuất ra cái gì mà ở chỗ người ta sản xuất bằng cái gì, theo phương thức nào.
Không có sự phát triển của Internet, sẽ không có sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử, sự tiến bộ trong dịch vụ logistics, cũng không thể xuất hiện xu hướng cá thể hóa DN và nền kinh tế chia sẻ. Không chỉ thế, tác độ lan tỏa của Internet đến tăng trưởng các ngành, lĩnh vực khác cũng rất cao, ở mức trên 30%”.
Minh Anh