VNExpress rút ngắn thời gian triển khai IPv6, đón đầu truy cập 4G
(ICTPress) - Nhận thấy những lợi ích to lớn từ việc chuyển đổi nhanh sang IPv6, Báo điện tử VNExpress sẽ chuyển đổi sang IPv6 sớm hơn kế hoạch chuyển đổi đến 1,5 năm.
Tiếp theo chuỗi làm việc với các đơn vị về triển khai IPv6, ngày 24/10, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã có buổi làm việc với Báo điện tử VNExpress, cơ quan báo tiên phong trong triển khai IPv6 để đón đầu lượng truy cập của bạn đọc. Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Phó Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã chủ trì buổi làm việc.
Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia làm việc với Báo điện tử VNExpress và FPT Online thúc đẩy triển khai IPv6 |
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Ngọc, đại diện cho khối cung cấp nội dung FPT Online và báo điện tử VNExpress đã cho biết một số tình hình triển khai IPv6 tại báo VNExpress thời gian gần đây.
Báo điện tử VNExpress có khá nhiều sản phẩm nội dung, ngoài ra còn có các trang ngoisao.net, iOne – trang tin về giới trẻ... VNExpress có lượng truy cập trung bình hơn 2 tỷ page view/tháng. Sản phẩm được chạy trên rất nhiều nền tảng khác nhau như máy tính để bàn, mobile, máy tính bảng… Lượng truy cập từ Việt Nam chiếm khoảng 85% tổng lưu lượng truy cập vào báo. Hệ thống mạng của báo được chia làm nhiều CDN nằm ở 3 khu vực chính, Hà Nội, TP. HCM và Hong Kong giúp người đọc truy cập nhanh hơn.
Lộ trình chuyển đổi IPv6 của báo được chia làm giai đoạn, giai đoạn 2012 – 2013 là xin cấp IPv6, chủ động tham gia các khóa đào tạo; giai đoạn 2013 – 2015 là giai đoạn khởi động, Vnexpress tiến hành thử nghiệm các trang nội bộ, trong đó có trang web FPT Online chạy trên nền tảng IPv6. Đầu năm nay, báo đưa ra lộ trình chuyển đổi IPv6 2016 - 2020, theo đó trong giai đoạn này mỗi năm báo chuyển đổi một số trang chuyên đề sang IPv6 và cuối cùng sẽ chuyển đổi toàn bộ báo VNExpress. Cụ thể hơn, theo lộ trình này, năm 2017, các trang nhỏ của Vnexpress sẽ được chuyển đổi trước và cuối năm 2019 là chuyển đổi 2 trang lớn nhất là VNExpress và ngoi sao và đến năm 2020 tiến tới cung cấp các dịch vụ trên nền tảng IPv6 cũng như hoàn thiện quy trình, đánh giá kết quả. Tuy nhiên, kế hoạch này đang có sự điều chỉnh.
Theo ông Ngọc, hiện tại, việc chuyển đổi trong thời gian qua của báo đã có những thành quả và lộ trình được rút ngắn rất nhiều. Bởi từ giữa năm 2016, FPT Online đã tiến hành cung cấp một số dịch vụ nhỏ của VNExpress đã chuyển đổi sang IPv6 ra bên ngoài. Hiện đã có 4 trang chạy trên nền tảng IPv6 là iOne và 3 trang dịch vụ thương mại điện tử và rao vặt gồm shop.vnexpres.net, pay.vnexpress.net, raovat.vnexpress.net đã chạy trên nền tảng IPv6. Chủ trương của FPT Online từ năm 2016 trở đi các dịch vụ mới khi khai trương thì đều được cung cấp trên nền IPv6 .
Kế hoạch tiếp tới, FPT Online sẽ đẩy mạnh việc đưa các dịch vụ xoay quanh báo điện tử Vnexpres chạy trên nền IPv6, trong đó có ngoisao.net. Theo kế hoạch ban đầu, 2019 trang ngoisao.net mới được tiến hành chuyển đổi, tuy nhiên, sau khi vận hành 4 trang trên, báo Vnexpress nhận thấy có thể đẩy nhanh tiến độ và dự kiến quý I năm 2017, đưa trang ngoisao.net và các trang như kinh doanh, du lịch, sức khỏe chạy trên nền tảng IPv6. FPT Online kỳ vọng cuối năm 2018 sẽ hoàn thiện việc chuyển đổi IPv6, rút ngắn kế hoạch chuyển đổi sớm hơn 1 - 1,5 năm so với kế hoạch.
“Báo luôn xác định chuyển đổi IPv6 là cần thiết và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi IPv6”, ông Ngọc khẳng định.
Cũng tại buổi làm việc, ông Sơn, Trưởng phòng DNS của FPT cũng tiết lộ số người sử dụng Việt Nam truy cập 4G mặc định IPv6 đã có sự gia tăng. Đây là một bất ngờ đối với báo và FPT Online.
Kết luận buổi làm việc, ông Trần Minh Tân đã đánh giá cao những kết quả, bước tiến rõ ràng mà FPT Online và báo đã đạt được so với năm ngoái và trong thời gian ngắn ngay sau ngày IPv6 Việt Nam vừa qua (ngày 6/5). Lượng người xem, khách hàng đã truy cập vào các trang có IPv6 đã tăng cho thấy việc chuyển đổi IPv6 của hai đơn vị là đúng xu hướng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng không chỉ từ nước ngoài mà ngay cả trong nước.
"VNExpress cần tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong và giữ đúng cam kết chuyển đổi IPv6 theo Chương trình hành động quốc gia IPv6. VNExpress và FPT Online cần tiếp tục triển khai chuyển đổi IPv6 tốt trong thời gian tới để không chỉ phục vụ cho khách hàng của FPT Online mà còn vì phát triển chung của Internet Việt Nam và thị trường IPv6 Việt Nam", ông Tân đề nghị.
Ông Tân cũng lưu ý hai đơn vị cũng cần tập trung truyền thông các dịch vụ, truy cập IPv6 bởi khi khách hàng truy cập Internet trên nền IPv6 thì tốc độ truy cập sẽ nhanh hơn, máy di động truy cập sẽ tiết kiệm pin hơn và nhiều lợi ích khác. Hai đơn vị cần “chớp” thời cơ này để truyền thông về các dịch vụ triển khai IPv6 của mình để không chỉ định hướng khách hàng mà chính là để truyền thông cho dịch vụ của mình và là sự tiên phong của báo.
Các nhà mạng đã được cấp phép 4G và trong thời gian ngắn tới, phần truy cập 4G bằng thiết bị di động vào IPv6 là rất lớn. Theo đó, báo và FPT Online cần đáp ứng bạn đọc sử dụng mạng 4G truy cập báo và các dịch vụ nội dung gia tăng, ông Tân cho hay.
Ông Tân và các chuyên gia của Ban công tác cũng lưu ý FPT Online và VNExpress về các trang đã chuyển đối IPv6 thành công, thì làm thủ tục để gắn nhãn IPv6 để có sự đánh giá chính thức của thế giới và Việt Nam. Thế giới đã triển khai việc gắn nhãn IPv6. Việc các trang web gắn nhãn IPv6 thể hiện sự chuyên nghiệp, sự đánh giá của cộng đồng quốc tế về triển khai IPv6.
Được biết, các thiết bị di động, mạng viễn thông thế hệ mới đều mặc định sẵn IPv6. Việc chuyển đổi sang IPv6 sẽ đáp ứng được nhu cầu bạn đọc ngày càng cao về tốc độ, chất lượng…
Minh Anh