Các dịch vụ nội dung, VnExpress, Vietnamnet phải hỗ trợ IPv6 trong năm 2016

(ICTPress) - Đến tháng 12 năm nay, FPT Online, VnExpress, Vietnamnet, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung phải kích hoạt hỗ trợ IPv6 cho các dịch vụ nội dung.

Cụ thể, theo Quyết định 936 của Bộ TT&TT ban hành về Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, các đơn vị này phải kích hoạt hỗ trợ trên các dịch vụ nội dung quy mô vừa và nhỏ. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi hỗ trợ IPv6 cho toàn bộ các dịch vụ nội dung, báo điện tử… vào tháng 12/2016.

Để chuẩn bị cho kế hoạch chuyển đổi này, VnExpress, Vietnamnet trong các cuộc họp về IPv6 đã được Ban công tác đề nghị tiên phong trong triển chuyển đổi IPv6.

Tại Hội thảo nhân ngày IPv6 2016 tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Văn Ngọc, đại diện cho khối cung cấp nội dung FPT Online và báo điện tử VNExpress đã cho biết kế hoạch chuyển đổi của báo từ IPv4 sang IPv6.

Theo đó, ông Ngọc cho biết giai đoạn 2016 - 2019, VnExpress bắt đầu triển khai IPv6 cho trang FPT Online phục vụ độc giả rộng rãi vào cuối năm 2016, với khả năng chạy cơ chế dual stack IPv4/IPv6. Sau đó, khối này sẽ theo dõi và đánh giá kết quả lưu lượng người sử dụng và. Đến khoảng Quý II/2017, FPT Online sẽ chuyển đổi một số trang tầm trung như iOne, Game thủ của báo để làm đánh giá kết quả. Vào cuối năm 2019, sẽ chuyển đổi hai hệ thống trang lớn nhất của báo là vnexpress và ngoisao. Vào năm 2020 toàn bộ dịch vụ của báo VNExpress sẽ được chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6 để bạn đọc có thể truy cập.

Cũng theo ông Ngọc, thực tế 10/2014, báo điện tử VnExpress đã tập trung vào chuyển đổi IPv6. Từ giai đoạn Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Ban công tác phổ biến đến báo, FPT Online và FPT Telecom đã thấy tầm quan trọng và bắt đầu nghiên cứu tìm tòi để tham gia vào chuyển đổi các dịch vụ của báo. Trong giai đoạn chuẩn bị từ 2011 - 2012, FPT Online đã xin cho cấp dải IPv6, đây là lợi thế để kiểm tra một số dịch vụ. Ngoài ra, FPT Online chủ động tham gia các khóa đào tạo, đặc biệt sự hỗ trợ kỹ thuật của FPT Telecom, VNNIC.

“Nhìn lại giai đoạn khởi động từ 2013 – 2015, Vnexpress bắt đầu mới chỉ thử nghiệm một số trang nhỏ trên mạng nội bộ, kết quả là khá khả quan tuy nhiên trang nội bộ chỉ là trang nhỏ không có nhiều kết nối với bên thứ 3 nên ít gặp vấn đề kết nối khác. Nhưng nếu triển khai toàn bộ báo điện tử là bài toán rất lớn”, ông Ngọc đánh giá.

Theo các số liệu tổng quan về Báo điện tử VNExpress, sau 15 năm phát triển, hiện nay VnExpress tiếng Việt được nhiều người đọc nhất. Các sản phẩm của báo VNexpress ngoài sản phẩm chính là báo điện tử VNExrpess, còn có các chuyên trang như ngoisao.net cung cấp thông tin về giới , iOne – chuyên trang dành cho giới trẻ, tuổi teen; Game thủ - diễn đàn về game trong nước. Trong 15 năm phát triển qua nhiều giai đoạn, VNpexpress liên tục thay đổi các công nghệ để tiếp cận đông đảo người đọc trên các nền mobile, TV, desktop và trên các bản app, cung cấp nội dung đến toàn bộ độc giả.

Trung bình VnExpress có khoảng 1,2 tỷ page view/tháng, lượng truy cập chia đều theo tỷ lệ: desktop chiếm khoảng 49%, các thiết bị truy cập trên di động là 44%, còn lại 7% là trên thiết bị tablet. Theo ông Ngọc, các chỉ số này rất quan trọng vì chiến lược cung cấp nội dung của VnExpress đến cho người dùng là “mobile first”, thông số người đọc trên mobile tăng nhanh, nhiều thời điểm tỷ lệ đọc mobile vượt qua PC.

Một con số khác được đại diện VnExpress đưa ra là lượt lưu lượng (traffic) của báo này theo Google analytics là 85% bạn đọc đến từ trong nước, số còn lại phân bổ trên 80 quốc gia, đứng đầu là Mỹ mà quốc gia này có người sử dụng IPv6 lớn. “VnExpress đánh giá đây là lúc để VNexpress tiến hành chuyển đổi các sản phẩm của mình trên nền IPv6 để phục vụ bạn đọc trong và ngoài nước”, ông Ngọc khẳng định.

Hệ thống hạ tầng của VnExpress có lượng máy chủ lớn, trên 200 phân bổ ở 3 vùng CDN nơi Hà Nội, TP. HCM và Hongkong. Hệ thống nền tảng bên dưới có nhiều dịch vụ khác nhau và đây chính là khó khăn gặp phải trong thời gian tới khi chuyển đổi toàn bộ hệ thống báo chạy trên nền IPv6, ông Ngọc cũng cho biết thêm.

Cũng theo kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia mới được ban hành tập trung vào 22 nhiệm vụ theo 5 mảng công tác gồm: Kiện toàn nhân sự; Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6.

Về lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, dự kiến trong tháng 7/2016, Ban công tác sẽ hoàn tất nhiệm vụ tổng hợp, công bố văn bản hướng dẫn các ưu đãi trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và kinh doanh thiết bị, phần mềm, nội dung số hỗ trợ công nghệ IPv6 để gửi các doanh nghiệp và đăng tải trên website www.ipv6.vn và chuyên trang IPv6 tại cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT: www.mic.gov.vn.

Đến tháng 12/2016, các nhiệm vụ sẽ được hoàn thành bao gồm: bổ sung nội dung yêu cầu hỗ trợ, sử dụng IPv6 trong các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án về Viễn thông - CNTT của Bộ TT&TT; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách tạo lập thị trường; bổ sung các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn yêu cầu khả năng đáp ứng, tính sẵn sàng với IPv6 của các thiết bị, hạ tầng thông tin, mạng lưới của tổ chức, doanh nghiệp.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bên cạnh việc thiết lập và duy trì website công bố sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ IPv6 của Việt Nam (vietnamipv6ready.vn) dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2016, Ban công tác cũng hướng dẫn, giải đáp thắc mắc về những ưu đãi trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và kinh doanh thiết bị, phần mềm, nội dung… hỗ trợ công nghệ IPv6. Ngoài ra, Ban công tác sẽ bổ sung nội dung về IPv6 tại các hội nghị, hội thảo, sự kiện chuyên môn trong lĩnh vực Viễn thông - CNTT của Bộ TT&TT; xây dựng và duy trì chuyên mục về IPv6 trên website Bộ TT&TT (mic.gov.vn).

Về công tác phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6, dự kiến trong tháng 9/2016, trang chủ của các doanh nghiệp di động, ISP và các website thông tin cung cấp dịch vụ hoạt động song song IPv4/IPv6.

Các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, FPT Telecom… thực hiện cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng FTTH trong năm 2016; nhân rộng việc cung cấp IPv6 cho khách hàng  băng rộng với tỷ lệ tăng trưởng đều hàng năm. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp thử nghiệm dịch vụ IPv6 trên khách hàng băng rộng trong năm 2016 và hướng tới cung cấp dịch vụ IPv6 thực tế vào năm 2017.

Cũng theo kế hoạch tháng 12/2016, VNPT, Viettel, FPT Telecom, NetNam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hosting IDC sẽ hoàn thành việc triển khai dịch vụ hosting cung cấp cho khách hàng hỗ trợ song song IPv4/IPv6. Cũng vào cuối năm nay, Ban công tác dự kiến VNPT, các nhà mạng được cấp phép triển khai 4G LTE sẽ triển khai cung cấp IPv6 tới thuê bao thử nghiệm dịch vụ 4G LTE.

Minh Anh

Tin nổi bật