Để thua lỗ nặng tại EVN Telecom, Chủ tịch EVN bị miễn nhiệm
(ICTPress) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, để xảy ra kết quả như vậy, đương nhiên các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn mà đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Thành viên phải chịu trách nhiệm.
Ngày 3/2, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc ông Đào Văn Hưng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về nhận công tác tại Bộ Công Thương.
Trả lời về nguyên nhân khiến ông Hưng bị miễn nhiệm, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ông Hưng bị miễn nhiệm do trong quá trình điều hành EVN đã để xảy ra một số vụ việc không tốt, cụ thể như kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ của Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom).
Bộ trưởng Đam khẳng định, để xảy ra kết quả như vậy, đương nhiên các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn mà đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Thành viên phải chịu trách nhiệm.
Kết quả kinh doanh của EVN Telecom liên tục sụt giảm và thua lỗ nặng. Ảnh minh họa. |
Theo làn sóng đầu tư ngoài ngành vào những năm 2006-2007, EVN đã ào ạt đầu tư vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông... và phải gánh chịu nhiều "quả đắng". Trong đó, thua lỗ lớn nhất là lĩnh vực kinh doanh viễn thông.
Tập đoàn này đã đầu tư 100% vốn vào EVN Telecom với số vốn đầu tư tính đến ngày 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh của EVN Telecom liên tục sụt giảm và thua lỗ nặng.
Nếu như năm 2008 lợi nhuận của EVN Telecom đạt 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.057 tỷ đồng năm 2010. Đó là chưa kể toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006-2008 đã được EVN điều chuyển cho các Tổng công ty điện lực với số tiền 1.026 tỉ đồng nhằm giảm khó khăn về tài chính cho EVN Telecom.
Kết quả, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của EVN Telecom đã lên đến 5,1 lần, trong đó nợ phải trả là 7.760 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.586 tỉ đồng, gần như không có khả năng cân đối tài chính.
Trước tính hình đó, đến cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển giao toàn bộ EVN Telecom về Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) từ ngày 1/1/2012.
Lê Nguyên