Triển khai 4G hướng tới người dùng hưởng lợi dịch vụ bình đẳng
(ICTPress) - Các chuyên gia Viễn thông của Việt Nam và Ericsson vừa có những trao đổi về các kinh nghệm về chính sách quản lý viễn thông.
Thứ trưởng Phan Tâm đã có cuộc làm việc với Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar Jan Wassenius và chuyên gia của Ericsson tại Việt Nam chiều 18/7.
Việt Nam đang chuẩn bị cấp phép 4G chính thức cho các nhà mạng trong nước, với thời điểm dự kiến mới nhất có thể cuối quý 3 và chậm nhất đầu quý 4/2016. Các chính sách, quy định cấp phép 4G đang được chuẩn bị.
Để đảm bảo việc cấp phép 4G diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đồng thời đảm bảo cho thị trường viễn thông cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh sau khi cấp phép, Bộ TT&TT đã rất tích cực tham vấn kinh nghiệm quản lý của các nước phát triển, cũng như đề xuất, tư vấn của các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông đa quốc gia lớn. Cuộc trao đổi với đoàn chuyên gia đến từ Ericsson (Thụy Điển) nằm trong chuỗi hoạt động tham vấn này.
Tại cuộc gặp, Tổng giám đốc Jan Wassenius đã chia sẻ với Thứ trưởng Phan Tâm cùng đại diện các Cục Viễn thông, Cục Tần số, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ TT&TT) nhiều vấn đề mang ý nghĩa then chốt khi triển khai cấp phép 4G và quản lý viễn thông.
Đại diện Ericsson cho biết quy định thay đổi tùy theo tình hình cụ thể của từng nước, nhưng nhìn chung, quan điểm của các nước châu Âu về việc tạo lập một thị trường viễn thông bình đẳng là tương đối giống nhau. Đặc biệt, mỗi nước khi cấp phép đều cố gắng bổ sung thêm một số quy định, ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp để tăng hiệu lực cho quản lý nhà nước.
Khi cấp phép, thường thì cơ quan quản lý sẽ quan tâm đến hiệu quả của đầu tư hạ tầng. Theo đó, mạng 4G LTE được đánh giá là hiệu quả về mặt chi phí hơn so với 3G, song mô hình khai thác tối ưu nhất tại thời điểm hiện nay vẫn là kết hợp cả 3G và 4G. Dù vậy, ông Wassenius nhấn mạnh rằng, lựa chọn phương án triển khai 4G cụ thể như thế nào là việc mà các doanh nghiệp cần tự quyết định dựa trên tình hình mạng lưới thực tế và tính toán bài toán kinh doanh của mình sao cho có hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tham khảo yêu cầu về vùng phủ khi cấp phép, chẳng hạn như một số nước sẽ yêu cầu sau bao nhiêu năm triển khai, vùng phủ của doanh nghiệp di động phải đạt được đến quy mô như thế nào (vùng phủ địa lý), hoặc phải đảm bảo phủ sóng đến một tỷ lệ dân số nhất định (vùng phủ dân số). Yêu cầu này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp đầu tư co cụm, chồng chéo nhau ở những thành phố lớn, khu vực đông dân cư mà không chịu mở rộng quy mô phủ sóng sang các khu vực xa xôi... Việc cơ quan quản lý đưa ra những ràng buộc về vùng phủ khi cấp phép cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo rằng người dân ở các nơi sẽ có quyền hưởng lợi dịch vụ một cách bình đẳng. Ở Thụy Điển có những bộ luật quy định về chất lượng dịch vụ, vùng phủ để bảo vệ khách hàng. Thụy Điển cũng có một trang web cho thể hiện bản đồ vùng phủ của các nhà mạng. Mọi thuê bao có thể truy cập để biết thông tin.
Một vấn đề quan trọng trong việc quản lý chất lượng dịch vụ chính là phương thức đo kiểm. Thường thì cảm nhận của người dùng với các chỉ tiêu đo kiểm chất lượng của nhà mạng và trị số đo kiểm của cơ quan quản lý không đồng nhất với nhau. Làm thế nào để tìm được một cách thức dung hòa nhất giữa ba hệ chỉ tiêu này cũng là một vấn đề mà Việt Nam cần lưu tâm trong quá trình xây dựng chính sách 4G, đại diện Ericsson khuyến nghị.
Ngoài ra, một mô hình kinh doanh 4G cũng được nhiều nước áp dụng là dùng chung mạng lưới (shared network) được chuyên gia Ericsson chia sẻ. Đó có thể là dùng chung băng tần hoặc dùng chung hạ tầng, cũng có thể là một nhà mạng lớn đầu tư hạ tầng mạng lưới, sau đó "bán sỉ" hạ tầng này cho các nhà mạng nhỏ hơn cùng khai thác. Cách tiếp cận này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí khi triển khai mà còn có lợi hơn cho các mạng nhỏ, nhưng ngược lại, nó cũng đòi hỏi các cơ chế kiểm soát về giá "bán sỉ" rất chặt chẽ để đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các nhà mạng "đi mua" hạ tầng mạng lưới, tránh tình trạng họ bị ép giá, chèn ép. Điều này cũng đảm bảo công suất của mạng lưới và cũng được quy định bởi luật cạnh tranh.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia Ericsson cũng chia sẻ về các quy định mức độ phủ sóng ngoài trời ngoài trời (outdoor) và indoor (trong nhà) đối với nhà mạng, mối quan hệ thương mại giữa nhà mạng MNVO và nhà mạng truyền thống, giải pháp chồng lấn (overlay), SingleRAN… và kinh nghiệm đối thoại khi triển khai mạng với các nhà mạng.
Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao những chia sẻ, khuyến nghị của chuyên gia Ericsson và bày tỏ sự quan tâm đến một số vấn đề thuộc về cách thức triển khai như nếu đưa ra các yêu cầu nói trên khi cấp phép, việc ban hành một khung giá cước để quản lý các doanh nghiệp về mặt kinh tế, trong đó quy định rõ giá sàn (giá thấp nhất) để đảm bảo doanh nghiệp luôn có được lợi nhuận để tái đầu tư mạng lưới, cũng như các mạng nhỏ, vào sau cũng có thể có lãi.
Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ TT&TT mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đề nghị các nhà mạng trong nước hoàn thiện sớm hồ sơ cấp phép. Sau khi doanh nghiệp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, Bộ sẽ phải phối hợp với doanh nghiệp đánh giá các yếu tố như chất lượng thực tế, mức độ can nhiễu.... Sau đó, Bộ sẽ tiến hành xử lý hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp.
"Trước đây, Chính phủ yêu cầu Bộ cấp phép trong năm 2016, nay thì nhà mạng làm càng nhanh, chúng tôi sẽ cấp sớm. Có thể cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ cấp phép miễn là đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng, lành mạnh giữa các nhà mạng", Bộ trưởng đã cho biết.
Hiện tại, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ 4G.
Minh Anh