Nâng cao hàm lượng tri thức trong sản phẩm CNTT Việt
“CNTT-TT hiện đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, là động lực, hạ tầng của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chứ không chỉ đơn thuần là công cụ, phương tiện hoạt động cho các lĩnh vực khác. Trong năm 2012, ngành CNTT-TT sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao như những năm vừa qua, trong đó, hàm lượng giá trị gia tăng và năng suất lao động của người Việt ngày càng được nâng cao”.
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng trong cuộc trao đổi đầu Xuân với Phóng viên Tạp chí Truyền hình Số về những thành công của năm 2011 và định hướng phát triển cho năm 2012, vốn được coi là thời điểm quan trọng trong bước đầu thực hiện Đề án đưa VN thành nước mạnh về CNTT - TT (Đề án nước mạnh).
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng |
Ðề án nước mạnh đang ở giai đoạn đầu
- Thưa Thứ trưởng, xin ông phác hoạ vài nét về bức tranh của ngành CNTT VN trong năm 2011?
- Năm 2011 là năm đầu tiên các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cũng như toàn bộ cộng đồng CNTT và xã hội triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, đề án lớn như: Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020.
Về ứng dụng CNTT, xét trên phạm vi toàn quốc, chúng ta đã có được Chương trình quốc gia cho giai đoạn 5 năm 2011-2015 (theo Quyết định 1605/QĐ-TTg). Các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố cũng có Kế hoạch 05 năm về ứng dụng CNTT của riêng mình. Trong năm 2011, một số dự án quy mô quốc gia như hệ thống thư điện tử quốc gia, hệ thống quản lý văn bản tích hợp, Trung tâm Dữ liệu điện tử của Chính phủ,… đã được khởi động, hứa hẹn sẽ tạo nền tảng cho ứng dụng CNTT trong thời gian tới.
Về công nghiệp CNTT, năm 2011, thị trường phần mềm và dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Thị trường nội dung số cũng tiếp tục phát triển, nhưng vẫn thiếu vắng những sản phẩm nội dung số có giá trị văn hóa, giáo dục cao và đặt ra ngày càng nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhà nước. Thị trường phần cứng, ngoại trừ doanh thu xuất khẩu tăng do đóng góp các doanh nghiệp FDI như Intel, Samsung,… Nhìn chung có dấu hiệu chững lại do chủ trương thắt chặt chi tiêu công của Chính phủ.
Về đảm bảo an toàn thông tin, tình hình cũng như các nguy cơ luôn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhận thức của các cơ quan chức năng và toàn xã hội về đảm bảo an toàn thông tin đã từng bước được nâng cao. Năm 2011 đã bước đầu hình thành mạng lưới ứng cứu cũng như quy định về điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố mạng Internet; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động ứng cứu sự cố mạng Internet tại Việt Nam (thông tư số 27/2011/TT-BTTTT).
- Trong bức tranh nhiều màu ấy, điểm nhấn chính nằm ở đâu, thưa ông?
- Tôi cho rằng tùy từng góc nhìn khác nhau sẽ thấy các điểm nhấn khác nhau. Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, theo tôi, một trong những khác biệt nổi trội nhất trong công tác quản lý nhà nước về CNTT của Bộ năm 2011 là đã bước đầu tạo được cơ chế liên ngành, liên cơ quan để cùng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng và phát triển CNTT. Ngoài Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Ban Điều hành triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, Ban Điều hành triển khai các chương trình công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập và triển khai hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giám đốc công nghệ thông tin khối các Bộ, ngành, địa phương; Hội đồng tư vấn chính sách đảm bảo an toàn thông tin số,…
Ngoài ra, kế thừa kết quả của các năm trước, tôi cho rằng năm 2011 cũng là thời điểm mà hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT đã tương đối đầy đủ, bao gồm cả các Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Bộ. Đơn cử một ví dụ, hành lang pháp lý về đầu tư ứng dụng CNTT các năm trước là một trong những vấn đề khá nóng, nay hệ thống văn bản pháp lý về cơ bản đã có, bước đầu đã mang lại kết quả nhất định, tạo nề nếp trong công tác quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước.
- Xin ông cho biết cụ thể hơn về việc thực hiện Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT thời điểm này?
- Trong tháng 11/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành tổng hợp thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sơ kết tình hình 01 năm thực hiện Đề án, và hiện nay, đề án này vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Đề án Nước mạnh là một chiến lược tổng thể cho hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT-TT Việt Nam. Trên thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các Bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng CNTT đã và đang triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Đề án. Cho đến nay, ngoài các kế hoạch, chương trình, dự án quy mô quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì thực hiện như tôi đã chia sẻ ở trên, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố phê duyệt các Kế hoạch riêng để triển khai Đề án.
Vào đầu tháng 01/2012, được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ dự kiến sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia với một trong những nội dung chính là sơ kết 01 năm thực hiện Đề án và đưa ra những giải pháp, những công việc cụ thể để triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.
DN phát triển Game hưởng ưu đãi như DN phần mềm
- Muốn trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Việt Nam không thể không có những sản phẩm CNTT của chính người Việt, phục vụ “trúng” nhu cầu của thị trường trong nước, đồng thời có thể xuất khẩu ra khu vực, thế giới nhằm gây dựng uy tín của những thương hiệu Việt. Nhưng đến thời điểm này, họ vẫn làm phần nhiều theo cách “tự thân vận động”, mà ít nhận được sự hỗ trợ vĩ mô là vì sao, thưa ông?
- Để có những doanh nghiệp mạnh cần có những sản phẩm và dịch vụ chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế. Trong quá trình đó, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thực tế, trong giai đoạn phát triển vừa qua, đã có nhiều sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt có chỗ đứng trong thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường quốc tế như: phần mềm diệt virus BKAV, phần mềm kế toán MISA, phần mềm từ điển Lạc Việt, dịch vụ tích hợp hệ thống của FIS, máy tính CMS, máy tính FPT eLead,… Các sản phẩm phần cứng thương hiệu Việt, như máy tính, sau một thời gian phát triển, đúng là có dấu hiệu chững lại trong năm qua như tôi đã nhận định ở trên.
Với mục đích tăng cường quảng bá, hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và nhiều hoạt động hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương đã tạo ra hiệu ứng hết sức tích cực. Tháng 11 vừa rồi, Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức Hội thảo và Triển lãm Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt (Vibrand). Chương trình có sự hưởng ứng, tham gia của nhiều doanh nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông dự định sẽ xây dựng Danh mục các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt. Nhưng khách quan mà nói, để có chỗ đứng bền vững, quan trọng nhất vẫn là giá trị thực sự mà mỗi sản phẩm, dịch vụ mang lại cho người sử dụng.
- Còn về hỗ trợ của Nhà nước, thưa ông?
- Hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển, Đề án Nước mạnh không có gói ngân sách riêng, không có cơ chế tài chính đặc thù, trừ một số Chương trình nhánh có xác định ngân sách riêng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn về tài chính, đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các chương trình, dự án thuộc phạm vi Đề án. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Dự án hỗ trợ doanh nghiệp CNTT áp dụng mô hình CMMi, đã có 20 doanh nghiệp tham gia, trong đó đã có 4 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi từ mức 3 đến mức 5.
Thời gian tới, ngay đầu năm 2012, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai Dự án Hỗ trợ các khóa đào tạo ngắn hạn cho các doanh nghiệp CNTT. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai các dự án ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, chúng tôi cũng hy vọng sẽ tạo ra thị trường, mang lại nhiều hơn nữa các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
- Nhìn khách quan thị trường nội địa, có thể thấy game online vẫn đang có những làn sóng phát triển ngầm. Thời gian gần đây, xã hội đã bớt những định kiến với game online nhưng các DN sản xuất game Việt vẫn đang dò dẫm tìm đường phát triển. Xin Thứ trưởng cho biết, sắp tới sẽ có cơ chế chính sách nào để hỗ trợ Game Việt phát triển?
Theo Bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh công nghiệp CNTT 2011 do Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) công bố, Việt Nam đã tăng 2,1 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2009 để đứng ở vị trí 53. Bảng xếp hạng đánh giá theo 6 chỉ số cơ bản: Môi trường kinh doanh; hạ tầng công nghệ thông; nguồn nhân lực; môi trường nghiên cứu - phát triển; môi trường pháp lý và sự hỗ trợ để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Đây bảng xếp hạng so sánh và xếp hạng môi trường công nghệ thông tin của 66 nền kinh tế nhằm xác định những khu vực mà các nền kinh tế cần chú trọng để nâng cao tính cạnh tranh cho ngành CNTT của mình. Bảng xếp hạng năm nay chứng kiến sự cải tiến vượt bậc của Malaysia tăng 11 bậc lên vị trí 31 và Ấn độ nhảy 10 bậc lên vị trí thứ 34 và Singapore tăng 6 bậc lên vị trí thứ 3 của bảng xếp hạng. |
- Ở góc độ sản xuất, bản chất các game cũng đều là phần mềm cả, vì vậy, các doanh nghiệp lập trình, phát triển game cũng được coi là các doanh nghiệp phần mềm. Thậm chí, để phát triển game còn đòi hỏi một trình độ CNTT nói chung ở mức tương đối cao. Do đó, các doanh nghiệp lập trình, phát triển game hoàn toàn đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi như doanh nghiệp phần mềm.
Ở góc độ kinh doanh và phát hành game, tôi không trực tiếp phụ trách, nhưng được biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy chế về quản lý, phát hành và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet nhằm thúc đẩy dịch vụ game lành mạnh, đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, hạn chế hiệu quả đối với các tiêu cực nảy sinh.
- Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng như thế nào vào sự phát triển ngành CNTT nước nhà trong năm Nhâm Thìn 2012, xin Thứ trưởng chia sẻ?
- CNTT-TT hiện đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, là động lực, hạ tầng của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước chứ không chỉ đơn thuần là công cụ, phương tiện hoạt động cho các lĩnh vực khác. Tôi hy vọng, trong năm 2012, ngành CNTT-TT tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm vừa qua, trong đó, hàm lượng giá trị gia tăng và năng suất lao động của người Việt ngày càng được nâng cao. Đồng thời, tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều người trong xã hội có nhận thức giống như bạn về vai trò của CNTT-TT như một ngành kinh tế quan trọng và là động lực, là hạ tầng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Đầu xuân năm mới, Thứ trưởng có đôi lời nhắn nhủ với các CBNV tuổi đời trẻ nhưng luôn tràn đầy say mê cống hiến của VTC?
- Năm 2011 được coi là thời gian có nhiều biến động với VTC. Hệ thống triết lý từ cổ xưa của cả phương Đông và phương Tây đều chia sẻ chung một quan điểm cho rằng điều duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi.
Tôi nghĩ nguồn nhân lực trẻ có trình độ của VTC là một trong những vốn quý giá nhất để VTC vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Và tôi hy vọng, với lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển, trong năm 2012, VTC sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và hoàn thành tất cả các mục tiêu đã đặt ra.
Xin chúc toàn thể cán bộ nhân viên của VTC luôn luôn duy trì được sự khát khao của tuổi trẻ trong mỗi nỗ lực hành động của mình!
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Anh Lê (thực hiện)
Tạp chí Truyền hình Số VTC