6 cách thức IBM hướng DN bảo vệ hệ thống CNTT khi có thảm họa

(ICTPress) - Năm 2011 là một năm với những thảm họa nhiều tỷ đô la. Do đó, khi xảy ra một sự cố bất ngờ, điều tất yếu là chúng ta cần phải bảo vệ dữ liệu cũng như duy trì hoạt động liên tục của các hệ thống CNTT.

Thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 tại Nhật Bản (Ảnh: ITU)

Theo thống kê, năm 2011 là một năm với những thảm họa nhiều tỷ đô la, với một loạt những cơn bão và lốc xoáy tại các miền Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ, sóng thần tại Nhật Bản, động đất ở Biển Đông, Colorado và Peru, trận lụt khủng khiếp tại Queensland và mới đây là trận lụt tại Bangkok. Có thể nói thảm họa tự nhiên là một trong những rủi ro lớn nhất.

"Hơn bao giờ hết, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Do đó, khi xảy ra một sự cố bất ngờ hay một thảm họa tự nhiên nào đó, điều tất yếu là chúng ta cần phải bảo vệ dữ liệu cũng như duy trì hoạt động liên tục của các hệ thống CNTT và kinh doanh trong tổ chức và doanh nghiệp (DN) của mình," Ông Hàn Quốc Ân, Giám đốc phụ trách bộ phận Dịch vụ công nghệ toàn cầu của IBM Việt Nam, cho biết. "Trong những trường hợp này, rõ ràng là những tổ chức và DN đã chuyển từ mô hình thụ động cũ - đó là hứng chịu tác động và tùy cơ phản ứng - sang một mô hình chủ động mới - đó là dự báo và điều chỉnh. Điều đó rõ ràng đã giúp chúng ta tránh được những hậu quả và gián đoạn hoạt động kinh doanh sau thảm họa hơn rất nhiều."

Dưới đây, IBM đưa ra 6 cách thức mà tổ chức và DN sẵn sàng đối phó với thảm họa trong trường hợp xảy ra:

Thứ nhất, nhân viên là tài sản quan trọng nhất của công ty, nhưng tài sản quý giá nhất của nhân viên lại là gia đình của họ. Vì thế, DN nên cân nhắc việc hỗ trợ sơ tán cả nhân viên lẫn gia đình họ khi cần thiết như thế nào, ví dụ như cung cấp và hỗ trợ tài chính trong trường hợp xảy ra thảm họa, hoặc cung cấp các dịch vụ tư vấn để giúp họ đối phó với hậu quả của thảm họa cũng là một vài gợi ý.

Thứ hai, phương thức truyền thông với nhân viên và đối tác. Sau con người, yếu tố quan trọng nhất là truyền thông. Các hoạt động truyền thông ở đây là truyền thông nội bộ DN cũng như với các đối tác, nhà cung cấp, khách hàng, cơ quan báo chí… và ngược lại. Những hoạt động truyền thông với các kênh này cần phải kịp thời, rõ ràng và trung thực, bởi nội dung truyền thông sai lệch có thể làm cho thảm họa trở nên nghiêm trọng hơn. DN cần xem lại họ đang sử dụng những công cụ truyền thông nào và quan trọng hơn là DN đã bao giờ chạy thử kế hoạch truyền thông này hay chưa.

Thứ ba, sao lưu dữ liệu. Hãy đảm bảo rằng dữ liệu của DN không bị sai lệch và luôn có thể truy cập được từ địa điểm khôi phục sau thảm họa. Cân nhắc việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để lưu trữ những dữ liệu quan trọng bởi công nghệ này sẽ mang lại khả năng linh hoạt cao cũng như giảm thiểu mức độ gián đoạn hoạt động kinh doanh khi DN phải đối phó với những điều kiện biến động.

Thứ tư, cân nhắc “hiệu ứng đô-mi-nô” khi đánh giá rủi ro kinh doanh. Thực tế từ các thảm họa ở tầm khu vực đã cho thấy những sự cố ban đầu thường dẫn đến các hậu họa khác. Chẳng hạn, một cơn bão thường có gió lớn và mưa to sẽ gây ra lụt lội, đổ nhà, mất điện, gián đoạn hoạt động viễn thông và giao thông. Vì thế, khi cân nhắc và lên kế hoạch chuẩn bị đối phó với các thảm họa, DN cần xem xét đến các khả năng có thể liên quan này.

Thứ năm, lập kế hoạch để đối phó với những thảm họa có thể kéo dài. Ví dụ, các DN cần phải xem xét tầm ảnh hưởng nếu sự gián đoạn liên quan đến hạ tầng,  mạng, công nghệ hoặc con người kéo dài hơn 3 ngày, một tuần, v.v... Trong thập kỷ vừa qua, chúng ta đã thấy nhiều thảm họa nghiêm trọng diễn biến kéo dài kèm theo những ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính. Các DN cần cân nhắc các lựa chọn nếu môi trường làm việc chính hoặc những nhân sự chủ chốt không thể trở lại hoạt động trong khoảng thời gian hơn 2 tuần.

Thứ sáu, DN cần suy nghĩ và hành động một cách tổng thể. Mỗi DN đều là một phần của một chuỗi hoặc một mạng lưới cung ứng. DN bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng mọi việc nhưng  các đối tác hay nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan cũng luôn phải sẵn sàng. Một phần quan trọng trong kế hoạch khôi phục sau thảm họa của tổ chức, là phải đảm bảo mọi người, mọi khâu, từng đơn vị trong toàn bộ hệ thống kinh doanh của DN cũng luôn được chuẩn bị sẵn sàng.

 PL

Tin nổi bật