Một số ý kiến về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong hoạt động báo chí hiện nay
(ICTPress) - Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông hiện đại đang là công cụ tốt nhất để giúp cho báo chí truyền tải một lượng thông tin khổng lồ đến với công chúng. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với những người làm báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Vấn đề đặt ra cho các nhà báo cũng giống như các nhà sản xuất hàng hóa khi phải trả lời ba câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào? Nhà báo cũng phải tự đặt ra cho mình ba câu hỏi là: Viết cái gì? Viết cho ai? Và viết như thế nào? Để trả lời cho ba câu hỏi ấy mỗi nhà báo nên bắt đầu từ đâu?
Với một giờ đồng hồ, chương trình “Chào buổi sáng” của VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam đã tóm lược tình hình đất nước và cả thế giới với rất nhiều các thông tin nóng bỏng diễn ra trong vòng 24 giờ. Từ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, thể thao, thời tiết… tất cả đều được các phóng viên của đài giúp cho độc giả cập nhật một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Nói như vậy thì các phương tiện truyền thông khác như radio, các tờ báo viết, các tạp chí, báo điện tử… sẽ không còn tác dụng nữa hay sao? Không! Báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng, truyền tải những thông tin thời sự có tính định kỳ đến với đông đảo công chúng. Đặc điểm nổi bật của báo chí, chính là tính công khai và sự lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp.
Báo chí phải gắn liền với thông tin thời sự, những sự kiện diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên toàn thế giới và trên cả nước rất cần sự phản ánh và phân tích, mổ xẻ của báo chí nhằm rộng đường dư luận. Như vậy, những thông tin mà đài truyền hình đưa trong chương trình “Chào buổi sáng” chỉ mới mang tính cập nhật tin tức, rất ngắn gọn, chưa chuyên sâu, chưa có sự phân tích và mổ xẻ một cách kỹ lưỡng, trong khi đó rất nhiều độc giả lại muốn được nhận biết những thông tin một cách tường tận sâu sắc cũng như muốn biết thêm các thông tin trên nhiều những lĩnh vực khác như: thời trang, khoa học kỹ thuật, âm nhạc… Đây chính là cơ hội để các tờ báo khác có đất hoạt động. Nếu như báo hình có các game show như kiểu Tạp chí thời trang (VTV3), Tạp chí phụ nữ (VTV1)… để đáp ứng nhu cầu của người xem thì báo điện tử sẽ có thế mạnh là cập nhật rất nhanh từng giờ, thậm chí là từng phút cho độc giả. Chúng ta còn nhớ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng, nhiều bạn đọc trong Nam và ngoài Bắc chờ đợi từng phút để nhận biết các thông tin về người thân. Mỗi phút trôi qua là mỗi phút lo âu của nhân dân cả nước…
Có thể nói, độc giả nín thở để chờ tin qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách nhanh nhất, để được hưởng những giây phút xúc động nhất. Họ tìm đến các phương tiện báo chí trước hết là để tìm kiếm thông tin và trong những thông tin đó thì thông tin thời sự luôn đóng vai trò quan trọng. Một dẫn chứng nữa mang tính thời sự rất cao đó là việc đưa tin trực tiếp trên truyền hình cảnh lũ lụt lớn diễn ra ở miền Trung cuối năm 2007. Hoặc gần đây nhất là cơn bão số 8 đổ bộ vào Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và một số tỉnh lân cận quá nhanh làm cho nhân dân ở các tỉnh nói trên gặp muôn vàn khó khăn… Khán giả được tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà bị ngập trắng, những con người bị đói ăn và chịu rét đang đu bám trên các ngọn cây, nóc nhà chờ cứu trợ…
Những cảnh tượng đó đã gây nhiều xúc động cho cộng đồng và ngay lập tức tác dụng của báo chí đã thu được kết quả rất lớn bằng sự đóng góp cứu trợ, bằng sự chung tay góp sức khắc phục hậu quả lũ lụt cho miền Trung. Chính những thông tin thời sự đã làm nên uy tín, vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay. Rõ ràng báo chí đã góp phần mở rộng tầm nhìn cho công chúng, liên kết xã hội, tác động mãnh liệt vào số đông bằng chính tính chất thời sự nóng bỏng và chân thực.
Quay trở lại với thể loại chuyên đề khác như các game show mang tính giải trí. Công chúng đến với báo chí không phải chỉ tìm những cái mới nhất, nóng nhất, họ vẫn mong đợi những “giọt nước mát” làm dịu đi nhịp sống hối hả đời thường, tạo những giây phút thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi… Tuy vậy những thông tin theo dạng này cũng phải hiểu là những thông tin mà công chúng chưa biết, hoặc đã biết nhưng lại muốn biết nhiều hơn… Như vậy, ngay cả các chương trình mang tính giải trí cũng phải chứa đựng những thông tin giá trị bởi vì: Thông tin về tri thức mới, về các chương trình giải trí mới sẽ tạo nên sức hấp dẫn và có ý nghĩa nhất định trong đời sống xã hội.
Từ khi báo điện tử xuất hiện đã phần nào phá vỡ tính định kỳ trong đặc điểm truyền thống của báo chí. Thông tin trên báo điện tử ngày nay không phải là hàng ngày mà nó được cập nhật hàng giờ, thậm chí là chỉ ít phút… Vấn đề đặt ra cho mỗi nhà báo là phải làm thế nào để xử lý những thông tin trước khi đưa lên mặt báo một cách nhanh nhất, chính xác nhất nhưng phải mang tính định hướng dư luận xã hội tốt nhất.
Ảnh minh họa (nld.com.vn) |
Nhà báo luôn cần sự nhạy cảm trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Một thông tin nhanh nhạy, chính xác có sức lan tỏa nhanh, nhận được sự đồng tình lớn của dư luận xã hội đó là những thông tin tốt, đúng định hướng. Chúng ta nên hiểu, báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng, mọi hoạt động của báo chí đều phải nhằm mục đích là phục vụ công tác tuyên truyền quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước. Báo chí không thể đi ngược lại với lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân. Sự nhạy cảm của các nhà báo chính là cách xử lý thông tin, điều này phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nhận thức xã hội và kinh nghiệm.
Xin nhắc lại luận điểm: “Viết cái gì, viết cho ai và viết như thế nào?” để lý giải thêm cho vấn đề này, đó là trình độ của công chúng. Họ là những độc giả “khó tính” và có trình độ cao, thậm chí cao hơn các nhà báo chúng ta rất nhiều. Điều đó bắt buộc các nhà báo phải toàn tâm, toàn ý cho mỗi tác phẩm của mình, phải có trách nhiệm cao cho mỗi bài viết, trách nhiệm này được hiểu rằng đó là trách nhiệm trước xã hội.
Chúng ta không thể dễ dãi để từ đó xem thường độc giả. Lấy thí dụ một tin mang tính “giật gân” có tựa đề: “Xác chết bí hiểm trên ngọn cây” và kèm theo một bức ảnh có hình cây cau. Mọi người đổ xô vào đọc với ý nghĩ sẽ được chứng kiến cảnh ly kỳ, rùng rợn, nhưng đọc đến hết mới té ngửa ra là chẳng có cái gì ghê ghớm cả. Đó chỉ là vụ tai nạn điện giật do một người sơ ý trèo lên cây cau hái quả không may chạm vào dây diện nên bị điện giật chết… Hoặc gần đây, vụ việc đưa thông tin thất thiệt “Bố chồng dính nàng dâu” cũng làm xôn xao dư luận xã hội. Đây thực sự là một dư luận xấu, thậm chí gây phẫn uất cho nhiều độc giả… Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và việc khiếu kiện về đất đai xảy ra ở các địa phương, việc toàn Đảng đang tiến hành kiểm điểm phê và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW lần thứ 4 và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII để xuyên tạc, nói xấu, kích động và tìm cách chia rẽ nhằm gây hoang mang trong nhân dân. Việc các nhà báo phải có những bài viết sắc sảo nhằm phản bác lại những thông tin sai trái đó là hết sức cần thiết.
Chúng ta không thể để một số ít các phần tử của phản động lợi dụng cái gọi là “Tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận…” để xuyên tạc nói xấu và bôi nhọ chế độ CNXH, làm giảm uy tín của Đảng, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hơn lúc nào hết các nhà báo phải là những chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh để bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân…
Đó có phải là do dự phối hợp không tốt giữa các cơ quan báo chí, nhiều trường hợp là do a dua, chạy theo sự kiện giật gân, tạo dư luận không chính xác. Cũng có thể là do trình độ của phóng viên, biên tập viên và người quản lý còn bất cập… Bên cạnh đó, Báo chí của ta trong thời điểm hiện nay cũng mắc không ít những sai phạm thiếu sót, từ đó gây dư luận không tốt trong đời sống xã hội, đồng thời tạo kẽ hở để kẻ địch lợi dụng thực hiện “âm mưu diễn biến hòa bình”. Trước tình hình đó công tác quản lý báo chí trong giai đoạn hiện nay thực sự là một vẫn đề cấp bách.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ với khoảng 700 tờ báo và tạp chí, 750 ấn phẩm mỗi năm tương đương với 700 triệu bản, như vậy tình trung bình mỗi người dân Việt Nam được đọc 8 tờ báo trong mỗi năm. Tuy nhiên số người ở các đô thị lớn chiếm khoảng 75%, còn các vùng xa thì đạt khoảng 25%. Hệ thống phát thanh và truyền hình đã phủ sóng rộng khắp trên toàn quốc, ngoài ra còn có thêm truyền hình kỹ thuật số, báo điện tử, báo mạng… Như vậy hệ thống báo chí và tuyên truyền của ta đã và đang thực sự mạnh. Nhưng làm thế nào để quản lý thật tốt hệ thống truyền thông đó, đòi hỏi phải có một cơ quan quản lý báo chí đủ mạnh, phải định hướng được đối tượng quản lý, nội dung quản lý và phương pháp quản lý, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, trình độ chính trị và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp.
Để khắc phục các điểm yếu này chỉ có một biện pháp duy nhất là công bố thông tin một cách đầy đủ, chuẩn bị những bài viết có sự phân tích thuyết phục cao để định hướng dư luận. Nhưng muốn làm được việc này các tờ báo phải có đội ngũ bình luận viên sắc sảo, những cộng tác viên có uy tín, kinh nghiệm. Chúng ta cần phải nhớ rằng, nguyên tắc quan trọng nhất của báo chí luôn là sự thật; Sự tác động của báo chí vào dư luận xã hội là nội dung được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vì vai trò của báo chí đã giữ vững trận địa thông tin và là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa cơ quan quản lý với mọi thành tố khác trong xã hội…
Tóm lại báo chí luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội và góp phần định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tiến bộ. Tuy nhiên để làm được điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo chúng ta phải luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo và trau dồi phẩm chất chính trị vững vàng.
Trần Bình Tám
Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TT&TT
Tham luận tại Đại hội X Hội nhà báo Việt Nam 7 - 9/8/2015