502 đại biểu chính thức dự Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam

(ICTPress) - Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2015 - 2020) sẽ diễn ra trong ba ngày từ ngày 7 - 9/8/2015 tại Hà Nội. Trong đó có 2 ngày họp nội bộ (7 - 8/6) và 1 ngày họp chính thức (9/8) được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên các kênh VOV1 và VTV1.

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam chủ trì họp báo về Đại hội lần thứ X - Hội nhà báo Việt Nam sáng 6/8

Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam (2015 - 2020) được tổ chức trong không khí cả nước sôi nổi hướng tới Đại hội XII của Đảng, sẽ nghiêm túc đánh giá hoạt động của Hội trong 5 năm qua (2010 - 2015) khẳng định, biểu dương nỗ lực, thành tựu và những đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, của Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc; thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ khóa X (2015 - 2020).

Đại hội X có 501 đại biểu chính thức trong đó có 389 đại biểu nam và 112 đại biểu nữ. Ngoài 49 đại biểu đương nhiên là Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ IX, 452 đại biểu được bầu từ các cấp Hội. 

Trong 3 ngày, các văn kiện sẽ được trình trước Đại hội gồm: Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX “Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn; xây dựng tổ chức Hội, đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”; Dự thảo sửa đổi, bổ sung “Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam”; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội Nhà báo khóa IX; Báo cáo công tác kiểm tra của Hội và một số văn bản khác.

Trong 5 năm qua, báo chí cả nước nói chung, Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, đã có thêm 3 Liên chi hội, 40 chi hội được thành lập. Số người làm báo tự nguyện gia nhập Hội tăng nhanh. Tổng số hội viên đạt trên 22.000 người, tăng trên 5.000 người so với đầu nhiệm kỳ. Hiện cả nước có 270 tổ chức hội, gồm 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố với 12.188 hội viên; 19 liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội với 5.135 hội viên và 188 chi hội trực thuộc Trung ương Hội với 4.165 hội viên.

Cùng với việc phát triển tổ chức hội và hội viên, Hội đã tiến hành rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả, xóa tên những tổ chức hội và hội viên vi phạm quy định của Điều lệ Hội. Năm 2014, Trung ương Hội đã quyết định giải thể 27 chi hội, xóa tên 371 hội viên.

Tại Đại hội, Điều lệ Hội sửa đổi bổ sung đã được chuẩn bị với 10 lần dự thảo sẽ được thông qua, phù hợp với xu hướng phát triển của mạng xã hội. Điều lệ sẽ được sửa đổi cơ bản như trước, đảm bảo tôn chỉ mục đích. Thay đổi ở chỗ các chi hội hiện nay nhiệm kỳ sẽ là 5 năm chứ không phải 2,5 năm để trùng với nhiệm kỳ Đại hội Trung ương. Những người được bầu vào Ban chấp hành các cấp phải có trách nhiệm sinh hoạt đến hết nhiệm kỳ dù đã nghỉ chế độ. Trong thời gian qua, nhiều ủy viên Ban chấp hành nghỉ chức vụ chức quyền thì nghỉ luôn hoạt động hội. Các hội viên Trung ương cử về thường trú ở địa phương phải sinh hoạt ở cả cơ quan chủ quản ở Trung ương và chi hội nhà báo tại địa phương.

Trong nhiệm kỳ qua, bộ máy tổ chức các cấp hội được kiện toàn, số lượng hội viên tăng nhanh, chất lương được nâng cao. Hiện nay có hơn 22.000 hội viên, so với cuối nhiệm kỳ trước – hơn 17.000 thì mỗi năm trung bình tăng 1.000. Đã có nhiều hội viên trẻ và, có người làm báo 15 - 20 năm giờ mới gia nhập hội. 

Về nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam trong những năm 2015 - 2020 có 11 nhiệm vụ trọng tâm và 8 giải pháp. Trong đó chú trọng việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, coi đây là tiền đề để xây dựng hội Nhà báo Việt Nam thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của toàn thể người làm báo Việt Nam.

Nguyễn Dung

Tin nổi bật