Bkav - Chúng ta có thể tin được không?

(ICTPress) - "Thật tuyệt vời, không thể tin nổi, chính chúng tôi cũng không thể tin nổi khi mình làm được như vậy" là câu nói được ông Nguyễn Tử Quảng - Tổng Giám đốc Bkav nhắc lại nhiều lần với sự tự tin pha lẫn tự hào khi nói đến những cái nhất, cái đầu tiên của chiếc Bphone trong sự kiện ra mắt sản phẩm này ngày hôm qua (26/5).

Câu nói này lập tức khiến nhiều người có mặt tại hội trường nhắc lại theo cách nửa đùa nửa thật khi nói về thành quả mới của Bkav và sau đó đã nhanh chóng lan truyền trên khắp mạng xã hội.

Quả thực, nếu Bkav không có đủ niềm tin khi bắt tay vào dự án này từ cách đây nhiều năm, thì cho đến giờ nhiều người vẫn sẽ không thể tin nổi Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ các khâu để sản xuất ra một chiếc smartphone thực sự "Made in Vietnam" có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với những chiếc điện thoại cao cấp của thế giới.

Ảnh chế về ông Nguyễn Tử Quảng trên Internet.

Thách thức 1500 ngày

Tại buổi lễ công bố, ông Quảng tiết lộ, dự án Bphone đã được khởi động từ cách đây hơn 4 năm, vào tháng 9 năm 2010. Kiểu dáng của chiếc điện thoại được thiết kế độc quyền và được bảo hộ sáng chế từ năm 2011.

"Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi là liệu mình có thể thiết kế ra một smartphone đẹp hơn các smartphone hàng đầu trên thế giới được hay không? Chúng tôi tham gia lĩnh vực này sau các hãng khác, vậy để trở thành một thương hiệu thực sự trong lĩnh vực, không có cách nào khác, chúng tôi phải làm ra sản phẩm tốt hơn của họ", người đứng đầu Bkav nói.

Theo ông Quảng, riêng về khâu thiết kế, để có thể hoàn thiện được các chi tiết, các kĩ sư của Bkav đã phải bỏ ra hàng nghìn giờ nghiên cứu, chế tạo thử để làm ra những chi tiết tinh xảo.

"Hơn 1.500 ngày, hàng trăm kĩ sư với tinh thần nhiệt huyết, sự đam mê đã tạo ra sản phẩm này", Tổng Giám đốc Bkav nói.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Truyền thông Bkav từng chia sẻ với chúng tôi, các dự án phần cứng tại Bkav - trong đó có Bphone là mảng "đốt tiền" nhiều nhất trong Tập đoàn, tiền liên tục chi ra, nhưng kết quả nhiều năm không thấy đâu. Tuy thế, ông Quảng chưa từng một lần nói về chuyện này, họ kiên định thực hiện và tin vào kết quả, bà Hằng cho biết.

Nói dễ dàng vậy nhưng nếu ai từng làm ra một sản phẩm hay thực hiện một công việc kinh doanh đều hiểu, đó chắc chắn là một hành trình đầy thách thức và khó khăn.

Phó chủ tịch phụ trách mảng Phần cứng của Bkav Vũ Thanh Thắng: "Thách thức là vô cùng lớn".

Chia sẻ về thách thức này, ông Vũ Thanh Thắng - Phó chủ tịch phụ trách mảng Phần cứng của Bkav cho biết "Khi sản xuất một chiếc điện thoại smartphone cao cấp, Bkav gặp phải thách thức vô cùng lớn, đó là làm sao để đặt vừa vặn 800 linh kiện cơ khí và điện tử vào trong một sản phẩm với kích thước chỉ vừa vặn trong lòng bàn tay mà vẫn bảo đảm được thiết kế kiểu dáng đẹp và hài hòa."

"Thách thức này là vô cùng lớn. Bạn không thể dễ dãi trong quá trình thiết kế các kết cấu cơ khí. Mỗi kết cấu khi gặp khó khăn, các bạn nới nó lên thêm chỉ cần 0,1mm sẽ phá vỡ kiểu dáng thiết kế. Các bạn cần biết rằng 0,1mm chưa được bằng đường kính một sợi tóc. Các kĩ sư của chúng tôi đã phải kiểm soát các kích thước, các sai số tới 0,1mm, thậm chí là 0,05mm. Và đó là vì sao trên thị trường không có nhiều các smartphone cao cấp vừa đẹp, vừa mỏng, camera không lồi, dung lượng pin lớn như Bphone, lên đến 3.000 mAh", ông Thắng cho biết thêm.

Điều đáng nói là tất cả đều mới mẻ và họ chưa hề có kinh nghiệm. Vũ Thanh Thắng là người thuộc thế hệ 8x, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội ngành Công nghệ thông tin, giờ đây làm chủ và quản lý tất cả các công đoạn từ thiết kế, sản xuất cơ khí, thiết kế điện tử, gia công, lắp ráp theo quy trình công nghiệp. Thật... khó có thể tin được.

Xây dựng hệ sinh thái

Sự kiện ra mắt chiếc điện thoại Bphone đã thu hút được nhiều sự chú ý khiến ít người để ý rằng, Bkav đang âm thầm xây dựng cả một hệ sinh thái to lớn bao gồm từ phần mềm tới phần cứng, từ giải pháp, thiết bị cho tới các dịch vụ - phục vụ các khách hàng từ người dùng cuối, các doanh nghiệp cho đến khối cơ quan nhà nước.

Ngay trong sự kiện ra mắt Bphone, Bkav cũng đã giới thiệu hàng loạt các sản phẩm mới trong hệ sinh thái của mình: giải pháp truyền hình trực tuyến Blive, dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây Bdrive, Website thương mại điện tử Vala.vn, giải pháp họp trực tuyến eMeeting. Đồng thời, tập đoàn này cũng ra mắt một mảng sản xuất mới là smart devices - các thiết bị thông minh.

"Các bạn cũng có thể mua Bphone kèm theo ổ cắm thông minh, hay công tắc thông minh. Với các thiết bị này, các bạn có thể điều khiển các thiết bị trong nhà thông qua smartphone hoặc tablet. Vậy là bạn đã sẵn sàng gia nhập thế giới của tương lai, thế giới của Internet of Things cùng chúng tôi", Tổng Giám đốc Bkav nói.

Hệ sinh thái to lớn của Bkav còn đang tiếp tục được bổ sung.

Đó là ở phần cung cấp sản phẩm ra bên ngoài. Ở bên trong, Bkav duy trì quan điểm dù khó nhưng kiên trì xây dựng các bộ phận có khả năng tự làm tốt tất cả các khâu, không thuê ngoài. Ngay cả ở những dịch vụ thường được các doanh nghiệp khác "outsource" như tổng đài hỗ trợ khách hàng, chuyển phát, truyền thông,... đều được Bkav thực hiện ngay trong nội bộ.

Cách làm này cho phép họ xây dựng một nền tảng cực vững, thống nhất, có khả năng chuyển đổi nhanh phù hợp theo nhu cầu nội bộ doanh nghiệp, và khả năng mở rộng dễ dàng cho những lĩnh vực mới.

Quan trọng hơn, cách làm này giúp Bkav phát hiện ra các nhu cầu mới của khách hàng, hiểu rõ nhu cầu đó, đưa ra giải pháp, triển khai trước tiên trong nội bộ, và sau đó cung cấp thành sản phẩm, dịch vụ cho thị trường.

Tin được không?

Trước khi sự kiện ra mắt Bphone diễn ra, chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Thanh Thắng nói Bkav muốn chứng minh rằng người Việt Nam hoàn toàn có năng lực, có thể tạo ra các sản phẩm hàng đầu, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp thế giới.

Để khẳng định được điều này, mảng phần cứng của ông Thắng sử dụng toàn bộ các kỹ sư trong nước, tuyển chọn từ các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia,... không thuê nhân sự người nước ngoài, không có sinh viên tốt nghiệp từ nước ngoài - tất cả hầu hết đều ở độ tuổi 8x, 9x.

Trong một lần trao đổi trước đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Tử Quảng cũng khẳng định với chúng tôi, những gì Bkav làm không chỉ cho bản thân công ty, mà nhằm tạo ra niềm tin cho các doanh nghiệp Việt Nam. "Chỉ cần khoảng 10 doanh nghiệp thành công, sẽ tạo ra niềm tin và 'làn sóng' rất lớn trong nước", ông Quảng nói.

Và đến hôm nay họ đã làm được!

Và ông Quảng một lần nữa khẳng định lại mục tiêu của mình trong những chia sẻ nhiều cảm xúc ở cuối sự kiện ra mắt Bphone: "Chúng tôi vô cùng tự hào có thể thiết kế và sản xuất được một sản phẩm như vậy ngay tại Việt Nam, một đất nước còn vô cùng nhiều khó khăn, còn vô cùng nhiều những điều không thuận lợi. Có được điều này là bởi vì chúng tôi có động lực mong muốn rằng chúng ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ căn dặn. Và dĩ nhiên vì chúng tôi yêu các bạn, yêu Việt Nam."

Vì một niềm tin "Made in Vietnam"

Trong nhiều bình luận khen chê ngày hôm qua trên mạng về sự kiện Bphone, tôi đọc được một vài doanh nhân đã nhắc tới "Hiệu ứng cánh bướm", đó là khi một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây những thay đổi lớn như cơn lốc ở bên kia bán cầu.

Sự kiện ngày hôm qua của Bkav có thể là một "cánh bướm" tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghệ Việt Nam. Cuộc cách mạng trước hết ở niềm tin - niềm tin rằng người Việt Nam hoàn toàn có năng lực tạo ra sản phẩm ở đẳng cấp quốc tế, tin rằng một doanh nghiệp khi nói lên khát vọng muốn cạnh tranh với những sản phẩm hàng đầu của thế giới không hề đáng bị "ném đá", bị coi là "nổ" mà xứng đáng được cổ vũ, hỗ trợ.

Tôi phần nào đọc thấy sự phấn khích và niềm tin này trong những tràng vỗ tay của hàng nghìn người có mặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ngày hôm qua.

Còn chúng ta, chúng ta có thể tin được không?

An Du

 
               
 
 
Text-to-speech function is limited to 100 characters
 
Tin nổi bật