Trường Sa - ba chuyến đi một đời để nhớ

(ICTPress) - Đã hai lần đến với Trường Sa vậy mà chuyến đi lần này cảm xúc trong tôi vẫn ắp đầy háo hức.

Trưởng đoàn công tác số 9 - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chính là người thổi hồn cho đề cương kịch bản bộ phim tài liệu “Tổ Quốc nơi đầu sóng”. Ông nói, đối với Trường Sa, con người và hình ảnh đã được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều, vì thế phim tài liệu này phải tập trung khai thác những hình ảnh chân thực, đẹp và xúc động nhằm động viên kịp thời tinh thần quyết tâm giữ biển, giữ đảo của quân và dân Trường Sa.

Trưa 4/5 chúng tôi có mặt ở nhà khách vùng 4 Quân chủng Hải quân. Bữa cơm đầu tiên mang đậm hương vị bộ đội gây được cảm tình cho nhiều đại biểu. Từ hình ảnh người lính anh nuôi nhặt rau, rửa rau, vo gạo, nấu cơm, rán cá… đến chia cơm, thái thịt… Họ đã trở thành người “mẹ nuôi” cần mẫn, khéo tay và biết lo toan mọi thứ.

Hòn đảo chìm đầu tiên đoàn công tác được đặt chân đến là đảo Đá Nam. Đảo tuy nhỏ nhưng bộ đội ở đây sinh hoạt rất gọn gàng, sạch sẽ. Cái gì các anh cũng làm đẹp được. Từ mắc áo, giường nằm, chăn màn, giày tất… đến chậu rau, cây cảnh, vật nuôi… tất cả đều được tính toán một cách chi li, chính xác. Tâm sự với Trung sỹ trẻ Đào Phúc Anh, quê ở làng Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi được biết: Anh đang học năm thứ hai Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì có ý định thi sang trường khác. Trong lúc chờ đợi anh được gọi đi làm nghĩa vụ Quân sự. Đây là lần đầu tiên xa nhà, lại ở vùng biển đảo xa xôi khắc nghiệt, nhiều khó khăn nhưng anh vẫn xác định tư tưởng rất tốt, yên tâm công tác, quyết tâm phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trao đổi với đồng chí đảo trưởng, anh tâm sự: Những khó khăn về rau xanh, nước ngọt, về tình cảm người lính xa nhà… là rất đỗi bình thường. Bởi chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên qua những món quà, câu ca lời hát mang hơi ấm từ đất liền.

Tạm biệt Đá Nam thân yêu, tôi nhìn mãi vào những cánh tay các anh lính Hải quân vẫy trong nắng chiều rát bỏng.

Song Tử Tây đón chúng tôi bằng hình ảnh vô cùng cảm động khi các em nhỏ má đỏ hây hây gặp ai cũng chào cô, chào bác. Hình ảnh về một làng quê Việt Nam yên lành giữa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc như tạo thêm niềm tin và sức mạnh trong lòng chúng tôi. Bất chợt tôi thoảng nghe có tiếng chuông Chùa, còn đang ngơ ngác, ngó nghiêng thì có một phụ nữ tay dắt theo một bé gái giải thích: Đó là tiếng chuông của Chùa Song Tử Tây đấy các cô, các chú ạ! Chùa Song Tử Tây ư? Bốn từ nghe sao gần gũi và thân thương đến thế. Tôi thầm nghĩ về thế hệ những người đi trước, thầm tự hào và cảm phục ý chí của Dân tộc mình, một đất nước nhỏ bé nằm bên bờ biển Đông đầy nắng gió và phải chịu biết bao gian nan thử thách trước thiên tai và địch họa. Đất nước có Đảng, nhân dân, Quân đội kiên cường, yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm… Và hôm nay, ở giữa đảo Song Tử Tây, chúng ta được nghe một tiếng chuông Chùa, một tiếng quê hương sao lắng lòng đến thế.

Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây đang xem triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa do Bộ TT&TT tổ chức trưng bày (Ảnh: Xuân Lộc)

Ít phút sau, đoàn làm phim cũng đến được Chùa Song Tử Tây, Đại Đức Thích Nhuận Đạt cho biết: Tiếng chuông vừa rồi là do Trưởng đoàn công tác số 9 Trương Minh Tuấn thỉnh để cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho mảnh đất này, vùng biển trời này mãi mãi trường tồn cùng Dân tộc. Đối với tôi, người có vinh hạnh được cùng với quân và dân đang làm nhiệm vụ giữ đảo Trường Sa lúc nào cũng tâm niệm một điều: Là người Việt Nam thì phải yêu Tổ Quốc Việt Nam:

Tổ Quốc Việt Nam phải là tất cả

Những núi cao biển rộng, sông dài

Những nụ cười của em bé ngày mai

Đều mang nặng hồn mặn mòi của biển…

Cột mốc chủ quyền từ bao đời nay vẫn hiên ngang đứng giữa đảo Song Tử Tây, còn đó ngọn Hải đăng đêm đêm rọi sáng dẫn đường cho những con tàu Việt Nam và bạn bè quốc tế, còn đó tượng đài vị Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo sừng sững uy nghi cùng với quân, dân Song Tử Tây, Trường Sa và nhân dân cả nước quyết tâm giữ yên bờ cõi Việt Nam.

Gần trưa chúng tôi ghé thăm ngôi trường Tiểu học do thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh đang dạy các em. Cảm giác đầu tiên là yêu thương xúc động. Lũ trẻ còn quá nhỏ nên chúng cứ vô tư làm mọi việc mình thích. Có 2 cháu 9 tuổi, học lớp 4, còn lại là lớp 2, lớp 1 và lớp mẫu giáo. Điều quý nhất là cháu nào cũng khỏe, nhanh nhẹn và ngoan ngoãn. Thầy giáo Mạnh nói rằng, bữa nay vì có nhiều các cô, các chú, các bác tới thăm nên bọn trẻ mới “quá vui” như vậy đó.

Ở nhà dân số 2, chị Trương Thị Thanh Xuân, người đã nói cho chúng tôi biết về tiếng chuông của Chùa Song Tử Tây ngồi kể chuyện làm ăn. Anh chị ra đây đã được hơn 2 năm, cùng đi có cô con gái đầu lòng khi đó 4 tuổi, nay cháu đã vào lớp 1. Thấy tôi ngập ngừng định hỏi thêm chị Xuân liền nói: Dạ em đang có bầu cháu thứ 2 được hơn 6 tháng rồi!

-  Đã biết là trai hay gái chưa?

- Dạ chưa!

Tôi nhanh nhẩu tiếp lời đoán mò:

- Ồ! Thế thì lần này chắc chắn là thằng cu Tí rồi.

Vừa lúc đó anh Nguyễn Thành Trung chồng chị Xuân vừa đi làm lễ chào cờ từ sân vận động trở về. Anh hồ hởi nói với chúng tôi: Ở đảo này, quân với dân là một, các anh bộ đội giúp các gia đình nhiều lắm. Từ chữa bệnh, dạy học thêm cho các cháu đến việc động viên tinh thần và vật chất. Vì vậy chúng em thật sự yên tâm bám biển, bám đảo.

Còn rất sớm nhưng đảo Sơn Ca đã ngập tràn trong nắng. Nhìn lại mấy cây dừa sau 14 năm cảm giác như chúng chậm lớn quá, chỉ có mấy cây bàng vuông vẫn giữ được màu xanh đầy sức sống. Buổi chào cờ và duyệt đội ngũ diễn ra rất nhanh chóng, các đại biểu tập trung ra Chùa thắp hương, sau đó về hội trường để nghe đảo trưởng báo cáo. Đồng chí Trương Minh Tuấn chỉ phát biểu ngắn gọn, tập trung vào tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, khắc phục khó khăn, đoàn kết, sáng tạo. Tôi ghé vào trạm xá của đảo Sơn Ca, kíp quân y của Quân khu 1 đang trực tại đây cho biết: Ngoài việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bộ đội trên đảo, quân y đảo Sơn Ca còn giúp đỡ ngư dân khi đau yếu bất thường. Nhiều trường hợp phải xử lý những ca khó vượt cả điều kiện phương tiện cho phép. Ở các phân đội trực chiến, chúng tôi gặp Thiếu úy chuyên nghiệp Bùi Đức Sơn quê ở Quảng Yên, Quảng Ninh đã có vợ và một con trai 2 tuổi. Tôi hỏi đùa sao lấy vợ sớm thế? Anh cười và nói: 

-  Tại bố mẹ em đấy! Em lấy vợ là lấy cho bố mẹ chứ mới 21 tuổi đã có con buồn cười chết đi được.

Anh nhắn vợ con là yên tâm, bố sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ để mang thành tích về khoe với cu còi của bố. Ngoài sân đoàn văn công Quân khu 3 đang biểu diễn cùng bộ đội, sau phút ấy là khoảng thời gian gặp gỡ, giao lưu và chia tay. Những nhớ thương bịn rịn, những cái ôm thắm thiết, cao hơn cả là niềm tin mãnh liệt của các đại biểu trước sự quyết tâm của cán bộ và chiến sỹ.

Vì phải theo kịch bản của phim “Tổ quốc nơi đầu sóng” nên chúng tôi không tham gia các nghi lễ đón và trao quà trên đảo. Sự háo hức được nhìn lại cây bàng vuông bảy thân đã làm cho bước chân chúng tôi như nhanh hơn. Nắng sớm đã chói lòa trên biển đảo, Nam Yết giờ đây đã xanh hơn, đẹp hơn. Con đường “Thanh Niên” thẳng tắp với hai hàng cây gồm dừa, tra, mù u và bàng vuông đã gây nhiều cảm xúc cho các đại biểu. Đồng chí Thượng Tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo cho biết đang đề nghị Nhà nước công nhận cây bàng vuông bảy thân là cây di sản. Đề xuất này thật xứng đáng. Bởi vì với bề dày thời gian cũng như dáng vóc của cây cổ thụ vừa đẹp lại vừa mang nhiều yếu tố tâm linh ở nơi đầu sóng. Nhìn sang bên trái của Đảo, ngôi Chùa nhỏ mang đầy sự yên bình lặng lẽ, mùi trầm hương tỏa thơm ngào ngạt trong tiếng chuông Chùa ngân nga gợi nhớ hồn quê.

Trở lại trung tâm của Nam Yết, tôi gặp Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Vịnh đang cùng anh em chăm sóc “Vườn rau Thanh Niên” rất kiên cố. Hàng rào bằng tôn, mái lợp ni lông và rau trồng trong chậu. Chúng được tưới bằng thứ nước “thập cẩm”, gồm nước tiểu, nước vo gạo, nước rửa rau, nước rửa bát, thậm chí cả nước tắm giặt nữa. Có thể nói, mỗi cọng rau xanh là mỗi giọt mồ hôi công sức của anh em trên đảo. Chia tay chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo Nam Yết nói ngắn gọn một câu: “Mong đất liền cứ yên tâm. Đảo Nam Yết nói riêng và Trường Sa nói chung xin hứa với nhân dân cả nước quyết tâm xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ Quốc”.

Sinh Tồn Đông nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lý về phía Đông. Đây là hòn đảo nổi nhưng nhỏ hơn so với các đảo khác. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi gặp là các chiến sỹ công binh đang trần mình dưới nắng để làm việc. Nước da người nào cũng đen bóng, chỉ có nụ cười và hàm răng trắng là dễ nhận ra. Các anh hơi gầy nhưng rắn chắc, khỏe mạnh, gặp đại biểu nào cũng chào hỏi, vui vẻ, hòa đồng.

Sau lễ chào cờ và tặng quà chúng tôi tranh thủ đi thăm hỏi gặp gỡ cán bộ và chiến sỹ ở các phân đội. Chiến sỹ trẻ Lê Đình Đông quê ở Kim Thủy, Thanh Oai, Hà Nội, ra đảo đã được 4 tháng nhưng vẫn còn rụt rè, nhút nhát. Đông cho biết, em đã học xong câp III nhưng chưa thi được vào Đại học. Hoàn thành nghĩa vụ xong em sẽ thi vào một trường nào đó phù hợp với sở thích của mình. Đông nhắn bố mẹ và em trai hãy yên tâm, ở ngoài đảo anh em chúng con quý nhau như ruột thịt. Đông gửi chúng tôi mang quà về cho bố mẹ vỏ một con ốc rất đẹp, anh cứ dặn đi dặn lại: Các chú cố gắng về nhà cháu chơi nhé!

Ở giường bên cạnh Trung Úy Trần Đình Thành, Trưởng xuồng CQ của đảo Sinh Tồn Đông đang tranh thủ lúc khách đi thăm đảo gọi điện về cho vợ con. Dù ở xa nhưng tôi vẫn nhìn thấy anh đang nở nụ cười với vợ:

- Em à, hôm nay đảo vui lắm, đang có đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông ra thăm. Em nhớ giữ gìn sức khỏe và chăm con cho tốt nhé, cuối năm anh sẽ về.

Mặc dù chỉ nói nhỏ đủ cho vợ mình nghe vậy mà mấy thằng “quỷ con” vẫn nghe trộm được. Chúng nói với vào thật to: Anh hôn em nhé, mấy lị cả con mình nữa… Phòng nhỏ lại rộn rã tiếng cười. Vừa lúc Trưởng đoàn công tác bước vào, hôm nay ông mặc bộ đồ của Sỹ quan Hải quân, dù đã chuyển ngành rất lâu nhưng Cựu chiến binh - Đại Úy Trương Minh Tuấn vẫn còn giữ chuẩn tác phong Quân đội. Từ cách chào theo điều lệnh đến những câu thăm hỏi bộ đội vừa thân thiết, gần gũi và đậm đà chất quê. Những lời chia sẻ tâm huyết đã làm cho khoảng cách của người lính, người dân trên các đảo không còn cách xa, chỉ đọng lại niềm cảm xúc thẳm sâu.

Đầu giờ chiều 11/5 chúng tôi lên đảo Cô Lin. Cái nắng cuối mùa khô càng làm cho không khí thêm ngột ngạt. Nhiều đại biểu hỏi tại sao ở giữa biển, không có gì che khuất lại mênh mông sóng nước thế này mà vẫn nóng. Ở vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5 khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng kéo dài từ 4h30’ đến khoảng 19h mới dịu. Bù lại đây lại là mùa sóng yên biển lặng, là mùa đánh bắt hải sản của bà con ngư dân và thuận tiện cho các đoàn đại biểu đi thăm các đảo ở Trường Sa.

Cuộc đón tiếp diễn ra rất nhanh gọn, Trưởng đoàn công tác cùng các đại biểu đi thăm nơi ăn, ở và làm việc của bộ đội. Lán bên phải, bộ phận công binh Hải quân đang mải mê làm việc dưới cái nắng nóng cháy da cháy thịt. Dù phải tác nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu thực phẩm tươi sống nhưng các anh nuôi tài ba tháo vát vẫn biết tìm cách cải thiện bữa ăn. Giá đỗ tự làm, rau xanh tự gieo, tự cấy, chỉ cần vài chậu đất, các loại hạt rau và 20 ngày là có thể thu hoạch được.

Ở bộ phận thông tin, Trung Úy Đinh Mạnh Tiến quê ở An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình cho biết:  Từ khi nhập ngũ, tính cho đến lúc này anh đã đi qua 5 đảo: Song Tử Tây, Nam Yết, Phan Vinh, Đá Nam và Cô Lin. Tôi hỏi anh đã có gia đình chưa? Tiến lắc đầu cho biết: Vẫn chưa ạ! Năm nay em mới 33 thôi mà… Anh kể lại câu chuyện trên vùng biển Gạc Ma 27 năm trước, khi lực lượng công binh ít ỏi của ta phải chống trả một lực lượng lớn của phía Trung Quốc với đầy đủ vũ khí khí tài. Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, 64 Sỹ quan và chiến sỹ của chúng ta đã anh dũng hy sinh và nơi chúng ta đang đứng đây chính là nơi các anh đang yên nghỉ. Nói đến đây Tiến chùng giọng xuống, vẻ xúc động lộ rõ trên khuôn mặt. Anh chỉ nói đúng một câu: Chúng em tự hào về các anh.

Có tiếng loa thông báo, tất cả các đại biểu rời đảo để về tàu chuẩn bị cho lễ tưởng niệm. Hoàng hôn vùng biển Gạc Ma đang buông xuống. Biển lặng sóng như muốn gọi đón hương hồn các anh về. Trưởng đoàn Trương Minh Tuấn nấc nghẹn ngay trong lời đọc tưởng niệm đầu tiên. Ông khóc bởi lẽ đã một thời ông làm người lính, một thời chiến đấu hy sinh, một thời vào sinh ra tử, một thời khóc thương đồng đội và tự hào kiêu hãnh vì đồng đội.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đọc diễn văn tại Lễ tưởng niệm (Ảnh: Xuân Lộc)

Các anh ơi! 64 hương hồn Liệt sỹ trên vùng biển này sẽ sống mãi trong lòng Dân tộc. Cho phép chúng tôi, những thế hệ cùng các anh và sau các anh nhỏ những giọt lệ tiếc thương và biết ơn. Xin cầu chúc cho linh hồn các anh mãi bình yên trong lòng biển đảo Việt Nam… Nắng tắt rồi nhưng nhiều đại biểu vẫn còn đứng trên bong tàu, mắt mọi người cứ nhìn về phía biển:

Gạc Ma chiều nay nắng đẹp

Sóng rất yên, biển cũng rất yen

Triệu triệu con tim ở phía đất liền

Đang cùng chúng tôi nghiêng mình tưởng niệm

64 hương hồn Liệt sỹ

Đang nằm đây giữa biển đảo Việt Nam

Các anh nằm đây như việc phải làm

Khi giặc đến chúng ta phải đánh

Khi giặc đến chúng ta phải đuổi

Biển trời này đâu của lũ chúng bay…

Đúng 7h trên đảo Trường Sa lớn âm hưởng của Tiến Quân Ca vang lên hùng tráng. Tôi đứng hát mà lời như nghẹn lại, cảm giác thiêng liêng dâng trào trong con tim khi đứng giữa đảo Trường Sa lại được hát Quốc ca và chào cờ Tổ quốc. Được nghe đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau lễ chào cờ, chúng tôi đến thăm các hộ dân trên đảo. Tại nhà hộ dân số 3, vợ chồng anh chị Thái Nhật Tường và Nguyễn Bình Phương Ái có hai con một trai và một gái. Cháu trai đang học lớp 2 và cháu bé chuẩn bị vào mẫu giáo. Anh Trường cho biết: Mặc dù vẫn còn thiếu thốn về tình cảm và một số nhu yếu phẩm khác nhưng theo tôi đời sống của các hộ dân trên đảo Trường Sa hiện nay là tốt. Chúng tôi được Đảng bộ, chính quyền thị trấn và các chú bộ đội giúp đỡ rất nhiều. Đúng như lời anh Trường nói, buổi chiều chúng tôi đi thăm trường học, bưu điện và đặc biệt là bệnh xá của Trường Sa đã có các phương tiện tương đối hiện đại như máy siêu âm, máy chụp X quang và phòng điều trị với hơn 10 giường bệnh.

15h chiều tại một phân đội chiến đấu nằm ở cuối đảo, chúng tôi được dự một cuộc hội ngộ đầy xúc động. Đó là cuộc gặp gỡ của Phó Chính Ủy vùng 4 Hải quân Đại tá Nguyễn Công Sơn với cậu con trai thứ 2 và thuyền trưởng tàu Trường Sa 571 Trung tá Phạm Xuân Hải với cậu con trai cả. Đại tá Sơn với tác phong nhanh nhẹn, chất giọng đầm ấm nhưng mang đầy sự cương quyết, mẫu mực. Ông giấu sự xúc động trước mặt con trai bằng cách khoác tay lên vai con và nói: Con gọi tất cả đồng đội về đây để liên hoan, mẹ gửi quà cho các con đây này. Vậy là cuộc liên hoan giữa hai ông bố đều là lính Hải quân với hai cậu con trai cùng đồng đội đang có mặt ở đảo Trường Sa diễn ra ấm áp và vô cùng cảm động. Hai chàng trai mới 19 đôi mươi tuổi song đã chững chạc như một người lính thực thụ. Nguyễn Công Huân, con trai Phó Chính Ủy vùng 4 Hải Quân còn nói qua ống kính truyền hình: “Mẹ ơi, con và đồng đội vẫn khỏe, công tác tốt, con đang ở Trường Sa. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, con hoàn thành nghĩa vụ sẽ về để đi học tiếp. Mẹ cho con gửi lời thăm bà nội mẹ nhé”. Cũng có đôi chút xúc động nhưng Huân đã vượt qua cảm xúc ấy rất nhanh. Anh còn nói thêm với tôi, bọn cháu đang phấn đấu để được kết nạp Đảng.

Dáng chiều đang buông xuống, tôi nhìn nơi mép sóng thấp thoáng những sải chân của tổ tuần tra, theo sau các anh là vài chú chó cứ chạy theo như hình với bóng. Tôi đứng ngắm hoàng hôn, hình ảnh đẹp và ngộ nghĩnh ấy tạo cho chúng ta một cảm giác bình yên.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng cho Bộ Tư lệnh Hải quân 4 tỷ đồng, món quà rất ý nghĩa do Bộ TT&TT phát động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TT&TT ủng hộ Hải quân nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Xuân Lộc)

Trước khi lên nhà giàn DK17, đoàn công tác số 9 tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh trên vùng biển này. Trong lời tưởng niệm, đồng chí Phó Chính Ủy Quân chủng Hải quân đã nghẹn ngào nhắc lại những tấm gương dũng cảm hy sinh, xả thân vì nước của những người lính nhà giàn trong các năm 1990 và 1998. Khoảnh khắc của người chỉ huy nhường chiếc áo phao cuối cùng cho đồng đội, nhường sự sống cho đồng đội sẽ còn in đậm trong lòng mỗi chúng ta… DK17 đón chúng tôi trong sóng yên biển lặng, việc lên xuống của các đại biểu đã diễn ra nhanh chóng và an toàn. Sau phút nghe báo cáo của nhà giàn, các đại biểu tranh thủ gặp gỡ, đi thăm nơi ở và làm việc của các anh.

Tuy diện tích hơi nhỏ nhưng DK17 cũng hội tụ nhiều người con của các tỉnh thành: Thái Bình, Quảng Bình, Nam Định, Ninh Thuận… Nhiều miền quê đang chung một mái giàn, chung một ý chí, chung một niềm tin. Câu chuyện của người lính nhà giàn, của các đảo nổi, đảo chìm và của người dân xã đảo luôn là những câu chuyện chân thực, những khó khăn mà họ đang phải đương đầu, chưa phải một sớm một chiều có thể khắc phục được. Sự cố gắng của Đảng, nhà nước và Quân đội cho đến lúc này thật đáng ghi nhận. Các xã đảo, đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn đã và đang được đầu tư ngày một tốt hơn, tập trung hơn, hiện đại hơn.

Tuy vậy cảm nhận của Trưởng đoàn công tác số 9 Trương Minh Tuấn, người đã 6 lần đến với Trường Sa thật giản dị và sâu sắc. Ông nói: “Cứ mỗi lần rời đảo nổi, đảo chìm hoặc nhà giàn khi xuống tàu tôi vẫn khó cầm nổi lòng mình trước những tình cảm, những khó khăn và thử thách mà quân và dân Trường Sa, nhà giàn đang phải ghánh chịu”.

Chuyến thăm Trường Sa của đoàn công tác số 9 đúng vào mùa sóng yên biển lặng, song có rất nhiều những nghĩ suy trăn trở trong lòng các đại biểu. Vẫn còn nhiều việc phải làm, phải rút kinh nghiệm bởi nơi đó Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta “sóng” vẫn chưa yên. Quân và dân huyện đảo Trường Sa cùng nhân dân cả nước quyết tâm bám biển, bám đảo, quyết tâm giữ vững chủ quyền trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam.

Ấn tượng về Trường Sa, về nhà giàn trong lòng các đại biểu hẳn sẽ còn đọng mãi. Những dáng hình cháy nắng da anh, những bát canh nước nhiều rau ít, những gáo nước ngọt dội lên đầu một cách từ từ cho đỡ lãng phí, những chậu rau xanh chan trộn mồ hôi…

Nhà báo Trần Bình Tám

Tin nổi bật