Cần thống nhất trong chủ trương về Học viện BCVT
(ICTPress) - Trong mấy ngày gần đây, báo giới và dư luận đã quan tâm tới thông tin về đề xuất chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) về Tập đoàn Viettel.
Là nhà báo kỳ cựu của ngành, ông Nguyễn Ngô Hồng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Bưu điện đã bày tỏ ý kiến cho biết khi Chính phủ có Quyết định 888 chuyển Học viện Công nghệ BCVT về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quản lý, nhiều cán bộ lâu năm trong ngành Bưu điện đã có tâm tư và thắc mắc bởi trước đây khi thành lập Học viện tại VNPT, Phó Thủ tướng Chính phủ khi đó đã nhấn mạnh: Đây là một bước tiến trong sự nghiệp Đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Đưa giáo dục nghiên cứu gắn liền với sản xuất, làm cho công tác nghiên cứu và đào tạo bám sát yêu cầu phục vụ của doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 888 của Chính phủ việc đưa Học viện Công nghệ BCVT về Bộ TT&TT quản lý sẽ phục vụ chung cho yêu cầu nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông của cả nước.
Cách đây ít ngày, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ TT&TT cùng 4 Bộ liên quan khác về việc chuyển nguyên trạng Học viện Công nghệ BCVT từ Bộ TT&TT về Tập đoàn Viettel. Nhiều cán bộ lâu năm trong Ngành, cán bộ, sinh viên Học viện đã có nhiều ý kiến và không ít câu hỏi đặt ra thế là thế nào nhỉ??? Sao lại xoay như chong chóng vậy, nếu để Học viện về Viettel thì có phải vì lợi ích nào không? có trái với tinh thần Quyết định 888 của Chính phủ không?
Tâm tư về công lao xây dựng nên ngành Bưu điện Việt Nam và lịch sử hơn 60 năm của của hàng vạn cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện Việt Nam, kể cả những người đã hy sinh cho sự nghiệp đó lại được giấy lên.
Theo nhà báo Nguyễn Ngô Hồng không nên chuyển Học viện về Viettel vì Viettel mạnh hơn VNPT mà phải là vì lợi ích chung của cả nước, nhất quán trong chủ trương đến việc làm, phải có trước có sau. Học viện nên tiếp tục do Bộ TT&TT quản lý. Đừng để xảy ra một tiền lệ không đẹp trong quản lý nhà nước, gây ảnh hưởng tới niềm tin của đông đảo đảng viên và quần chúng.
Lãnh đạo ngành TT&TT qua các thời kỳ, CBCNV Học viện chụp ảnh nhân dịp Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1953 - 2013) |
Trước đó, ông Nguyễn Huy Luận, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông I (nay là Học viện) cũng đã cho biết ý kiến rằng ngay từ khi được thành lập (1953), sự phát triển của Học viện đã luôn gắn liền với sự phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam, đặc biệt là của Tập đoàn VNPT. Tập đoàn đã gây dựng, tạo điều kiện cho Học viện lớn mạnh và có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, trở thành không những là một cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong hệ thống các trường đại học trên cả nước, mà còn là một cơ sở đào tạo, cung cấp nhân lực viễn thông, CNTT chất lượng cao cho VNPT nói riêng và ngành TT&TT nói chung.
Khi tách khỏi VNPT về trực thuộc Bộ TT&TT theo Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều tâm tư, lưu luyến từ cả phía Tập đoàn lẫn Học viện, tuy nhiên, vì sự phát triển của học viện, vì khả năng nâng tầm hoạt động phục vụ cho xã hội, VNPT và Học viễn vẫn ủng hộ chủ trương này. "Tuy nhiên, nếu Học viện lại tiếp tục được chuyển về Tập đoàn Viettel quản lý thì điều này không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của CBCNV của VNPT cũng như của Học viện qua các thời kỳ, cũng không đúng với tinh thần của Quyết định số 888", ông Luận nêu quan điểm.
Chủ trương chung của Chính phủ khi tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn, tổng công ty lớn phải thoái vốn, dừng đầu tư ngoài ngành. Do đó, VNPT đã chuyển Học viện về Bộ TT&TT quản lý, giống như Đại học Điện lực chuyển từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Bộ Công thương quản lý...
Trong trả lời phỏng vấn báo điện tử được đăng tải trên Vietnamnet sáng nay 12/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã cho biết nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã và đang tập trung xây dựng Học viện thực sự là đơn vị sự nghiệp công lập - từng bước trở thành một trung tâm đào tạo lớn của Ngành, của đất nước trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, truyền thông cho xã hội nói chung và cho Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel nói riêng. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; tới đây Bộ sẽ bổ sung ngành đào tạo về báo chí, xuất bản, truyền thông đa phương tiện... cho Học viện theo tinh thần Quyết định số 1593/QĐ-TTg, ngày 9/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Minh Anh