95% sinh viên muốn lập trình trở thành môn học chính
(ICTPress) - Microsoft hôm nay 20/3 công bố kết quả của một báo cáo mới tại Châu Á - Thái Bình Dương, theo đó cho biết phần lớn sinh viên tại Việt Nam nhận ra giá trị của việc học lập trình và tiềm năng giúp kiến tạo công việc cho họ.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sinh viên đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà trường và cha mẹ trong việc học lập trình, báo hiệu việc gia tăng nhận thức cho cải thiện kỹ năng - là một phần quan trọng trong tương lai nghề nghiệp hiện đại.
Là một phần thuộc dự án Microsoft YouthSpark #WeSpeakCode, báo cáo được tiến hành vào tháng 2/2015 với 1.850 sinh viên dưới 24 tuổi từ 8 quốc gia thuộc Châu Á - Thái Bình Dương gồm Australia, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, về mong muốn học lập trình của họ. Tham dự khảo sát là sinh viên thuộc nhiều nền tảng giáo dục, bao gồm Nghệ thuật và Xã hội, Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM), Kinh doanh và các ngành học phổ cập khác..
Theo báo cáo, 95% sinh viên Việt Nam muốn hiểu thêm về lập trình và 83% mong muốn đây sẽ là môn học chính trong trường học của họ. Điều này gợi mở về tiềm năng lập trình có thể trở thành môn học được yêu thích và thu hút được sự chú tâm và trí tưởng tượng của sinh viên, giúp tạo ra được nhiều kết quả tích cực. Báo cáo cũng nhấn mạnh: sinh viên Việt Nam có hiểu biết rộng về tầm ảnh hưởng của công nghệ tới doanh nghiệp và xã hội. 88% sinh viên nói rằng việc lập trình là quan trọng cho tương lai nghề nghiệp của họ và 73% đồng ý rằng việc lập trình sẽ có ảnh hưởng tới mọi nghề nghiệp trong tương lại.
“Kết quả của báo cáo Microsoft chỉ ra rõ ràng rằng phần lớn sinh viên Việt Nam đều hiểu rõ giá trị của việc học lập trình. Biết lập trình sẽ giúp họ bổ sung được kỹ năng cơ bản của thế kỷ 21 và chuẩn bị cho thành công của họ trong tương lai. Vì thế giới của chúng ta đang chuyển dịch tới xu hướng “Ưu tiên di động, Ưu tiên đám mây” nên việc quan trọng đối với các chuyên gia giáo dục trong khu vực là không nên đắn đo về việc có nên đưa lập trình thành một môn học hay không, mà nên phân tích để tích hợp môn học này vào giáo trình càng sớm càng tốt”, Ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo eDT nhấn mạnh.
Những kết quả đáng chú ý khác từ báo cáo bao gồm:
-
Về lợi ích của lập trình, 62% nói rằng lập trình giúp họ suy nghĩ logic hơn, 52% nói rằng lập trình giúp họ hiểu hơn về thế giới số hiện đại;
-
Mặc dù thông thường đây là lĩnh vực mà nam giới thống trị, khảo sát vẫn chỉ ra khoảng 90% các chàng trai và 85% các cô gái ở Việt Nam nghĩ rằng lập trình là quan trọng với họ cho nghề nghiệp tương lại;
-
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, sinh viên Việt Nam có nhận thức tốt về công nghệ, và hơn 91% sinh viên xã hội và nghệ thuật, những thành phần được coi là không quan tâm đến công nghệ và khoa học, lại muốn học lập trình.
Khảo sát cũng cho thấy, sinh viên Việt Nam muốn học lập trình đều nhận được sự ủng hộ tương đối mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh và trường học: 66% sinh viên có cơ hội để học lập trình tại trường, dù là môn học chính hoặc ngoại khóa và 63% chia sẻ rằng, cha mẹ họ thấy lập trình là quan trọng đối với tương lai. Ngoài ra, 92% sinh viên cho biết họ sẵn sàng chấp nhận học thêm về lập trình thường xuyên. Trong thực tế, 57% học sinh ở Việt Nam đã tìm hiểu các chương trình ngoài lớp học và học lập trình thông qua các hướng dẫn trực tuyến.
Để hỗ trợ các giáo viên tiếp tục triển khai xu hướng tích cực này, Microsoft đã duy trì chiến dịch Microsoft YouthSpark #WeSpeakCode tại Châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay là một năm đầy thú vị với rất nhiều các sự kiện đa dạng đóng góp bởi mười ba nước trong khu vực nhằm tạo cảm hứng cho thanh niên, giúp họ thử tay nghề lập trình, trở thành người sáng tạo... Dù sinh viên có kiến thức lập trình ở mức độ nào, mới học 1 giờ, đã học 1 học kỳ, hay đã chuyên sâu ở mức độ nhiều năm, chiến dịch của Microsoft sẽ kết nối cảm hứng lập trình của sinh viên tới các công cụ, tài nguyên và cung cấp những kinh nghiệm cần thiết, giúp họ biến những ý tưởng sáng tạo của mình thành hiện thực.
Thông tin bổ sung về chương trình luôn được cập nhật tại: http://www.wespeakcode.net/. Microsoft cũng mời tất cả các thành viên Việt Nam tham dự sự kiện lớn Thunderclap – sự kiện thuộc chuỗi chương trình #WeSpeakCode của sáng kiến YouthSpark – được tổ chức vào ngày 25/3 trên mạng xã hội để truyền tải thông điệp về việc “Chúng ta cùng lập trình” tại địa chỉ https://www.thunderclap.it/projects/21629-wespeakcode-in-asia-pacific?locale=en.
Khi tham dự sự kiện mạng xã hội này nhờ chia sẻ lại thông điệp “Chúng ta cùng lập trình”, chúng ta sẽ chung tay kêu gọi mọi người cùng sáng tạo, nhằm chuyển đổi cuộc sống tích cực hơn thông qua công nghệ.
Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi được biết có rất nhiều sinh viên Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của lập trình và đã có những hành động cụ thể để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn. Tại Microsoft, chúng tôi tin tưởng rằng lập trình là ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều có thể học và tư duy tính toán là một kỹ năng quan trọng nên được phổ cập cho mọi lứa tuổi, giới tính hay ngành học. Viết mã chương trình và lập trình không quá phức tạp và khó khăn, và quan trọng hơn đây là hoạt động thật sự thú vị. Hơn 82 triệu người trên toàn cầu thuộc mọi lứa tuổi đã thử viết mã chương trình năm ngoái trong sự kiện mang tên “Giờ lập trình” (Hour of Code). Thông qua chương trình YouthSpark #WeSpeakCode của Microsoft, chúng tôi đã đưa chương trình tới Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam, nhằm giúp giới trẻ có thể sáng tạo hơn, đổi mới hơn và khai mở những cơ hội sáng lạn hơn cho tương lai của chính mình”.
Chương trình #WeSpeakCode của Microsoft tại Châu Á - Thái Bình Dương là chiến dịch nhằm thúc đẩy việc phát triển ngôn ngữ lập trình như một ngôn ngữ chung cho mọi thành viên tại khu vực. Đây là chương trình của Microsoft hợp tác cùng tổ chức Code.org giúp kết nối mơ ước học lập trình của sinh viên mọi cấp độ với các công cụ, tài nguyên và cả các kinh nghiệm họ cần để có thể chuyển đổi ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.
Chi tiết có thể tham khảo tại: www.wespeakcode.net.
QA