Báo chí điều tra: "Búa tạ" trong phòng chống tham nhũng

(ICTPress) - Đó là lời khẳng định của PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ nhiệm Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng” tại Hội thảo tổng kết dự án Báo chí điều tra - VACI 2013.

Hội thảo vừa được tổ chức để tổng kết dự án Báo chí điều tra VACI 2013, diễn ra ngay sau Lễ khai mạc triển lãm “Báo chí điều tra” FOJ Collection ngày 30/11 được Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Báo chí và Câu lạc bộ (CLB) Báo chí điều tra đã tổ chức, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhằm đánh giá quá trình hoạt động của dự án sau một năm triển khai.

Đây là sự kiện cuối cùng nằm trong khuôn khổ hoạt động của đề án P34: “Nâng cao kiến thức và kĩ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng” - Một trong số những đề án đã đạt giải trong Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2013 (VACI 2013).

Sau thành công tại Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2013 (VACI 2013), Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền tiếp tục giành thắng lợi tại Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2014 (VACI 2014) với Đề án mang “số hiệu” P41. Đây là giai đoạn 2 của đề án “Nâng cao kiến thức và kĩ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng”.

Trong giai đoạn này, mục tiêu hướng tới đó là: thứ nhất, đào tạo và thực hành kiến thức và kỹ năng tác nghiệp làm báo điều tra trong lĩnh vực chính trị - pháp luật và kinh tế cho sinh viên báo chí và đội ngũ các nhà báo trẻ, tăng cường đạo đức, trách nhiệm xã hội của người làm báo trong lĩnh vực báo chí điều tra ở lĩnh vực chính trị - pháp luật và kinh tế. 

Thứ hai, thiết lập mạng lưới nhà báo điều tra trẻ bao gồm 3 đối tượng là sinh viên báo chí, phóng viên công tác tại các tòa soạn địa phương và phóng viên công tác tại các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại địa phương, nhằm tăng khả năng chi phối hợp tác tiếp cận, thực hiện điều tra các vụ tham nhũng ở các địa phương. 

Thứ ba, đưa giáo trình Báo chí điều tra vào chương trình đào tạo Cử nhân báo chí chính quy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đồng thời các tác phẩm báo chí điều tra của thành viên IJC đủ điều kiện sẽ được biên soạn thành giáo trình tham khảo: "Tác phẩm báo chí điều tra phòng chống tham nhũng - Tuyển chọn và phân tích", xuất bản năm 2015.

Tại hội thảo, Chủ nhiệm Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định: “CLB báo chí điều tra là ý tưởng đề xuất được đánh giá cao trong bối cảnh hiện nay khi mà báo chí điều tra được coi là công cụ có ý nghĩa, thể loại “búa tạ” trong báo chí phòng chống tham nhũng. CLB báo chí điều tra ra đời đáp ứng nhu cầu đào tạo cho sinh viên báo chí học kiến thức, kỹ năng, nguyên tắc điều tra cho sinh viên báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường".

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó trưởng khoa Báo chí, Chủ nhiệm dự án Báo chí điều tra báo cáo tổng kết dự án P34 -VACI 2013.

Phát biểu chúc mừng những thành công của Khoa Báo chí và Câu lạc bộ Báo chí điều tra trong triển khai thực hiện Dự án "Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp của sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng", Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, cho rằng: Học viện báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo nòng cốt về báo chí truyền thông đặc biệt là báo chí điều tra. Vai trò của báo chí và giới trẻ sẽ thúc đẩy quá trình phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả. Học viện là nơi duy nhất mà Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới chọn trao giải thưởng 2 lần cho 2 đơn vị là Khoa Báo chí và Khoa Quan hệ quốc tế trong tổng số 3 lần tổ chức cuộc thi sáng kiến phòng chống tham nhũng.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ phát biểu chúc mừng tại hội thảo.

Nhà báo Trần Bá Dung - Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam, người luôn theo sát và ủng hộ dự án tin tưởng, chia sẻ: “Tôi hi vọng CLB không những chỉ là nơi sinh hoạt nghiệp vụ bổ ích, mà cao hơn là đưa các thành viên CLB (nhất là sinh viên báo chí) vào cuộc thực thụ, ít nhất là tham gia trực tiếp với các cơ quan báo chí để có những tác phẩm báo chí điều tra tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó có thể làm mẫu về phương pháp, kĩ năng nghiệp vụ báo chí điều tra. Đồng thời, hi vọng các thành viên CLB là sinh viên báo chí sớm được các cơ quan báo chí đón nhận về làm việc, sớm trở thành những nhà báo điều tra giỏi.”

Nhà báo Trần Bá Dung - Trưởng ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Thay mặt Ban Chủ nhiệm Khoa Báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Dững đã gửi cảm ơn chân thành các nhà báo đã đồng hành cùng Câu lạc bộ Báo chí điều tra và Khoa báo chí để tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các thành viên. Các nhà báo đã không quản ngại gian nan và công sức để dẫn dắt các em tham gia vào thực tế, đem những kỹ năng và kinh nghiệm truyền đạt để sinh viên báo chí đủ tự tin dấn thân vào lĩnh vực này, nhất là điều tra phòng chống tham nhũng đầy khó khăn, thử thách nhưng đây cũng là lĩnh vực thể hiện rõ nhất tính chất chuyên nghiệp của báo chí.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của Dự án và sáng kiến thành lập CLB Báo chí điều tra của Khoa Báo chí.

Các hoạt động của đề án giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Quyên

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật