Đơn giản chỉ là việc phản ánh sự thật
Câu chuyện “chui qua túi nilong để qua suối” mà báo Tuổi trẻ đưa từng xôn xao dư luận bởi có những hồ nghi về tính chân thực trong clip. Có hai nhà báo đã quyết tâm tới tận vùng đất Sam Lang, Nậm Pồ, Điện Biên để “mục sở thị” sự kiện, để giúp khẳng định những thông tin mà báo Tuổi trẻ cung cấp là đúng sự thật. Chúng tôi đã gặp một trong hai nhà báo đó nhà báo Hồng Chuyên - Báo điện tử Infonet.
Hãy cứ lên Sam Lang rồi sẽ biết sự thật
Nhà báo Hồng Chuyên vui vẻ thông báo: Sáng 5/5/2014, tại bản Sam Lang, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ, Điện Biên), Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức khánh thành, chính thức đưa vào sử dụng cầu treo Sam Lang. Việc cầu treo Sam Lang được đưa vào sử dụng sẽ giúp việc đi lại của hơn 100 hộ đồng bào người Mông cùng các giáo viên, bộ đội biên phòng ở xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, trở nên thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa lũ. Qua đó cũng thể hiện tình cảm của người miền xuôi với người miền ngược… Tôi cảm thấy vui với niềm vui ấy!
“Có được niềm vui này, một phần là nhờ tiếng nói của những người làm báo, trong đó có cả anh!”- tôi nhận xét.
Anh cười bảo: “À, không. Tôi nghĩ công lao đó thuộc về báo Tuổi trẻ. Tôi chỉ là người tìm đến đây để chứng kiến sự việc, để viết tiếp những điều còn dang dở, để khẳng định lại một sự thật còn đang xôn xao dư luận thời gian qua. Việc tôi làm chỉ đơn giản là đi tìm một sự thật mà thôi”.
Anh kể tiếp: Ngay khi một số các trang thông tin điện tử phản bác lại clip của báo Tuổi trẻ, cuộc chiến thông tin trên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang. Tôi đã gọi cho nhà báo Đà Trang - Trưởng đại diện Miền Bắc của báo Tuổi trẻ hỏi về độ xác thực của thông tin này. Nhà báo Đà Trang đã không thanh minh mà chỉ nói với tôi rằng: “Muốn biết sự thật phải lên tận nơi”. Câu nói ấy đã thôi thúc tôi, tôi cứ mong mỏi có một ngày được đến đó.
Nhà báo Hồng Chuyên. Ảnh: Thái Anh |
Thế rồi may mắn trong chuyến công tác ở Điện Biên Phủ, tôi và đồng nghiệp Thái Anh đã được Ban Biên tập cử đến bản làng này. Đặt chân đến Điện Biên, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình từ 6h sáng, nhờ sự giúp đỡ của Bưu điện tỉnh Điện Biên, chúng tôi đã tới Nậm Pồ. Cung đường thực sự đáng nhớ với những người làm báo bởi chặng đường quá vất vả và khó khăn. Chúng tôi đi ô tô trên chặng đường cua tay áo, vắt trên sườn núi, vô cùng nguy hiểm. Khi không thể đi ô tô được nữa, chúng tôi lại tiếp tục chặng đường bằng 3 chiếc xe máy trên đường đèo uốn lượn. Trong đó, có xe không chở người để đề phòng. Con đường độc đạo, không ngã ba, ngã bảy nhưng từ trung tâm Nà Hỳ, chúng tôi hỏi thăm đường vào bản thì chẳng có mấy người biết đến. Người dẫn đường tận tụy của chúng tôi nói rằng, anh ấy chưa từng đặt chân đến đó. Thực sự đã khiến tôi “sởn tóc gáy”. Hoang vu, vắng vẻ và chẳng có mấy nóc nhà, tạo cảm giác không có lối ra. Chứng kiến toàn cảnh khu vực trường học Sam Lang, tôi nghĩ báo Tuổi trẻ vẫn chưa thông tin được hết những nỗi vất vả, khó khăn và nghèo khổ ở đây. Tôi rùng mình và xúc động trước hình ảnh những người giáo viên vùng đất ấy, ngôi trường thấp lè tè, những đứa trẻ không có nổi đôi dép để đi học.
Trải qua một ngày dài mới vào tới bản, chúng tôi ghi nhận lại những điều mắt thấy tai nghe và quả thực càng thấm thía, thương cảm. Câu chuyện về “chui túi nilong qua suối” đã được sáng tỏ khi chúng tôi gặp những nhân chứng kể lại… tất cả những câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc cũng dễ dàng được giải đáp trong những loạt bài sau này của tôi.
Nhà báo không… nói láo
“Tôi chỉ làm được một điều là chứng thực được một sự kiện mà người khác đã làm. Chứng kiến sự kiện và khẳng định rằng, nhà báo không… nói láo”– Nhà báo Hồng Chuyên khẳng định.
Anh cho biết thêm: Đến đây mới biết rất nhiều điều, bản Sam Lang là một trong những bản vùng cao khó khăn nhất của xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Cả bản có 85 hộ dân với hơn 400 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 65%. Bản được chia thành 3 nhóm dân cư: Sam Lang 1; Sam Lang 2 và Sam Lang 3. Trong đó, 2 nhóm Sam Lang 1, Sam Lang 2 bị suối Nậm Pồ chia cắt tách biệt với Sam Lang 3 và trung tâm xã. Nhắc đến đường vào bản Sam Lang thì nhiều cán bộ xã Nà Hỳ cũng phải thốt lên từ “ngán”. Đoạn đường từ trung tâm xã Nà Hỳ vào bản dài 17km nhưng đi xe máy phải mất gần 2 tiếng đồng hồ. Bởi lẽ, xe máy phải vượt qua nhiều dốc cao vút và nhiều đoạn suối cắt ngang.
Đấy là mùa khô. Vào mùa mưa, bản Sam Lang như là một ốc đảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Con đường vào bản có độ dốc cao, trơn trượt nên không ai dám đi xe máy và nếu có đi bộ thì cũng rất khó khăn để vượt qua được dòng nước lũ của con suối Nậm Pồ. Vào mùa lũ, các cô giáo ở điểm trường “Tháng ba biên giới” bản Sam Lang, phải chui vào túi ni-lông buộc kín miệng rồi nhờ người biết bơi kéo qua suối đến trường... Cô giáo Tòng Thị Minh (người quay video clip chui túi nilong qua suối) kể rằng, các cô giáo chui vào những bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Những thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao “đựng” cô giáo và kéo các cô (lúc này nằm im trong túi nilông ấy) để bơi vượt qua suối. Một tay túm miệng bao, một tay sải nước bất chấp con suối mùa lũ đang băng băng chảy xiết. Quả thực, xem clip cô giáo chui qua túi nilon để đến trường dạy cho các em, nhiều người thót tim, thương cảm và cũng cảm phục những người thầy, người cô gian nan đưa chữ về bản. Nhưng quả thực chứng kiến và tận mắt tìm kiếm sự thật này càng thấy khâm phục và quý trọng tấm lòng của cô giáo trong clip nói riêng và những người thầy đang âm thầm vượt khó, ngày đêm gieo con chữ trên các bản làng xa xôi. Cái tâm nghề, đạo nghề của họ thực đáng để cả xã hội trân trọng…
Trước khi đặt chân đến đây, tôi chưa nghĩ đến việc báo Tuổi trẻ đưa sai hay đúng mà chỉ nghĩ rằng, làm nghề thì nên đi, nên tìm hiểu, nên phải làm sáng tỏ sự thật bằng cái nhìn khách quan nhất. Và tôi đã đúng khi chuyến đi ấy đã đem lại nhiều điều hơn tôi nghĩ. Tôi thấy rằng, độc giả bây giờ có trình độ, khó tính hơn. Họ có quyền nghi ngờ bất cứ điều gì mà báo chí viết. Báo chí cũng không có quyền áp đặt niềm tin ấy…Trong sự kiện này, tôi nghĩ rằng, việc xác minh cũng như thẩm định lại nguồn tin thực sự đã đem lại hiệu quả cao, góp phần tạo được niềm tin của công chúng với báo chí. Tôi hạnh phúc vì điều đó… - Nhà báo Hồng Chuyên khẳng định.
Hà Vân (Ghi)
Nguồn: congluan.vn