Thú vị xem trình diễn nghệ thuật trực tuyến tại Ngày KH&CN
(ICTPress) - Tại Lễ công bố Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam 18/5 được Bộ KH&CN tổ chức 18/5 tại Hà Nội, đông đảo đại biểu và khách mời tham dự đã nhận được một sự thú vị.
Đó là tham dự buổi “Trình diễn nghệ thuật trực tuyến trên mạng VinaREN/TEIN 4”, chào mừng Ngày KH&CN lần đầu tiên được tổ chức. Buổi trình diễn nghệ thuật trên mạng (Cyber Performance) là sự hợp tác giữa Việt Nam cùng các đối tác Malaysia, Hàn Quốc là thành viên Mạng tiên tiến châu Á - Thái Bình Dương (APAN) và mạng Thông tin Á - Âu (TEIN).
Khán giả tại chỗ hoặc từ xa thuộc các mạng nghiên cứu đào tạo trên thế giới có thể thưởng thức buổi trình diễn nghệ thuật này qua mạng nghiên cứu đào tạo Việt Nam (VinaREN) kết nối với mạng thông tin Á - Âu (TEIN4) và các liên mạng khác như APAN, Internet2, GEANT, Transpac 2, RED clara…
Buổi trình diễn gồm hai phần nội dung chính: Phần 1: gồm 3 tiết mục biểu diễn do các nghệ sĩ Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc lần lượt gửi tới người xem.
Trong phần này, người xem được thưởng thức bản hóa tấu “Việt Nam quê hương tôi” do các nghệ sĩ của nhóm nhạc dân tộc Âu Cơ – Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam trình diễn.
Kế tiếp là tiết mục múa dân tộc Malaysia Datun Julud do các nghệ sỹ của trường Đại học Malaya trình diễn. Datun Julud hoặc Hombill Dan là một điệu nhảy truyền thống từ Sarawak, được thực hiện để chào đón chiến binh trở về, cũng như để đánh dấu sự kết thúc của mùa thu hoạch lúa. Các nghệ sỹ múa quay KIRIP sang bên trái và bên phải. Điệu múa được thực hiện nhờ âm thanh từ một loại nhạc cụ cổ truyền có tên là Sape.
Cuối cùng, kết thúc phần 1 là một tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Hàn Quốc do các nghệ sỹ Hàn Quốc trình diễn. Biểu diễn nghệ thuật trực tuyến âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có tên là Dae-su San-jo. Đây là một bản hòa tấu theo phong cách tự do bởi hai thiết bị âm nhạc là sáo tre và trống Hàn Quốc. Dae-geum là một cây sáo tre có âm thanh rất rõ ràng với âm rung. Jang-gu là trống hai mặt có thể chơi với hai bàn tay, trái và phải. Các nghệ sỹ biểu diễn đến từ Học viện Âm nhạc Daejeon Yeonjeong.
Trong phần 2 của buổi trình diễn, người xem được chứng kiến các nghệ sĩ Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc cùng nhau trình diễn một tiết mục chung.
Trong tiết mục này, các nghệ sĩ Việt Nam chơi bản nhạc “Khát vọng mùa Xuân” của nhà soạn nhạc Mozart, một tác phẩm nổi bật của Mozart viết về mùa xuân, tình yêu, tuổi trẻ cho dàn nhạc giao hưởng, opera, còn các nghệ sĩ Malaysia và Hàn Quốc múa dựa trên nền nhạc mà Việt Nam đánh. Điểm đặc biệt của tiết mục này là ở chỗ các nghệ sĩ của Việt Nam đệm đàn cho các nghệ sĩ múa của Hàn Quốc và Malaysia và nhờ công nghệ các điệu múa các nghệ sĩ múa được thể hiện dưới hình ảnh 3D dạng vector, được tổ hợp cùng với hình ảnh của các nghệ sĩ Việt Nam đánh đàn ở đầu cầu Việt Nam, được hiển thị ở màn hình lớn phía dưới.
TS. Nguyễn Hồng Vân và nhóm kỹ thuật phía sau hậu trường |
Để thực hiện mục tiêu này, trong buổi trình diễn nghệ thuật trên mạng, các đơn vị tham gia sẽ sử dụng các công cụ phần cứng, phần mềm liên quan đến CNTT và truyền thông để kết hợp giữa phần biểu diễn trực tiếp của các nghệ sĩ với các hiệu ứng công nghệ nhằm tạo nên một tiết mục hợp nhất hiển thị trên màn hình tại các điểm trình chiếu và được truyền trực tiếp trên mạng tới mọi người xem tại các mạng nghiên cứu đào tạo trên thế giới.
Giám đốc mạng VinaREN Việt Nam, TS. Nguyễn Hồng Vân cho biết để có được 30 phút trình diễn thú vị này Trung tâm đã phải trao đổi gần 3 tháng với các đầu cầu. Trình diễn nghệ thuật trên mạng năm nay có sự thay đổi là hình ảnh 3D dạng vector của chuyển động múa hiển thị ngay cùng với các nghệ sĩ biểu diễn đàn ở màn hình dưới người xem có thể thưởng thức tiết mục trình diễn toàn diện.
Buổi trình diễn còn nhận được sự tài trợ quý báu của Liên minh châu Âu (EC), Mạng thông tin Á - Âu, hỗ trợ đường truyền của Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN).
Nguyễn Dung - Minh Anh