Thúc đẩy phát triển điện toán đám mây và các ứng dụng trên mạng thông tin Á - Âu TEIN4

(ICTPress) - “Thúc đẩy phát triển điện toán đám mây và các ứng dụng trên mạng TEIN4” là chủ đề của hội thảo quốc tế nhằm triển khai các ứng dụng mạng tiên tiến phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia phối hợp với Mạng Thông tin Á - Âu (TEIN4) và Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Thái Lan (ThaiREN) tổ chức từ ngày 6 đến 7 tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội.

Hội thảo đã thu hút hàng trăm đại biểu tham dự từ xa qua truyền hình trực tuyến và hơn 40 đại biểu tham dự trực tiếp đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các trung tâm vận hành mạng nghiên cứu và đào tạo quốc gia của các nước thành viên mạng TEIN4. Hội thảo cũng là dịp để ra mắt Trung tâm Điều phối TEIN4 mới được thành lập nhằm phối hợp và điều hành các hoạt động của TEIN4 trong thời gian tới.

TEIN4 là mạng trục tốc độ cao kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học tại các châu lục khác nhau. Đây là nơi tốt nhất để triển khai các dịch vụ đám mây định hướng nghiên cứu. Theo ông Patch Lee - Giám đốc kỹ thuật của Trung tâm Điều phối TEIN4: với mô hình tham gia cộng đồng, một số tổ chức nghiên cứu có thể tham gia việc xây dựng và duy trì các dịch vụ đám mây và những ứng dụng trên mạng TEIN4. TEIN4 là mạng tốc độ cao liên lục địa, liên kết mạng của các tổ chức nghiên cứu, do vậy nó có thể đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của các dịch vụ điện toán đám mây và các ứng dụng.

Giới thiệu TEIN 4

Với vai trò là một thành viên của TEIN4, trong thời gian qua mạng VinaREN đã phát triển lớn mạnh và là siêu hạ tầng thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây và ứng dụng cho cộng đồng nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. VinaREN là mạng nghiên cứu đào tạo Việt Nam do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia quản lý vận hành. Tiến sĩ Tạ Bá Hưng - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia - cho biết: VinaREN hiện là thành viên của Mạng tiên tiến châu Á - Thái Bình Dương (APAN) và Mạng thông tin Á - Âu giai đoạn 4 (TEIN4). Quy mô của VinaREN đã vươn tới hầu hết các trung tâm nghiên cứu và đào tạo quan trọng của đât nước. Hiện tại VinaREN kết nối trên 60 mạng thành viên thuộc phạm vi 11 tỉnh/thành phố lớn trong cả nước, đồng thời kết nối với 50 triệu người dùng thuộc hơn 8000 trung tâm nghiên cứu và đào tạo trên thế giới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ những thành tựu nghiên cứu và phát triển mới nhất và kinh nghiệm trong việc triển khai điện toán đám mây và các ứng dụng mạng tiên tiến khác. Nội dung hội thảo bao quát nhiều vấn đề chủ yếu trong triển khai điện toán đám mây như: Các mô hình dịch vụ (SaaS/PaaS/laaS); Bảo mật thông tin/thông tin cá nhân/sự toàn vẹn thông tin và các dịch vụ ứng dụng của điện toán đám mây; Mô hình kinh doanh điện toán đám mây; Các chiến lược và chính sách về điện toán đám mây; Các biện pháp, khung hành động và phương pháp luận để thẩm định hiệu năng của các đám mây; Các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân, các tiêu chuẩn, khả năng tương tác, độ trễ, hiệu suất và độ tin cậy v.v… trong điện toán đám mây. Các đại biểu cũng đã thảo luận về khả năng triển khai các ứng dụng, tạo ra đám mây hàn lâm phối hợp giữa các nước thành viên trên nền tảng mạng TEIN4.

Điện toán đám mây là sự tiến hóa tự nhiên của điện toán lưới và việc ứng dụng rộng rãi ảo hóa phần cứng và phần mềm và cấu trúc định hướng dịch vụ (SOA). Mục tiêu của Điện toán đám mây là chia sẻ các tài nguyên giữa những người sử dụng dịch vụ, các đối tác và các nhà cung cấp điện toán đám mây trong chuỗi giá trị điện toán đám mây. Điện toán đám mây đã trở thành nền tảng phân phối các dịch vụ trong lĩnh vực dịch vụ điện toán. Các đám mây bao gồm các tài nguyên (ví dụ như phần cứng/ phần mềm ảo) có thể được khai thác qua hình thức trả tiền cho mỗi lần sử dụng. Thành phần cơ bản của điện toán đám mây bao gồm các công nghệ chính sau: Ảo hóa, điện toán lưới, cấu trúc định hướng dịch vụ, tính toán phân tán, các mạng băng thông rộng, trình duyệt như là nền tảng, phần mềm mã nguồn tự do và mở và các công nghệ khác như các hệ thống tự động hóa, web 2.0, khung ứng dụng web và thỏa thuận mức cung cấp dịch vụ. Do vậy, chúng ta có thể nói rằng điện toán đám mây là bước tự nhiên tiếp theo của việc tích hợp các công nghệ và các ứng dụng khác nhau.  

Hội thảo đã đề cập tới những vấn đề rộng lớn trong điện toán đám mây và các ứng dụng trên mạng TEIN4, mục tiêu là tập hợp các nhà nghiên cứu và phát triển các ứng dụng lại để trao đổi ý kiến, trình bày và thảo luận những thành tựu mới nhất và những bài học kinh nghiệm giải quyết những thách thức liên quan đến điện toán đám mây, bàn về việc hợp tác giữa các NREN để xây dựng đám mây hàn lâm và phát triển những ứng dụng trong mạng TEIN4. Hội thảo đã góp một phần quan trọng thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng mạng tiên tiến phục vụ nghiên cứu và đào tạo.

QM

Tin nổi bật